Áp dụng công nghệ cao ngăn chặn quấy rối tình dục

Thứ Hai, 12/11/2018, 17:20
Ngày 1-11 vừa qua, nhân viên tại các văn phòng thuộc Tập đoàn Google trên toàn thế giới đã tham gia cuộc đình công chưa từng có tiền lệ mang tên “Google Walkout” nhằm phản đối cách đối xử của “ông lớn” công nghệ này với phụ nữ sau những cáo buộc quấy rối tình dục có liên quan đến các nhân vật lãnh đạo cấp cao của Google.

Đây tiếp tục trở thành một hồi chuông cảnh báo về nạn quấy rối tình dục đang trở nên phức tạp tại nhiều công sở, nhưng các nạn nhân phần lớn vì yếu thế hay không được bảo vệ nên hầu như không dám lên tiếng tố cáo.

Trong bối cảnh này, giới khoa học đã và đang nghiên cứu một số thiết bị hay ứng dụng hữu ích, đôi khi khá kỳ quặc, để ngăn chặn sự gia tăng của hành vi quấy rối tình dục cũng như bảo đảm an toàn cho mỗi cá nhân.

Cuộc đình công “Google Walkout” tiếp tục trở thành một hồi chuông cảnh báo về nạn quấy rối tình dục.

Dùng AI quét tin nhắn

Có thể nói trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một phần của cuộc sống hiện đại thời công nghệ 4.0. Thế nên ý tưởng sử dụng “người bạn nhân tạo thông minh” này hoàn toàn khả thi, khi AI nhắc nhở người dùng mỗi khi phát hiện những tình huống nhạy cảm hoặc đối tượng khả nghi.

Ứng dụng AI trong việc giám sát nguy cơ quấy rối tình dục tại văn phòng hoàn toàn khả thi nếu sử dụng nhiều hơn các công cụ được thiết kế cho công sở như Slack và Microsoft Teams trong quá trình liên lạc bằng thư điện tử của máy chủ công ty. AI sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu để biết sự thay đổi thái độ hay tâm trạng nhân viên trong công việc, đồng thời “quét” các tin nhắn nhằm nhận diện ngôn từ phản cảm, có tính chất quấy rối trong quá trình giao dịch.

Bên cạnh đó, AI giúp phân tích tần suất hành vi có khả năng là quấy rối và giúp tổng hợp các thông tin và bằng chứng liên quan khi người sử dụng cần đến. Cụ thể, khi một cá nhân gửi hình ảnh qua thư hay tin nhắn, AI sẽ nhận diện xem có phải ảnh khiêu dâm hay không. Chưa hết, nếu một nhân viên bắt đầu theo đuổi một nhân viên khác và thường xuyên nói chuyện qua các kênh liên lạc điện tử trong văn phòng, ứng dụng AI sẽ bắt đầu giám sát và thông báo về tần suất phát đi của những thông điệp hay các bức ảnh tới người dùng.

Điều này giúp mỗi cá nhân nhìn nhận rõ hơn về nội dung câu chuyện hoặc các hành vi khả nghi từ người bên ngoài. Từ đây, việc sử dụng AI làm công cụ cảnh báo có những giá trị nhất định, và có thể giúp tăng hiệu quả hoạt động cho công tác nhân sự ở công sở.

Trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu để “quét” các tin nhắn nhằm nhận diện ngôn từ phản cảm, có tính chất quấy rối.

Đeo phụ kiện thông minh

Hiện nay, một số công ty có xu hướng phát triển các phụ kiện nhằm ngăn ngừa tình trạng quấy rối tình dục và báo động cho người thân của nạn nhân. Chiếc vòng tay Onee do các kỹ sư Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) chế tạo giúp người đeo có thể xác định vị trí của nhau. Trước khi kích hoạt, người đeo đồng bộ hóa thiết bị của mình với vòng đeo tay của người còn lại thông qua phần mềm. =

Trong quá trình hoạt động, nếu người đeo chiếc vòng chạm vào lần một có nghĩa là an toàn, chạm lần hai nghĩa là nguy hiểm và cần sự trợ giúp. Trong khi đó, nhẫn thông minh Nimb của Công ty Nimb (Nga) lại được tích hợp một nút báo động khẩn cấp để gửi cảnh báo và vị trí của người đeo đến danh sách số điện thoại được chọn sẵn chỉ sau 3 giây.

Sản phẩm nhỏ bé này còn có chức năng ghi âm giọng nói để thu thập bằng chứng thông qua điện thoại khi lời cầu cứu được kích hoạt. Một khi lời cầu cứu được gửi đi, những người liên hệ khẩn cấp sẽ được thông báo bằng tín hiệu “rung”, cho biết người đang đeo Nimb hiện gặp nguy hiểm.

