CIA gặp khủng hoảng vì công nghệ lật tẩy

Thứ Bảy, 11/01/2020, 10:44
Các điệp viên Mỹ không còn bị các chính phủ nước ngoài bám đuôi ở khoảng 30 quốc gia, đơn giản vì tiến bộ công nghệ nhận diện khuôn mặt, sinh trắc và trí tuệ nhân tạo đã khiến họ gần như không thể giấu mình.


Khủng hoảng của CIA

Trước đó, các chính phủ phải cử người theo dõi các nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) theo đúng nghĩa đen. Giờ đây, họ không cần làm thế vì công nghệ nhận diện khuôn mặt tại sân bay và hệ thống camera giám sát chung ở những nước này đã giúp họ theo dõi dễ hơn.

Hậu quả là các cơ quan tình báo Mỹ đang đối mặt cuộc khủng hoảng ngày càng lớn trong thu thập thông tin tình báo khi mà phát triển công nghệ khiến họ ngày càng khó bảo vệ các đặc vụ và che giấu dấu vết kỹ thuật số. Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này, CIA đã thiết lập một chương trình nhiều triệu đô la mang tên “Station the Future”. 

CIA gặp khủng hoảng trong che giấu danh tính điệp viên trong thời đại công nghệ.

Chương trình này được thành lập trong thập kỷ qua, do một cơ sở ngoại giao ở Mỹ Latinh điều hành và có sự tham gia của một nhóm điệp viên để tìm cách xây dựng công cụ và kỹ thuật kiểm tra nhằm giúp ngành tình báo trong thời đại kỹ thuật số.

Các quan chức tình báo cho biết chương trình cuối cùng đã chấm dứt trong vài năm qua vì vấn đề tài chính và quan liêu. “Station of the Future” chỉ là một trong những chương trình do CIA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thiết lập để tìm cách giải quyết mối đe dọa kỹ thuật số với các điệp viên.

Ông Duyane Norman, cựu quan chức CIA và là “cha đẻ” của chương trình “Station of the Future”, nói: “Nền tảng của ngành tình báo đã bị đổ vỡ. Chúng tôi đã không thừa nhận điều này về mặt tổ chức trong nội bộ CIA và một số người vẫn chối bỏ. Cuộc tranh luận giống như quanh chuyện biến đổi khí hậu. Ai nói khác đi tức là không nhìn vào sự thật”.

Các quan chức cho biết nỗ lực giải quyết thách thức của thời đại kỹ thuật số, tiến bộ trong sinh trắc học và trí tuệ nhân tạo tiếp tục là một ưu tiên của các cơ quan tình báo.

Vậy các công nghệ làm lộ điệp viên Mỹ thế nào?

Xét nghiệm ADN

Mới đây, Lầu Năm Góc đã ra lệnh mọi quân nhân ngừng sử dụng bộ xét nghiệm ADN vì lo ngại an ninh. Sự phổ biến của bộ xét nghiệm AND được coi là một trong những khó khăn mà quan chức tình báo đang đối mặt.

Theo một biên bản do một quan chức tình báo cấp cao của Lầu Năm Góc cùng ký tên, thông tin gen do các công ty xét nghiệm ADN tại nhà thu thập có thể khiến các nhân viên tình báo gặp rủi ro cá nhân và rủi ro khi hoạt động. Các xét nghiệm gen này phần lớn không được quản lý đúng mực và có thể làm lộ thông tin gen và thông tin cá nhân, từ đó có thể gây ra hậu quả an ninh ngoài ý muốn và tăng nguy cơ cho các sứ mệnh và lực lượng chung.

Mặc dù quân nhân bị cấm sử dụng bộ xét nghiệm gen nhưng quan chức cho rằng có thể ai đó trong gia đình họ đã có bộ xét nghiệm này.

Các chuyên gia trước đó đã cảnh báo rằng sáng chế các bộ xét nghiệm ADN kiểu này khiến việc xâu chuỗi thông tin danh tính của một người trở nên dễ dàng hơn. Họ cảnh báo rằng rất dễ lật tẩy một điệp viên vì người ta có thể lấy mẫu nước bọt từ tách trà hay điếu thuốc lá để xem người đó có hoạt động dưới tên giả hay không.

