Từ phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ:

Cần khắc phục lỗ hổng quản lý thẻ cào viễn thông

Thứ Ba, 04/12/2018, 09:38
Trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng có tới 2.000 tỷ đồng đã chảy vào túi các nhà mạng và doanh nghiệp và các cổng trung gian thanh toán từ việc con bạc sử dụng thẻ cào điện thoại để nạp vào các cổng game cờ bạc... Vậy, đâu là lỗ hổng dẫn đến việc các đối tượng có thể dễ dàng lợi dụng, xây dựng hệ thống thanh toán cho đường dây đánh bạc?


1. Game bài Rikvip/Tip. club kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp qua Công ty CNC với các cổng trung gian thanh toán. Qua đây, các con bạc nạp tiền chơi bạc bằng thẻ cào viễn thông, thẻ game và tài khoản ngân hàng hoặc đổi thưởng bằng thẻ cào viễn thông, thẻ game và nạp tiền điện thoại. Do đó, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể đạt được với doanh thu rất lớn nếu không có việc kết nối với các cổng trung gian thanh toán và sử dụng các loại thẻ cào (viễn thông, game). 

Một trong những lý do các con bạc thường sử dụng các loại thẻ cào viễn thông, thẻ game là bởi với cách thức quản lý như hiện nay, khi sử dụng thẻ cào viễn thông, thẻ game nạp vào các cổng game online nói chung, cổng game bài RikVip/Tip.Club nói riêng không bắt buộc con bạc phải khai báo thông tin cá nhân, do vậy tính ẩn danh rất cao. Các nhà mạng phát hành thẻ cào chỉ quan tâm, quản lý mã code thẻ, số seri và mệnh giá thẻ, ngoài ra không quản lý thẻ đó sử dụng vào dịch vụ gì, ai sử dụng…

Giao diện nạp thẻ viễn thông vào game bài RikVip/Tip.Club.

Có thể khẳng định rằng, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game khó có thể thực hiện được nếu không có hình thức nạp tiền sử dụng thẻ cào viễn thông và thẻ game. Trong vụ án này, tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, với khoảng 91% là thẻ cào viễn thông và 6% là thẻ game. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông được hưởng lợi từ 15,5 -16,3% doanh thu. Do đó, lợi ích của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ cho hoạt động đánh bạc này là không nhỏ (theo ước tính, tỉ lệ hưởng lợi trên tổng thẻ cào của doanh nghiệp viễn thông khoảng 16%, cao hơn tỉ lệ hưởng lợi 10-13% của nhóm tổ chức đánh bạc).

Theo Nghị định số 25/ 2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông tức thẻ cào là hàng hóa viễn thông chuyên dùng, gắn liền với việc cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp viễn thông phát hành. Tuy nhiên, trong vụ án này, thẻ cào viễn thông đang bị sử dụng như một phương tiện thanh toán ngoài phạm vi trên.

Khi thắng bạc, có Rik trong tài khoản, con bạc lại đổi Rik lấy mã thẻ cào viễn thông để nạp điện thoại hoặc bán lại cho người khác rất thuận tiện ngay trong hệ thống game.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước để làm rõ phạm vi sử dụng của thẻ cào viễn thông, thẻ game, cũng như cơ quan cấp phép và quản lý đối với các cổng trung gian thanh toán chấp nhận các loại thẻ này. Nhưng thực tế đã cho thấy những bất cập trong quản lý, phát hành thẻ có mệnh giá và hoạt động chấp nhận thẻ có mệnh giá của các cổng trung gian thanh toán.

2. Từ thực tế trên, hiện nay Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước xác định phạm vi sử dụng, thẩm quyền cấp phép và trách nhiệm quản lý đối với các loại thẻ cào viễn thông. 

Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời: "Đối với thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông: Theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 10, Nghị định 25/2011/NĐ-CP thì Thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông là hàng hóa viễn thông chuyên dùng, gắn liền với việc cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp viễn thông phát hành... Điểm b, khoản 1, Điều 3 - Thông tư 14/2012/TT-BTTTT quy định Thẻ thanh toán dịch vụ thông tin di động (sau đây gọi là thẻ thanh toán) là thẻ được nạp sẵn tiền dùng để thanh toán giá cước khi sử dụng dịch vụ thông tin di động. Mệnh giá thẻ thanh toán bằng số tiền được nạp sẵn trong thẻ... Do đó, doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm quản lý thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông của đơn vị mình... Hành vi cờ bạc là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật hiện hành, vì vậy bất kỳ hành vi nào có sử dụng các loại thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông, thẻ game phục vụ cho mục đích vi phạm pháp luật đều là hành vi bị cấm...". 

Và "...Đối với thẻ game: Thẻ cào game do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng tự phát hành và quản lý nhằm mục đích thanh toán cho các dịch vụ của chính doanh nghiệp này cung cấp... không thuộc điều chỉnh của Thông tư 19/2016/TT-NHNN…và không phải là phương tiện thanh toán".

Còn Ngân hàng Nhà nước xác định: Căn cứ Thông tư số 19/2016/TT-NHNN, ngày 30-6-2016, quy định về hoạt động thẻ ngân hàng đã xác định: "Thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các Điều kiện và Điều khoản được các bên thỏa thuận. Thẻ trong Thông tư này không bao gồm các loại thẻ do các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát hành chỉ để sử dụng trong việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ của chính các tổ chức phát hành đó". Do đó, thẻ cào viễn thông, thẻ game không được coi là phương tiện thanh toán, mà chỉ được coi là thẻ do các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát hành chỉ để sử dụng trong việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ của chính các nhà mạng, nhà phát hành game phát hành, cho nên không thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Còn đối với hoạt động trung gian thanh toán, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước phối hợp xác định về thẩm quyền cấp phép, phạm vi hoạt động và trách nhiệm quản lý đối với cổng trung gian thanh toán (gạch thẻ) không xin cấp phép của các công ty: VNPT EPAY, Home Direct, Ngân Lượng và GTS. Bộ Công thương trả lời: "...các cổng thanh toán của các công ty GTS, VNPT EPAY, Home Direct, Ngân lượng, Napas đề cập trong văn bản của Cơ quan An ninh điều tra là các cổng trung gian thanh toán theo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản hướng dẫn. 

Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ thực hiện lệnh khám xét tại Công ty TNHH phân phối thẻ Việt Nam.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước trả lời: "...Điều 3, Thông tư 39/2014/TT-NHNH hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán quy định: Dịch vụ cổng thanh toán điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử và các dịch vụ thanh toán điện tử khác. Như vậy, dịch vụ cổng thanh toán điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kết nối giữa đơn vị chấp nhận thanh toán và ngân hàng.....". 

Đây là sơ hở dẫn đến các công ty thanh toán không xin phép cho cổng thanh toán gạch thẻ do họ tự ý xây dựng, vì các cổng này không kết nối với ngân hàng, chỉ kết nối giữa đơn vị chấp nhận thanh toán và nhà phát hành thẻ. Mặt khác, không có cơ quan chức năng của nhà nước quản lý đối với hoạt động này.

Quá trình điều tra, từ những lỗ hổng trong công tác quản lý cho thấy hiện chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động trung gian thanh toán cho các dịch vụ viễn thông và chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động trung gian thanh toán chấp nhận thanh toán bằng thẻ cào viễn thông dẫn đến buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này. Điều đó đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến, mà cụ thể ở đây là Rikvip/Tip.Club.

3. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đã phát hiện sự tiếp tay của các cổng trung gian thanh toán cho hoạt động vi phạm pháp luật. Cụ thể, VNPT EPAY đã thỏa thuận với Công ty CNC tách dòng tiền qua cổng thanh toán này thành dòng có hóa đơn và dòng không có hóa đơn (khoảng 455,3 tỷ đồng). VNPT EPAY được hưởng thêm 2% trên dòng tiền không có hóa đơn. Công ty giải trí số do Lê Thị Lan Thanh điều hành thỏa thuận với Công ty CNC không xuất hóa đơn toàn bộ lượng thẻ cào dùng trong game Tip.Club thông qua cổng thanh toán GTS của công ty này, khoảng 6.266, 4 tỉ đồng. Cổng thanh toán Napas còn kết nối trực tiếp với game bài Rikvip/Tip. club để con bạc trực tiếp dùng tiền trong các tài khoản thanh toán nội địa (ATM) để đánh bạc trong game này.

