Chạy máy phát điện khiến 4 người tử vong tại Gia Lâm (Hà Nội):

Bài học từ những cái chết thảm do ngạt khí CO

Thứ Năm, 22/09/2016, 15:35
Trong các loại khí thải độc hại thì CO được đánh giá là loại khí nguy hiểm nhất khi gây ra cái chết "êm ái" không báo trước cho nạn nhân. Thực tế rất nhiều vụ tai nạn thương tâm, gây tử vong nhiều người cùng lúc do ngạt khí CO đã xảy ra...

Vụ tai nạn thảm thương xảy ra vào sáng 17-9 vừa qua tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội khiến mọi người hết sức bàng hoàng.

Khoảng 6 giờ 10 phút ngày 17-9, anh Lý Duy Hải ở xóm 6 xã Ninh Hiệp đến kho chứa vải của gia đình tại xóm 1 Ninh Hiệp, thấy cửa kho bị khóa trong. Anh Hải gọi tên số người làm thuê ngủ tại kho nhưng không có ai trả lời. Anh Hải cùng mọi người phải phá cửa kho vào, phát hiện 6 người làm thuê gồm 3 nam, 3 nữ đều trong tình trạng bất tỉnh, máy nổ phát điện đang hoạt động.

Hiện trường vụ ngạt khí CO khiến 4 người tử vong ở Ninh Hiệp.

Các nạn nhân đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sỹ kiểm tra, xác định có 3 trong số 6 người đã tử vong gồm chị Nguyễn Thị Vui (44 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh), Bùi Văn Giáp (22 tuổi), Bùi Văn Hoàng (16 tuổi), cùng ở Yên Thành, Nghệ An. Đến 18 giờ 30 phút ngày 18-9, thêm một nạn nhân tử vong là anh Trần Văn Sáng (18 tuổi), ở Yên Thành, Nghệ An. Hai người còn lại là Nguyễn Thị Nhung (16 tuổi) và Đậu Thị Hằng (20 tuổi), quê Yên Thành, Nghệ An đang được tiếp tục điều trị tại bệnh viện.

Quá trình điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định 6 nạn nhân nêu trên làm thuê cho anh Lý Duy Hải. Buổi tối hàng ngày, 6 người này ngủ lại tại nhà kho. Tối 16-9, kho chứa vải bị mất điện nên các nạn nhân sử dụng máy nổ phát điện và khóa cửa đi ngủ. Đến sáng hôm sau, anh Hải đến kho phát hiện sự việc đau lòng trên.

Tiến hành khám nghiệm hiện trường cho thấy kho vải có 2 lớp cửa. Cửa gỗ ra vào kho trong tình trạng chốt trong, cửa nhôm cuốn có khóa ngoài bị phá do quá trình cấp cứu nạn nhân. Khám nghiệm và pháp y tử thi các nạn nhân đều không có thương tích do ngoại lực tác động.

Nạn nhân có dấu hiệu của hiện tượng ngạt khí CO như các cơ quan phủ tạng bị xung huyết, có màu hồng cánh sen, da màu hồng đỏ, mũi và miệng có dịch hồng chảy ra... Kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi nhận định, các nạn nhân tử vong do ngạt khí CO, là khí thải sinh ra từ việc chạy máy nổ phát điện trong nhà kho bị đóng kín cửa.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội, khí CO (tên gọi Cacbon monoxit, cacbon oxit hoặc oxit cacbon khí than) được hình thành do việc đốt cháy không hết nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và một số chất hữu cơ khác. Khi con người ở trong không khí có nồng độ khí CO khoảng 250ppm sẽ bị tử vong.

Khí thải CO sinh ra từ chạy máy phát điện trong phòng kín là nguyên nhân gây tử vong.

Tại thời điểm sau khi phát hiện sự việc và đưa các nạn nhân đi cấp cứu, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội đã mang thiết bị đo nồng độ khí đến hiện trường để kiểm tra. Kết quả đo được nồng độ khí CO lúc này vẫn còn cao, ở mức 200-500ppm.

Trong thực tế, đã có nhiều vụ việc tử vong thương  tâm do ngạt khí CO trong quá trình sinh hoạt như sưởi ấm bằng than hoa hoặc bếp than tổ ong, than đá, chạy máy phát điện trong phòng kín, đốt lò vôi,  lò gạch... Điển hình như vụ 10 người tử vong tại quán karaoke ở xã Quảng Chính (Hải Hà, Quảng Ninh), nguyên nhân do nhóm người này liên quan gặp trời mưa, mất điện lưới nên chủ quán cho chạy máy nổ để khách tiếp tục cuộc vui.  Hay mới đây nhất, tháng 1-2016, 8 người dân cũng tử vong cùng lúc do  ngạt khí CO tại lò nung vôi ở Nông Cống (Thanh Hóa).

Theo giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội, khí sinh ra từ bếp lò, nhất là bếp lò đốt bằng than như than tổ ong, than đá cục... có chứa rất nhiều chất khí độc hại như NOx, SO2, CO, CO2... Xét về mức độ độc hại thì thấy CO2 chỉ có tính không duy trì sự sống (gây ngạt), các khí còn lại đều có độc tính cao.

Tuy nhiên NOx và SO2 là các loại khí có mùi nên dễ phát hiện, còn lại CO lại là một khí cực độc nhưng không màu,  không mùi và không gây kích thích nên khí này là nguyên nhân của rất nhiều ca ngộ độc gây chết người ở nhiều nơi trên thế giới bởi khi ngộ độc, nạn nhân thường không biết. Các nghiên cứu cho thấy hít không khí ô nhiễm 6,4x1.000 ppm CO trong vòng 2 phút gây nhức đầu và choáng váng, trong vòng 15 phút có thể gây bất tỉnh và tử vong.

Chính vì vậy, trong các loại khí độc thì CO được đánh giá là nguy hiểm nhất bởi khi bị ngạt khí CO sẽ gây tê liệt hệ thần kinh trung ương cho nạn nhân. Nếu như ngạt khí CO2, nạn nhân còn có phản ứng như giãy giụa, kêu cứu; còn  bị ngạt khí CO thì nạn nhân bị lịm dần và chết từ từ, không hề có bất cứ phản ứng gì. Trường hợp nhẹ hơn thì cũng để lại di chứng thần kinh - tâm thần.

Qua những vụ tử vong thương tâm do ngạt khí CO gây ra như trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng tránh ngộ độc khí CO trong quá trình sinh hoạt, làm việc hàng ngày. Không dùng các loại than để sưởi trong phòng kín, không đặt máy phát điện ở những nơi kín như tầng hầm, nhà để xe hoặc gần cửa phòng ở.

Ở những nơi làm việc có khí CO như lò gạch, lò luyện kim... phải có thiết bị đo nồng độ CO và có biện pháp xử lý, không để nồng độ CO vượt quá ngưỡng cho phép. Khi phát hiện có nạn nhân bị ngộ độc khí CO, cần nhanh chóng làm thoáng khí, mở rộng cửa, đưa nạn nhân nhanh chóng ra khỏi nơi nhiễm độc. Bản thân người đến cấp cứu nạn nhân cũng phải chú ý đảm bảo an toàn cho mình.

H.Vũ
.
.