17 năm ca ghép gan đầu tiên và chờ mong điều kì diệu

Thứ Ba, 20/10/2020, 10:09
Cách đây 17 năm, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam được thực hiện thành công ở Bệnh viện Quân y 103, ghi dấu ấn của ngành ghép tạng Việt Nam vào nền y học thế giới. Bệnh nhân ghép gan là cô bé 9 tuổi Nguyễn Thị Diệp (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), được nhận gan từ người cho sống cùng huyết thống là bố - anh Nguyễn QuốcPhòng.

Diệp đã mang lá gan của bố khỏe mạnh lớn lên, trưởng thành suốt 17 năm qua, tốt nghiệp Cao đẳng Quân y, trở thành dược sĩ của Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103. Thế nhưng, 17 năm sau, Diệp đang đối mặt với sinh tử cận kề khi gan của em đã đến giai đoạn xơ hóa, và để cứu tính mạng em một lần nữa, chỉ còn phương án ghép gan lần 2.

Gần 1 năm gắn liền với giường bệnh

Một buổi trưa đầu tháng 10/2020, chúng tôi tới Khoa Nội - Tiêu hóa của Bệnh viện Quân y 103 gặp cô gái ghép gan 17 năm trước. So với 3 năm trước, khi tôi gặp Diệp ở Bệnh viện Quân y 103, em khác quá nhiều.

Khi ấy, Diệp là cô gái xinh xắn tràn đầy năng lượng, lạc quan, em hồ hởi khoe mình chuẩn bị bước vào dấu mốc mới của cuộc đời, đó là trở thành nhân viên của Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103. Tôi rất mừng và cầu chúc cho em khỏe mạnh để tự tin vào bước vào tương lai. Thế nhưng, lần này gặp lại Diệp, tôi không khỏi xót xa. Cô gái 26 tuổi nằm trên giường bệnh, nước da vàng sậm, yếu ớt, mỏng manh đến đau lòng. Diệp sụt mất 8kg, đi lại phải có người dìu.

Diệp trước khi phải nhập viện điều trị.

"Cháu thế này là đỡ hơn rồi, các cô gặp cháu tuần trước thì da còn vàng hơn nhiều", mẹ Diệp - chị Phạm Thị Thoa nói.

Cách đây gần một năm trước, vào tháng 11/2019, Diệp bất ngờ ốm nặng. Khi ấy, cô gái nhỏ mới đi làm được 2 năm, tương lai vừa mới bắt đầu thì biến cố về sức khỏe lại một lần nữa xảy ra.

"Em thấy mệt, bụng chướng và đi ngoài nhiều. Lúc đầu tưởng do ăn uống khó tiêu nên chủ quan không thăm khám. Một thời gian sau thấy bụng chướng to, em thông báo cho bác sĩ (người theo dõi ca ghép tạng của Diệp -PV) và được chỉ định xét nghiệm ngay. Kết quả men gan tăng cao, có dịch trong ổ bụng. Các bác sĩ hội chẩn và đưa ra kết luận, em bị xơ gan", Diệp kể lại.

Diệp phải nghỉ làm để tức tốc nhập viện. Em vào điều trị tại Khoa Nội - Tiêu hóa dưới sự theo dõi sát sao của các bác sĩ. "Từ đó đến nay cháu gần như gắn với giường bệnh, thỉnh thoảng về nhà dài nhất được 1 tuần, còn lại chỉ 2 ngày. Hiện nay đề kháng của cháu quá yếu, mỗi bữa ăn được một vài thìa cơm, cháu phải truyền đạm, abumin, cách một ngày truyền 2 lọ huyết tương nhưng sức khỏe cứ giảm sút, có lúc vừa về nhà lại phải nhập viện cấp cứu", chị Thoa đau xót nói.

Người mẹ nhìn con ngày một yếu đi, trên cánh tay gầy gò đã không còn chỗ để lấy ven, chị đau đớn như thắt từng khúc ruột. Nhìn cánh tay chằng chịt vết tím do lấy ven, Diệp nở nụ cười buồn nói: "Có lúc phải chọc tới 10 lần mới lấy được ven. Mỗi lần lấy ven cho em là một bài tập khó đối với các chị y tá, điều dưỡng".

Lá gan "sống" 17 năm và mối tình cùng cảnh

Theo lời kể của anh Nguyễn Quốc Phòng (bố cháu Diệp), từ khi 3 tháng tuổi, Diệp đã phải làm phẫu thuật do bị chứng teo đường mật bẩm sinh. Sau phẫu thuật, cháu bị biến chứng dẫn tới xơ gan. Theo thời gian, lá gan đó xơ lại thành một cục nhỏ, sự sống chỉ còn tính bằng tháng. Gần 10 năm ròng rã chạy chữa cho con, vợ chồng anh Phòng gần như "sức cùng lực kiệt". Đúng lúc ấy gia đình anh nhận tin con gái được chọn để ghép gan.

Diệp đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 103.

