Điệp viên nổi tiếng thời Chiến tranh lạnh bị một chú bé giao báo phát giác

Thứ Tư, 20/01/2016, 11:25
Trong giáo trình của bất cứ cơ sở đào tạo nhân viên tình báo nào trên thế giới, đều đề cập đến trường hợp của Đại tá an ninh Xôviết Rudolf Abel (1903-1971), bị lộ khi đang hoạt động trên đất Mỹ do chủ quan sơ suất không đáng có, khiến ông lĩnh án tù rồi được phóng thích qua vụ trao trả điệp viên “đắt giá” nhất ở thời Chiến tranh lạnh.


Doanh nhân Jimmy Bozart, 75 tuổi, hiện đang cư ngụ tại New York (Mỹ), chính là người tình cờ phát hiện ra chân tướng của điệp viên kỳ cựu R. Abel hơn 60 năm trước khi mới 13 tuổi, được lưu danh trong kỷ yếu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) như là “Cộng tác viên trẻ tuổi nhất đã khám phá một vụ scandal gián điệp quan trọng”.

“Chú bé” giao báo J. Bozart hiện nay.

Đầu những năm 50 thế kỷ trước, cha của Jimmy Bozart vốn là nhân viên đường sắt nghỉ hưu sở hữu một quầy bán báo lẻ ở khu trung tâm New York, thường nhận đưa báo hàng ngày đến tận nhà cho khách hàng. Do học vào buổi chiều nên mỗi sáng chú bé Jimmy giúp cha đi giao báo. Trong số khách hàng đặt báo thường kỳ có 2 giáo viên ngụ trên tầng 6, nhà số 3403 phố Foster thuộc khu phố Flatbush ở quận Brooklyn là “sộp” hơn cả, bởi không chỉ thanh toán tiền hàng tuần theo giá bìa mỗi tờ là 35 xu cent (1 USD = 100 cents), mà họ còn hào phóng trả tới 50 cent/tờ khiến cậu bé Jimmy được cha cho hưởng khoản “hoa hồng” này để chi dùng riêng.

Đột nhiên vào khoảng cuối tháng 4-1953, các vị chủ nhà vắng mặt không rõ lý do suốt 7 tuần liền. Chú bé đưa báo Jimmy theo lời cha cố gặng hỏi, nhưng ngay cả người cho thuê nhà cũng không biết nguyên nhân tuy rằng hợp đồng thuê căn hộ tầng 6 đang còn thời hạn. Để giữ uy tín với khách hàng, cha con nhà Bozart vẫn đều đặn đem tờ Brooklyn Eagle là nhật báo có lượng phát hành lớn nhất ở Mỹ khi ấy tới cho người đặt. Gần 2 tháng sau, chính xác là vào ngày 22-6-1953 căn hộ bỗng sáng đèn.

Jimmy liền bấm chuông và một khách trọ ra mở cửa, đồng thời đưa cho cậu bé một vốc gồm 50 đồng xu mệnh giá 50 cent trả tiền đặt báo trong 7 tuần qua, nghĩa là Jimmy được “bo” thêm nửa USD nữa là khoản không nhỏ đối với một học sinh lớp 6 chưa làm ra tiền. Khi ra về chú bé đưa báo vừa bước xuống cầu thang vừa cẩn trọng kiểm lại số tiền mới nhận, bỗng dưng bị vấp ngã khiến lượng xu trên tay văng tung tóe. Jimmy liền nhanh chóng gom nhặt lại nhưng chỉ được 45 đồng xu kẽm, còn 5 đồng nữa lăn đi xa mãi sau mới tìm thấy. Đặc biệt trong đó có một đồng 50 cent bị tách làm 2 mảnh, ở giữa hiện diện miếng nhựa nhỏ xíu không biết để làm gì...

Đồng xu 50 cent 2 mảnh chứa tài liệu gián điệp.

Jimmy trở về căn hộ nhỏ sống cùng cha trên phố 43, lấy chiếc kính lúp có độ phóng đại cao vốn là dụng cụ văn phòng của nhân viên đường sắt, soi mẩu nhựa qua ánh đèn bàn thấy hiện lên một loạt các dãy số bí ẩn. Người cha phỏng đoán dãy chữ số này có thể thuộc một dạng mật mã nào đó, nhưng vẫn khuyên con trai không nên để tâm vào “chuyện vặt” ấy làm gì. “Con cứ lắp lại y như cũ, rồi tiêu đồng xu đó như không biết có gì bên trong”, cha Jimmy dặn con trước lúc đi ngủ để kịp mai dọn hàng sớm.

