Tin đồn "chữa khỏi bệnh dại bằng thuốc nam" là hoang đường!

Thứ Tư, 13/07/2016, 11:30
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa thông báo hơn 5 tháng đầu năm 2016 cả nước có 26 ca tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, hiện vacxin phòng dại đang khan hiếm tại Hà Nội, Thanh Hóa và một số địa phương, do nguồn nhập khẩu giảm sút. Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý dược đã làm việc với nhà sản xuất Sanofi Pasteur và các nhà phân phối vacxin dại tại Việt Nam để điều tiết.

Các trường hợp tử vong ở các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang, Gia Lai, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Tây Ninh, mỗi tỉnh từ 1 đến 4 ca. Có những tỉnh lượng người bị chó dại cắn cao bất thường như Thái Nguyên khoảng 2.000 người; Thanh Hóa 781 người...

Một trường hợp rất thương tâm là sản phụ Nguyễn Thị Tin, 32 tuổi, ở xã Nghi Văn, Nghi Lộc, Nghệ An, mang thai 32 tuần được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Nghệ An ngày 9-6 khi các triệu chứng cơn dại đã bùng phát như sốt; mệt mỏi; chảy dớt dãi; không nuốt được nước bọt; sợ nước, sợ gió; có những cơn co thắt hầu họng..., phải mổ cấp cứu để cứu con.

Chó dại sùi bọt mép.

Sau ca mổ, mẹ tử vong, bé trai nguy kịch. Sau hơn 10 ngày chăm sóc đặc biệt tại BV, cháu qua đời ngày 21-6 do sốc nhiễm khuẩn. Cần khẳng định rằng khi bị chó, mèo... dại cắn đã lên cơn dại thì 100% tử vong và chỉ có một cách duy nhất là tiêm vacxin phòng dại hay kháng huyết thanh chống dại hoặc cả hai loại này sớm nhất mới qua khỏi được. chuyện chữa khỏi dại bằng thuốc nam là hoang đường và càng hoang đường hơn khi thuốc nam chữa khỏi dại vào đúng lúc người bệnh lên cơn!?

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm tuy rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chủ động khống chế bằng các cách đơn giản nhưng do tập quán và ý thức tùy tiện của người dân, thái độ lơ là của chính quyền và cơ quan chức năng nên có nguy cơ bùng phát. Bệnh dại do virus dại (họ Rhabdoviridae), một loại virus hướng thần kinh, gây viêm não cấp, vào máu người theo dớt dãi qua vết cắn của chó (90%), mèo (5%), lợn, chuột..., tuy không có đại dịch nhưng luôn tồn tại những ổ dịch nhỏ, tản phát trong tự nhiên, gây bệnh cho chó và người chủ yếu vào mùa hè.

Ước tính, toàn thế giới có khoảng 100.000 người chết mỗi năm do bị dại và 80% ở các nước châu Á, Phi và Mỹ; trung bình 15 phút có một người chết vì dại. Năm 2003, bệnh dại bùng phát ở Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm có 1.300 người chết (năm 2001 là 854 người) do chó cảnh và chó lang thang tăng, tỷ lệ tiêm phòng thấp; năm 2007, tử vong do dại gấp 16 lần năm 1995.

Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 650.000 người bị chó dại cắn phải tiêm và trước năm 1995, số người chết khoảng 400 - 500/năm, nay chỉ còn hàng chục người tử vong nhưng có năm gần đến 100; năm 2015, theo Viện Vệ sinh dịch tễ TW, cả nước có gần 400.000 người bị chó dại cắn được y tế điều trị, trong đó 78 người tử vong; tỷ lệ tiêm vacxin cho chó tại các địa phương thấp (dưới 60% ở thành thị và khoảng 15 - 20% ở nông thôn) dù có quy định không tiêm, chủ bị phạt từ 100.000 - 300.000đ. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm kinh sợ nhất vì người bệnh có triệu chứng như chó dại nhưng tỉnh táo cho đến lúc chết, được WHO xếp hạng gây tử vong thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm.