Hai thiết bị mới khác ẩn mình dưới dạng trang sức nhưng có tác dụng phòng chống quấy rối tình dục khá hữu ích là bộ đôi “kêu cứu” Athena - Stiletto. Athena, với kích cỡ bằng đồng xu, có thể được đeo như mặt dây chuyền, được cài trên áo, hay gắn ở những khu vực kín đáo nhất. Khi gặp nguy hiểm, chỉ cần bấm nút trên Athena khoảng 3 giây, lập tức thiết bị này sẽ phát âm thanh báo động kêu cứu đồng thời gửi thông tin ghi âm tình huống xảy ra và định vị địa điểm của người gặp nạn về số máy đã được chọn trước đó của người thân.

Tương tự, Stiletto được thiết kế mang tính thẩm mỹ để người dùng có thể đeo như một loại trang sức, và chỉ cần nhấn vào nút ấn bên hông, thiết bị thông minh này có thể thay người dùng gọi hỗ trợ từ cảnh sát hay cầu cứu tới số điện thoại được lựa chọn từ trước. Stiletto với bộ phận hỗ trợ âm thanh và định vị có thể nhận diện và cung cấp cho cảnh sát các thông tin cần thiết như khu vực nạn nhân đang ở, hay giọng nói của kẻ tình nghi.

Phát minh tiếp theo gây nhiều ngạc nhiên cho người dùng. Đó là miếng dán chống sàm sỡ của điện thoại thông minh dùng để “đánh dấu” kẻ xấu trong đám đông. Trong bối cảnh lo ngại quấy rối tình dục nơi công cộng ngày càng phổ biến, một sở cảnh sát ở tỉnh Saitama (Nhật Bản) đã đưa ra ý tưởng miếng dán điện thoại anit-chikan sticker. Nguyên tắc mà miếng dán điện thoại này hoạt động khá đơn giản, nhưng lại cực hiệu quả. Người dùng chỉ cần dán anit-chikan sticker vào điện thoại, sau đó gỡ bỏ mặt ngoài.

Trong trường hợp gặp nguy hiểm, người dùng chỉ cần ấn điện thoại vào tay kẻ khả nghi và miếng dán sẽ để lại dấu X màu đỏ trên tay đối tượng. Điều này sẽ khiến những kẻ có hành vi quấy rối dễ dàng bị phát hiện nhờ chữ X, góp phần giúp cảnh sát bắt được những kẻ tình nghi hoặc thu hút sự chú ý từ mọi người xung quanh khiến ý đồ sàm sỡ không thể tiếp tục.

Miếng dán điện thoại sẽ “đánh dấu” kẻ khả nghi bằng dấu X màu đỏ trên tay.

Cài phần mềm cảnh báo

Trên thế giới đã xuất hiện khá nhiều phần mềm giúp các nạn nhân có thể tố cáo ẩn danh hoặc công khai các đối tượng quấy rối, hay cung cấp thông tin về các địa điểm thường xảy ra hành vi quấy rối. Chẳng hạn, Watchoverme là ứng dụng miễn phí cho các máy dùng hệ điều hành Android và iOS, cho phép người dùng đặt “khoảng thời gian nguy hiểm” khi họ sắp gặp rủi ro. Trong thời hạn đó, chỉ cần người dùng rung lắc điện thoại (nếu không kịp bấm cuộc gọi), điện thoại sẽ lập tức kích hoạt chế độ báo động, bật video ghi lại tình huống và gửi báo động tới các số máy đã cài đặt trước.

Thậm chí dù người dùng không báo động, nhưng nếu hết thời hạn đặt “khoảng thời gian nguy hiểm” mà điện thoại của họ vẫn chưa tắt chế độ này, sẽ có tin nhắn tự động gửi đến số máy người thân cho biết vị trí của họ và nhắc nhở về khả năng có thể xảy ra rủi ro.

Trong khi đó, cảnh sát tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) vừa đưa vào sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh Mimamotchi có tính năng cảnh báo người dùng khi họ sắp đi vào nơi từng xảy ra các vụ tấn công tình dục trong vòng 12 tháng trước đó. Sử dụng hệ thống định vị toàn cầu, ứng dụng hiển thị vị trí hiện tại của người dùng trên bản đồ và biểu thị màu đỏ đối với những vị trí từng xảy ra hành vi quấy rối tình dục.

Mimamotchi cho phép người sử dụng chọn cài đặt, chẳng hạn phạm vi bán kính (từ 100m đến 5km) và khoảng thời gian của các vụ tấn công tình dục gần nhất để tránh những điểm nóng nguy hiểm tiềm tàng. Khi gặp tình huống khẩn cấp, người dùng có thể sử dụng tính năng báo động bằng cách chạm vào màn hình để điện thoại phát ra tiếng cảnh báo và gọi cảnh sát.

