Bí ẩn về nỗi sợ hãi và trí tưởng tượng

Thứ Tư, 06/03/2019, 09:36
Cảm giác sợ hãi xảy ra rất thường xuyên ở con người, được coi như một trạng thái tự nhiên của cơ thể. Thế nhưng, giới khoa học cho rằng bản chất của sợ hãi vô cùng phức tạp, và tiến hành nghiên cứu não bộ trong suốt nhiều năm qua để truy tìm nguồn gốc của hiện tượng độc đáo này.

Kết quả mới đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa cảm giác sợ hãi và "vùng não gây sợ hãi" - khu vực được tin là nơi kiểm soát cảm xúc và tâm trạng của con người. Theo đó, các nỗi sợ khác nhau sẽ được não bộ xử lý theo cách thức khác nhau.

Bộ não và nỗi sợ

Nỗi sợ là một cơ chế sinh tồn. Khi các giác quan phát hiện dấu hiệu đe dọa nguy hiểm, não bộ sẽ kích hoạt một loạt phản ứng "ra chỉ thị" cho cơ thể nên chiến đấu hay chạy thoát càng nhanh càng tốt. Các nghiên cứu mới đây kết luận, trong não bộ có tồn tại "vùng não gây sợ hãi".

Khu vực này nằm ngay trong vùng não hồi hải mã (hippocampus), bên trong thuỳ thái dương, và liên quan đến khả năng kiểm soát trí nhớ cũng như khả năng nhận thức của con người. Kết quả quét cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, bất cứ khi nào cảm giác sợ hãi xuất hiện, vùng này hoạt động mạnh hơn và biểu hiện trên hình ảnh là các vùng phát sáng giống như pháo hoa.

Các nghiên cứu mới đây kết luận trong não bộ có tồn tại "vùng não gây sợ hãi".

Có một điểm thú vị là, khi cảm giác sợ hãi xuất hiện, con người có xu hướng trở nên "đông cứng". Khoa học gọi hiện tượng này là sự ức chế hành vi do một hạch hạnh nhân (amygdala) tạo nên. Khi căng thẳng kích hoạt hạch amygdala, nó tạm thời chèn ép các suy nghĩ có ý thức, để cơ thể chuyển toàn bộ năng lượng sang đối phó mối đe dọa. Theo đó, cơ thể giải phóng các hoạt chất thần kinh và hormone làm tăng nhịp tim và hơi thở, đưa ít máu hơn đến ruột và nhiều máu hơn tới các cơ bắp, mục đích để "chiến" hoặc "chạy".

Nghiên cứu về não bộ cũng chỉ ra rằng bên trong "vùng não gây sợ hãi" tồn tại một hệ thống "mạch thần kinh xử lý nỗi sợ", chia nhau trách nhiệm để đối phó với các mối đe dọa. Các mối đe dọa đến từ xa cho phép con người có nhiều thời gian để suy nghĩ và đối phó được xử lý bởi mạch thần kinh xử lý nỗi sợ có ý thức.

Trong khi đó, các mối đe dọa trước mắt đòi hỏi phản ứng nhanh chóng do mạch thần kinh quản lý nỗi sợ thụ động phụ trách. Mối quan hệ giữa hai mạch thần kinh này được ví như chiếc ván bập bênh, với tính cấp bách của mối đe dọa quyết định hướng ván nghiêng, từ đó giúp não bộ phản ứng một cách phù hợp với loại đe dọa đang phải đối mặt.

Phát hiện lý thú

Các nghiên cứu không chỉ làm rõ nguồn gốc nỗi sợ của con người mà còn đem lại nhiều phát hiện thú vị. Đó là những người thuận tay phải có xu hướng dễ trở nên lo lắng hơn những người thuận tay trái. Hay chuyện phụ nữ nhìn chung có xu hướng xuất hiện trạng thái sợ hãi nhiều hơn với mức độ trầm trọng hơn nam giới. Và một điều đặc biệt nữa, cảm giác sợ hãi đôi khi lại có lợi. Trạng thái này khiến con người trở nên thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định, từ đó giảm sự vội vàng vốn là nguyên nhân dẫn tới thất bại trong công việc.

