EU kêu gọi tăng cường chia sẻ thông tin tình báo

Thứ Ba, 03/02/2015, 09:30
Sau một loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở thủ đô Paris của Pháp, giới chức lãnh đạo ở châu Âu chính thức lên tiếng kêu gọi thực hiện một số thay đổi đáng kể cho những gì được coi là hết sức nghịch lý tại vùng lục địa không biên giới của họ - đó là công dân các nước có thể di chuyển tự do mà thông tin về họ chỉ là con số không!

Châu Âu cũng không có danh sách cấm bay bởi vì hoàn toàn không có dữ liệu về người châu Âu sử dụng phương tiện máy bay. Công dân bên trong vùng lãnh thổ 26 quốc gia có thể nhanh chóng đi từ Bồ Đào Nha đến biên giới nước Nga mà hộ chiếu của họ không hề bị kiểm tra. Nhiều công dân trong Liên minh châu Âu (EU) đi vào và đi ra khỏi châu Âu cũng không được đối chiếu hộ chiếu với các cơ sở dữ liệu cảnh sát.

Sau các cuộc tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo khủng bố và giết chết 17 người ở Paris, cũng như sau sự việc hàng chục chiến binh Hồi giáo cực đoan bị bắt trên khắp châu Âu, giới lãnh đạo châu Âu đang đề xuất những nỗ lực cụ thể nhằm siết chặt an ninh hơn trước đây. Federica Mogherini, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và Cao ủy châu Âu về các chính sách đối ngoại của EU, cho biết các quốc gia thành viên EU có kế hoạch "chia sẻ thông tin tình báo, không chỉ bên trong liên minh mà còn với các quốc gia khác xung quanh".

Bà Mogherini tuyên bố trong cuộc họp ngày 19/1 vừa qua về chống khủng bố với các Bộ trưởng Ngoại giao EU và các nhà ngoại giao từ vài quốc gia Trung Đông. Mặc dù rào cản biên giới đã được gỡ bỏ cho phép mọi công dân tự do đi lại, song EU cũng cần có các cơ sở dữ liệu lưu giữ thông tin về các cá nhân.

Thủ tướng David Cameron trình bày về chiến lược chống khủng bố mới.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng ở châu Âu cũng không có cơ sở dữ liệu nào để có thể giúp giám sát mọi sự đi lại của bọn chúng. Giles de Kerchove, chuyên gia chống khủng bố của EU, đang đề nghị mọi hộ chiếu phải được kiểm tra bằng máy tính để kiểm soát mọi sự ra và vào châu Âu. Vấn đề là cơ sở dữ liệu hành khách đường hàng không cho phép cảnh sát và lực lượng an ninh nắm bắt thông tin về những cá nhân. Một số lãnh đạo EU từng đề xuất một cơ sở dữ liệu như thế trong suốt nhiều năm, song Nghị viện châu Âu - tổ chức phê chuẩn luật cho EU - đã bác bỏ vì lo ngại về quyền riêng tư công dân bị xâm phạm!

Các đề xuất khác bao gồm một số biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn tại các đường biên giới bên ngoài EU, cải thiện các nỗ lực hạn chế nguồn tài chính khủng bố và thành lập thêm các cơ sở dữ liệu tình báo và tội phạm bên trong EU.

Hiện nay, một người đi từ Đức đến Pháp chỉ cần có tấm vé mà không hề có bất cứ một sự kiểm tra thông tin cá nhân nào trước khi lên máy bay! Nhưng, thông tin cá nhân sẽ được kiểm tra trên chuyến bay khứ hồi từ Pháp trở về Đức do sự khác biệt về luật pháp của 2 quốc gia! Một số quốc gia có quy định chặt chẽ hơn các quốc gia khác trong việc kiểm tra hộ chiếu công dân EU khi họ vào và ra khỏi Vùng Schengen - vùng phi biên giới cho phép không cần thị thực bao gồm 26 quốc gia ngoại trừ Anh và Ireland. Thông thường, bảo vệ biên giới chỉ kiểm tra tính xác thực của hộ chiếu hơn là đối chiếu nó với máy tính.

Cảnh sát đứng gác bên trong sân bay quốc gia.