Tại Tây Ban Nha, các nhà chức trách đã phát triển ứng dụng Agrostop chuyên sử dụng vào những dịp lễ hội. Ứng dụng mới rất đơn giản, được bản địa hóa về ngôn ngữ và bản đồ, cho phép thông báo các cuộc tấn công/quấy rối đến cảnh sát trong tình huống khẩn cấp chỉ bằng một nút chạm “cảnh báo”.

Cụ thể, có ba sự lựa chọn sẵn trên ứng dụng AgroStop. Đầu tiên là cảnh báo “Tôi đang bị tấn công” - hệ thống định vị xác định vị trí của người dùng, và ngay lập tức gửi đến cho cảnh sát. Tùy chọn thứ hai là “Báo cáo một cuộc tấn công tình dục” sẽ kết nối các nhân chứng với cảnh sát. Tùy chọn thứ ba là “Người đồng hành cùng tôi” cho phép người dùng gửi vị trí của mình cho bạn bè, người thân để họ có thể theo dõi và đảm bảo người dùng về nhà an toàn.

Xuất hiện nhiều phần mềm giúp các nạn nhân có thể tố cáo ẩn danh hoặc công khai các đối tượng quấy rối như Mimamotchi và Agrostop.

Quần áo chống “yêu râu xanh”

Nhận thức được vấn nạn phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối tình dục, Công ty Safe Shorts (Đức) đã nảy ra ý tưởng sản xuất một loại quần gắn chuông đặc biệt. Theo đó, thiết kế của trang phục độc đáo này cho phép chống lại lực kéo tụt nhờ trang bị một ổ số khóa chỉ người mặc mới có mã riêng để mở. Trong trường hợp nguy hiểm, chuông báo động kích hoạt sẽ kêu liên tục khi các đối tượng có hành động quấy rối.

Thực tế đã chứng minh tính hiệu quả của sản phẩm này khi cô Alexandra Ceranek (48 tuổi) đã may mắn thoát khỏi một vụ tấn công tình dục nhờ chiếc quần của Safe Shorts sau khi hai kẻ tấn công đã bỏ chạy khi tiếng chuông báo động vang lên, thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh đến giải cứu Ceranek.

Tại Mỹ, kỹ sư Adam Whiton tới từ Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) và nhà thiết kế thời trang Yolita Nugent đã hợp tác tạo ra một hệ thống quần áo có thể phát hiện những hành động quấy rối tình dục như đẩy, kéo, tát và đấm. Đây là một loại áo lạnh trùm đầu, có thiết bị cảm ứng sức ép được may vào bên trong lớp lót áo.

Những thiết bị cảm ứng trên được đặt tại nhiều vùng cơ thể nhạy cảm, dễ bị tác động như ngực trên, phần bụng, cẳng tay hay vùng kín, có tác dụng đo lường sức ép và những lực tác động lên người mặc. Sau đó, các tín hiệu được chuyển sang máy vi tính, giúp nạn nhân ghi lại những hành động xâm phạm của hung thủ và có thể dùng làm bằng chứng trước tòa.

Độc đáo hơn cả phải kể đến sản phẩm áo lót chống sàm sỡ của một nhóm sinh viên kỹ thuật Ấn Độ. Ra đời như một giải pháp thông minh nhằm ngăn chặn nạn quấy rối phụ nữ ở nơi công cộng tại Ấn Độ, loại áo lót đặc biệt được thiết kế với một cơ chế tự vệ riêng.

Theo đó, khi có kẻ cố gắng sàm sỡ người mặc, cảm biến áp suất được kích hoạt sẽ tạo ra một dòng điện chạy qua người đối tượng. Dòng điện 3.800 kV xuất phát từ các cảm biến áp suất được may vào bên trong vải áo, với sốc điện có thể phát ra đến 82 lần. Người mặc vẫn “bình an vô sự” vì bên trong áo cũng có lót một lớp cách điện bảo vệ.

Ngoài ra, áo lót “chống yêu râu xanh” còn tích hợp hệ thống định vị toàn cầu, sẽ gửi tin nhắn đến số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát cũng như cảnh báo tới người thân trong trường hợp nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhóm sinh viên cũng đang nghiên cứu và phát triển loại áo khoác được gắn các điểm tiếp xúc bằng kim loại trên bề mặt để mang theo điện tích, đủ để sản sinh ra dòng điện vô hiệu hóa kẻ quấy rối, giúp nạn nhân có thời gian tự vệ hay chạy thoát.

Các sản phẩm này hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong chiến dịch chống lại nạn quấy rối tình dục trên toàn thế giới.

Hồng Hạnh
.
.