Đội đặc nhiệm “săn” phát xít Đức của Anh (tiếp theo)

Thứ Ba, 01/12/2015, 17:20
Sau hai tháng ở Pháp với chiến dịch Loyton đẫm máu chống quân Đức ở Vosges (Pháp), Đại tá Brian Franks thuộc Đơn vị Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) trở thành một người hay lo nghĩ. Franks không thôi nghĩ về số phận 31 đồng đội đang mất tích chưa rõ sống chết ra sao. Liệu họ có được an toàn trong một trại tù binh chiến tranh nào đó? Hay họ đã bị quân Đức trả thù tàn bạo vì hoạt động của đội SAS?

KỲ CUỐI: PHỤC THÙ

Cuộc trả thù cá nhân liều lĩnh

Không được phê chuẩn chính thức, Franks vẫn lẳng lặng cử những nhân viên tình báo giỏi nhất trở lại Pháp để tìm hiểu thông tin về số phận đồng đội. Chỉ trong vòng vài ngày, họ đã biết được điều tồi tệ nhất. Ba thi thể được xác định là các thành viên SAS đã được tìm thấy. Họ là những người đầu tiên trong nhóm bị bắt vào mùa thu năm 1944 sau khi nhảy dù vào khu vực Vosges để làm gián đoạn các tuyến tiếp tế của Đức. Các nhân chứng Pháp kể lại rằng họ nhìn thấy lính SAS bị quân Đức giải đi rồi họ nghe thấy một tràng súng nổ. Rõ ràng là bọn chúng đã xử bắn họ.

Cuốn sách viết về SAS.

Một nhóm SAS gồm 3 người nữa bị bắt khi đang ẩn náu trong một chuồng gia súc và khu vực này bị nổ tung bởi lựu đạn. Số phận của những người khác dường như cũng bi đát không kém vì gần như chắc chắn họ đã rơi vào tay mật vụ Đức. Dù thế nào đi chăng nữa, nhiệm vụ còn lại tự đặt ra của những thành viên SAS còn sống sót là truy tìm thủ phạm đã giết đồng đội của họ?

Chiến dịch đặc biệt này do thiếu tá Bill Barkworth chỉ huy. Viên thiếu tá dũng cảm nhanh chóng nhận thấy họ có rất nhiều lực cản mà lại là từ chính phe nhà, từ nước Anh. Khi chiến tranh diệt phát xít Đức kết thúc, Liên Xô lại bị coi như là kẻ đối nghịch mới của nước Anh? Hơn nữa, trả thù những tên phát xít Đức giết đồng đội của mình sau khi chiến tranh đã kết thúc sẽ bị coi là phản tác dụng, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thời kỳ hậu Đức Quốc xã. Rõ ràng cái chết của mấy chục thành viên SAS tham gia chiến dịch Loyton dưới tay đế chế tàn độc của Hitler không thấm vào đâu so với cái chết của hàng triệu người dân tại những trại tị nạn Belsen hay Auschwitz. Về mặt lý, chiến tranh kết thúc là hết. Không cần phải nói hoặc làm gì cả một khi nó đã kết thúc.

Tuy nhiên, đại tá Franks không muốn để số phận của đồng đội mất tích rơi vào quên lãng. Ông lệnh cho Barkworth tiếp tục tìm hiểu tung tích đồng đội và truy lùng những kẻ đã giết các thành viên SAS trên đất Pháp. Chiến dịch này được Barkworth và cấp phó là trung sĩ Dusty Rhodes theo đuổi suốt 4 năm trời.

Họ nhanh chóng có kết quả đầu tiên khi thông qua mẫu răng và các dấu hiệu khác đã xác định được hài cốt của 4 binh sĩ SAS trong một ngôi mộ tập thể chôn tù nhân bị quân Đức giết trong một khu rừng. Đó là Andy Whately-Smith, Dennis Reynolds, Victor Gough và David Dill. Hai thi thể đã phân hủy vẫn còn đeo thẻ tên. Quân hàm của Dill được tìm thấy trong mộ cùng với dấu vết của vài mẩu sôcôla Anh.