Thế nhưng, do thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ mà hoạt động này không được Ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý. Trong khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào. 

Bản thân các doanh nghiệp trên cũng "lách" bằng các cụm từ như "thương mại điện tử" hoặc "kết nối kỹ thuật" để chỉ dịch vụ trung gian kết nối giữa game bài và doanh nghiệp viễn thông. Đồng thời, việc kết nối "gạch thẻ" cũng được doanh nghiệp trên thực hiện không thông qua các cổng trung gian thanh toán mà các doanh nghiệp này được cấp phép. Trong khi đó, Cổng thanh toán Napas lại kết nối trực tiếp với game bài  Rikvip/Tip.Club để cung cấp dịch vụ thanh toán; VNPT EPAY kết nối trực tiếp cung cấp dịch vụ nạp tiền điện tử (Topup) để con bạc quy đổi từ Rik thành tiền trong tài khoản điện thoại (đổi thưởng).

Theo thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29-12-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán trò chơi điện tử nhưng không có chế tài cụ thể để ràng buộc trách nhiệm và xử lý đối với các doanh nghiệp cung cấp thanh toán dẫn đến các doanh nghiệp kết nối, chấp nhận trung gian thanh toán cho game bài Rik vip/ Tip.Club, kể cả khi game bài này chưa được cấp phép.

Việc quản lý, cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cũng bộc lộ nhiều sơ hở.  Thông tư số 24/2014/TT- BTTTT ngày 29-12-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng quy định quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet. 

Theo đó, chủ động từ chối, tạm ngừng được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản hoặc chưa thông báo cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 31 Nghị định số 72/2013/ NĐ-CP; phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử.

Tuy nhiên, Rikvip/ Tip.Club là trò chơi điện tử trái phép nhưng vẫn dễ dàng được cung cấp dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet, IP, tên miền, kể cả tên quốc gia (.vn) từ các doanh nghiệp trong nước (VNPT, Viettel, Công ty Cổ phần Mắt Bão, Công ty GMO Runsystem...); dễ dàng thuê các đầu số tổng đài của FPT để "chăm sóc khách hàng" và sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu của Công ty cổ phần truyền thông VMG để quảng bá Rikvip/ Tip Club qua tin nhắn.

Theo cơ quan điều tra, để ngăn chặn những lỗ hổng trên phải hoàn thiện ngay hệ thống pháp luật để quản lý việc sử dụng thẻ viễn thông thanh toán cho các dịch vụ không phải dịch vụ viễn thông do các công ty viễn thông phát hành. Trong đó, việc quản lý, định danh được người sử dụng thẻ cào viễn thông sẽ là điểm mấu chốt để quản lý việc thanh toán bằng thẻ cào viễn thông. 

Thực tế, sau khi vụ án xảy ra, khi làm việc với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, các nhà mạng viễn thông đã chủ động dừng toàn bộ hoạt động chấp nhận thanh toán bằng thẻ cào viễn thông cho các dịch vụ game. Và ngay lập tức, các game lậu trên thị trường bị ngừng hoạt động hoặc tụt giảm mạnh doanh thu, do không còn kênh thanh toán qua thẻ cào viễn thông.

Đồng thời, phải có biện pháp quản lý đối với các cổng thanh toán gạch thẻ. Bởi khi các nhà mạng, các công ty phát hành thẻ game chấp nhận dịch vụ thanh toán bằng thẻ cào viễn thông, thẻ game thì hoạt động gạch thẻ của các công ty trung gian thanh toán sẽ có doanh thu rất lớn, rất phức tạp, nếu buông lỏng quản lý sẽ gây hậu quả rất lớn như diễn biến tại phiên tòa vừa qua đã đề cập đến.

Xuân Mai - Nguyễn Hưng
.
.