Điệp viên Đức “bắt cá hai tay”

Thứ Ba, 24/11/2015, 22:00
Ngày 16/11 vừa qua, Tòa án Liên bang Đức tại thành phố Munich đã mở phiên tòa xét xử vụ án gián điệp có thể coi là lớn nhất trong lịch sử nước Đức sau Chiến tranh thế giới lần II để xét xử cựu điệp viên mang bí danh “Markus R” của Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND) về tội bán tài liệu mật cho các cơ quan tình báo nước ngoài. Vụ án đã tiết lộ nhiều bí mật đáng ngạc nhiên trong hoạt động "bắt cá hai tay" của Markus R.

Bán 200 tài liệu mật cho CIA

Markus R, 32 tuổi, bị Cơ quan An ninh Đức bắt giữ vào đúng dịp Quốc khánh nước Mỹ 4/7/2014, với cáo buộc "phản quốc". Từ đó, Cơ quan An ninh Đức đã tiến hành điều tra những nghi vấn về hoạt động gián điệp của Markus R nhằm mở rộng đối tượng, lần ra manh mối những kẻ liên quan. Đến ngày 11/8/2015, sau hơn một năm điều tra, phiên tòa đã được mở và chính thức tuyên buộc Markus R tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và tham nhũng" - tội danh có thể khiến Markus R lãnh mức án tù chung thân.

Tòa đại sứ Mỹ tại Áo, nơi các điệp viên CIA liên hệ với Markus R.

Theo cáo trạng của phiên tòa ngày 16/11/2015, Markus R, tên sử dụng tại nơi làm việc là Markus L, sinh ra và lớn lên tại Chemnitz, bang Saxony thuộc CHDC Đức, có cha là thợ làm ổ khóa và mẹ làm công nhân một xí nghiệp cơ khí chính xác. Markus R có năng khiếu toán học và đam mê máy tính, nhưng anh ta chưa bao giờ tốt nghiệp trung học cũng chẳng học đại học nào cả. Markus R bắt đầu làm việc cho Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức BND từ năm 2007, và không lâu sau đó bắt đầu cộng tác với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Trong giai đoạn từ tháng 5/2008 cho đến khi bị bắt, Markus R làm việc tại tổng hành dinh của BND đóng tại thành phố Pullack, miền Nam Đức. Bộ phận làm việc của Markus R phụ trách công tác bảo vệ các binh sĩ Đức phục vụ ở nước ngoài, cho nên anh ta có điều kiện được tiếp cận các tài liệu nhạy cảm.

Theo giới chức tình báo Mỹ và Đức, bắt đầu từ năm 2012, Markus R đã chủ động dùng e-mail liên hệ với các điệp viên CIA hoạt động bên trong Đại sứ quán Mỹ tại Vienna, Áo, và đưa ra lời đề nghị hợp tác cung cấp tài liệu mật. Ngay sau khi nhận được e-mail đề nghị hợp tác của Markus R, các điệp viên CIA tại Áo đã trả lời anh ta và hẹn sẽ tiếp tục liên lạc. Hầu hết các lần liên lạc đó được thực hiện qua e-mail, ngoài ra cũng có những cuộc hẹn gặp trực tiếp. Markus R khai tổng cộng đã 3 lần gặp trực tiếp các điệp viên CIA ở Áo. Khi hợp tác với CIA, Markus R mang một mật danh khác là “Uwe”.

Chi tiết cuộc điều tra cho thấy, điệp viên đa mang Markus R đã tuồn cho CIA 218 tài liệu bí mật nhà nước của Đức từ năm 2008 đến 2014 để nhận lại số tiền thù lao tương đương 102.000USD. Theo cáo trạng, Markus R nhận tiền từ một người liên lạc tên là Craig, còn việc trao đổi thông tin thông qua một người khác tên là Alex. Địa điểm hẹn gặp để trao đổi tài liệu và tiền bạc là thành phố Salzburg và một số thành phố khác của nước Áo.

Markus R tại tòa án hôm 16/11 vừa qua.

Markus R cung cấp cho CIA các chi tiết về cơ cấu tổ chức của BND, các hoạt động chủ yếu, các tính toán và sự hợp tác của BND với các cơ quan tình báo nước ngoài. Chưa hết, Markus R còn cung cấp cho CIA những thông tin bí mật về một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Đức được thành lập sau vụ việc Edward Snowden tiết lộ thông tin do thám của NSA để điều tra hoạt động do thám đại trà công dân Đức của NSA. Một thành viên của ủy ban này đã từng đến thăm Snowden tại Moscow. Patrick Sensburg, người đứng đầu ủy ban này cho biết các thành viên ủy ban luôn lo lắng mình có thể bị do thám.