Một đơn vị cận vệ của phát xít Đức.

Các nhân chứng kể với Barkworth về quá trình 4 binh sĩ bị đưa vào rừng, đứng bên cạnh một hố bom và bị bắn từng người một. Xác họ đổ vật xuống hố và tù nhân chiến tranh người Nga bị ra lệnh lấp đất cái hố chôn. Một linh mục trong trại tập trung cho biết tù nhân bị đối xử tàn tệ, bị treo lên bằng tay và bị đánh đến mức lòi cả xương ra.

Các điều tra viên SAS được biết trùm sò của những tên tra tấn tù nhân là Heinrich Neuschwanger - kẻ mà tù nhân đặt cho biệt danh là Stuke (tức là máy bay ném bom bổ nhào trong tiếng Đức). Hắn ta thường nhảy lên người tù nhân khi họ nằm trên sàn. Hắn ta cũng là kẻ bắn tù nhân trong rừng. Heinrich Neuschwanger là một trong những cái tên trong danh sách tội phạm mà Barkworth và nhóm 12 người quyết tâm tìm ra. Họ đã lái xe hàng nghìn kilômét khắp châu Âu, rà soát từng trại tù binh chiến tranh và tìm kiếm hàng chục địa chỉ trong 4 khu vực bị quân Đức chiếm đóng. Các mục tiêu thường bị thẩm vấn, đa số là các cuộc thẩm vấn lịch sự tại trụ sở ở biệt thự Degler tại Vosges.

Đích thân Barkworth bắt được Peter Straub, một nhân vật cấp cao của đội cận vệ Đức. Hắn là kẻ hành quyết tù nhân ở Natzweiler - trại tập trung duy nhất ở Pháp trong thời gian bị Đức chiếm đóng. Khi bị thẩm vấn, hắn thừa nhận đã treo cổ tù nhân ở khoảng cách gần mặt đất để họ từ từ nghẹt thở tới chết. Quá tức giận, Barkworth đã bắt hắn phải bò bằng tứ chi "như một con vật, vì mày không đáng được đứng bằng hai chân và nói chuyện với người".

Đột nhiên, chiến dịch trả thù của Barkworth gặp trở ngại khi Thủ tướng Anh Winston Churchill bị lật đổ năm 1945. Ông Churchill vốn là người hậu thuẫn mạnh nhất đối với SAS trong chính quyền Anh. Thủ tướng ngưỡng mộ thương hiệu SAS, hỗ trợ họ khi đối mặt với sự phản đối của quân đội vốn coi SAS là một đội quân tư nhân bất kham. Sau khi Thủ tướng Churchill bị lật đổ, những người bảo thủ trong quân đội đã nhân cơ hội giải tán SAS, đưa các thành viên trở về biên chế chính quy.

Franks phản đối quyết định này, nói rằng nhóm điều tra của SAS phải ở cạnh nhau nếu kẻ giết đồng đội của họ bị đưa ra pháp lý. Franks nói: "Tôi cảm thấy cá nhân mình phải chịu trách nhiệm với gia đình những người đã chết nhưng cũng phải chịu trách nhiệm với các thành viên SAS nữa".

Sau đó, nhóm điều tra của Franks vẫn tiếp tục công việc nhưng rút vào bí mật, ẩn danh trong nhóm điều tra tội ác chiến tranh của Văn phòng Chiến tranh, tìm mọi cách để có kinh phí cho chiến dịch và tránh sự soi mói của bên ngoài. Franks tin rằng SAS vẫn có vai trò lớn và cần được duy trì.

