Bắc Cực tan băng và những hiểm họa

Thứ Bảy, 08/02/2020, 13:33
Các nghiên cứu mới đây đã đưa ra cảnh báo "cỗ máy điều hòa" Trái Đất là Bắc Cực đứng trước nguy cơ sớm... dừng hoạt động.

Với tốc độ tan băng rất nhanh như hiện nay, giới khoa học cho rằng đảo quốc Bắc Cực Greenland cùng nhiều vùng ven biển sẽ nhanh chóng biến mất. Cùng với đó, nhiều hệ lụy nguy hiểm đi kèm như sự giải phóng nhiều mầm bệnh ẩn dưới lớp băng hay sự biến mất của nhiều giống loài vùng cực.

Không thể đảo ngược

Các báo cáo cuối năm 2019 cho thấy, các tảng băng tại Greenland (Đan Mạch) đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng mặt. Theo ước tính, mỗi ngày Greenland có thể mất đến 10 tỉ tấn băng tan trôi ra ngoài đại dương.

Trong khi đó, mức tan chảy gần 40m đáng báo động mỗi năm của Jakobshavn, dòng sông băng lớn nhất của Greenland, khiến giới khoa học vô cùng lo lắng khi chưa có dấu hiệu Jakobshavn được bồi đắp thêm băng.

Băng tan đang đe dọa quần thể gấu Bắc Cực, khiến chúng có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Trong suốt gần hai thập niên qua, mức độ bao phủ của băng biển ở Bắc Cực tương đối thấp, chạm mức tối thiểu hàng năm hồi tháng 9/2019 sau khi băng tan suốt những tháng mùa hè. Độ dày băng biển ngày càng suy giảm, khi hiện nay chỉ hơn 1% lượng băng biển là băng dày vẫn còn đóng băng từ năm trước đó, bằng 1/30 số liệu từ năm 1985 khi băng dày và cũ chiếm 33% băng biển vào cuối mùa đông.

Tình trạng tan băng ở Greenland đang dần chạm tới ngưỡng rất nguy hiểm và khó có thể đảo ngược, nhanh gấp 6 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn 2002-2009, băng tan đã khiến mực nước biển toàn cầu dâng thêm khoảng 0,7mm/năm. Cùng với dự đoán tốc độ tan chảy còn tiếp tục gia tăng, năm 2100 sẽ chứng kiến mực nước biển cao thêm gần 15cm. Nếu băng ở Greenland tan hết, mực nước biển sẽ dâng cao thêm hơn 7m, tiếp thêm sức mạnh cho các cơn bão để tạo ra "công thức hoàn hảo" để phá hoại kinh tế - xã hội các vùng ven biển. Trong tương lai, nhiều thành phố ven biển như Miami, Thượng Hải, New York hay Mumbai sẽ bị "nuốt chửng" và biến mất mãi mãi.

Những mầm mống hiểm họa

Do bầu không khí nóng lên, các sinh vật tại Bắc Cực buộc phải thay đổi để thích nghi. Băng tan ở biển Bering đang định hình lại toàn bộ hệ sinh thái biển, khiến cá và các loài thích vùng nước ấm đang kéo vào khu vực, còn các loài ở vùng nước này phải di chuyển lên phía bắc Bắc Cực.

Số lượng gấu Bắc Cực đã giảm khoảng 40% trong thập niên qua do tình trạng băng tan nhanh chóng. Rõ ràng, khi băng tan chảy hết, gấu sẽ không còn cơ hội để sinh tồn và thậm chí có thể biến mất trong tự nhiên vào cuối thế kỷ 21.

 Nhiều chuyên gia cảnh báo, băng tan có thể giải phóng vi khuẩn và virus ẩn mình trong lớp băng sau hàng triệu năm, tạo nên hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm trên quy mô toàn cầu trong tương lai. Vừa qua, các chuyên gia đã phát hiện khoảng 30 chủng virus hoàn toàn mới mẻ đối với khoa học hiện đại trong một tảng băng ở Trung Á. Kết quả nghiên cứu khẳng định những loại virus này ưa lạnh, phát triển và sinh sôi ở nhiệt độ thấp, trong khoảng từ -20°C đến 10°C.

Chưa hết, nhiều ý kiến quan ngại, ẩn sâu dưới các lớp băng vĩnh cửu là những loại virus cổ đại nguy hiểm hơn từng gây ra đại dịch toàn cầu.

Một số báo cáo suy đoán, các bệnh đã từng bị xóa sổ trước đây như đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918, dịch hạch hay đậu mùa nhiều khả năng được trữ lạnh trong lớp băng vĩnh cửu. Điều này hoàn toàn có căn cứ khi lớp đất nằm sâu dưới các lớp băng vĩnh cửu lại là một môi trường lý tưởng để "nuôi sống" các loại vi khuẩn và virus.

Một nghiên cứu của Pháp năm 2019 đã chứng minh có thể "đánh thức" một virus 30.000 năm tuổi trong lớp băng vĩnh cửu khi băng tan hoàn toàn thành nước và được làm nóng. Theo đó, băng chỉ đóng vai trò như một chủ thể lưu trữ tạm thời, và một ngày nào đó những mầm bệnh nguy hiểm có thể tái xuất trong hệ sinh thái khi băng tan chảy, gây ra nhiều thảm họa đối với loài người...

Nam Hồng
.
.