"Ánh sáng sinh học" biện pháp giải độc cho những người bị kẹt trong lòng đất

Thứ Sáu, 20/07/2018, 12:44
Bên cạnh chấn thương tâm lý do bị kẹt hàng trăm mét dưới lòng đất, việc thiếu ánh sáng ban ngày cũng tác động vào cách cảm nhận thời gian của thành viên đội bóng. Những thay đổi này có thể khiến các thành viên bị trầm cảm, mất ngủ và có thể gây tâm lý bất ổn trong nhóm.

Khoa học có thể giải thích về hoạt động của cơ thể và tâm thần con người phản ứng như thế nào với bóng tối trong hang động. Ngoài ra, liệu có biện pháp nào có thể giúp những người bị kẹt trong bóng tối?

Vụ đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mắc kẹt trong bóng tối hang động trong thời gian dài không phải là lần đầu tiên xảy ra. Ví dụ như vào năm 1962, nhà địa chất học người Pháp Michel Siffre tự nguyện sống 2 tháng cô lập trong một dòng sông băng ngầm mà ông khám phá ra ở gần tỉnh Nice nước này với điều kiện cực kỳ khắc nghiệt - không có đồng hồ, lịch hay ánh sáng mặt trời.

Michel Siffre khi ra ngoài ánh sáng tự nhiên.

Trong hoàn cảnh đó, Siffre để cơ thể tự điều chỉnh các hành vi. Siffre thường xuyên ghi nhật ký nghiên cứu về các hoạt động của mình và gọi điện thoại cho nhóm hỗ trợ ở bên ngoài mỗi khi ông thức giấc, mỗi khi ăn và ngay trước khi đi ngủ - nhưng hoàn toàn không có thông tin gì về giờ giấc và ngày tháng. Sau khi được các đồng nghiệp thông báo đã hết thời hạn 2 tháng, Siffre cảm thấy bất ngờ vì ông cứ tưởng thời gian trôi qua chỉ mới có… 1 tháng!

Điều đó chứng minh nhận thức về thời gian của Siffre đã bị sai lệch do bóng tối kéo dài liên tục. Tương tự, khi các thợ lặn phát hiện ra đội bóng thiếu niên mắc kẹt ở Thái Lan, một trong những câu hỏi đầu tiên mà các em đặt ra là: thời gian đã trôi qua được bao lâu?

Nhật ký nghiên cứu của Siffre cho thấy hiện tượng thú vị khác - mặc dù dành khoảng một phần ba thời gian để ngủ (giống như khi ở trên mặt đất) nhưng chu kỳ ngủ/thức của ông không phải là 24 giờ mà là 24 giờ và 30 phút. Siffre bắt đầu sống theo thời gian riêng của bản thân chứ không phải bởi đồng hồ mà hầu hết chúng ta tuân thủ trong cuộc sống hàng ngày, nghĩa là được quyết định bởi việc mặt trời mọc và lặn hàng ngày.

Hiện tượng tương tự có thể quan sát thấy ở những người mù hoàn toàn. Mặc dù thời gian chính xác của đồng hồ sinh học thay đổi (đồng hồ của một số người chạy ở mức ngắn hơn 24 giờ, trong khi ở người khác thì dài gần 25 giờ), nhưng họ không còn giữ nhịp với thời gian của thế giới bên ngoài nữa mà bắt đầu "chạy tự do" khiến cho thời gian ngủ thay đổi từng ngày.

Ánh sáng nhân tạo được tạo ra trong hang động.

Một người có đồng hồ sinh học là 24,5 giờ có thể thức dậy lúc 08 giờ  sáng thứ Hai, nhưng vào 8 giờ 30 sáng thứ Ba, và sang thứ Tư là 09 giờ… - cho đến sau hai tuần, cơ thể của họ sẽ nghĩ rằng thời điểm đó là 8 giờ tối trong khi thực ra là 8 giờ sáng. Thuật ngữ y học giải thích tình trạng này là rối loạn giấc ngủ không liên tục 24 giờ với đặc trưng là thời gian ngủ ngon (khi đồng hồ bên trong gần như phù hợp với thế giới bên ngoài), tiếp đến là thời gian ngủ đáng sợ và buồn ngủ ban ngày quá mức. Hiện tượng được ví như sống với trạng thái lệch múi giờ (jetlag) vĩnh viễn.

Những nhịp sống bên trong cơ thể được tạo ra bởi một mảnh nhỏ bé các mô não gọi là suprachiasmatic nucleus (SCN - nhân trên chéo, một cấu trúc thần kinh trong não) - vùng mà chúng ta sẽ chạm vào nếu khoan một lỗ ở vị trí nằm giữa hai lông mày sâu vào khoảng 2cm. Nó gồm một nhóm các tế bào nhạy cảm với ánh sáng nằm ở sau võng mạc, được gọi là tế bào hạch võng mạc nội tại quang học.

Mặc dù đồng hồ sinh học của chúng ta chạy nhanh hơn hoặc chậm hơn một chút so với vòng chu kỳ 24 giờ, khi ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt mỗi ngày thì nó có tác dụng như một nút bấm cài đặt lại cho SCN, khiến cho bộ phận này đồng bộ hóa với chu kỳ sáng/tối bên ngoài.

Nếu bị mắc kẹt dưới mặt đất, hoặc nếu mắt bị tổn hại quá nhiều đến mức não bộ không còn nhận biết được ánh sáng nữa thì kết nối này sẽ mất đi, và cơ thể bắt đầu hoạt động tự do. Đó là trường hợp xảy ra với đội bóng thiếu niên Thái Lan.

Bởi vì khó có khả năng là đồng hồ sinh học trong cả nhóm là giống nhau, cho nên thời điểm mà các em thấy buồn ngủ và thức giấc cũng sẽ khác nhau. Điều này có thể tạo nên vấn đề trong không gian hạn chế của hang động, nghĩa là có người muốn ngủ nhưng lại có người vẫn cảm giác tỉnh táo. Trong các mô khác của chúng ta cũng có những đồng hồ khác nữa, và chúng thường được SCN điều chỉnh để đồng bộ với nhau.

Nếu việc xác định thời gian của cơ thể trở nên hỗn loạn (điều sẽ xảy ra khi bị mắc kẹt dưới lòng đất) thì các đồng hồ khác này cũng trở nên hỗn loạn. Sự gián đoạn sinh học như thế có liên quan tới chứng trầm cảm, mất ngủ, rối loạn trao đổi chất và nội tiết tố, và tập trung suy giảm. Tuy nhiên, có một cách để giải độc.

Khi 33 thợ mỏ bị kẹt trong mỏ đồng Chile suốt 69 ngày hồi năm 2010, "ánh sáng sinh học" đặc biệt được gửi xuống để thử nghiệm và tái tạo chu kỳ ánh sáng tự nhiên/bóng tối bên ngoài.

Duy Minh(tổng hợp)
.
.