Các ngoại trưởng EU đã nhất trí về 2 bước tiến: Trước tiên là lập ra một chuyên gia về khủng bố trong các đại sứ quán EU tại các quốc gia nhạy cảm như ở Bắc Phi. Kế đến là tung ra một cuộc tấn công bằng tiếng Arập trên Internet nhằm chống lại sự tuyên truyền cực đoan.

Ngày 29/1 sẽ đến lượt các bộ trưởng Nội vụ, và ngày 12/2 là  những nguyên thủ sẽ xác định cách đối phó với mối hiểm nguy và đề ra vũ khí trấn áp. Công cụ đã có sẵn: trao đổi thông tin một cách hệ thống giữa cảnh sát và cơ quan tình báo, kiểm tra có phương pháp tại biên giới không gian Schengen (không gian đi lại tự do trong EU), đấu tranh tích cực chống buôn lậu vũ khí, trấn áp các đường dây tuyển mộ và rửa tiền, kiểm tra chặt chẽ nội dung trên Internet. Đây là việc thúc đẩy sự hợp tác trong EU chứ không phải lập ra một tầng quyền lực mới tại Brussels.

Trong các nước châu Âu, Anh là quốc gia có phương tiện chống khủng bố hiện đại nhất. Nước Anh đang đưa ra một số dự luật, trong đó có biện pháp tước giấy thông hành của những kẻ bị nghi ngờ dính líu đến hoạt động khủng bố để ngăn chặn họ đi sang các quốc gia đang xảy ra xung đột như Syria, và tạm thời cấm cửa (2 năm) những kẻ trở về từ các khu vực đó. Dự luật cũng sử dụng lại các biện pháp hiện có, chẳng hạn như quản thúc tại gia hay hạn chế đi lại đối với những kẻ bị nghi ngờ khủng bố. Có cả các biện pháp phòng ngừa mới như buộc các hiệu trưởng trường học, đại học phải thông báo danh tính của mọi sinh viên có vẻ dễ bị tuyên truyền cực đoan hóa. Điều này khiến giới chức giáo dục phản đối vì phải gánh thêm trách nhiệm.

Sau các vụ khủng bố tại London vào tháng 7/2005, nhiều đạo luật khác đã ra đời nhằm tăng cường các biện pháp khống chế khủng bố và xác định một chiến lược ngăn ngừa. Nỗ lực "phản cực đoan hóa" tại các đền thờ, cùng hợp tác với cảnh sát, đã mang lại nhiều kết quả nhưng giờ đây đã bị lỗi thời bởi sự bành trướng mối đe dọa thánh chiến mới trên mạng hay bên ngoài khuôn khổ tôn giáo chính thức.

Tại Italia, Hội đồng Bộ trưởng đã xem xét một loạt biện pháp tăng cường an ninh trên toàn lãnh thổ. Từ nay những kẻ thánh chiến quay về Italia có thể bị 10 năm tù giam, còn những ai bị tình nghi định đi sang Syria hay Iraq sẽ bị tước  giấy thông hành. Án tù giam dành cho những kẻ tuyển mộ cũng được thẩm phán đề ra, và một phiên tòa hình sự sẽ chờ đợi những ai cung cấp phương tiện, vũ khí hay tuyên truyền lôi kéo. Tình trạng an ninh chung quanh các địa điểm công cộng và mục tiêu tiềm năng như đền thờ hay trường học Do Thái cũng được tăng cường.

Các biện pháp được áp dụng có mục đích dệt nên một tấm lưới sít sao, không cho phép kẻ khủng bố hoạt động một cách tự do trên lãnh thổ. Cảnh sát bưu điện được yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt mạng Internet và đánh dấu mọi website kêu gọi thánh chiến, chỉ dẫn cách sử dụng vũ khí hay chế tạo bom. Thư điện tử cũng bị kiểm soát. Cuối cùng, Chính phủ Italia cho biết sẽ gia nhập chương trình PNR thu thập thông tin quan trọng của mọi hành khách đi máy bay. Các dữ liệu đó được lưu trữ trong 3 năm và phục vụ cho mọi cơ quan tình báo.

Thiên Minh – Minh Luân (tổng hợp)
.
.