Điệp viên Đức kỳ cựu đứng đầu cơ quan tình báo IntCen của EU

Thứ Tư, 27/04/2016, 13:35
Ông Gerhard Konrad, 62 tuổi, điệp viên kỳ cựu của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Đức (BND) vừa được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm Phân tích, Xử lý tình huống và Chia sẻ thông tin tình báo trong cộng đồng EU (IntCen) thay thế ông Ilkka Salmi, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Phần Lan (SUPO) hết nhiệm kỳ 5 năm đứng đầu IntCen.

Vốn thông thạo tiếng Arập và có học vị Tiến sĩ ngành Hồi giáo học, ngay từ hồi trẻ ông G. Konrad đã là một chuyên gia hàng đầu về khu vực Trung Đông của BND, rồi lần lượt đảm nhiệm chức vụ Trưởng chi nhánh BND tại các Đại sứ quán CHLB Đức ở Beirut (Lebanon), Jerusalem (Israel) và Damascus (Syria).

Điệp viên huyền thoại G. Konrad (trái) được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp đón trọng thị bày tỏ sự biết ơn.

Với cộng đồng tình báo quốc tế, ông G. Konrad nổi danh qua biệt hiệu là "Ngài Hezbollah", bởi đã trực tiếp bí mật đàm phán và thành công trong nhiều vụ trao đổi tù binh, con tin, cũng như trao trả hài cốt giữa Israel với tổ chức vũ trang Hồi giáo Hezbollah trong giai đoạn từ năm 2006 - 2008. G. Konrad cũng từng được các Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và Ban Ki-Moon tuyệt đối tin tưởng, cử làm Đại diện đặc biệt trong vai trò trung gian hòa giải tham gia các cuộc đàm phán vì lý do nhân đạo ở Trung Đông.

Tháng 10-2011, khi G. Konrad tiến hành đàm phán thành công, giúp giải thoát Hạ sĩ Gilad Shalit của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bị tổ chức Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas) của người Palestine bắt giữ làm tù binh hơn 5 năm trước.

Đổi lại, phía Israel phải phóng thích 1.027 tù nhân chủ yếu là người Palestine đang bị giam giữ, trong đó có 280 người bị kết án chung thân vì liên quan đến cái chết của 569 công dân Israel. Vụ trao đổi với số người được thả chưa từng có này đã đi vào lịch sử, trở thành sự kiện nhân đạo hy hữu trong quá trình gần nửa thế kỷ xung đột triền miên tại lò lửa Trung Đông.

Điều đặc biệt là do xuất phát từ các nguyên nhân chính trị và pháp lý, nên điệp viên kỳ cựu G. Conrad không thể nhân chính ngôn thuận đàm phán với Hamas như là người đại diện của BND được, bởi Hamas bị EU liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.

G. Konrad chỉ còn cách bí mật tiếp cận, tham gia các cuộc thương thuyết với vai trò chủ chốt trong thành phần của phái đoàn đàm phán Ai Cập. Sau vụ trao đổi tù binh kỷ lục này, "người hùng" G. Konrad đã được Chính phủ Israel cũng như Chính phủ Đức trao tặng những phần thưởng cao quý nhất.

Quang Long (theo The Daily elegraph)
.
.