Bí ẩn trong những thiên thạch từ vũ trụ

Chủ Nhật, 30/12/2018, 07:14
Một buổi chiều đầy nắng, phố xá của một đô thị lớn đang tưng bừng nhộn nhịp… Bất thình lình một "mặt trời thứ 2" xuất hiện ngay trên cao: chói sáng và nóng bỏng, làm "đui" mắt hàng nghìn người và thiêu bỏng da thịt họ. Chừng 30 giây sau một trận bão lửa ập xuống, phá trụi các tòa nhà và hủy diệt những sinh vật còn lại…

Cú nổ kinh hoàng chỉ có thể giải thích bằng cách duy nhất là đối phương đã đánh đòn hạt nhân phủ đầu. Lập tức các máy bay cường kích mang bom hạch tâm được lệnh cất cánh báo thù. Mãi sau những người có trách nhiệm mới té ngửa ra rằng, vụ nổ trên thành phố của họ không phải là do vũ khí nguyên tử, mà là bởi một thiên thạch lớn rơi xuống từ khoảng không vũ trụ.

Cho dù cảnh trên giống như một cuốn phim truyền hình viễn tưởng nào đó, nhưng nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ Irwin Shoemaker vẫn lên tiếng khuyến cáo: "Những điều tương tự rất có thể xảy ra". Ông nêu mối lo của mình trong kỳ Đại hội thường niên mới đây của Liên đoàn các nhà thiên văn học toàn Hoa Kỳ (FAS): "Cường độ từ một cuộc va chạm với thiên thạch cũng giống như cú nổ hạt nhân từ trên cao. Những người có mặt tại chỗ sẽ nghĩ ngay là một vụ tấn công hạch tâm". 

Các thiên thạch - những mảnh vụn từ các tiểu hành tinh (THT) hay sao chổi - luôn đe dọa trái đất. Đa phần chúng là những thiên thạch nhỏ, sẽ bị thiêu hủy khi cọ sát với sức nóng của bầu khí quyển. Nhưng các thiên thạch lớn hơn lại khác. Như một THT có đường kính 24m sẽ gây ra vụ nổ với sức công phá tương đương một megaton (Mt) hay một triệu tấn thuốc nổ TNT quy ước.

Vẫn theo lời Giáo sư I.Shoemaker: "Nếu mai này một thiên thạch lớn phát nổ trong bầu khí quyển trái đất, tức thì các siêu cường hạt nhân sẽ xác định được ngay, bởi hệ thống phòng thủ của họ thừa sức phân biệt một vụ nổ nguyên tử với sức nóng hàng triệu độ C, cùng cường độ phóng xạ cao từ các tia X và tia gama; còn cú nổ thiên thạch có nhiệt lượng thấp hơn và nồng độ phóng xạ ít nguy hiểm hơn. Nhưng các quốc gia khác có thể hiểu nhầm đó là chiến tranh hạch tâm… Do vậy tôi đề nghị các nước có khả năng nên thông báo ngay các vụ nổ thiên thạch cho những vùng sẽ bị ảnh hưởng".

"Vết lõm" Barringer nổi tiếng do thiên thạch gây ra tại Arizona.

Ngay từ đầu năm 1973 Giáo sư Tiến sĩ I. Shoemaker đã liên tục chụp ảnh bầu trời, với mục đích phát hiện chu kỳ của các THT sẽ đi vào quỹ đạo quả đất cùng nguy cơ va chạm vào hành tinh của chúng ta. Từ đó đến nay ông đã đếm được 54 thiên thạch với đường kính chí ít là 1km, ngoài ra trung bình hàng năm đã có 3 ngôi sao chổi "lướt" qua địa cầu. I. Shoemaker cũng đếm được 2.000 THT và 1.000 sao chổi mỗi năm đi cắt qua quỹ đạo trái đất, may mà chúng chưa gây ra những vụ nổ trên khí quyển. 

Ông tính được rằng một THT với sức nổ 1Mt sẽ đi vào bầu khí quyển quả đất với chu kỳ 30 năm/lần; với 20Mt - 400 năm/lần và cuối cùng là một THT hay sao chổi lớn có đường kính 1km cùng sức công phá 10.000Mt sẽ nổ trên bầu trời trái đất cứ mỗi 100.000 năm/lần.

Tùy theo kích thước, vận tốc và tính chất, một vài thiên thạch "lọt" qua được sự cọ sát khí quyển và lao xuống mặt đất. Trong trường hợp này chúng được gọi là THT. Đa phần chúng có hình sỏi cuội hay những tảng đá nhỏ, nhưng đôi khi có thể to hơn. Các nhà bác học cho rằng tại địa điểm cách thị trấn Winslow (tiểu bang Arizona, Mỹ) 29km về phía tây, đã rơi xuống một "miếng" sắt - THT với đường kính 40m và sinh ra vụ nổ 15Mt, tạo ra một "vết lõm" trên bề mặt trái đất có đường kính 1.200m, sâu 180m và xảy ra cách đây độ từ 20.000 - 50.000 năm. "Vết lõm" khổng lồ giống như miệng núi lửa này được gọi là Barringer Crater, đặt theo tên nhà địa chất học nổi tiếng người Mỹ Daniel Barringer (1860-1929), người đầu tiên phát hiện ra bằng chứng thiên thạch va chạm với trái đất tại Arizona trong năm 1903.

Nhưng vũ trụ bí hiểm còn tiềm ẩn những điều rùng rợn hơn. Rất nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng một thiên thể lớn có đường kính vài km đã "đâm" vào trái đất, với hậu quả là hất lên bầu khí quyển hàng triệu tấn tro bụi, che khuất mặt trời một thời gian dài trong nhiều tháng hay cả nhiều năm liền. 

Đây là nguyên nhân gây ra sự hủy diệt của hàng loạt các loài động vật cổ đại, kể cả khủng long như nhiều chuyên gia khẳng định. Nhưng với những thiên thạch có kích thước lớn đang bay gần trái đất, không có một thiên thạch nào có nguy cơ "đâm sầm" vào chúng ta trong tương lai gần cả. "Tuy vậy ta cũng cần phải luôn theo dõi chúng, để tránh khỏi bị bất ngờ!" - Giáo sư I. Shoemaker nhấn mạnh.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như người ta phát hiện một THT hay sao chổi lớn đang "lao" trực diện đến địa cầu? Bên lề cuộc gặp nói trên của FAS, Tiến sĩ Allan Harris, người cộng sự gần gũi của Giáo sư I. Shoemaker giải thích: "Vị khách không mời này có thể bị chặn lại, hoặc làm cho lệch hướng với khả năng duy nhất, nếu như chúng ta tiến hành kịp thời một vụ nổ đầu đạn hạt nhân tầm cỡ nhỏ - ngay trong lòng hoặc bên cạnh nó, khiến thiên thạch "vỡ vụn" ra". 

Còn Giáo sư I.Shoemaker thêm: "Chúng ta có đủ kỹ thuật và công nghệ để thực hiện điều này ngay lập tức". Nhưng nếu đầu nổ hạch tâm phóng đi từ tàu vũ trụ chỉ khiến thiên thạch vỡ ra thành những mảng lớn, sẽ làm tăng thêm các mối nguy thì sao? " Điều thiết yếu là phải tính được ngay lượng nổ nguyên tử đối kháng đủ mạnh, nhằm loại trừ hậu họa. Vai trò này sẽ do các máy tính điện tử siêu tốc hoàn thiện trong khoảnh khắc!" , Giáo sư Tiến sĩ I. Shoemaker kết luận.

Quang Phú (theo The Sunday Times)
.
.