Cách mạng số hóa đang thay đổi xã hội Thái Lan

Thứ Sáu, 19/01/2018, 07:17
Năm 2017 đánh dấu sự thay đổi lớn lao cho Thái Lan khi người dân bắt đầu chấp nhận nền kinh tế số hóa, đặc biệt là sự thay đổi về hành vi mua sắm - từ các hoạt động trước khi mua sắm cho đến sự tiêu dùng và đánh giá sau đó. Nỗ lực gây ảnh hưởng từ các thương hiệu nổi tiếng tác động mạnh đến quyết định mua sắm và tiêu dùng của người dân nước này.

Làn sóng giao dịch kỹ thuật số

Khi người dân nhanh chóng chấp nhận số hóa kinh tế và Chính phủ Thái Lan nỗ lực chuyển đổi đất nước sang một xã hội không sử dụng tiền mặt, hệ thống ngân hàng sẽ phải cung cấp thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ trực tuyến hơn nữa, đồng thời các nền tảng ngân hàng di động cũng tăng cường sức cạnh tranh hơn nữa. Mặc dù hoạt động giao dịch ngân hàng thông qua các chi nhánh và trụ ATM đang tăng song sự tăng trưởng của nó vẫn còn thấp nếu so với những giao dịch ngân hàng di động.

Predee Daochai, Chủ tịch Kasikornbank (KBank), nhận định: “Giao dịch qua hệ thống ATM cao hơn qua các chi nhánh khoảng 5 lần, trong khi sử dụng ngân hàng di động còn cao hơn qua ATM. Thực tế đó phản ánh sự thay đổi rất lớn trong hành vi tiêu dùng trước đà phát triển công nghệ hiện nay”. KBank là nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng di động cho 8 triệu người dùng ở Thái Lan. Giao dịch trực tuyến của KBank chạm mốc 150.000/phút vào cuối tháng 10-2017 so với 100.000 vào tháng trước đó.

Người dân Thái Lan đang dùng smartphone quét mã QR thanh toán.

Năm 2017, mạng lưới ngân hàng địa phương tung ra hàng loạt dịch vụ thanh toán số hóa - từ PromptPay (dịch vụ chuyển tiền trực tuyến theo sáng kiến thanh toán điện tử quốc gia) cho đến hình thức quét mã QR. Hồi cuối tháng 10-2017, PromptPay thu hút được 36 triệu khách hàng đăng ký với tổng giá trị chuyển tiền là 200 triệu baht - tăng từ 32 triệu người với trị giá 120 triệu baht hồi tháng 7 cùng năm - theo số liệu từ Ngân hàng Thái Lan.

Đối với hình thức quét mã QR, Ngân hàng Thái Lan cũng đang cho phép thử nghiệm tại 5 ngân hàng trong nước. Công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của nhà đầu tư với tương lai tập trung sử dụng AI để phân tích dữ liệu và quyết định đầu tư.

Smith Banomyong, Giám đốc điều hành Quỹ Quản lý tài sản SBC (SCBAM), tin rằng xu hướng AI sẽ tác động mạnh đến mọi ngành công nghiệp, trong đó bao gồm thị trường đầu tư. SCBAM cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển một chương trình AI tập trung vào việc chọn lọc vốn.

Sự chuyển mình của số hóa

Một số chuyên gia dự đoán 2018 sẽ là năm tăng trưởng đáng kể cho ngành viễn thông và truyền thông Thái Lan với các loại dịch vụ như OTT (giải pháp cung cấp và truyền tải nội dung dựa trên nền tảng Internet) và các nền tảng vạn vật kết nối (IoT). Dĩ nhiên, số người dùng thường xuyên dịch vụ OTT và các nền tảng IoT sẽ tăng cao hơn nữa trong năm 2018.

OTT là các ứng dụng hay dịch vụ số hoạt động trên Internet mà không dựa vào mạng truyền thống - như là ứng dụng VoIP, tin nhắn SMS, video trực tuyến, truyền hình và âm nhạc trực tuyến. Do đó, OTT ngày càng trở nên phổ biến sẽ đe dọa sự sống còn của các nhà mạng viễn thông bởi vì nó cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng của họ mà không hề chia sẻ thu nhập.

