Đức: Chiến dịch giải cứu điệp viên muốn bỏ nghề

Thứ Năm, 08/10/2015, 09:10
Ở Đức có những hoạt động hỗ trợ những người theo các nhóm tân phát xít hoặc Hồi giáo cực đoan thoát ra khỏi các tổ chức đó. Những điệp viên đang gặp khó khăn hay rắc rối, muốn rời khỏi các cơ quan tình báo mình đang phục vụ cũng cần được hỗ trợ giống như những người theo Hồi giáo cực đoan hay tân phát xít. Khi được "giải phóng", các điệp viên không được khuyến khích tiết lộ những thông tin bí mật của các tổ chức tình báo mà họ phục vụ.

Chiến dịch mới giải cứu điệp viên có tên gọi là Intelexit và địa chỉ Website là Intelexit.org chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/9, do nhóm vận động vì công bằng xã hội tên là Peng chủ trì. Tờ rơi quảng cáo của Intelexit.org ghi mục đích của chiến dịch là giúp đỡ những điệp viên hiện đang gặp chuyện lôi thôi hoặc chán ngán cơ quan tình báo mình đang phục vụ rời khỏi cơ quan để trở về cuộc sống đời thường, không còn dính líu đến ngành tình báo nữa.

Trụ sở Cơ quan tình báo GCHQ của Anh.

Ngoài tờ rơi, những người làm chiến dịch còn dựng các bảng quảng cáo ngoài trời ngay trước cổng Cơ quan Tình báo BND của Đức hay GCHQ của Anh với những câu khẩu hiệu kêu gọi một sự đối xử "bằng trái tim" của giới lãnh đạo tình báo đối với những điệp viên muốn rời khỏi ngành. Áp-phích cũng xuất hiện tại khu vực tổng hành dinh Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ở Fort Meade, hoặc căn cứ "Dagger Complex" của NSA ở Darmstadt, Đức.

Website Intelexit.org được xem là công cụ hỗ trợ hữu hiệu, có thể hỗ trợ các điệp viên tự tạo một "Đơn xin thôi việc" đã được tạo mẫu sẵn trên website theo kiểu "dịch vụ công trực tuyến", trong đó có những câu gợi ý nội dung, lý do xin nghỉ việc, người dùng chỉ việc điền vào chỗ trống những thông tin cá nhân của mình hoặc lý do cụ thể vì sao mình xin nghỉ. Chẳng hạn, "Cơ quan tình báo nơi tôi làm việc…." như thế nào thì điền vào, ví dụ "mất tinh thần đạo đức nghề nghiệp", hay "vi phạm các nguyên tắc về quyền tự do, dân chủ", "vi phạm hiến pháp",…

Một bảng quảng cáo ngoài trời di động của Intelexit.

Và những hộp thoại tùy chọn, chỉ cần bấm chuột vào. Cuối quy trình, website sẽ xuất ra một văn bản định dạng PDF để điệp viên in ra giấy và gửi cho người chủ quản lý mình. Trên trang web Intelexit.org cũng có đoạn phim video do một người thổi còi trong NSA tên là Thomas Drake tạo, trong đó ghi hình các cuộc phỏng vấn một chuyên gia tâm lý gốc Việt tên là Angelika Scheider và một cựu điệp viên STASI (CHDC Đức) tên Walter Eichner.

Ban lãnh đạo Intelexit.org tuyên bố trên website của họ rằng mục đích thật sự của chiến dịch là giúp đỡ những người là điệp viên hay các nhà phân tích tình báo làm việc cho các cơ quan tình báo không chỉ ở Đức, mà còn ở Anh, Mỹ và một số quốc gia khác khi những người này không còn muốn làm việc trong ngành tình báo nữa mà chỉ muốn trở về đời sống bình thường. Phát ngôn viên của Intelexit, một người mang mật danh là Liz, khẳng định, tuy thoạt nhìn có vẻ không nghiêm túc, do cách quảng cáo và tạo hình ảnh quảng bá trên áp-phích của Intelexit, nhưng chiến dịch là nghiêm túc, và tôn chỉ của tổ chức này là không nhằm mục đích khuyến khích các nhân viên tình báo rời bỏ các cơ quan tình báo mà chỉ nhằm tạo một diễn đàn, một nơi hỗ trợ dành cho những trường hợp thật cần thiết.

Phát ngôn viên Liz cho biết thêm, kể từ khi ra mắt vào hôm 28/9, Intelexit đã được một số người từ các cơ quan tình báo tiếp xúc và bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai liên hệ nhờ trợ giúp đều được nhận lời ngay. Những người cần trợ giúp phải chứng minh được tính chân thực của mình, phải bảo đảm mình thật sự là người đang gặp khó khăn, cần trợ giúp. Bà Liz cũng khẳng định, chiến dịch cũng không nhằm khuyến khích điệp viên tiết lộ những thông tin bí mật của các tổ chức tình báo - một khía cạnh nhạy cảm mà bất kỳ tổ chức tình báo nào trên thế giới, không riêng gì ở Đức, đều phải thận trọng, thậm chí quy thành "vùng nhạy cảm" phải bảo vệ nghiêm ngặt. Đây cũng là lý do chính khiến các điệp viên, nhân viên phân tích tình báo của các cơ quan tình báo luôn bị trở ngại khi xin nghỉ việc.

Ngoài việc cung cấp mẫu đơn xin nghỉ việc, Intelexit sẽ hỗ trợ bằng cách tư vấn pháp lý và tâm lý cho các điệp viên. "Nếu bạn làm việc trong một cơ quan chuyên đi do thám người khác, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ bị chứng hoang tưởng ảo giác" - bà Liz nói. Theo bà Liz, chứng hoang tưởng đó thể hiện rõ nét nhất nơi các nhân viên Cơ quan Tình báo GCHQ của Anh khi họ tiếp xúc với người của Intelexit.

Tiểu Khang (theo DW.com)
.
.