Xung quanh đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi:

“Chết nhân đạo” – Hai mặt của một vấn đề

Thứ Hai, 11/05/2015, 21:35
"Cái chết nhân đạo" bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp "euthanatos", trong đó eu là tốt và thanatos là chết. Nó xuất hiện vào thế kỷ XVII, nhằm khuyến khích các bác sĩ quan tâm đến sự đau đớn của người bệnh và tạo điều kiện cho những người không còn khả năng cứu chữa, đi khỏi thế giới này một cách êm ả, nhẹ nhàng.

Đến cuối thế kỷ XIX, khi y học đã tìm ra nhiều loại thuốc giảm đau thì thuật ngữ "euthanatos" không còn nằm trong phạm vi giúp người bệnh tránh được sự đau đớn, mà nó ám chỉ một hành động đặc biệt, nhằm tạo ra cái chết cho những bệnh nhân được coi là "y học bó tay". Cái chết nhân đạo lúc ấy sẽ giúp họ không phải rơi vào tình trạng suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần khi bệnh nan y đã ở giai đoạn cuối…

Đồng thuận

Để hiểu thêm về cái chết nhân đạo theo quan điểm nước ngoài, tôi gửi email cho bác sĩ Lê Quang, nguyên là một "tay dao" tầm cỡ ở Khoa Ngoại tổng quát, lầu 4, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, nay đang định cư tại Mỹ. Trong thư trả lời, bác sĩ Lê Quang, cho biết: "Ở Mỹ, có hai dạng chết nhân đạo. Đó là "chết nhân đạo chủ động" và "chết nhân đạo thụ động".

Khu vực thực hiện cái chết nhân đạo tại một bệnh viện ở Hà Lan.

Theo bác sĩ Lê Quang, một bệnh nhân muốn được "chết nhân đạo chủ  động" thì phải hội đủ 4 điều kiện sau: "Một là người ấy mắc bệnh nan y và không thể chịu đựng nổi nỗi đau thể xác. Hai là qua kiểm tra, Hội đồng y khoa xác định cái chết của người ấy là điều không thể tránh khỏi trong một tương lai gần. Ba là người ấy  đồng ý chết và bốn là các bác sĩ trực tiếp điều trị cho người ấy xác định không còn khả năng điều trị giảm đau". Khi đã hội đủ những điều kiện này, người ấy sẽ được "chết" bằng thuốc an thần rồi sau đó là thuốc làm ngừng tim, ngừng phổi.

Với trường hợp "chết nhân đạo thụ động", bác sĩ Lê Quang, viết: "Người bệnh cũng phải đáp ứng 3 điều kiện. Đó là mắc bệnh nan y giai đoạn cuối, không còn  khả năng hồi phục, bệnh nhân đồng ý ngưng điều trị và sự đồng ý này được lập thành văn bản khi họ vẫn tỉnh táo. Nếu bệnh nhân ở trong trạng thái hôn mê, thì sự đồng ý chết của họ có thể xác định bằng một văn bản hoặc di chúc mà họ đã viết trước đó - nếu có, hoặc dựa vào lời yêu cầu của tất cả mọi thành viên trong gia đình". Việc thực hiện "cái chết thụ động" lúc này sẽ được áp dụng bằng hình thức ngừng hẳn những điều trị y khoa, như hóa trị liệu, lọc máu, truyền máu, hỗ trợ hô hấp, chạy thận, tim nhân tạo…

Một số bác sĩ ở các BV như Chợ Rẫy, Bình Dân, BV Đại học Y Dược, BV Ung Bướu TP HCM, Trung tâm Pháp y TP HCM khi tôi hỏi, cũng đều ủng hộ việc sớm có luật "chết nhân đạo" vì theo họ, khi sự sống của một con người chỉ còn tính được bằng đơn vị tháng, thậm chí  tuần lễ - trong lúc tất cả mọi hỗ trợ y khoa đều đã vô ích thì việc để cho người ấy phải chịu đựng nỗi đau thể xác là điều không nên.

Giải thoát sự đau đớn của căn bệnh nan y bằng cái chết nhân đạo.

Có bác sĩ đặt câu hỏi: "Thứ nhất là trường hợp chết não, người bệnh sống được hoàn toàn nhờ vào các biện pháp hỗ trợ như hô hấp, tuần hoàn và nuôi dưỡng nhân tạo. Rút máy ra thì coi như xong. Vậy có nên duy trì tình trạng này không? Thứ hai là trường hợp người bệnh mất ý thức kéo dài và không còn khả năng hồi phục, bản thân họ cũng chẳng biết vui buồn sướng khổ, thì có nên để họ tiếp tục kéo dài nữa hay không và để làm gì?".

