Bí ẩn phế tích Đền Posha ở Ninh Thuận

Thứ Sáu, 20/01/2017, 10:20
Nhà trưng bày Gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận trưng bày các sản phẩm gốm truyền thống với cách làm độc đáo của đồng bào Chăm thuộc làng gốm Bàu Trúc.

Gần đây trong vô số những sản phẩm gốm xuất hiện một viên đá màu xanh bị vỡ làm đôi, trên phiến đá có 3 hàng chữ không còn đầy đủ, một số mảng chữ bị mờ và mất. Phiến đá có chiều dài khoảng 1,4m, dày 20cm và  chỗ lớn nhất rộng khoảng hơn 40cm. Hàng chữ lạ được khắc phía khổ dày của phiến đá, một số nét bị mờ và mất,  có lẽ do sự cố bia vỡ làm đôi nên lớp đá ngoài bị bong ra.

Mang ảnh chụp đi hỏi một số người biết về chữ Chăm, có người nói đấy là chữ Chăm cổ, người nói là chữ viết Chăm cổ để diễn đạt ngôn ngữ Phạn… Đến nay những dòng chữ kia vẫn chưa ai dịch được. Theo thiển ý của người viết, nếu so với chữ Phạn cũng không giống mà so với Bia ký chữ Chăm cổ có tại Tháp Po K'long Garai thì cũng khác hoàn toàn. Anh Thuần, chủ nhiệm HTX Gốm Bàu Trúc cho biết: “Tấm bia này được đưa về từ một khu đất mà người dân đang canh tác ở động Bầu Lầu”.

Một góc động Bầu Lầu.

"Động" theo cách gọi của người dân địa phương vốn là một vùng đất cao, biệt lập với các vùng ruộng trũng xung quanh. Động Bầu Lầu thuộc  khu phố 12 thị trấn Phước Dân nằm tiếp giáp về phía đông bắc của làng Bàu Trúc bao gồm ba khu đất nổi lên trên một cánh đồng bao la,  người dân gọi là động 1, 2 và 3. Động 3 là lớn nhất, diện tích trên 3 hecta, phủ toàn cát mịn thích hợp với các loài xương rồng, cỏ dại…

 Ông Nguyễn Văn Mực 82 tuổi ở khu phố 4 thị trấn Phước Dân, trước 1975 là xã trưởng của chế độ cũ kể: Vùng động Bầu Lầu ngay từ thời Pháp thuộc cho tới trước năm 1975 liên kết với các vùng đất Bàu Son, Bàu Bèo vốn là vùng căn cứ của cách mạng. Bởi thế cho nên không ai lai vãng tới ngoài việc đưa thi hài người quá cố thuộc thôn Phú Quý ra an táng. Sau này khi người dân ra khai hoang vẫn còn nhiều dấu tích của hầm hào mà những chiến sỹ cách mạng đào để hoạt động. Để triệt hạ căn cứ của Việt Minh, quân Pháp đã đốt khu vực này, hơn 3 tháng trời vẫn còn thấy khói bốc lên.

Gạch cổ nguyên vẹn được lấy xây mương nước.

Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Sử Văn Ngọc, cư ngụ tại làng Bàu Trúc ngạc nhiên khi tôi hỏi về Động Bầu. Ông Lê Xuân Lợi, Trưởng phòng Di sản thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận thì cho biết, trong danh mục các tháp Chăm, các di tích của tỉnh Ninh Thuận hiện nay không thống kê, cũng không có tài liệu nào đề cập tới địa điểm này. Năm 1994 ông đã từng tới khu vực này nhưng cây bụi bịt bùng không tìm được đường vào.