Nhóm điều tra vẫn còn 18 đồng đội để tìm kiếm. Họ đã vận dụng những biện pháp nghiệp vụ quen thuộc, lần theo các đầu mối và khuyến khích các nghi phạm khai tin về nhau. Họ đe dọa nhân chứng và sử dụng thủ đoạn khi cần thiết, thậm chí là bạo lực. Trong lúc tìm cách buộc một nghi phạm phải thú tội, họ đã đẩy người này vào đúng cái hố trong rừng nơi mà hắn ta đã bắn chết 4 thành viên SAS.

Có lần, họ còn dùng đến cả biện pháp tâm linh. Họ đặt một bảng gọi hồn Ouija (bàn cầu cơ) trên bàn trong căn phòng thắp đầy nến ở biệt thự Degler. Thẻ bài số được đặt ra cùng các chữ cái. Họ đặt một cái cốc úp ngược vào giữa. Chiếc cốc cho ra một cái tên "F-o-r-d-h-a-m", sau đó là câu "Tôi bị giết ở Cirey", một ngôi làng ở Vosges. Thông điệp tiết lộ rằng người này là một phi công của quân Đồng minh gặp nạn khi máy bay ném bom rơi xuống đất. Anh và một thành viên phi hành đoàn khác bị bắt và bị quân Đức bắt đào huyệt cho chính mình trước khi bị bắn.

Sáng hôm sau, nhóm của Barkworth đã tức tốc tới Cirey và được người dân chỉ đến chỗ một ngôi mộ không có bia. Khi đào lên, họ thấy hai thi thể. Bảng gọi hồn cũng giúp họ xác định người Đức đã bắn 2 phi công nói trên. Nhóm điều tra tìm tên người này trong hồ sơ tội phạm chiến tranh tình nghi và phát hiện ra một người đàn ông có cái tên đó trong mật vụ Đức. Hắn ta đã bị bắt.

Quá kinh hãi, Văn phòng Chiến tranh đã đe dọa đưa nhóm điều tra ra tòa án binh vì sử dụng biện pháp mê tín dị đoan. Tuy nhiên, Barkworth và nhóm đã thoát tội. Dù sao thì họ cũng đã khám phá được một tội ác chiến tranh cho dù nó không liên quan trực tiếp tới chiến dịch Loyton.

Về những thành viên SAS chưa tìm thấy, đã xuất hiện bằng chứng về 8 người bị quân Đức bắt khi họ kết thúc chiến dịch Loyton và tìm cách thoát thân. Một nhân chứng cho biết đã nhìn thấy họ bị lột trần truồng và bị bắn vào đầu. Tại khu vực mộ chôn, nhóm điều tra SAS tìm thấy cả 8 thi thể còn khá nguyên vẹn. Hộp sọ mỗi người đều có một viên đạn. Họ cũng phát hiện ra một vụ hành quyết 8 thành viên SAS khác với hình thức tương tự.

Cái kết không mong đợi

Trong báo cáo gửi cho Franks, Barkworth đã trình bày về 14 vụ liên quan tới tội ác chiến tranh với 30 nghi can. Một vấn đề lớn là người Mỹ đang giam giữ đa số nghi can này và không muốn giao cho người Anh. Nghi can đáng chú ý nhất là người mà Barkworth tìm ráo riết: đại tá Erich Isselhorst, Trưởng mật vụ Đức ở Vosges - người đã thực hiện một chiến dịch tàn bạo để tiêu diệt các thành viên SAS. Hắn ta đã đầu hàng người Mỹ, nói rằng những gì hắn làm chỉ là thực hiện mệnh lệnh và mặc cả: Người Mỹ bảo đảm tính mạng cho hắn, đổi lại hắn sẽ cung cấp thông tin mật về lực lượng chống Stalin ở Nga. Các quan chức tình báo Mỹ đồng ý trong bối cảnh Nga và Mỹ đang dấn thân vào cuộc Chiến tranh lạnh.

Hình ảnh lính SAS tuần tra ban đêm.