Trong khi đó, hằng năm các nhà mạng viễn thông phải chi ra số tiền đáng kể để mở rộng cũng như nâng cấp hệ thống mạng của họ. Mẫu tivi OTT bao gồm chương trình theo yêu cầu cũng làm thay đổi thói quen xem truyền hình, tác động đến hoạt động quảng cáo của ngành công nghiệp TV.

PromptPay đang phục vụ hiệu quả người tiêu dùng.

Sự phát triển IoT của Thái Lan tăng mạnh sau khi Ủy ban Viễn thông và Truyền hình quốc gia (NBTC) cho phép sử dụng băng tần 920-925 megahertz cho các dịch vụ IoT. Động thái này kích thích người dân gia tăng sử dụng các thiết bị IoT trong nước. Các chuyên gia tin rằng, động thái của NBTC giúp cho chi phí kết nối Internet trở nên rẻ hơn và mở lối tạo nên một xã hội số hóa.

Phó Chủ tịch NBTC Settapong Malisuwan cho rằng OTT, IoT và mạng 4G/5G sẽ tạo nên một sự tiến hóa mới cho các dịch vụ và sản phẩm số. Ông cũng dự đoán sẽ có một mạng lưới doanh nghiệp mới liên quan đến phân tích “big data” (dữ liệu lớn) thông qua mạng 4G/5G và nền tảng IoT. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình cần phải cải thiện hay thay đổi cách kinh doanh nhằm phục vụ sự chuyển đổi số hóa trong hành vi tiêu dùng.

Thế hệ Millennials chuộng loại hình vận tải công cộng hơn.

Mua sắm trực tuyến và đặt phòng qua nền tảng xã hội

Sự xuất hiện của JD.com hợp tác với Central Group cũng như Amazon.com vào năm 2018 ở Thái Lan sẽ càng làm tăng thêm sự cạnh tranh vốn đã khốc liệt giữa các nền tảng thương mại điện tử khổng lồ trong cuộc chiến giành giật khách hàng.

Theo điều tra về người dùng Internet ở Thái Lan, 2018 sẽ là năm đầu tiên chứng kiến làn sóng mua sắm trực tuyến ồ ạt - với sự tăng trưởng từ 2,9 tỷ USD năm 2016 dự kiến lên 11,1 tỷ USD năm 2025. Trong khi đó, các thương hiệu và nhà cung cấp thương mại điện tử phải chuyển sang chiến lược “omni-channel” (hình thức bán lẻ đa kênh đồng thời cung cấp trải nghiệm liền mạch cho khách hàng) hơn là chiến lược bán hàng trực tuyến thuần túy.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đã biến Thái Lan thành thị trường thương mại điện tử hàng đầu trong khu vực ASEAN, cao gấp đôi Indonesia (quốc gia đông dân hơn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các nhà cung cấp logistics mới - đặc biệt là Line Man, Lalamove và Kerry Express - giúp phục vụ đắc lực cho nhu cầu giao phát sản phẩm và thực phẩm trở nên nhanh hơn với giá cả cạnh tranh hơn.

Thương mại điện tử cũng phát triển mạnh khi Thái Lan có 48 triệu người dùng nền tảng xã hội Facebook và hơn 11 triệu người dùng Instagram. Facebook Thailand ghi nhận khách hàng mua sắm trên nền tảng chủ yếu là Thế hệ Y hay còn gọi là Millennials - tức những người chào đời trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000 hay nói cách khác là thế hệ lớn lên cùng với phương tiện truyền thông xã hội.

Thái Lan là một trong 24 quốc gia mà ở đó Facebook phát hành Facebook Marketplace - tính năng giúp người mua sắm khám phá những sản phẩm online mới dễ dàng hơn cũng như giúp cho người bán tiếp cận nhanh những khách hàng mục tiêu ở vị trí gần với mình. Xu hướng tiêu dùng khác được kỳ vọng trong năm 2018 là cộng đồng “netizen” (những người thường xuyên truy cập Internet) sẽ mua sắm những sản phẩm nước ngoài với giá thấp hay phí giao phát thấp.

Lazada Thailand thuộc sở hữu của Mạng thương mại điện tử Alibaba phát triển Taobao Collection nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc phục vụ người tiêu dùng Thái. Đây cũng là thách thức ghê gớm cho những nhãn hiệu và sản phẩm nội địa Thái Lan.