Và phản đối

Đồng thuận thì nhiều, nhưng phản đối cũng không ít. Đại đa số ý kiến của những người phản đối đều cho rằng việc đưa "cái chết nhân đạo" thành quy định trong luật là đi ngược lại truyền thống Á Đông, đi ngược giáo lý, tín ngưỡng, tâm linh, phá vỡ tính ổn định xã hội, vô hình trung cổ xúy cho những tiêu cực?

Anh Trương Văn Luận, nhà ở đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, nói: "Mẹ tôi bị tai biến, hiện đang sống thực vật nhưng nếu tôi được quyền chọn cho mẹ tôi cái chết nhân đạo thì tôi dứt khoát không chọn. Mặc dù hiện nay mẹ tôi không nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh nhưng mỗi chiều đi làm về, nhìn thấy mẹ tôi nằm trên giường, tôi vẫn thấy ấm lòng vì biết rằng mình vẫn còn mẹ!".

Người bác sĩ này nghĩ gì khi tự tay kết liễu cuộc sống của một bệnh nhân nan y bằng cái chết nhân đạo?

Chị Thục, một giáo viên ở quận 3 nêu vấn đề: "Làm thế nào để xác định đó là chết nhân đạo vì ranh giới giữa "chết nhân đạo" và "vô nhân đạo" rất mỏng manh? Thí dụ ba tôi hôn mê nằm liệt vài năm thì liệu ông có còn đủ nhận thức để biết cái chết dành cho ông là chết nhân đạo hay không? Chưa kể nếu trong gia đình, ai cũng chán ngán vì phải chăm nuôi ông quá lâu dài, rồi mâu thuẫn về việc tiền bạc đóng nhiều góp ít nên tất cả thống nhất viết đơn xin cho ông "chết nhân đạo", thì cái chết của ông khi ấy là để giải thoát cho ông hay giải thoát gánh nặng cho chúng tôi?".

Anh Trần Thảo, một đồng nghiệp với tôi đã… nhảy dựng lên khi tôi hỏi về chết nhân đạo: "Hả? Làm như vậy chẳng khác nào mình tự tay giết cha mẹ mình. Rồi giỗ chạp ra sao, rồi bà con thân thuộc, hàng xóm láng giềng điều tiếng thế nào? Chưa kể những áp lực tâm lý sẽ đè nặng trong lòng mình, lắm khi đến suốt đời vì chẳng hạn lúc tôi thực hiện "chết nhân đạo" cho ba tôi thì không ai phản đối. Nhưng lúc anh em trong nhà bất hòa, chị tôi mà chửi tôi là "thằng giết cha" thì chắc tôi đi theo ổng luôn quá!".

Phản đối cái chết nhân đạo, có người dựa vào lý do tôn giáo. Bà Hạnh, ở khu dân cư Vĩnh Lộc A, quận Bình Chánh, ăn chay trường đã hơn chục năm nay, nói: "Một trong những nguyên lý của đạo Phật là không sát sinh. Ngay cả con sâu, cái kiến cũng còn muốn sống thì cớ sao mình lại có quyền quyết định cái chết của người khác". Bà Thịnh, giáo dân thuộc xứ đạo Tân Sa Châu, nói thêm: "Trong 10 điều răn của Thiên Chúa giáo, có điều thứ 5 là "chớ giết người".

Mà con cái, vợ hoặc chồng, xin cho người thân của mình được chết, dù họ mắc bệnh nan y chăng nữa thì cũng là giết người vậy!". Ngay cả giới bác sĩ cũng có nhiều người không tán thành chuyện này. Theo quan điểm của họ, thì: "Nghề y là nghề cứu người, còn nước còn tát".

Bác sĩ Quyền, chuyên khoa Tai Mũi Họng, nêu ý kiến: "Thí dụ tôi phát hiện một bệnh nhân bị ung thư vòm họng và nếu tích cực điều trị thì họ cũng chỉ sống thêm chừng một năm chẳng hạn. Mà một năm là tương lai gần trong lúc việc điều trị tốn rất nhiều tiền, chưa kể cái đau đớn do ung thư vòm gây ra là cái đau đớn nhất trong tất cả những loại ung thư, thì chẳng lẽ tôi xúi người ta nên "chết nhân đạo" ngay đi để đỡ phải chịu đựng, hay sao?". Bác sĩ Nam, chuyên khoa Nội tim mạch thì dứt khoát: "Dù người bệnh có yêu cầu hoặc BV chỉ định tôi thực hiện cái chết nhân đạo, tôi cũng cương quyết từ chối vì điều này sẽ khiến tôi có mặc cảm là tôi vừa thi hành xong một bản án tử hình".