Dữ liệu sinh trắc

Thời đại bùng nổ sinh trắc học, trong đó có dấu vân tay và nhận diện khuôn mặt, cũng đặt ra rủi ro lớn cho ngành tình báo. Trong bối cảnh nhiều sân bay hay cửa khẩu áp dụng các tiến bộ về dữ liệu sinh trắc, các quan chức cho rằng điệp viên muốn có từ hai danh tính trở lên ở một quốc gia là điều gần như bất khả thi.

Đánh cắp cơ sở dữ liệu sinh trắc đã trở thành ưu tiên tối thượng với quan chức tình báo vì nó có thể dễ dàng lật tẩy điệp viên mật nước ngoài. Một cựu quan chức tình báo nói: “Giờ cực kỳ khó thực hiện hoạt động ngầm khi cái gì cũng công khai và gần như ai cũng biết. Giờ khi bạn xuất hiện tại biên giới Nga, họ đã có trong tay kỷ yếu cấp ba của bạn, trong đó bạn từng viết về tham vọng cả đời là làm việc cho CIA. Tất cả những thứ đó đều đã được số hóa”.

Nhiều nước tăng cường khả năng giám sát và cũng gây ảnh hưởng tới khả năng ẩn náu của điệp viên. Ngày nay, giám sát càng nhiều và dữ liệu sinh trắc học càng nhiều thì điệp viên càng khó hoạt động, kể cả đi lại bằng bí danh.

Phương pháp cũ

Để đối phó, một số cơ quan nước ngoài đã sử dụng các phương pháp không liên quan công nghệ. Ví dụ như “dead drop” - phương thức hoạt động tình báo có từ lâu dùng để trao đổi các tài liệu hoặc thông tin giữa hai cá nhân tại một địa điểm bí mật mà không cần phải gặp mặt trực tiếp.

Các điệp viên Trung Quốc đã sử dụng “dead drop” tại địa điểm ít người qua lại. họ cũng bắt đầu trao đổi thông tin tình báo hữu hình hoặc đồ vật ở nơi công cộng. Một số điệp viên khác như người Nga đã bắt đầu tổ chức cuộc họp bí mật ở những nước mà họ biết hệ thống sinh trắc chưa tiến bộ. Các đặc vụ Nga thường thích những nước ở Trung và Nam Mỹ. Peru là một địa điểm họp phổ biến – nơi các đặc vụ tình báo không bị hệ thống sinh trắc tân tiến phát hiện.

Dùng danh tính thật

Do công nghệ tiến bộ và khó có danh tính khác, một số quan chức tình báo khắp thế giới giờ chỉ đơn giản là không ẩn náu nữa. Các đặc vụ Mỹ, Nga và Trung Quốc giờ làm việc bằng danh tính thật vì dấu vết kỹ thuật số ngày càng khó che giấu.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã thử nghiệm vài chương trình khác nhau trong 10 năm qua để tìm cách duy trì vỏ bọc đơn giản hiệu quả nhất. CIA đã phối hợp với một số doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ để cài điệp viên. Các điệp viên này dùng tên thật và làm việc thật, như trong ngành tài chính, phim ảnh, công nghệ.

Các quan chức cho biết CIA còn tuyển người trong các ngành mà điệp viên tiềm năng đã làm việc. Nhờ đó, khi người đó làm việc xong với CIA, họ có thể dễ dàng trở lại làm việc bình thường trong công ty đó. Chỉ có rất ít lãnh đạo công ty biết về sự sắp xếp này với CIA.

Sử dụng các công ty nói trên đặc biệt quan trọng trong giữ bí mật cho điệp viên, nhất là khi công nghệ và dấu vết kỹ thuật số ngày càng tiến bộ.

Ngày nay, có thể nhanh chóng xác định danh tính một người chỉ bằng tìm kiếm trên Google. Các vấn đề như vậy đang ngày càng tệ hơn khi xảy ra vô số vụ xâm nhập mà hậu quả là dữ liệu cá nhân bị đánh cắp, bị rò rỉ trên mạng hoặc cho cơ quan khác.

Nhật Minh
.
.