Tuy nhiên, Barkworth không nao núng. Đội của anh đã bắt cóc được Isselhorst trên phố ở trong khu vực của người Mỹ và đưa hắn về khu vực của mình. Người Mỹ giận dữ tìm mọi cách để giành lại Isselhorst nhưng không thành. Đội của Barkworth cũng tóm được Neuschwanger và giải hắn đến Vosges, buộc hắn phải nhìn xuống cái hố chôn nạn nhân của hắn. Hắn thừa nhận đã bắn họ nhưng nhất quyết không thừa nhận mình làm điều gì sai trái.

Còn một nghi can chủ chốt nữa mà Barkworth chưa có trong tay: Hans Ernst - cấp phó của Isselhorst và là tên đã giết chết ít nhất 16 thành viên SAS. Hắn được cho là đang trốn trong khu vực của người Nga. Nhóm điều tra quyết định lên kế hoạch bắt cóc Ernst cho dù nếu bị phát hiện quan hệ ngoại giao Nga - Anh sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhưng không rõ bằng cách nào, Ernst đã biến mất một cách bí ẩn.

Giữa năm 1946, gần một năm sau khi chiến dịch trả thù của Barkworth bắt đầu, một loạt phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh đã diễn ra ở Đức. Tuy nhiên, các phiên tòa không phải lúc nào cũng có kết quả như SAS mong muốn. Quá nhiều bị cáo được trắng án hoặc chỉ bị án tù nhẹ. Dù vậy, họ cũng được an ủi khi thủ phạm chính Isselhorst đã bị kết án tử hình. Neuschwanger cũng lĩnh án tử hình. Neuschwanger bị treo cổ một tháng sau đó, còn Isselhorst được giao cho người Pháp để xét xử vì tội ác chống nhân loại. Hai năm sau, Pháp gửi thông báo cho Anh nói rằng hắn đã bị xử bắn.

Câu chuyện về SAS có thể kết tại đây, nhưng sau này, tài liệu giải mật của Mỹ nói rằng Isselhorst không bị Pháp hành quyết mà bị người Mỹ đưa đi. Hắn không những sống sót mà còn trở thành một đặc vụ của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA)? 10 năm sau khi người ta tưởng hắn đã chết, tên tội phạm chiến tranh này lại nằm trong hồ sơ của CIA và đang sống ở Pháp - nước được cho là đã hành quyết hắn. 10 năm nữa trôi qua, hồ sơ của Isselhorst đã được sửa đổi với vài thông tin mới đáng chú ý: "Được thả nhờ phong trào của nhóm VECHTA. Thuộc về một tổ chức chống Nga nhưng có thể có liên hệ với Liên Xô". Còn Hans Ernst, theo tài liệu của CIA, hắn đã bị giam trong trại tù binh của Liên Xô và sau đó trở về Tây Đức, nhưng cuối cùng tên hắn nằm trong danh sách một trong những gián điệp của CIA.

Số phận của Isselhorst và Ernst phù hợp với bối cảnh lịch sử. Khi chiến tranh kết thúc, quân đội Mỹ được lệnh bắt mọi nghi can tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã nhưng có thể cân nhắc đến yếu tố tình báo. Một trường hợp là Reinhard von Gehlen, Giám đốc tình báo quân sự của Hitler ở Liên Xô. Người này cho biết sẽ nộp toàn bộ tài liệu của hắn khi còn là mật vụ ở Liên Xô nếu người Mỹ để hắn làm việc cho họ. Trong 20 năm sau đó, hắn là Trưởng cơ quan tình báo Mỹ ở Tây Đức, tận dụng nhiều cựu mật vụ và thành viên đội cận vệ của chế độ cũ.

Ernst chết trong những năm 1980 vì tuổi già. Isselhorst cũng qua đời nhưng không rõ lý do. Việc hai tên tội phạm chiến tranh này thoát tội là một sự xúc phạm với các thành viên SAS đã bị giết hại dã man cũng như với những người mạo hiểm tính mạng khi săn lùng chúng. Rõ ràng trong trường hợp này, dám làm không phải lúc nào cũng thắng.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.