Để tiện việc trao đổi thông tin, CIA đã cấp cho Markus R một máy tính cầm tay dạng notebook có cài đặt sẵn một chương trình e-mail để Markus R cập nhật thông tin hàng tuần cho tổ điệp viên CIA phụ trách liên lạc. Hầu hết các hoạt động hợp tác của Markus R với tổ điệp viên CIA tại Áo đều thông qua e-mail, nhưng Markus R khai nhận cũng có vài lần gặp trực tiếp. Khi được hỏi vì sao hợp tác với CIA, phản bội nước Đức, Markus R khai: "Tại BND, tôi có cảm tưởng rằng không ai tin tưởng tôi cả. Với CIA thì khác. Mọi người đều có thể tự chứng tỏ mình".

Bán thông tin cho Nga và bị bắt

Trong ngành tình báo, vấn đề lớn nhất khi có một điệp viên "tự bán mình cho giặc" là đơn vị chủ quản không thể biết được anh ta "bán mình" cho bao nhiêu "giặc". Trường hợp của Markus R, anh ta không chỉ bán mình cho CIA mà còn tìm cách bán mình cho cả Nga, và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc anh ta bị phát hiện và bị bắt. Theo Nhật báo Nam Đức (Suddeutsche Zeitung), Cơ quan Phản gián Đức lần đầu phát hiện hành vi phạm pháp của Markus R vào ngày 28/5/2014, khi anh ta cố gửi e-mail cho Lãnh sự quán Nga tại Munich đề nghị bán thông tin.

Tờ báo dẫn lời các quan chức Đức cho biết, kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập trở về lãnh thổ Nga dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa Nga với phương Tây, tình báo Nga đã tăng cường hoạt động tại Đức, cũng như tại một số quốc gia khác ở châu Âu. Mục đích của việc tăng cường hoạt động này là tìm kiếm thông tin về các bước đi tiếp theo của Berlin trong vấn đề Ukraine. Trong bối cảnh đó, Markus R đánh hơi được khả năng "làm ăn" với đối tác Nga. Nhưng Markus R không hề biết rằng cũng chính vì tình báo Nga đã tăng cường hoạt động tại Đức mà Cơ quan Phản gián Đức cũng tăng cường hoạt động hơn trước.

Cũng như với CIA, Markus R đã chủ động liên hệ qua e-mail với tình báo Nga để chào bán tài liệu bí mật quốc gia Đức. Vì nôn nóng muốn mau chóng được hợp tác với tình báo Nga nên Markus R đã chào hàng ngay trong lần giao tiếp đầu tiên qua e-mail bằng cách gửi 3 tài liệu mật cho Lãnh sự quán Nga. Markus R đã sử dụng một địa chỉ e-mail mà anh ta vô tình có được từ một quan chức làm việc ở Bộ Quốc phòng Đức - cũng là một điệp viên nội gián của Nga. Tuy nhiên, anh ta đã sớm bị phát hiện. Trong lúc thực hiện công tác do thám trên hệ thống viễn thông, Internet, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ hiến pháp (BfV), cơ quan phản gián hàng đầu của Đức, đã chặn được e-mail đầu tiên của Markus R gửi cho Lãnh sự quán Nga. Sau đó, BND vào cuộc, phối hợp cùng Văn phòng Công tố liên bang Đức và Cục Cảnh sát Hình sự liên bang theo dõi Markus R.

Các nhân viên của BfV đã bẻ khóa đột nhập hộp thư Lãnh sự quán Nga tại Munich, giả làm người của Nga phản hồi e-mail của Markus R để gài bẫy anh ta. Khi phát hiện được hành vi nội gián của Markus R, BND lập tức báo với các đồng nghiệp Mỹ rằng họ đã xác định được một kẻ tình nghi làm gián điệp cho Nga, mà không hề hay biết rằng anh ta đồng thời cũng là điệp viên nội gián của Mỹ. Chỉ trong vòng 24 giờ, cái địa chỉ e-mail mà Markus R sử dụng để liên lạc với Lãnh sự quán Nga đột nhiên biến mất. Cho đến lúc này thì tình báo Đức mới biết mình đã bị hố nặng, kẻ bị tình nghi không chỉ làm gián điệp cho Nga mà cho cả Mỹ - hai cường quốc đang đối đầu nhau trong vấn đề Ukraine. Markus R bị tạm giữ ngày 2/7 và bị bắt giam, truy tố vào ngày 4/7/2014.