Ông dự đoán, khu đền tháp Chăm mà xây dựng ở một vùng đất thấp như thế này thì có thể là một đền tháp niên đại cùng thời với khu tháp Hòa Lai (thế kỷ thứ IX) và thờ thần Rắn !? Ở một vùng đất khô hạn như Ninh Thuận thì Rắn cũng là một vị thần được bà con dân tộc Chăm thờ cúng, với hình tượng con rắn thần Nagar tượng trưng cho sức mạnh của thần Silva. Người Chăm Nam Trung Bộ với niềm tin thần là người làm chủ nguồn nước, sẽ tạo ra mưa thuận gió hòa cho các cư dân nông nghiệp lúa nước (Nagar cũng có nghĩa là thần mưa, tạo mưa cho vạn vật sinh sôi).

Ông Trượng Văn Tận, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Phước Dân cho biết: Trước đây khu vực động 3 này là nơi có nhiều Kut của các tộc họ người Chăm. Người Chăm theo đạo Balamon sau khi qua đời, thi thể được chôn. Sau một thời gian hài cốt được lấy lên làm lễ hỏa táng, riêng phần xương trán được giữ lại 9 mảnh gọt dũa nhỏ như đồng xu và đựng trong một cái hũ "Klaong" bằng đồng hoặc gốm đem chôn cho đến ngày làm lễ để đưa vào nghĩa địa, gọi là Kut. Sau trận lụt lịch sử năm 1964 người Chăm rời làng từ xóm Cũ vào làng Bàu Trúc bây giờ, đồng thời cũng dời các Kút về xóm mới để tiện thờ cúng và chăm sóc.

Những dòng chữ cổ chưa được giải nghĩa.

Ngày nhỏ, ông Tận được nghe ông nội và các già làng kể lại khu đền tháp này, các cụ xưa gọi là PoSah. Thuở trước người Chăm hay cúng lễ, ngay bìa động vẫn còn dấu tích và tên gọi của một bàu nước trũng có tên là Aja Danao (ao nước vo gạo). Thời vua Minh Mạng khu đền tháp này đã bị cháy và sập đổ hoàn toàn. Trước năm 1954, Pháp đã đốt khu vực này và lấy đi một cặp rắn bằng đá rất lớn. Tên PoSah có nghĩa là gì thì không ai giải thích được.

Con đường mòn đi tới cuối động đều được rải một loại gạch vỡ mà chỉ có ở các tháp Chăm mới có. Ông Nguyễn Văn S. năm nay 47 tuổi, là người đang làm rẫy cùng gia đình ở tại đây. Vùng đất gần 2 hecta hiện nay anh chị em được cha mẹ chia cho nằm trọn trong động 3. Mới đầu giờ chiều mà im ắng đến rùng mình.

Cha của ông S. là Nguyễn Văn C., thường gọi là Tư C. là người đầu tiên ra khai hoang và làm rẫy ở đây từ năm 1975. Ngày ấy cỏ cây cao lút đầu người, chủ yếu là xương rồng và duối. Gia đình phát cây, dọn gạch, san đất vài năm đất mới thành khoảnh, thành thửa như bây giờ. Cuối động có một khu đất khoảng gần 100m2 cây vẫn mọc hoang và cao.

Ông S. cho biết: gạch vụn được gia đình đem rải đường đi, còn lại xếp thành đống cao. Viên gạch nào lành thì đem xây mương dẫn nước. Dưới lớp đất hiện đang làm nhà ở và vườn trồng nho, táo này, nếu đào xuống khoảng 3 lớp leng (leng: cuốc bàn to, 3 lớp leng khoảng 40 - 50cm) sẽ gặp nhiều lớp gạch nguyên vẹn.

Cả khu vực này mỗi chiều trên 100m, với diện tích rộng cả hécta thế này thì khu đền tháp này ngày xưa ắt sẽ rất lớn. Phiến đá có dòng chữ Chăm cổ kia cũng là do ông Tư C. khi dọn đất phát hiện nằm nghiêng vùi trong lớp đất. Lúc ấy chiếc bia đá còn nguyên vẹn. Ông S. cũng không hiểu sao ba ông lại dùng thuốc nổ để phá gãy làm đôi. Chính sau vụ nổ ấy lớp đá có chữ quanh vết gãy bị bong đi mấy mảng.

