Albert Einstein – Nhà bác học “đào hoa”

Thứ Ba, 27/06/2017, 12:00
Trong các cuốn tự điển bách khoa danh nhân thế giới thường chú giải, rằng đấy là một con người điềm đạm và nghiêm túc, với niềm đam mê duy nhất chỉ dành cho khoa học. Đó chính là nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc người Đức gốc Do Thái Albert Einstein (1879-1955) - "cha đẻ" của Thuyết Tương đối gây chấn động 5 châu. Nhưng thật ra không hẳn vậy…

Đầu sách mang tựa đề "The Private Lives of Albert Einstein" (Cuộc sống riêng tư của Albert Einstein), do cặp tác giả người Anh Roger Ronald Highfield và Paul Carter đồng sáng tác, đã đề cập hầu như đầy đủ về đường đời riêng tư của nhà khoa học lỗi lạc từng đoạt giải Nobel Vật lý, với những nhận định trái ngược quan niệm xưa nay. Còn bản thân bà Evelyn Einstein (1941-2011) - cháu nội gái duy nhất của A. Einstein, lúc sinh thời cũng lên tiếng đồng nhất với những điều mà đầu sách nêu trên đã nói tới. Vậy sự thật nằm ở đâu?

A.Einstein cùng người vợ đầu M. Maric.

Quả đúng là A. Einstein lấy vợ tới 2 lần. Bà vợ đầu là nhà vật lý người Serbia Mileva Maric (1875-1948), chung sống với ông từ năm 1903 đến năm 1919, từng là bạn học thời sinh viên với Albert ở Thụy Sĩ, vốn là một phụ nữ kín tiếng và không muốn phụ thuộc vào ai. Họ quen nhau trong phòng thí nghiệm chuyên khoa; rồi cuộc tình nảy nở theo thời gian và có với nhau 2 người con trai.

Con trai trưởng Hans Albert Einstein (1904-1973) hành nghề kỹ sư vận tải ở Mỹ. Cậu con trai út Eduard Einstein (1910-1965) vốn là một sinh viên y khoa đầy triển vọng, đột nhiên mắc chứng tâm thần phân liệt lúc 20 tuổi, khiến cả đời phải sống trong trại điều dưỡng cho tới lúc chết; riêng người cha A. Einstein không bao giờ… thèm đến thăm con cả.

Một "khám phá" nữa theo cuốn sách nói trên: ngay từ năm 1902, trước khi đính hôn Mileva đã  sinh hạ cô con gái đầu lòng Lieserl Einstein (1902-1903). Nhưng do Lieserl đã "đụng chạm sâu sắc tới lòng tự ái khoa học" của A. Einstein, nên ông khăng khăng không nhận con để "bảo tồn thanh danh" của mình… Rốt cục bà mẹ Mileva phải cho một gia đình người đồng hương ở Novi Sad (Serbia) nhận Lieserl làm con nuôi, rồi bị chết yểu vì chứng bệnh sốt phát ban khi mới hơn 1 tuổi..

Tới năm 1914, A. Einstein chuyển đến Berlin (Đức), còn gia đình ông vẫn ở lại Thụy Sĩ. Vợ chồng họ chính thức chia tay nhau sau 5 năm sống ly thân. Sau này Albert từng viết cho Mileva: "Em sẽ thấy, rằng anh mãi mãi chung tình với em, theo cách của riêng mình".

Bìa đầu sách "Cuộc sống riêng tư của Albert Einstein".

Còn bà vợ sau Elsa Lowenthal (1876-1936) của A. Einstein chính là người chị con ông bác họ Rudolf Einstein, cũng là một góa phụ đã có 2 đứa con gái riêng. Trong nhật ký của mình A. Einstein từng viết: "Tôi lấy bà chị họ đơn giản chỉ… cho tiện, chứ không phải do tình yêu. Chính Elsa là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi với Mileva bị đổ vỡ". Dạo cuối năm 1933, A. Einstein trong khi chạy trốn sự truy lùng của quốc xã, đã cùng cô vợ 2 di cư sang Mỹ, rồi trở nên giàu có và nổi tiếng.

Một "khám phá" nữa theo những lời phàn nàn từ  bà Elsa Einstein: "Càng nổi tiếng bao nhiêu, lại càng tạo điều kiện cho tính "háu gái" cố hữu trong con người Albert thêm trỗi dậy bấy nhiêu. Bởi ngày càng nhiều phụ nữ có nhan sắc ngưỡng mộ những thứ ẩn chứa trong đầu ông ta, khiến ông ấy không ngần ngại san sẻ "Thuyết tương đối" với họ… ở chốn phòng the".

"Cha đẻ" của Thuyết tương đối A. Einstein bên người vợ sau.

Thậm chí bà vợ sau Elsa còn "chua" thêm: "Albert rất lười cắt tóc cũng như cạo râu cằm, khiến tự tay tôi luôn phải gọt - tỉa chúng hộ ông ta. Ngay cả chuyện vệ sinh cá nhân cũng vậy, "cha đẻ" của cái học thuyết hàng đầu trong giới khoa học ấy lại… rất ghét chuyện tắm rửa"(!). Riêng A. Einstein từng thừa nhận với viên bác sĩ tư của mình: "Đàn bà càng lưu cữu nhiều mồ hôi bao nhiêu, càng tỏa ra mùi riêng của họ bấy nhiêu, mà đó lại là điều cuốn hút tôi nhất".

"Lẽ đương nhiên, Thuyết tương đối mang tính khám phá vĩ đại thuộc khoa học thuần túy chẳng liên quan gì đến lối sống cá nhân hết. Một A. Einstein tràn trề tài năng sáng tạo không hẳn là người đàn ông chỉn chu - mẫu mực", như lời tựa của cuốn "The Private Lives of Albert Einstein" đã nhận định. Còn hay như chính A. Einstein lúc sinh thời từng viết: "Ngay từ hồi còn trẻ tôi đã rắp tâm đeo đuổi và thực hiện theo một câu châm ngôn thâm thúy: "Con người ta luôn muốn làm cái điều mình thích, nhưng thực ra không thể muốn tất cả!".

"Khám phá" cuối cùng là cậu con trai Hans Albert Einstein, người được nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein ủy quyền giải quyết mọi chuyện liên quan đến tài sản thừa tự của mình - ngay từ trước khi mất vào giữa tháng 4-1955, đến đầu năm 1958 đã chính thức bị cấm không được công bố những câu chuyện về đời tư của người quá cố - qua một phán quyết có hiệu lực pháp luật - do thân nhân của bà vợ 2 Elsa Einstein yêu cầu.

Kim Dung (tổng hợp)
.
.