Không chỉ có Markus R

Vụ bắt giữ Markus R từng gây xôn xao dư luận nước Đức và thế giới về mức độ tình báo Mỹ do thám, xâm nhập vào bên trong nước Đức - vốn là một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu.

Leonid K.

Vụ việc đã khiến cho quan hệ Mỹ và Đức - vốn đã lạnh nhạt kể từ khi cựu điệp viên NSA Edward Snowden tiết lộ về chương trình nghe lén điện thoại các lãnh đạo nước Đức, trong đó có cả Thủ tướng Angela Merkel - càng trở nên lạnh nhạt hơn trong một thời gian dài, cho đến nay vẫn chưa thể bình thường trở lại. Vài giờ sau khi vụ bắt giữ xảy ra, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Berlin John Emerson đến để trao đổi và yêu cầu một sự "giải thích nhanh" về vụ việc. Đại sứ Emerson bối rối vì tối hôm đó ông phải chiêu đãi khoảng 2.500 khách nhân dịp Quốc khánh nước Mỹ. Khoảng 10 ngày sau đó, ngày 13/1, trưởng trạm CIA tại Mỹ đã bị Chính phủ Đức trục xuất ra khỏi nước Đức.

Một tuần sau khi Markus R bị bắt, ngày 9/7/2014, Tổng Công tố Đức thông báo: Ngoài Markus R, cơ quan công tố cũng đang điều tra người thứ hai tiếp tay giúp Markus R thực hiện trót lọt việc thu thập thông tin bí mật nội bộ để cung cấp cho CIA. Đó là một quan chức làm việc tại Bộ Quốc phòng Đức, mang mật danh Leonid K, 38 tuổi. Cơ quan Công tố đã tiến hành khám xét nơi ở của Leonid K tại khu phức hợp dân cư Bendlerblock ở Berlin, cũng như căn hộ của anh ta ở thành phố Potsdam, và văn phòng làm việc của anh ta tại Bộ Quốc phòng. Khi khám xét nơi làm việc của anh ta ở Bộ Quốc phòng, các nhà điều tra đã thu giữ máy tính của Leonid K, trong đó chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động gián điệp.

Theo truyền thông Đức, Leonid K là một nghi can trong một cuộc điều tra của Cục Cảnh sát Hình sự Đức (BKA) từ đầu năm 2014, và BKA đã yêu cầu BND cung cấp thông tin điều tra về anh ta. Trước đó, Leonid K đã từng vài lần bị phản gián Đức theo dõi. Năm 2010, khi còn làm cố vấn chính trị cho Chỉ huy quân Đức trong lực lượng đa quốc gia tại Kosovo (KFOR), Leonid K từng bị một kẻ nặc danh tố giác là điệp viên nội gián của Nga. Rồi khi BfV và Cục Phản gián quân sự (MAD) của Bộ Quốc phòng theo dõi, điều tra về một chỉ huy cấp cao trong lực lượng dự bị, họ cũng đã từng vô tình phát hiện một liên lạc khả nghi khác của Leonid.

Trên thực tế, Leonid K có mối quan hệ với một người Mỹ ở Kosovo, và người này được Chính phủ Mỹ biệt phái đến vùng Balkan để lo việc thiết lập mạng lưới tình báo tại đây. Do đó, Cơ quan Phản gián Đức nghi ngờ người Mỹ này là liên lạc viên của Leonid K. Trên thực tế, Leonid K cũng đã vài lần bay sang Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để gặp người Mỹ này. Các nhà điều tra quyết định nghe lén điện thoại của Leonid K. Tuy nhiên, trước khi Cơ quan Phản gián Đức kịp phát hiện ra điều họ cần tìm, Markus R đã mật báo cho Lãnh sự quán Nga ở Munich biết việc Leonid bị điều tra.

Vụ việc liên quan đến Leonid K đã khiến cho vụ án gián điệp của Markus R trở nên đặc biệt nghiêm trọng vì nó liên quan đến cơ quan sức mạnh, bảo vệ an ninh quốc phòng nước Đức. Hơn thế, nó còn cho thấy người Mỹ đã cài cắm gián điệp vào nội bộ nước Đức nhiều như thế nào. Khi cơ quan chức năng Đức yêu cầu phối hợp điều tra, người Mỹ đã tìm cách thoái thác, không chính thức thừa nhận việc mình đã cài điệp viên tại Đức.

An Tôn (tổng hợp)
.
.