"Bố tôi là người đầu tiên tình nguyện hiến gan cho cháu nội. Nhưng ông đã ngoài 50 tuổi, bác sĩ khuyên tôi hiến gan cho con gái là tốt nhất, vì còn trẻ và sức khỏe tốt", anh Phòng kể lại. Anh Phòng hiến cho con 33% lá gan của mình. Ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam đã vô cùng thành công. Miếng gan đó đã theo cơ thể của bé Diệp mà lớn lên đến ngày hôm nay.

Sau khi thay toàn bộ gan, sức khỏe của Diệp tiến triển rất tốt. Cháu khỏe mạnh và đi học bình thường. Tuy nhiên, Diệp phải có chế độ chăm sóc đặc biệt nên cả gia đình đều dồn tất cả tình thương yêu cho cô bé. "Chúng tôi không dám cho cháu ở một mình, vì hệ miễn dịch của cháu không như người bình thường, trời rét phải giữ gìn cẩn thận, đi học mà trời đang nắng gặp mưa là ốm ngay hoặc cứ "trái gió trở trời" là cháu lại ốm" - anh Phòng kể.

Sau khi học hết cấp ba, Diệp thi đỗ vào Trường Cao đẳng Quân y 1 ở Sơn Tây, Hà Nội. Để tiện chăm sóc cho con, anh Phòng đi làm phụ hồ ở Sơn Tây và các huyện lân cận. Đều đặn, cứ tới lịch tái khám, hai bố con lại đèo nhau xuống bệnh viện. Suốt 17 năm qua, người cha này đi cùng con từng bước trên con đường học tập, chữa bệnh và trưởng thành.

Mấy năm gần đây, Diệp thỉnh thoảng phải nhập viện vì ốm, có lần em phải nằm viện 6 tháng điều trị men gan tăng do bị nhiễm khuẩn. Nhưng "kiệt quệ" nhất là từ tháng 11 năm ngoái tới giờ, Diệp phải gắn mình với giường bệnh, sức khỏe ngày một yếu đi.

Nhớ lại khoảng thời gian 2 năm trước, Diệp mong sao thời gian mãi dừng lại ở khoảnh khắc hạnh phúc đó. Sau khi tốt nghiệp ra trường, em được Bệnh viện Quân y 103 nhận vào làm việc tại Khoa Dược. "Biết em sức khỏe không tốt, các bác, các cô chú đều tạo điều kiện cho em nhiều lắm. Bệnh viện sắp xếp chỗ ở miễn phí cho em, cuộc sống tưởng rằng không còn gì phải lo lắng nữa, ai ngờ…", Diệp buồn bã cho biết.

Trong những ngày làm việc tại bệnh viện, có lần Diệp phải điều trị men gan tăng 6 tháng, tại đây Diệp đã gặp chàng trai cùng cảnh. Người đó vốn là bộ đội, nhưng không may bị suy thận, phải ra quân để chạy thận nhiều năm. Từ đồng cảm, giúp đỡ nhau, dần dần hiểu nhau rồi đến yêu nhau. Cách đây hơn 1 năm, chàng trai ghép thận thành công, sức khỏe tiến triển rất tốt, trở về gia đình, kết thúc nhiều năm chạy thận tại bệnh viện. Không bao lâu sau thì Diệp lại nhập viện cho tới giờ.

"Tuần trước anh ấy ra đây thăm và chăm sóc em", Diệp khoe với chúng tôi. Nhận được sự động viên của bạn trai, Diệp đã có thêm động lực và niềm tin để bước tiếp chặng đường khó khăn phía trước. 

Theo chị Phạm Thị Thoa, tuần trước, bác sĩ điều trị cho Diệp nói chỉ số gan của em xấu, nếu cứ điều trị thế này thì không biết có kéo dài sự sống được không. Bệnh viện dự định ghép gan lần hai cho Diệp. "Bố đã cho em gan rồi, nên sức khỏe yếu hơn bình thường. Nhà còn mẹ em là trụ cột chính, nếu cho gan nữa thì sau này yếu không có người chăm sóc cho em", Diệp chia sẻ.

Ghép gan lần 2 là cơ hội sống duy nhất

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá, PGS.TS Bùi Văn Mạnh, Chủ nhiệm bộ môn Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Quân y 103 cho biết: Ca ghép gan của cháu Nguyễn Thị Diệp đến nay gần 17 năm, đã đạt được thành tựu của thế giới, kết quả sau ghép tương đối tốt.

Chị Phạm Thị Thoa chăm sóc con gái.

Tuy nhiên gan là tạng lạ của cơ thể, cho nên khi vào cơ thể luôn luôn có xu hướng đẩy tạng ghép ra ngoài (quá trình thải ghép). Đối với các ca ghép tạng, khoảng 6 tháng bệnh nhân sẽ xảy ra quá trình thải ghép mãn tính, quá trình này âm thầm xảy ra đối với bất kỳ một loại ghép tạng nào.

