Bệnh quai bị và biến chứng nguy hiểm

Thứ Tư, 02/11/2016, 12:20
Quai bị có các biến chứng nguy hiểm tính mạng là viêm não, viêm màng não, với triệu chứng co giật, rối loạn tri giác và thị giác, tổn thương các dây thần kinh sọ não, gây điếc, giảm thị lực; viêm tủy sống; viêm đa rễ thần kinh; viêm tuyến tụy...

Nhiều học sinh ở Bát Xát mắc bệnh

Từ ngày 16-9 đến nay, nhiều học sinh các trường học trên địa bàn xã Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai mắc bệnh quai bị phải nghỉ học. Trường THCS Sàng Ma Sáo có 43/422 học sinh mắc bệnh, 35 em đang được cách ly, 8 em đã điều trị khỏi, tiếp tục học tập. Trung tâm Y tế huyện Bát Xát cho biết, bệnh còn bùng phát mạnh ở một số trường khác trên địa bàn xã Sàng Ma Sáo.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế Bát Xát xác nhận, đến ngày 21-10, 79 ca bệnh chủ yếu là học sinh, 49 ca đã điều trị khỏi, còn 30 ca đang điều trị tại Trạm y tế xã và các phòng ở bán trú được cách ly của các trường.

Hiện địa phương đang phòng ngừa lây nhiễm bằng cách cho học sinh súc miệng nước muối trước khi học, dùng Cloramin B để vệ sinh lớp học 2 lần/ngày. Yêu cầu học sinh rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang khi đến lớp, phơi nắng chăn màn, quần áo để diệt virus; phun Cloramin B quanh khu nhà nội trú và các lớp học.

BS Hưng cho rằng, do vacxin quai bị không thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, có mức giá khá cao (150.000 đồng/liều) đối với đồng bào vùng sâu, nên số người được tiêm chủng ít, nhất là ở vùng cao như Sàng Ma Sáo, bà con còn nhiều khó khăn. Trung tâm y tế dự phòng Lao Cai cho biết, từ đầu năm đến nay đã có trên 1.400 người mắc quai bị, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Bệnh nhi quai bị.

Số ca mắc bệnh ở một số địa phương cụ thể là: xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn: 85 ca; xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng: 47 ca; xã Sa Pả, huyện Sa Pa: 45 ca; xã Tả Phời, TP Lao Cai: 30 ca... Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho là vào thời điểm giao mùa, ở vùng cao thời tiết u ám, ít nắng, có sương ẩm ướt, chiều tối se lạnh, cộng thêm điều kiện vệ sinh kém, sinh hoạt đông trẻ ở các trường bán trú thuận tiện cho virus phát triển, lây lan.

Ông Phạm Văn Chiến, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng cho rằng, vacxin phòng bệnh chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên việc phòng, chống bệnh quai bị gặp nhiều khó khăn, do chỉ dựa vào sự phòng, chống bệnh tự phát của cộng đồng mà kinh tế còn nhiều khó khăn. Mặt khác, một số địa phương chưa làm tốt công tác theo dõi, giám sát dịch, cách ly nguồn bệnh nên số ca mắc tăng đột biến so với năm trước.

Triệu chứng bệnh

Năm  1700, Haminton miêu tả viêm tinh hoàn do quai bị. Năm 1934, Johnson và Goodpasture tìm thấy virus trong tuyến nước bọt người bệnh. Năm 1950, Ender và cộng sự chế thành công vacxin chết. Năm 1966, Buynak và Halleman chế thành công vacxin sống giảm độc lực. Virus quai bị thuộc nhóm ARN, họ Paramyxoviridae, có tính hướng các tuyến ngoại tiết và thần kinh, chết nhanh dưới ánh nắng và không khí khô nóng, sống lâu ở nhiệt độ thấp.

Một ca quai bị điển hình khá dễ nhận biết: cảm giác khó chịu; kém ăn; sốt 38 - 390C, có khi rét run; đau họng; đau góc hàm. Tuyến nước bọt (có ở mang tai, dưới lưỡi, dưới hàm) mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần, có thể sưng một hay 2 bên.

Đeo khẩu trang, chống lây nhiễm hiệu quả.

