Cảnh bảo nguy cơ dịch hạch có thể vào Việt Nam

Thứ Sáu, 26/12/2014, 16:00
Mặc dù suốt 12 năm nay, Việt Nam chưa hề xuất hiện một ca bệnh dịch hạch nào nhưng tại những tỉnh phía Bắc nước ta, sát biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - là địa phương có sự giao lưu thương mại rộng rãi với nhiều vùng miền ở Việt Nam, đã từng xảy ra dịch hạch vào những năm 1990 -1999. Gần đây nhất, ngày 7/7/2014, tại tỉnh Cam Túc đã xuất hiện một ca dịch hạch thể phổi trên người - là thể bệnh gây tử vong hầu như 100%.

Và không chỉ Trung Quốc mới có nguy cơ lây truyền bệnh dịch hạch vào Việt Nam. Với hệ thống các cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, các tuyến đường bộ xuyên Á, Việt Nam đủ điều kiện để căn bệnh chết người này xâm nhập. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng chuột sống trong các hầm tàu viễn dương, các ghe đường sông thường qua lại Campuchia và nhất là những con tàu xuất phát từ vùng có dịch hoặc đã ghé vào những bến cảng nằm trong vùng có dịch là con đường lây truyền nhanh nhất, quan trọng nhất.

Một thủy thủ tàu viễn dương thuộc Hãng tàu Hanjin cho chúng tôi biết: "Chẳng hiểu sao mà các hầm tàu biển có rất nhiều chuột. Chúng gặm nhấm hàng hóa, vỏ dây cáp điện, thậm chí ăn cả mỡ bò - là loại mỡ dùng để bôi trơn thiết bị". Khi tàu cập cảng, một số những con chuột này lên bờ, chui vào làm tổ trong những kho hàng. Và nếu trên mình chúng có loài bọ chét sống ký sinh, mang vi khuẩn dịch hạch thì bệnh xuất hiện và lây lan là điều không thể tránh khỏi.

Chính vì vậy, chiều ngày 2/12 vừa qua, Bộ Y tế đã họp Ban chỉ đạo tăng cường phòng chống bệnh dịch hạch với sự tham gia của đại diện các ngành Giao thông, Nông nghiệp, Công an… Trong buổi họp này, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết điều kiện sinh cảnh, môi trường, vật chủ tại Việt Nam rất thuận lợi cho việc bùng phát và lan truyền bệnh dịch hạch vì trước đây, Việt Nam đã từng xảy ra dịch tương đối nặng, vào những năm đầu thế kỷ XIX đến năm 2002 - trong đó trường hợp nhiễm vi khuẩn dịch hạch đầu tiên năm 1898 có nguồn gốc từ một con tàu Hồng Công.

Với các nhà khoa học, câu hỏi đặt ra là tại sao sau nhiều năm vắng bóng, dịch hạch lại quay lại ở một số nước, còn tại Việt Nam, suốt 12 năm qua không bị dịch hạch, ngành Y tế sẽ đối phó, giám sát, điều trị như thế nào nếu có dịch, chưa kể 12 năm không thực tế lâm sàng thì với các bác sĩ, liệu họ có còn nhớ nổi những kiến thức về chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị hay không? Một bác sĩ ngành Y học dự phòng ở TP HCM nói: "Ngay như bản thân tôi, hầu như tôi không còn nhớ nhiều lắm về những biểu hiện lâm sàng của bệnh dịch hạch. Trong quá trình công tác, tôi đã từng tham gia nhiều đợt chống dịch như dịch tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng nhưng bây giờ, khi đọc lại những tài liệu nói về dịch hạch, tôi thấy giống như mới… học lần đầu!".

Một bệnh nhân với đôi bàn tay hoại tử vì bệnh dịch hạch.