"Đối với Diệp, quá trình thải ghép âm thầm diễn ra nhiều năm, tuy nhiên gần đây cháu có những đợt thải ghép mãn tính, có những đợt mạnh lên, có đợt yếu. Những đợt thải ghép mạnh lên thì chức năng gan của cháu bị ảnh hưởng, tăng men gan, ăn uống kém, mệt mỏi hơn.Khi vào viện điều trị 1-2 tuần thì ổn định. Sức khỏe của cháu so với những năm trước yếu đi. Do cấu trúc giải phẫu phần gan lấy để ghép cho cháu có những biến đổi về mặt mạch máu, về tổ chức, nên chức năng tạng của cháu đã bắt đầu vào giai đoạn xấu, cần phải tính toán đến chuyện ghép gan, thời gian ghép lúc nào còn phụ thuộc vào sức khỏe của cháu", PGS Bùi Văn Mạnh cho biết.

Theo Giám đốc Trung tâm Hồi sức Cấp cứu chống độc, các bác sĩ đang cố gắng nhiều biện pháp để duy trì chất lượng mảnh ghép và chất lượng sống cho Diệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Diệp phải vào viện nhiều hơn, các bác sĩ phải theo dõi chặt chẽ hơn, tính đến khả năng và cơ hội ghép gan lại cho cháu.

"Gan ghép cũng có tuổi thọ của nó, tuy nhiên dưới góc độ những nhà chuyên môn quản lý cháu, chúng tôi đánh giá đây là thành công lớn, gần 17 năm Diệp sống với gan mới của bố, và đây cũng là trường hợp ghép gan có kết quả dài nhất ở Việt Nam hiện nay. "Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì thành quả đó và sẽ tìm hướng giải quyết cho cháu trong tương lai gần", PGS Bùi Văn Mạnh nhấn mạnh.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tạng và kinh phí để thực hiện ca ghép gan lần 2 cho Diệp. "Cháu có 2 em trai, một đã trưởng thành và có mẹ. Nguồn gan từ huyết thống thân thuộc là tốt nhất. Nếu không có thì cơ hội vẫn còn rộng, từ người chết não hoặc người khác hiến một phần gan cho cháu. Nếu cháu có người cho gan, có khả năng tài chính, có sự hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài quân đội, cháu có khả năng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bệnh viện có phương án khi cháu phải ghép lại sẽ tìm cách hỗ trợ, có thêm nguồn tài chính cho cháu, để cháu có gan ghép mới.

So với ghép gan lần 1, nếu Diệp ghép gan lần 2 sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì. Theo Giám đốc Trung tâm Cấp cứu Hồi sức chống độc, về mặt nguyên tắc, càng ghép lại càng phức tạp, vì cơ thể sinh ra các kháng thể chống lại mảnh ghép và tình hình miễn dịch của bệnh nhân sẽ càng khó khăn hơn. Việc quản lý bệnh nhân sử dụng thuốc và phòng tránh các biến chứng cũng khó khăn hơn lần đầu. Nhưng như thế không phải là không ghép được, người ta vẫn có thể ghép lại lần 2, lần 3.

Một người có thể ghép tim lần 2, lần 3, lần 4; hoặc 1 trái tim có thể chuyển từ chủ 1, chủ 2, chủ 3. Bệnh viện Quân y 103 đã ghép thận nhiều lần cho 1 bệnh nhân. Tuy nhiên, gan ghép lần 2 thì đến nay bệnh viện chưa thực hiện. "Nhưng như vậy không có nghĩa là không thực hiện được. Về mặt kỹ thuật, bệnh viện tiến hành được. Tôi hy vọng có đủ tài chính và nguồn gan ghép, cháu Diệp hoàn toàn có thể ghép gan", PGS Mạnh nói. 

Mong chờ vào một phép màu để cô gái Nguyễn Thị Diệp tiếp tục hồi sinh lần hai. Theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Văn Mạnh: Thủ trưởng Bệnh viện và Thủ trưởng Học viện Quân y 103 đã có tính đến việc ghép gan cho cháu, đã có vài cuộc hội chẩn. Tuy nhiên thời điểm này chưa phải ghép cấp cứu cho cháu, khi nào sức khỏe cháu thực sự cần kíp thì bệnh viện sẽ kêu gọi, hỗ trợ và có phương án giúp cháu.

PGS.TS Bùi Văn Mạnh là người đã theo dõi sức khỏe cho Diệp kể từ khi em ghép gan tới nay, ông cũng rất hy vọng vào tương lai của lần ghép gan thứ hai. Ông cho biết, cơ thể của con người rất kỳ diệu, có thể bây giờ sức khỏe của Diệp đang có những thải ghép, nhưng một thời gian sau có thể lại tốt lên. Chúng tôi hy vọng phép màu lại một lần nữa đến với Diệp, để cô gái kiên cường ấy tiếp tục hoàn thành hoài bão và ước mơ.

Trần Hằng
.
.