Nếu sưng cả 2 bên thường không cùng lúc, một bên bắt đầu giảm sưng thì bên kia bắt đầu. Sưng lan xuống má hoặc đến dưới hàm, cá biệt lan đến ngực gây phù trước xương ức. Vùng sưng đau, nóng, da căng bóng, không đỏ. Niêm mạc miệng bên sưng đỏ hơn, có khi có màng trắng (giả mạc). Đau hàm khi há miệng, nhai, nuốt làm khó nói, khó nuốt, đau lan cả tai. Có ca phù thanh quản gây khó thở, phải mở khí quản. Sưng mang tai do quai bị không làm mủ, không nhầm với viêm tuyến mang tai do vi khuẩn (làm mủ). Các triệu chứng tồn tại khoảng 10 ngày.

Biến chứng nguy hiểm và cách phòng chống

Nếu chỉ viêm tuyến nước bọt thì quai bị hoàn toàn lành tính, nhưng có nhiều biến chứng và thường xảy ra ở người lớn nhiều hơn ở trẻ em, dù mắc quai bị ít hơn nhiều. 

Quai bị có các biến chứng nguy hiểm tính mạng là viêm não, viêm màng não, với triệu chứng co giật, rối loạn tri giác và thị giác, tổn thương các dây thần kinh sọ não số II, VII, VIII gây điếc, giảm thị lực; tuy mức tổn thương và di chứng não nhẹ hơn viêm não Nhật Bản B nhưng viêm não là cực kỳ nguy hiểm; viêm tủy sống; viêm đa rễ thần kinh; viêm tuyến tụy (cả tụy ngoại tiết và tụy nội tiết - tụy là tuyến hỗn hợp, 3 - 7% ca mắc), biểu hiện đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp, có thể để lại hậu quả tiểu đường khi khỏi bệnh; viêm cơ tim; viêm tuyến giáp; viêm phổi không điển hình; tràn dịch màng phổi; viêm thận.

Những biến chứng nhẹ là viêm tuyến lệ; viêm thanh - khí - phế quản; rối loạn chức năng gan, giảm tiểu cầu, gây xuất huyết. Đặc biệt, biến chứng viêm tinh hoàn có tỷ lệ cao, nhiều thống kê thế giới thấy tỉ lệ 10 - 35% nam bệnh, teo tinh hoàn một hay hai bên 30 - 50% số viêm; thống kê của BV Từ Dũ, TP HCM là 20 - 35% nam bệnh và teo tinh hoàn khoảng 50% số viêm. Biến chứng hay thấy ở tuổi dậy thì hoặc trưởng thành, rất hiếm trước dậy thì và trên 50 tuổi.

Xuất hiện ngày thứ 5 - 10 của bệnh khi sưng mang tai đã giảm, với biểu hiện sốt trở lại; tinh hoàn đau, đau tăng khi đi lại, to gấp 2 - 3 lần bình thường, sờ thấy chắc, da bừu nề, căng đỏ nhưng không bao giờ có mủ; ít khi viêm cả hai bên, nếu cả hai bên thì cũng cách nhau 2 - 3 ngày; có ca viêm cả thừng tinh, mào tinh hoàn (ở mặt sau tinh hoàn) và tràn dịch màng tinh hoàn; thường hết sốt sau 3 - 5 ngày; tinh hoàn giảm sưng từ từ, viêm nặng có thể 3 - 4 tuần mới hết sưng đau.

Teo tinh hoàn phải khoảng hai tháng sau mới biết chắc. Trước đây, có nhiều ca teo tinh hoàn gây vô sinh, chậm lớn, mất nam tính và liệt dương. Hiện nay thấy, nếu teo một bên, bên lành sẽ hoạt động bù trừ, khả năng vô sinh không nhiều.

Tuy nhiên, phải điều trị khẩn trương để tránh hậu quả xấu, nhất là viêm cả hai bên; đặc biệt hạn chế vận động (nhất là sự hiếu động của trẻ) vì làm tăng mạnh nguy cơ teo tinh hoàn. "Họa vô đơn chí" là biến chứng nhồi máu phổi thường xảy ra sau viêm tinh hoàn, vì cục máu đông từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến (cũng là một tuyến ngoại tiết, bị viêm cùng với tinh hoàn) bít tắc mạch phổi, làm một vùng phổi không có máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử.

Thứ đến là viêm buồng trứng (7% nữ sau dậy thì mắc bệnh) nhưng ít gây vô sinh. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu mắc bệnh có thể sảy thai hoặc thai dị dạng; 3 tháng cuối có thể sinh non hoặc thai chết lưu. Tử vong do quai bị  khoảng 1,6 - 3,8/10.000 ca bệnh và hơn 1/2 số này trên 19 tuổi.