Prachoom Tantiprasertsuk, nữ Phó Chủ tịch Dusit International, cho biết ngành du lịch Thái Lan nhận thức rõ các nền tảng xã hội - như Facebook, Instagram, Twitter và Pinterest - đã làm thay đổi lớn lao phương thức tương tác giữa khách hàng với các khách sạn, công ty hàng không và công ty du lịch. Các nền tảng mới - như là Trivago, TripAdvisor và Skyscanner - cũng giúp giá cả trở nên cạnh tranh hơn và làm thay đổi bộ mặt của hoạt động đặt phòng hay đặt mua vé trực tuyến.

Sự nở rộ của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) với các dịch vụ hiện đang phổ biến rộng rãi như Uber và Airbnb đã làm đa dạng hóa những gì mà người tiêu dùng mong muốn từ ngành kinh doanh du lịch.

Prachoom đánh giá: “Nhờ vào công nghệ, ngành du lịch phát triển mạnh hơn và hàng loạt dịch vụ mới sẽ ra đời khi công nghệ và AI trở nên tiến bộ hơn nữa. Mỗi công ty du lịch phải đổi mới thường xuyên để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chúng ta phải tìm tòi những giải pháp sáng tạo kết hợp với công nghệ để cho ra đời những trải nghiệm tốt hơn cho phép ngành du lịch thịnh vượng hơn nữa”. 

Mô hình car-sharing

Trong khi chính quyền Thái Lan mong muốn thúc đẩy sản xuất ôtô điện trong những thập niên sắp tới, mô hình car-sharing (chia sẻ ôtô) được đánh giá là xu hướng mới nhằm giảm bớt nhu cầu sở hữu xe riêng trong xã hội. Car-sharing là phương thức cho thuê ôtô ngắn hạn được tính theo giờ thay vì ngày hay tháng thông qua ứng dụng di động nên cho phép mỗi tài xế có thể đăng ký bất cứ lúc nào và bên cung cấp phương tiện cũng có những điểm đỗ xe trên khắp các tuyến phố.

Mô hình còn giúp giảm thiểu tình trạng ùn ứ phương tiện giao thông đặc biệt có ích trong những đô thị đông đúc dân cư ở châu Âu, Mỹ, Australia và những nơi khác ở châu Á. Ở Thái Lan, một số công ty khởi nghiệp đã khai trương mô hình car-sharing cách đây vài năm - như là Haupcar và Drivemate - nhưng họ vẫn chưa có được chỗ đứng vững vàng trên thị trường.

Sự cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn giữa các ông lớn thương mại điện tử.
Mô hình car-sharing đang cố gắng chiếm chỗ đứng trong xã hội.

Trung tâm Kinh tế Thông minh Ngân hàng Thương mại Siam (SCBEIC) phân tích: “Phần đông cư dân thành phố thích sở hữu ô tô riêng hơn. Hơn nữa, những điểm đỗ xe tại khu vực tập trung doanh nghiệp không thể hỗ trợ đầy đủ cho mô hình car-sharing”. Thêm vào đó, theo SCBEIC, giá cước taxi lại rẻ hơn giá car-sharing - tức vào khoảng 10 đến 20 baht cho 30 phút hay khoảng cách 10km.

Hiện nay, ở Thái Lan có khoảng 100.000 ôtô đáp ứng cho mô hình car-sharing. Haupcar sở hữu đội xe gồm 30 chiếc có thể sử dụng 30 điễm đỗ xe trong các trường đại học và nhiều nơi khác. Tanawat Vichiwatanapanich, đồng sáng lập Haupcar, nhận định mô hình car-sharing giúp giảm thiểu số lượng xe cá nhân trong các đô thị đông đúc.

Còn theo đánh giá của dự án Năng lượng Thông minh châu (IEE) được Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ, 1 chiếc xe được “chia sẻ” có thể thay thế đến 8 chiếc xe cá nhân. Ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, có đến 5 triệu ôtô cá nhân cho nên nếu chỉ 10% số tài xế chuyển sang dùng “car-sharing” thì sẽ giảm đến hàng triệu chiếc xe cá nhân lưu thông trên đường phố.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.