Hôm sau tới trường, Jimmy Bozart đã kể câu chuyện đồng xu 2 mảnh cho cô bạn gái Lisieux cùng lớp nghe. Cô bạn Lisieux có cha là thám tử tư biết chuyện đã báo vụ việc cho Văn phòng FBI ở New York. Các nhân viên đặc vụ đã tới gặp cha con nhà Jimmy, đề nghị chú bé đưa báo cho mượn đồng xu đặc biệt về nghiên cứu...

Suốt 4 năm kế tiếp FBI đã mở chuyên án mang biệt danh “Hollow Nickel Case” (Vụ đồng xu kẽm rỗng ruột), âm thầm theo dõi mọi động tĩnh của cặp gián điệp Xôviết đội lốt 2 nhà giáo ở căn hộ nêu trên. Kết quả sáng ngày 21-6-1957, FBI tiến hành bắt giữ ông Rudalf. Abel với danh tính thật là Willie Genrikhovich Fisher, sĩ quan cao cấp trong biên chế Tổng cục I (Tổng cục Đối ngoại) thuộc Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB), là điệp viên phụ trách cơ yếu trong mạng lưới hoạt động của tình báo Liên Xô trên đất Mỹ.

Chứng minh thư sĩ quan KGB của điệp viên R. Abel.

Tháng 8 cùng năm, R. Abel bị Tòa án Liên bang tại New York kết án 45 năm tù về tội làm gián điệp, thụ án ở nhà tù Liên bang Penitentiary ngoại vi thành phố Atlanta (tiểu bang Georgia). Trong quá trình xử án cậu bé đưa báo Jimmy Bozart đã có mặt trước tòa với vai trò nhân chứng

Sau hơn 4 năm bị giam giữ, đến ngày 10-2-1962 tại cây cầu Glienicke tiếp giáp giữa Đông và Tây Berlin ở Đức, Đại tá an ninh Xôviết W. Fisher đã được trao đổi với Đại úy phi công Mỹ Francis Gary Powers (1929-1977), người lái chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trờ Liên Xô vào tháng 5-1960, được giới chuyên viên phản gián đánh giá là vụ trao trả điệp viên “đắt giá” nhất trong thời Chiến tranh lạnh. Bộ phim “Bridge of Spies” (Cây cầu do thám) của đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Steven Spielberg, phát hành vào trung tuần tháng 10 vừa qua cũng xoay quanh các nhân vật liên quan đến vụ trao đổi điệp viên này, bao gồm cả chi tiết đồng xu 2 mảnh chứa tài liệu mật.

Mật mã vi phim bên trong đồng xu kẽm.

Về phần chú bé Jimmy Bozart bỗng nổi danh khắp nước Mỹ, được tất cả các tờ báo lớn đồng loạt nêu tên tuổi trên trang nhất sau khi vụ điệp viên R. Abel bị phát giác và đưa ra xử án công khai. Rồi một Mạnh Thường Quân người New York đã tặng JJimmy một chiếc xe hơi dạng bán tải giúp thuận tiện hơn trong việc giao báo, nhưng do chi phí để “nuôi xe” quá tốn kém nên đến năm 18 tuổi Jimmy đã bán đi lấy tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nhờ sở hữu nhiều cổ phiếu của Công ty khai mỏ Gulf Sulphur đang khai thác mỏ lưu huỳnh ở tiểu bang Texas, với giá trị cổ phiếu ngày càng tăng khiến Jimmy có thêm tiền đầu tư sang các lĩnh vực khác như bất động sản, du lịch, sản xuất thiết bị điện tử... và trở thành một doanh nhân thành đạt.

“Tuy có tài sản dư dả, nhưng điều duy nhất tôi cảm thấy thiếu thốn chính là đồng xu mệnh giá nhỏ thuở thiếu thời. Đã nhiều lần tôi gõ cửa các cơ quan hữu trách đòi lại đồng xu họ mượn hơn nửa thế kỷ trước, nhưng ai cũng lắc đầu vì nó đang được trưng bày tại Bảo tàng FBI ở thủ đô Washington D.C mất rồi”, ông J. Bozart giãi bày.

Giáo trình lịch sử các vụ án gián điệp cho thấy, rằng đa phần điệp viên bị phát giác vì đối phương đánh cắp được danh sách nhân viên tình báo, hoặc bị đồng nghiệp phản bội… Còn trường hợp như của Đại tá R. Abel là hết sức hy hữu, vì đã sơ suất coi thường trẻ con “không am hiểu gì về chính trị”. Sau khi được trao trả, Đại tá W. Fisher tham gia giảng dạy tại Học viện Tình báo Xôviết ở thủ đô Moscow. Ông mất vào tháng 11-1971 vì chứng ung thư phổi, thọ 68 tuổi.

Quang Long (tổng hợp)
.
.