Chân giả cho cảm giác như thật

Thứ Tư, 24/06/2015, 07:00
Nhóm nhà phẫu thuật Áo dưới sự lãnh đạo của Hubert Egger, giáo sư Đại học Linz của Áo nghiên cứu cải tiến chân nhân tạo đầu tiên trên thế giới trang bị những bộ cảm biến gửi hàng loạt tín hiệu đến não bộ cho phép bệnh nhân mất chân cảm nhận chân giả như chân thật. Chân giả có khả năng mô phỏng mọi cấp độ cảm xúc của chân thật và chống lại "chứng đau chi ma" (cảm giác đau vẫn còn mặc dù đã mất chi) nhờ vào 6 bộ cảm biến nhỏ đặt ở phần đế chân để gửi tín hiệu đến não bộ giúp bệnh nhân "cảm thấy" được mỗi bước chân của mình.

Các nhà khoa học Áo đã tạo ra một chân nhân tạo cho phép người cụt chi cảm nhận được cảm giác như thật từ phần chân đã bị cắt mất của mình. Người nhận là Wolfgang Ranger - 50 tuổi, cựu giáo viên bị mất chân phải năm 2007 do cục máu đông gây ra sau cơn đột quị ngập máu não - cho biết: "Tôi cảm thấy như mình có chân lần nữa. Nó giống như sức sống mới lần thứ hai, Tôi không còn mất cảm giác nữa mà có thể nói được rằng mình đang bước đi trên lớp sỏi, bê tông, cỏ mềm hay lớp cát".

Giáo sư Hubert Egger, Đại học Linz (Áo), giải thích: mạng cảm biến lắp nơi phần đế bàn chân nhân tạo được kết nối với các đầu mút dây thần kinh nơi mỏm cụt chi đã mất truyền tín hiệu đến não bộ giúp người mang có cảm giác như thật.

Giáo sư Hubert Egger (trái) đang theo dõi Wolfgang Ranger thử nghiệm chân giả tăng cường cảm biến tại phòng thí nghiệm.

Giáo sư cũng nhấn mạnh thêm rằng đây là lần đầu tiên người cụt chân được trang bị bộ phận giả tăng cường bộ cảm biến. Tất cả 6 bộ cảm biến lắp nơi lòng bàn chân giả để đánh giá sức ép của gót chân, ngón cái và chuyển động của chân. Những rung động được truyền đến các đầu mút dây thần kinh nơi mỏm cụt để dẫn đến não bộ. Giáo sư Egger mô tả: "Các bộ cảm biến sẽ nói với bộ não rằng có một cái chân và người mang có cảm giác chân cử động khi bước đi trên mặt đất".

Wolfgang Ranger thử nghiệm chân giả trong vòng 6 tháng tại phòng thí nghiệm của giáo sư Egger và cả ở nhà. Sau khi được lắp chân giả tăng cường bộ cảm biến, Wolfgang Ranger bây giờ đã có thể chạy bộ, đạp xe đạp và leo trèo như người bình thường.

Một cái lợi khác đối với Ranger là ông giảm bớt rất nhiều sự đau đớn do "chi ma" gây ra trong suốt nhiều năm bị cắt mất chân. Giáo sư Egger nói rằng bây giờ bộ não của Ranger nhận được dữ liệu thật hơn là tìm kiếm thông tin từ chi đã mất.

Bộ cảm biến lắp trên lòng bàn chân giả của giáo sư Hubert Egger.

Vừa qua, nhóm nhà nghiên cứu Áo tiết lộ kết quả đáng quan tâm của họ tại cuộc họp báo ở Vienna. Năm 2014, một nhóm nhà khoa học quốc tế cũng đã tạo ra một cánh tay sinh học cho phép người cụt tay cảm nhận được các ngón tay giả của mình. Nghiên cứu ấn tượng này sau đó được công bố trên Tạp chí Science Translational Medicne.

Bác sĩ Alastair Ritchie, giảng viên Khoa Vật liệu sinh học và Công nghệ sinh học Đại học Nottingham (Anh), mặc dù đánh giá nghiên cứu của các nhà khoa học người Áo không mang tính đột phá bằng thành quả của cánh tay và bàn tay giả nhưng vẫn mang tính cách mạng. Các chuyên gia Bộ Quốc phòng Anh đang theo dõi nghiên cứu của người Áo đồng thời cho rằng chân nhân tạo này có thể giúp cải thiện cuộc sống cho những người lính bị thương được tiếp tục phục vụ trong quân đội với vai trò khác nếu họ muốn.

Cựu trung sĩ Craig Gadd, 22 tuổi, bị mất chân trái do tham chiến ở Afghanistan năm 2010, nói rằng chân giả tăng cường bộ cảm biến sẽ đem lại cho những người lính bị thương có thêm nhiều lựa chọn. Tổ chức từ thiện giúp đỡ những người lính bị thương của Anh Help for Heroes thúc giục Bộ Quốc phòng nước này quan tâm hơn đến công nghệ của người Áo để "cải thiện chất lượng sống của người cụt chân, dù là người lính hay dân thường".

Wolfgang Ranger đạp xe đạp bằng chân giả.

David Henson, người bị cụt cả 2 chân do bom ở Afghanistan năm 2011, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: "Chân giả của người Áo cho phép bạn cảm nhận được môi trường. Điều đó có  nghĩa là bạn cảm nhận được mà không cần nhìn thấy chân. Xúc giác là kỹ năng cực kỳ quan trọng. Tôi mong muốn Bộ Quốc phòng Anh chú ý đến công nghệ, giám sát nghiên cứu mới và bất cứ điều gì có thể mang lại cảm giác cho những người lính bị cụt chân".

Giáo sư Hubert Egger và nhóm của ông cũng có nghiên cứu đột phá vào năm 2010 khi tạo ra một chi có thể kiểm soát bằng não bộ. Chân giả tăng cường cảm biến mới hiện có giá  từ 7.350 đến 21.900 bảng Anh, song ông Hubert Egger hy vọng các công ty sẽ hỗ trợ cho nghiên cứu của ông được giảm giá thành.

Di An (tổng hợp)
.
.