Một bác sĩ khác là giảng viên khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM nói thêm: "Các sinh viên Y khoa nhập học từ năm 2003 trở lại đây đều được học về bệnh dịch hạch nhưng chỉ học lý thuyết mà không được cọ xát thực tế vì không có ca bệnh nào. Vì vậy, nếu xảy ra dịch, sự lúng túng ban đầu trong xử trí là điều hoàn toàn có thể". Cũng vị bác sĩ, giảng viên này đề nghị Bộ Y tế cần xây dựng phác đồ điều trị mới, cập nhật thuốc men, tập huấn lại cho nhân viên y tế về giám sát, xét nghiệm, phác đồ chẩn đoán, điều trị đồng thời rà soát lại trang thiết bị, thuốc men tại các cơ sở y tế được chọn là trọng điểm trong việc điều trị bệnh dịch hạch.

Trước tình hình bệnh dịch hạch có thể vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu hệ thống giám sát tập trung làm quyết liệt, đặc biệt là các tỉnh, thành có cảng biển, có sân bay quốc tế, cửa khẩu đường bộ nhưng trọng tâm vẫn là đường thủy. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch hạch trên chuột, bọ chét, người, tập trung vào khu vực Tây Nguyên - là ổ dịch hạch cuối cùng xuất hiện năm 2002. Nếu có hiện tượng chuột tự nhiên chết nhiều thì cần phải làm rõ xem chết vì nguyên nhân gì. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế hướng dẫn chi tiết về việc xông hơi diệt chuột tại cảng biển, bến tàu; hướng dẫn diệt chuột trước khi cập cảng, nhất là các tàu xuất phát từ vùng có dịch hoặc đã ghé những bến cảng nằm trong vùng có dịch.

Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu động vật gặm nhấm - chủ yếu là chuột - qua biên giới. Với Sở Y tế ở các tỉnh thành, Bộ yêu cầu tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ các phương tiện vận tải hàng hóa đi, về từ vùng có dịch tại các cửa khẩu quốc tế, chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng chủ động giám sát bệnh dịch hạch trên người và chuột, bọ chét tại các vùng trọng điểm và khu vực tập trung đông người, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao như cảng biển, cảng đường sông, sân bay, cửa khẩu, kho chứa lương thực, khu chăn nuôi, chợ…

Chuột chui ra từ ống thoát nước trên một con tàu biển.

Tại TP HCM, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết: "Hàng năm chúng tôi vẫn tổ chức các chiến dịch diệt chuột trọng điểm và cũng tương tự các năm trước, năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM đã xây dựng kế hoạch tổ chức diệt chuột tại các điểm nguy cơ trên toàn thành phố vào cuối tháng 12 đến đầu tháng 1/2015, là thời điểm sinh sản của chuột. Bên cạnh đó, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cũng cần nêu cao ý thức trong việc giữ vệ sinh trong nhà, xung quanh nhà, không để bừa bãi các thức ăn thừa làm nguồn nuôi cho chuột sống và phát triển, đồng thời thực hiện các biện pháp diệt chuột truyền thống nhằm góp phần giảm mật độ chuột, giảm nguy cơ lây truyền các bệnh từ chuột".

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nguồn lây truyền bệnh dịch hạch chủ yếu từ các loài động vật gặm nhấm - có khoảng 7.200 loài. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là loài chuột, chẳng hạn như chuột đồng, chuột cống…

Trung gian truyền bệnh thường gặp nhất là bọ chét, ngoài ra có thể do rận, chí (chấy)... Đường lây truyền chủ yếu là đường máu, do bọ chét hút máu chuột bệnh rồi sau đó hút máu người. Ngoài ra, bệnh dịch hạch có thể lây qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt hoặc đờm rãi hắt ra từ người mắc bệnh dịch hạch thể phổi. Lây truyền qua da, niêm mạc, hay là đường tiêu hóa thì hiếm gặp vì nếu chúng ta ăn phải những sản phẩm nhiễm vi khuẩn dịch hạch, nhưng được nấu chín kỹ thì không bị nhiễm.

Khi có các biểu hiện nghi dịch hạch như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, nổi hạch ở háng, nách…, phải đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời vì tỉ lệ tử vong do bệnh dịch hạch rất cao, nhất là với dịch hạch thể phổi.

Cao Trí
.
.