Cặp kính Google giúp khơi dậy cảm xúc ở trẻ tự kỷ

Thứ Tư, 12/09/2018, 09:41
Chỉ với cặp kính Google kỳ diệu cùng với một ứng dụng, những người mắc chứng tự kỷ sẽ giải quyết được vấn đề giao tiếp thị giác và nhận biết cảm xúc. Đó là nội dung chương trình mà cậu bé 9 tuổi Alex được tham gia thử nghiệm thành công.

Alex Cullenbine chỉ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder) lúc lên 5 tuổi mặc dù người mẹ tên là Donji sớm nhận ra điều gì đó khác thường ở đứa con trai khi cậu bé mới 18 tháng tuổi. Lúc đó, Alex luôn tránh tiếp xúc bằng mắt, chậm nói và rất nhạy cảm với âm thanh. Kể từ khi được chẩn đoán đúng bệnh, Alex được chỉ định thực hiện liệu pháp hành vi vào 1 hay 2 lần mỗi tuần nhưng dường như cậu bé vẫn cố tránh né những ánh nhìn của người khác.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau khi Alex tham gia vào cuộc thử nghiệm nho nhỏ của Đại học Stanford được Chính phủ Mỹ tài trợ, Donji nhận ra ngay sự tiến triển bất ngờ của con trai.

Alex và cặp kính giúp cậu bé nhận diện cảm xúc của người khác.

Bà Donji kể lại: "Alex bắt đầu liếc nhìn ánh mắt của tôi và sau đó hướng tầm mắt ra xa. Mặc dù lúc đầu việc này chỉ xảy ra vài lần mỗi ngày nhưng sự thay đổi đó thật tuyệt diệu. Tôi vui mừng đến phát khóc. Rồi dần dần điều này xảy ra nhiều lần hơn mỗi ngày, đặc biệt là khi con trai muốn tôi lắng nghe nó với toàn bộ sự tập trung".

Điều kỳ diệu xảy ra nhờ cặp kính tích hợp camera ghi lại tầm nhìn của cậu bé kết hợp với một màn hình nhỏ và loa để cung cấp thông tin hình ảnh và âm thanh. Ứng dụng nhận diện cảm xúc của cặp kính Google giúp cậu bé Alex tương tác với những người khác. Nhờ cặp kính mà Alex đoán được biểu hiện gương mặt của người mẹ hay những người lớn khác. Alex sử dụng phương pháp này 3 lần mỗi tuần trong thời gian 6 tuần và bà Donji cho rằng nó đã "thay đổi" cách Alex cảm nhận gương mặt người khác.

Cặp kính tạo ra một trò chơi tìm kiếm và trao cho Alex chiếc chìa khóa giải mã những thứ mà cậu bé đang quan sát. Alex cần một "'người phiên dịch" để làm rõ điều mà những đứa trẻ khác có thể tự tìm ra. Donji kể tiếp: "Việc làm cho nó giống như một trò chơi giúp loại bỏ mối lo lắng của cậu bé về sự thất bại, tạo ra sự vui vẻ đồng thời thúc đẩy Alex tiếp tục việc này đủ lâu để học hỏi được từ nó. Tại một vài thời điểm trong cuộc nghiên cứu, Alex có nói với tôi: “Mẹ ơi, con có thể đọc được suy nghĩ rồi”.

Dường như điều gì đó đã được kích hoạt và giờ Alex hiểu được lợi ích của việc nhìn vào gương mặt". Các nhà nghiên cứu tiến hành cuộc thử nghiệm kéo dài 3 tháng với sự tham gia từ 14 gia đình. Tuy nhiên, họ cho rằng còn quá sớm để biết liệu biện pháp can thiệp này có hiệu quả không.

Kính Google đời mới được ra mắt vào năm 2017 hướng tới các doanh nghiệp và được tiếp thị bởi những nhà phát triển phần mềm từng hợp tác với Google.

Những người tham gia cuộc nghiên cứu do Đại học Stanford tiến hành đến từ khu vực Thung lũng Silicon - nơi đặt trụ sở của hầu hết các công ty công nghệ lớn - cho nên có nhiều khả năng họ hiểu biết sâu về công nghệ. Cuộc thí ngiệm với cặp kính Google cũng đòi hỏi có cam kết và quyết tâm của người tham gia. Công ty công nghệ Google tặng các cặp kính thông qua Đại học Stanford và những người tham gia thử nghiệm phải nghiêm chỉnh tuân thủ lịch hẹn thí nghiệm của các nhà nghiên cứu.

Nhóm nhà nghiên cứu - nằm dưới sự điều hành của Tiến sĩ Dennis Wall - hiện đang tiến hành cuộc thí nghiệm trên quy mô lớn hơn cùng với một nhóm kiểm soát. Trong khi đó, tổ chức từ thiện về tự kỷ "Autistica" cũng đưa ra một số cảnh báo.

Tiến sĩ James Cusack, Giám đốc khoa học tại Autistica, nói: "Nhìn chung, chúng ta nên có sự nghi ngờ nhất định về phương pháp loại này. Mặc dù chúng ta biết rằng một số người mắc chứng tự kỷ gặp khó khăn trong việc nhận biết cảm xúc, nhưng có ít bằng chứng cho thấy những thách thức mà người tự kỷ thực sự trải qua chỉ đơn giản là những nhận biết cảm xúc. Chúng ta biết rằng nhiều người tự kỷ vật lộn để kiểm soát được các kênh tín hiệu cảm quan và thông tin khác nhau. Việc thêm vào một luồng thông tin khác có thể không hữu ích và từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng điều khiển thế giới xung quanh của người tự kỷ".

Mặc dù vậy, bà Donji cũng cảm thấy rất vui khi chứng kiến những thay đổi thấy được ở Alex: "Alex nhìn vào những gương mặt một cách thường xuyên hơn và tôi cũng không còn thấy cần thiết phải đếm số lần nữa. Alex có thể liếc nhìn ánh mắt của tôi rất nhiều lần trong một lần trò chuyện. Sự hiểu biết của Alex còn hơn cả khuôn mẫu cảm xúc đơn giản. Đôi khi Alex còn bình luận về biểu hiện của tôi. Chẳng hạn, khi nhìn thấy biểu hiện trên gương mặt trước một bộ xếp hình sáng tạo Lego, Alex bật thốt lên “Tại sao mẹ không vui vậy? Mẹ đang không cười kìa”.

An Di (tổng hợp)
.
.