Về phía bệnh nhân - những người đang mắc phải căn bệnh nan y, qua nhiều lần giải thích, thuyết phục, chúng tôi mới tiếp cận được hai người sau khi gia đình họ đồng ý. Người thứ nhất là ông Viên, bị ung thư đại tràng, di căn gan, đã mổ và đang trong giai đoạn hóa trị. Một cách tế nhị, chúng tôi hỏi ông là nếu sống thêm được một thời gian nữa nhưng sống trong đau đớn, và nếu Nhà nước cho phép thực hiện cái chết nhân đạo thì ông sẽ chọn cách nào? Không suy nghĩ, ông trả lời ngay: "Có ai tự dưng mà muốn chết đâu. Bịnh hiểm thì có thầy hay chứ mắc mớ gì mà xin chết!".

Người thứ hai là một giáo viên, tên Long, ung thư phổi. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, anh suy nghĩ rất lâu rồi mới nói chậm rãi: "Tôi cũng đã từng nhiều lần nghĩ đến chuyện này rồi. Bây giờ thì tôi chưa thấy đau lắm vì thuốc giảm đau vẫn còn hiệu quả. Mai mốt nếu nó không tác dụng nữa, và tôi xin được chết thì bản thân tôi sẽ thanh thản, nhẹ nhàng. Nhưng vợ tôi, con tôi sẽ đau đớn. Vợ tôi từng nói nếu phải bán cả cái nhà này, rồi đi ở mướn để tôi sống thêm - dù chỉ 1 ngày thì vợ tôi cũng sẵn sàng. Vì vậy, dù biết rằng con đường đi đến cái chết của tôi rất kinh khủng, nhưng tôi vẫn chọn được chết một cách tự nhiên".

Riêng vợ anh Long - là một luật sư thì cho rằng: "Pháp luật không nên quy định cho cá nhân quyền được chết, hay quyền được lựa chọn cách chết vì mọi cái chết mang tính cưỡng bức hoặc có chủ tâm đều là những cái chết không bình thường. Nó kéo theo nhiều vấn đề mang tính tiêu cực. Con người là thực thể của tự nhiên, vì vậy hãy để cho cái chết xảy đến một cách tự nhiên. Việc cho phép cá nhân được quyền lựa chọn cách chết dù trong hoàn cảnh nào chăng nữa, cũng chưa nên quy định vào lúc này".

Không thể vội vàng

Một vấn đề nữa cũng cần phải nhắc tới khi bàn về nội dung này, đó là vấn đề tín ngưỡng, tâm linh. Chết tự nhiên thì có giờ, có khắc. Hay nói một cách dễ hiểu là có số, có mệnh. Chết tự nhiên thì có sao chịu vậy. Nhưng còn chết nhân đạo thì chọn giờ thế nào ? ai chọn ? Rồi thì chẳng may sau này có chuyện gì liên quan thì những hệ lụy của nó chỉ có ông trời mới biết trước được!

Ở nước ta, chuyện "sinh, tử" vẫn là chuyện hệ trọng nên trước khi "cái chết nhân đạo" được đưa vào luật, sẽ còn phải mất một thời gian dài để các ngành chức năng đo lường phản ứng xã hội vì rằng nhiều hệ lụy có thể sẽ xảy ra. Theo bác sĩ Nam, thì: "Trường hợp người cha, người mẹ sống thực vật, hoặc ung thư giai đoạn cuối, trong số các con có người muốn cha, mẹ mình được chết nhân đạo nhưng có người không muốn thì luật pháp giải quyết thế nào? Chưa kể nếu họ kiện cáo thì phân xử ra sao?".

Có ý kiến cho rằng nếu cái chết nhân đạo được luật pháp thừa nhận thì có người sẽ lợi dụng nó để tự tử. Tuy nhiên, không đơn giản "chết là hết" vì khi đã thành luật, thì quyền được chết là quyền có điều kiện. Muốn chết phải có kết luận y khoa, có tư vấn của bác sĩ tâm lý, có hội đồng phê duyệt chứ không phải cứ hễ  mắc bệnh nan y rồi muốn chết là chết. Việc áp dụng "cái chết nhân đạo" theo đúng quy định sẽ là lối thoát cho những bệnh nhân không còn hy vọng vào một cuộc sống có ý nghĩa, cũng như kết thúc những đau đớn triền miên cả về thể xác lẫn tinh thần.

Cuối cùng, theo ý kiến của một số chuyên gia pháp lý, thì các nhà làm luật nên cân nhắc khi đưa vấn đề "chết nhân đạo" vào Luật Dân số bởi lẽ Luật Dân số nằm trong phạm vi các vấn đề liên quan tới dân số. Trong khi đó, về mặt lý thuyết thì "chết nhân đạo" - hay chính xác hơn là quyền được chết - lại là quyền nhân thân. Vì vậy, trước hết phải có quyền nhân thân trong bộ Luật Dân sự rồi tiếp theo, quyền này được cụ thể hóa bằng một nghị định của Chính phủ, hoặc một đạo luật - như "Luật trợ tử" chẳng hạn…

Xuân Hòa
.
.