Mắc bệnh nhiều nhất từ 5 - 14 tuổi (70%). Trẻ dưới 2 tuổi và người trên 40 tuổi hiếm bị bệnh (dù đã xác định được miễn dịch mẹ truyền cho con chỉ trong một năm?), nhưng người chưa mắc ở tuổi thanh, thiếu niên lại rất dễ mắc. Virus lây trực tiếp bằng đường hô hấp qua tiếp xúc giữa người bệnh và người lành. Lây truyền mạnh nhất là 2 ngày trước khi sưng mang tai đến 5 ngày sau.

Nguy hiểm nhất là có số đông người mắc quai bị (khoảng 25%) không biểu hiện các triệu chứng rõ ràng, làm người tiếp xúc mất cảnh giác, dễ lây nhiễm. Virus tồn tại trong tuyến mang tai 7 ngày trước khi sưng đến 9 ngày sau. Ủ bệnh 16 - 18 ngày (có thể 12 - 25 ngày). Phải cách ly người bệnh 2 tuần tính từ lúc phát hiện bệnh, đeo khẩu trang khi chăm sóc. Trước đây, ở nước ta thường mắc nhiều quai bị vào mùa đông - xuân, nhưng hiện nay có thể mắc bệnh quanh năm.

Bệnh do virus nên chưa có thuốc đặc trị, tuy nhiên sau mắc bệnh và tiêm chủng có miễn dịch vĩnh viễn, rất hiếm mắc lại và rất nhẹ. Vì vậy, phải tiêm phòng cho trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi trở lên, trẻ dậy thì, thanh niên và những người chưa tiêm. Nếu bắt đầu từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lúc 9 tháng, 15 tháng và từ 4 - 12 tuổi. Nếu bắt đầu từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lúc 12 tháng và từ 4 - 12 tuổi. 

Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, vị thành niên và người lớn chưa mắc bệnh, chưa chủng theo đúng lịch, tiếp xúc với bệnh nhân quai bị và nếu không có chống chỉ định, phải tiêm không muộn hơn 72 giờ từ khi tiếp xúc.

Trẻ em trên 5 tuổi và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất. Khi đã được chủng nếu sưng tuyến mang tai thường do vi khuẩn hoặc nguyên nhân khác, rất hiếm do quai bị. Phụ nữ có thai nếu mắc bệnh nên tiêm một liều duy nhất globulin miễn dịch đặc hiệu (giá thành cao).

Từ năm 2015, số người mắc quai bị có xu hướng tăng mạnh so với các năm từ 2014 về trước. Năm 2015, 20 tỉnh, TP phía nam có 5.038 người mắc, tăng 79% so với năm 2014 và gần 45% so với trung bình 5 năm 2010 - 2014.

Ba tháng đầu năm 2016, cả nước có 5.500 ca bệnh... Dịch tễ mùa biến đổi, ví dụ tháng 6-2016 rất nóng thì nửa đầu tháng này, khoa Truyền nhiễm BV Sản - Nhi Nghệ An điều trị gần 50 ca bệnh, tăng gần gấp hai lần năm 2015.

BS Hoàng Thị Thư, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK TW Thái Nguyên cho biết ba năm gần đây, mắc quai bị nhiều kể cả tháng 6, 7 và rải rác trong năm, trong khi trước đây chỉ mắc vào mùa đông - xuân. Số ca biến chứng tăng đột biến, ví dụ, gần 50 ca ở Nghệ An nói trên có gần 30% biến chứng viêm não.

Năm 2015, Khoa Bệnh nhiệt đới BVĐK TW Thái Nguyên nhận 152 ca quai bị biến chứng thì có khoảng 80% là viêm tinh hoàn. Khoa cũng thấy bệnh mắc ở mọi lứa tuổi và đã điều trị một bệnh nhi 1 tuổi và một người trên 70 tuổi, nghĩa là miễn dịch dưới 2 và trên 40 tuổi đang mong manh. Đến hết tháng 4-2016, Thái Nguyên có 414 ca bệnh, gấp đôi cùng kỳ năm 2015 và vẫn hiện hữu tình trạng số ca biến chứng tăng mạnh.

BS Văn Bình
.
.