Vì sao Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Đức mất chức?

Thứ Tư, 04/05/2016, 19:50
Báo chí Đức và thế giới hôm 27-4 đồng loạt đưa tin về việc ông Gerhard Schindler, Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại quốc gia Đức (BND) bất ngờ bị Thủ tướng Angela Merkel quyết định cách chức.

Lý do cách chức ông Schindler không được nêu rõ ràng, nhưng có ý kiến cho rằng có liên quan đến cuộc đấu đá quyền lực xung quanh vụ việc BND hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám chính người Đức và các đối tác châu Âu khác, và thất bại trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS).

Giám đốc BND Gerhard Schindler.

Năm nay 63 tuổi, ông Schindler nắm quyền lãnh đạo BND kể từ năm 2012, và đến khi bị cách chức còn 2 năm nữa là nghỉ hưu. Peter Altmeier, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel giải thích rằng, quyết định sa thải ông Schindler được đưa ra có liên quan đến công tác cải tổ vai trò người đứng đầu Cơ quan tình báo BND trong bối cảnh có nhiều biến động với các thách thức an ninh mới.

Những thách thức an ninh mới này không gì khác ngoài những vấn đề khó khăn trong hợp tác tình báo với Mỹ kể từ sau vụ việc Edward Snowden tiết lộ hồ sơ mật về hoạt động do thám của NSA ở châu Âu, trong đó BND đã phối hợp, tiếp tay cho NSA do thám người dân Đức và một số quốc gia khác ở châu Âu vốn là những đối tác thân cận nhất của Đức trong Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, việc sa thải ông Schindler vào thời điểm hiện nay và việc bổ nhiệm ông Bruno Kahl, một cục trưởng tại Bộ Tài chính, có mối quan hệ gần gũi với Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble, làm người thay thế cũng đang khiến dư luận băn khoăn. Các nghị sĩ trong Ủy ban Tình báo Quốc hội Đức đặt câu hỏi liệu quyết định sa thải ông Schindler vào thời điểm này có thật sự thỏa đáng hay không và có thật sự nhằm mục tiêu cải tổ lãnh đạo ở BND hay không.

Hans-Christian Stroebele, thành viên Ủy ban Tình báo cho rằng, mặc dù có lý do chính đáng để sa thải ông Schindler, nhưng sa thải ông vào thời điểm hiện nay mà ai cũng hiểu rằng lý do chính là vụ việc hợp tác với NSA xảy ra cách nay hơn hai năm e rằng không hợp lý, bởi lẽ thời gian gần đây ông Schindler đã thể hiện thiện chí trong việc cải cách tại cơ quan do mình lãnh đạo. Có ý kiến trong dư luận báo chí rằng Schindler đã "thất bại" trong cuộc đấu quyền lực với Bộ trưởng Schauble xung quanh việc giải quyết các vấn đề tình báo xuất phát từ sự hợp tác với NSA trước đây. Và việc đưa người thân cận với Bộ trưởng Tài chính sang nắm BND là có mục đích, nhằm giúp Bộ trưởng Schauble kiểm soát chặt chẽ hơn tiến trình cải cách tại BND.

Trong khi đó, Bộ trưởng Schauble cũng đang "đấu" với Ủy ban Tình báo xung quanh một dự luật nhằm tăng cường sự giám sát của Quốc hội đối với hoạt động tại BND, và điều này đang khiến dư luận băn khoăn về mục tiêu cải cách BND. Konstantin von Notz, một thành viên khác của Ủy ban Tình báo đặt vấn đề: "Câu hỏi then chốt là liệu mục tiêu có phải là nhằm ngăn chặn cải cách BND hay không. Nếu cải cách không được tiến hành, thì Thủ tướng sẽ như ngồi trên quả bom hẹn giờ".

Ủy ban Tình báo Quốc hội Đức khẳng định nước Đức cần "làm mới lại từ đầu" tại BND nhằm thay đổi hoàn toàn hoạt động tình báo trong bối cảnh những bê bối vừa được Snowden tiết lộ. Ngay sau khi những tiết lộ của Snowden được báo chí đăng tải, Ủy ban Tình báo Quốc hội Đức đã mở cuộc điều tra nhằm xác định rõ những chi tiết cụ thể trong việc hợp tác của BND với NSA.

Tháng 5-2015, báo cáo điều tra sơ bộ của Ủy ban Tình báo đã phơi bày sự thật rằng, BND đã hợp tác với NSA do thám người Đức và một số đối tác gần gũi của Đức ở châu Âu kéo dài trong khoảng thời gian một thập niên. Cụ thể, BND đã sử dụng hệ thống trạm thu sóng vệ tinh ở Bad Aidling, bang Bavaria để thu thập tín hiệu, nghe lén các cuộc gọi điện thoại và giao dịch viễn thông (fax) rồi sau đó chuyển các dữ liệu thu thập được cho NSA để phân tích.

Việc hợp tác này đã được BND âm thầm ký kết với NSA vào năm 2002, trong đó có điều khoản quy định BND sử dụng trạm thu tín hiệu vệ tinh Bad Aidling phục vụ theo yêu cầu của NSA. Trong số các nạn nhân nghe lén của BND, ngoài công dân Đức còn có các tổ chức, cá nhân ở Đức và một số nước ở châu Âu, trong đó quan trọng nhất là Điện Élysée của Pháp, trụ sở một số cơ quan chủ chốt của châu Âu ở Brussels, bao gồm cả Ủy ban châu Âu.

Trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Tình báo Quốc hội Đức vào tháng 5-2015, ông Schindler từng thừa nhận các nhân viên của ông đã không sao chép để lưu lại các dữ liệu mà họ đã chuyển cho NSA, từ đó khiến cho việc kiểm tra lại các thông tin đã chuyển giao gặp khó khăn. Việc tiết lộ các hợp tác của BND với NSA từng gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Đức. Và với sức ép từ phía Ủy ban Tình báo, BND đã phải cắt giảm mạnh sự hợp tác với NSA.

Vấn đề của BND không dừng lại ở vụ việc hợp tác với NSA mà còn những vụ bê bối khác, trong đó có vụ việc nghiêm trọng điệp viên Markus R bán tài liệu mật cho cho tình báo Nga và Mỹ, gây thiệt hại khá lớn cho hoạt động tình báo của BND. Cụ thể, trong giai đoạn 2008 - 2014, Markus R đã bán cho CIA và Cơ quan tình báo đối ngoại Nga 218 tài liệu có mức độ mật cao với giá tiền khoảng 80.000 euro (tương đương 91.000 USD).

Báo Đức Der Spiegel tiết lộ rằng trong số hơn 200 tài liệu mật đó có danh sách toàn bộ điệp viên ngầm của BND ở nước ngoài, một bản ghi nghe lén cuộc gọi điện thoại giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, một bản dự thảo chiến lược phản gián,…

Với những chứng cứ không thể chối cãi, tháng 8-2015, Tòa tuyên buộc tội Markus R với tội danh chuyển giao tài liệu mật cho tình báo nước ngoài. Tháng 3-2016, Tòa án thành phố Munich đã tuyên án Markus R. 8 năm tù giam.

Trong bối cảnh châu Âu đối mặt với nguy cơ khủng bố cao độ, BND của ông Schindler cũng bị chỉ trích là đã không kịp thời giúp sức ngăn chặn khủng bố IS, và có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra hai vụ khủng bố nghiêm trọng là vụ tấn công Paris tháng 11-2015 và vụ đánh bom sân bay và ga tàu điện ở Brussels vào ngày 22-3-2016. 

An Tôn (tổng hợp)
.
.