Muốn khống chế và loại trừ bệnh dại, 70% trở lên số chó toàn quốc phải được tiêm vacxin phòng dại và đây là cách đơn giản thứ nhất. Thế nhưng, nhiều địa phương, nhất là miền núi, tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại trên chó đạt tỷ lệ rất thấp, đa số các địa phương không đạt tỷ lệ tối thiểu 70% như quy định; cá biệt năm 2015 tỉnh Cà Mau chỉ tiêm phòng dại được 1,65% số chó!? (số liệu của Cục Thú y, Bộ NN-PTNT).

Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết, tình trạng nhiều chó dại là do thiếu kiểm soát khâu tiêm phòng, hiện chỉ tiêm được 60% số chó của tỉnh, có đến 3 ổ dịch dại được xác nhận ở những khu vực mà không có một con chó nào được tiêm phòng; sau nhiều năm cơ bản kiểm soát được, thì nay bệnh dại trên chó đang trở lại...

Tập quán nuôi chó thả rông ở nước ta cũng là một "công đoạn" trong chu trình lây truyền bệnh vì chó lành dễ dàng tiếp xúc với chó mang mầm bệnh hoặc đã phát bệnh làm phát tán virus dại ra diện rộng. Tuy đã có quy định nuôi chó phải tiêm chủng, phải rọ mõm từ lâu nhưng hầu hết người dân coi như chuyện "mất thời gian". Nói không quá thì chỉ cần làm tốt việc tiêm chủng và rọ mõm đã loại trừ cơ bản được bệnh. Tuy nhiên, hai việc dễ làm nhất nhưng hiệu quả nhất này lại không làm được do tập quán để lại.

Vì thế nên phải tốn kém, bởi tháng 5-2016, Cục Thú y đã có 11 đoàn đi 26 tỉnh, TP để kiểm tra, đôn đốc chính quyền địa phương tiêm phòng dại cho chó. Bộ NN-PTNT phải gửi văn bản đến Chủ tịch UBND các tỉnh, TP đề nghị đôn đốc tiêm vacxin phòng dại trên chó và đặt mục tiêu quản lý cho được số chó, mèo; giảm số lượng người bị chó cắn, người tử vong do bệnh dại năm 2016.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh, TP thống kê đủ số lượng chó và phối hợp với cơ quan thú y tổ chức ngay các đợt tiêm phòng; tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động tiêm vacxin cho chó, mèo, đặc biệt phải ký cam kết không thả rông; đưa chó ra nơi công cộng phải có rọ, xích dắt. Chủ tịch UBND huyện, xã quy định cụ thể việc bắt, xử lý chó thả rông nơi công cộng, đông dân cư, khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 05/2007 và tổ chức lực lượng tuần tra, bắt chó thả rông...

Khi bị chó cắn, tiêm kháng huyết thanh và vacxin là vấn đề sống còn. Nếu vết cắn nhẹ, xa não mà chó vẫn bình thường, không phát hiện súc vật dại ở khu vực thì không cần tiêm. Khi bị chó cắn không được giết chó mà phải theo dõi trong khoảng 15 ngày nếu chó không phát dại cũng không phải tiêm, vì 10 ngày là đủ thời gian ủ bệnh để bệnh phát trên chó.

Đã có không ít trường hợp nóng giận đập chết chó khi bị cắn, sau đó phát dại tử vong, vì con chó đó đã nhiễm virus nhưng chưa phát bệnh. Trong vòng 10 ngày nếu chó mất tích, ốm chết, bỏ ăn, bị giết thịt hoặc phát dại thì phải tiêm ngay. Bị chó dại cắn ở đầu, mặt, cổ, tay (gần não); hoặc nhiều vết cắn nguy hiểm, sâu; không theo dõi được chó; bị cắn ở khu vực có chó dại thì phải tiêm kháng huyết thanh ngay để ngăn chặn virus xâm nhập não và tiêm vacxin cùng ngày.

Tiêm kháng huyết thanh càng sớm hiệu quả càng cao (hiệu quả cao nhất trong vòng 2 ngày đầu), nếu chậm cũng không được để quá 7 ngày từ khi bị cắn (thời gian ủ bệnh dại ở người từ vài ngày đến vài tháng, thậm chí một năm tùy theo vết cắn gần hay xa não); tiêm muộn hiệu quả giảm nhưng vẫn có, do đó muộn vẫn phải tiêm.

