Nguy cơ cao nhiễm HIV do truyền máu

Thứ Ba, 28/06/2016, 16:30
Theo thông tin tiết lộ từ Tổ chức Kiểm soát AIDS Quốc gia (NACO) của Ấn Độ, từ tháng 10-2014 đến tháng 3-2016 có đến 2.234 người nước này bị nhiễm HIV do truyền máu trong các bệnh viện.

Bất chấp mọi nỗ lực, truyền máu vẫn còn là một nguồn lây nhiễm HIV đáng kể không chỉ ở Ấn Độ mà còn trên toàn cầu. Dữ liệu này được NACO - cơ quan trực thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ - cung cấp theo yêu cầu từ nhà hoạt động Chetan Kothari, sử dụng Luật về Quyền tiếp cận thông tin (RTI) của Ấn Độ.

Ngân hàng máu ở Ấn Độ được đánh giá là không an toàn.

Hiện nay, ở Ấn Độ có khoảng 2,09 triệu người đang phải sống chung với HIV/AIDS - một con số đáng kể. Con số 2.234 trường hợp bị nhiễm HIV do truyền máu trong bệnh viện cũng không phải là nhỏ. Điều đó cho thấy những tiêu chuẩn an toàn về máu ở Ấn Độ chưa được tuân thủ một cách triệt để và chính quyền nước này đang có vẻ như lơ là trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS.

Mỗi năm, Ấn Độ thiếu vài triệu đơn vị máu, trong khi đó nguồn máu hiến tặng cũng hiếm hoi. Phần đông những người hiến máu đều nghèo khó và họ cần tiền để trang trải cuộc sống. Mặc dù chính quyền Ấn Độ cấm các ngân hàng máu sử dụng nguồn máu mua từ người dân, song tình trạng bán máu vẫn tiếp tục diễn ra trên thị trường đen vì mang lại thu nhập béo bở cho bọn trung gian.

Mặc dù chính quyền Ấn Độ đặt ra những tiêu chuẩn an toàn về máu và mọi người hiến máu đều qua xét nghiệm HIV, viêm gan và các bệnh lây nhiễm qua đường máu khác, song không phải lúc nào những quy định cũng được các bệnh viện tuân thủ đầy đủ. Do đó, hậu quả là hàng năm có hàng ngàn ca nhiễm HIV mới do truyền máu được ghi nhận.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người hiến máu nhiễm HIV song còn ở giai đoạn "cửa sổ" - thường kéo dài 3 tuần cho đến 3 tháng - nên xét nghiệm không phát hiện sớm được và cũng còn tùy thuộc vào công nghệ được sử dụng tại các phòng thí  nghiệm.

Hiện tại, có phương pháp xét nghiệm mới - gọi là Nucleic Acid Amplification Test - giúp giảm giai đoạn "cửa sổ" xuống chỉ còn 7 ngày song kỹ thuật này đắt tiền và không phải bang nào cũng sử dụng.

Tốt nhất là người hiến máu cần được kiểm tra sức khỏe và tư vấn trước khi hiến máu để chắc chắn không nhiễm bị nhiễm bất cứ bệnh nguy hiểm gì. Sau đó, các ngân hàng máu cũng cần kiểm tra xét nghiệm lại chất lượng máu hiến tặng. Nhưng trên thực tế những biện pháp an toàn này gần như không bao giờ được thực hiện ở Ấn Độ. Vấn đề đáng lo ngại khác nữa là có những trường hợp truyền máu không cần thiết khiến cho bệnh nhân dễ có nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan hay các hiệu quả phụ khác đồng thời làm cho nguồn cung cấp máu cho bệnh nhân cần được truyền máu bị thiếu hụt.

Trong hơn 2 năm qua, những loại thuốc chữa trị và bộ xét nghiệm cho chương trình HIV/AIDS của Ấn Độ bị thiếu thốn trầm trọng do bộ máy chính quyền quan liêu và không minh bạch. Giới chức chính quyền Ấn Độ cũng chờ cho đến khi bùng nổ khủng hoảng thì mới phản ứng và sau đó đâu lại vào đấy!

Theo các chuyên gia, Ấn Độ cần xây dựng 100 thành phố y tế giúp cho hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân không phải chịu cảnh quá tải và yếu kém. Chetan Kothari phát biểu với báo chí: "Chính quyền Ấn Độ lơ là trong cảnh báo HIV/AIDS do ngân sách bị cắt giảm. Những trường hợp như thế này thường xuyên xảy ra mà không có hành động nào nhằm chấm dứt tình trạng sai sót của các ngân hàng máu và bệnh viện. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và chính quyền cần khẩn cấp hành động".

Theo Chetan Kothari, giá mỗi test máu là 18 USD và phần lớn những bệnh viện ở Ấn Độ không có bộ phận xét nghiệm HIV. Khoảng 84% lượng máu được sử dụng để truyền cho bệnh nhân bị thương hay phẫu thuật được nhận từ nguồn những người tự nguyện hiến máu.

Mặc dù không có nơi nào trên thế giới tiến hành truyền máu mà bảo đảm an toàn 100%. Song tại các quốc gia như Mỹ, Anh và Australia không cho phép những người đồng tính hay lưỡng tính hiến máu trừ phi họ được xác nhận không quan hệ tình dục với bạn tình trong thời gian ít nhất 1 năm.

An Di (tổng hợp)
.
.