Ngoài ra, một số phản ứng của cơ thể chống lại trạng thái nguy hiểm có thể liên quan đến cơ chế từng hữu ích cho tổ tiên của loài người, nhưng không còn giá trị với loài người ngày nay. Ví dụ như việc sợ hãi khiến con người sởn gai ốc và lông tay dựng đứng lên nhìn chung không có tác dụng giúp chiến đấu hay chạy thoát kẻ thù. Thế nhưng, với tổ tiên lông tóc rậm rạp của con người, điều này giúp họ trông to lớn và hùng vĩ hơn.

Đối diện với nỗi sợ hãi, một số người có thể "nín nhịn" cho tới khi họ nhận thức được bản thân không còn nguy hiểm, và dần thích nghi với nỗi sợ ban đầu. Thậm chí, số khác còn cố tình tìm kiếm trải nghiệm nỗi sợ hãi bằng cách xem phim kinh dị, chơi những trò mạo hiểm hay làm bất kỳ điều gì mới mẻ để tạo cảm giác nguy hiểm ngay lập tức. Khi đó, họ có thể tận hưởng kết quả của những phản ứng hóa học sau khi sợ hãi cực độ: đó là sự phấn khích, tình trạng sởn gai ốc được giải tỏa, và một cảm giác nhẹ nhõm xuất hiện trong cơ thể.

Sức mạnh của trí tưởng tượng

Cuộc sống hiện đại kèm theo vô số áp lực đến từ công việc, gia đình và xã hội vô hình trung đã tạo nên những nỗi sợ hãi và lo lắng bao trùm. Trong bối cảnh này, khi nói đến việc giúp mọi người giải quyết nỗi ám ảnh hoặc rối loạn lo âu, giới khoa học đề nghị "liệu pháp tiếp xúc". Cách tiếp cận này nhằm mục đích loại bỏ sự mẫn cảm của mọi người đối với các kích thích gây ra nỗi sợ hãi bằng cách cho họ tiếp xúc với các kích thích này trong một môi trường hoàn toàn an toàn. Điều này sẽ giúp họ thoát khỏi cảm giác bị đe dọa và những hậu quả tiêu cực từ các kích thích đó.

Ngoài ra, con người có thể khai thác "sức mạnh ma thuật" trong trí tưởng tượng để giúp bản thân vượt qua nỗi sợ hãi. Một số nghiên cứu cho rằng, những gì trong tưởng tượng có thể thực sự ảnh hưởng đến tâm trí và cơ thể theo những cách rất cụ thể, giúp xoa dịu những thời điểm khó khăn, xem xét các khía cạnh khác nhau của nỗi sợ, từ đó cho phép đưa ra các giải pháp khả thi độc đáo. Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng MRI để quét não của những người tham gia và đánh giá hoạt động của não bộ trong các tình huống thực tế và tưởng tượng liên quan đến một số âm thanh đe dọa.

Kết quả hoàn toàn bất ngờ: những người tưởng tượng về âm thanh ngừng cảm giác sợ hãi sớm hơn so với những người phải nghe trực tiếp, khi "vùng não gây sợ hãi" của họ hoạt động "nhẹ nhàng" hơn. Có thể cho rằng, tưởng tượng đã loại bỏ mối liên hệ giữa âm thanh đe dọa với cảm giác lo sợ rơi vào thế nguy hiểm của con người. Mặc dù vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn về sức mạnh của trí tưởng tượng và nỗi sợ hãi ở loài người, thế nhưng các phát hiện cho thấy không nên đánh giá thấp hiệu quả của trí tưởng tượng.

Nam Hồng (tổng hợp)
.
.