Tuy kháng huyết thanh có thể gây sốc phản vệ nhưng tỉ lệ rất thấp và có thể hạn chế bằng phương pháp tiêm, cùng thuốc kháng Histamine tổng hợp. Với người cơ địa dị ứng, loại vacxin cũ (Fuenzalida) có thể gây viêm dây thần kinh, viêm đa rễ đa dây thần kinh, viêm tuỷ, viêm não tuỷ (thường xảy ra sau lần tiêm thứ ba trở đi), tuy nhiên, tỷ lệ chỉ khoảng 1- 2/10.000.

Hiện đã có loại vacxin điều chế theo phương pháp vô bào an toàn hơn. Cần biết rằng bị chó, mèo... không có biểu hiện dại cắn vẫn có thể bị dại do có virus trong nước bọt của chúng, vì thế không nên "yêu" động vật kiểu  "tự sát" như cho ngậm, liếm nhất là khi có vết sước. Cũng cần phải biết biểu hiện hai thể dại cuồng và dại câm trên chó.

Cảnh giác nếu thấy chó có vẻ bứt rứt, sợ hãi, chui vào chỗ tối, kín đáo, thái độ miễn cưỡng với chủ hoặc ngược lại vui mừng, quấn quýt quá mức, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru từng hồi nghe xa xăm như tiếng sói. Những biểu hiện này chỉ kéo dài tối đa 2 ngày rồi nặng hơn, con vật luôn luôn bồn chồn, nhảy lên đớp không khí (như đớp ruồi); tiếng sủa kéo dài và rướn cao thành tiếng hú ghê rợn ở đoạn cuối; mắt đỏ ngầu; chảy dãi như bọt xà phòng quanh mép, đầu chúi xuống, lắc lư. Mọi kích thích dù nhỏ đều làm chó lên cơn dại, cắn người kể cả chủ hay con vật khác hoặc tự cắn, thường cắn rất mạnh và bổ ra đường chạy rông khắp nơi.

Chó dại có thể đi xa 50km, gặp vật gì cũng lao đến cắn xé, tấn công người, vật nuôi do rối loạn cảm xúc.  Dại câm không có các biểu hiện như dại cuồng nói trên, chó thường buồn rầu, ủ rũ, nhưng tiến triển nhanh đến liệt và chết (khoảng 2 - 3 ngày), chó không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng; dạng này rất nguy hiểm vì cho rằng chó không dại và khi chưa liệt hàm chó có thể cắn chủ khi chăm sóc nó.

Nước ta có nhiều "thần y" chữa khỏi bệnh dại khi đã lên cơn, sùi bọt mép ở Hà Nội, Thái Bình, Quảng Trị, Hưng Yên, Quảng Nam, Hải Dương, Đồng Nai, Nghệ An... và đều dùng thuốc nam "bí truyền"!? nhưng cách tiểu vào gốc chuối gần nhất trong vườn lúc 3 giờ đêm, lấy đất ướt bôi lên tay 9 ngày sẽ khỏi dại thì quả là "độc nhất vô nhị".

Các "phương pháp chẩn đoán" nhiễm dại đượm màu thần thánh như cho ăn đỗ xanh sống không thấy tanh ngái; dùng xả giã, bọc vải vuốt dọc sống lưng; đắp lá (phải thêm 9 lá đào cho nam và 7 cho nữ) sống lưng hay vết cắn; đắp lá tràm và trầu không giã nát ở sống lưng nếu xuất hiện tia máu đỏ hay tím là nhiễm dại, tia đỏ chữa nhanh khỏi, tia tím kèm chảy máu là sắp lên cơn...!? được các "thày" giải thích độc dại vào tủy sống đi lên não, na ná cơ chế xâm nhập của virus dại là về não theo đường dây thần kinh ngoại biên.

Thế nhưng, đã rất nhiều người tin vào những cách này hay tin "thầy" nhìn vết cắn để "chẩn đoán" không nhiễm dại nên không tiêm và đã chết...!? Tháng 8 hàng năm là mùa động dục của chó và số chó dại thường tăng lên, cần đề cao cảnh giác.  

Bs. Trần Kiên
.
.