Phiến đá với những dòng chữ bí ẩn trong nhà trưng bày gốm Bàu Trúc.

Không lâu sau, ông Tư C. đã tự đổ xăng lên người và tự thiêu ngay trên nền đất ấy. Theo ông Nguyễn Văn Mực là anh rể của ông Tư C. thì ông Tư C. là một người hiền lành, giỏi võ, sống đạm bạc, nghĩa tình, không rượu chè, cờ bạc, trai gái, vậy mà chẳng hiểu vì sao lại chết theo cách ấy.

 Gia đình ông S. đã để phiến đá có dòng chữ ấy trong vườn nhà mình hơn 30 năm nay. Vào ngày trời nóng nếu rờ vào phiến đá vẫn thấy nó lạnh ngắt. Sau đó, gia đình mới nhờ mấy người Chăm trong làng chở đi. Từ trước 1975 nhiều người kể đi đào dông (một loại thằn lằn cát), thăm mộ ở đây thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy "vàng Hời" là các con heo, con thỏ biết chạy. Những đêm trăng sáng vàng, "vàng Hời" lấp lánh nhảy múa rồi theo nhau chạy hút vào trong các lùm cây rậm rạp.

Cuối những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước một số người lén lút đi đào các khu mộ cổ mà người dân gọi là mả Vôi, mả Ngựa. Ông Lê Văn Toàn hiện làm Trưởng  Ban quản lý Khu phố 12  kể  rằng, trước kia khi cha ông mới 15 - 16 tuổi, trong một lần đi đào bắt dông tại động 3 đã đào được nửa gùi kim loại gồm nhiều tượng và hoa trái. Ông về đưa cho người quen mang đi Phan Rang cân bằng ký để bán phế liệu, chỉ giữ lại 1 miếng bằng 2 ngón tay. Mãi sau này ông mới biết đấy là vàng non (còn gọi là vàng Hời).

Ông Ba B.Đ. ở Khu phố 5 thì từng đào được nải chuối, bắp chuối vàng non… Hiện nay tại khu gạch vỡ cuối khu động vẫn còn dấu tích ngày xưa một số người đào bới tại khu đền tháp.

Ông Sáu D. ngụ tại khu phố 1 thị trấn Phước Dân là người cũng  từng đi đào mả Vôi, mả Ngựa tại khu vực này. Ông S. kể cha con ông Sáu D. toàn thắp đèn đào từ gần nửa đêm đến sáng, không biết họ có tìm được gì quý không. Mấy năm trước ông S. cũng đã từng cùng với mấy anh em trong nhà đào ở một góc vườn một hố.

Đào xuống hơn 1m là gặp nhiều lớp gạch nguyên vẹn xếp khít nhau rất vững chắc, sau lớp ấy có nhiều tầng với các hộc vuông được gắn rất chắc bằng đúng 1 viên gạch, phải đập viên gạch ra mới mở được các hộc ấy. Trong hộc chỉ có 3, 4 cái hũ nhìn như làm bằng gốm thô chưa nung màu trắng đục, trong ấy toàn cát trắng tinh và nhiều hột màu xanh, đỏ, vàng rất cứng giống như hột trang sức phụ nữ hay đeo ở cổ nhưng không ai lấy.

Gia đình ông còn giữ vài cái hũ như thế. Hiện nay cũng có một vài người thỉnh thoảng mang máy dò kim loại tới xin dò và đào nhưng gia đình anh dứt khoát không cho, sợ đụng chạm tới những điều linh thiêng sẽ ảnh hưởng tới gia đình mình. Người dân ở đây vẫn tin rằng: hễ ai đào bới để tìm vàng ở đấy thì sẽ lụi bại.

Giữa thị trấn lại có một khu đất với vườn cây, bãi hoang thật kỳ lạ, với những  dấu tích đền tháp xưa của vương quốc Panduranga bí ẩn. Đó vẫn là câu hỏi đang rất cần các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu để có câu trả lời.

Nguyễn Thanh Sơn
.
.