Chạy đua chế tạo taxi tự hành chở khách trên không

Thứ Ba, 19/09/2017, 18:02
Các công ty công nghệ đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc chạy đua nghiên cứu phát triển phương tiện taxi chở khách trên không tự hành đầu tiên trên thế giới, nhưng liệu phương tiện như thế có thực sự thích hợp cho môi trường thành phố đông đúc dân cư.

Thành phố Dubai thuộc Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đang quyết tâm là nơi đầu tiên tung ra thị trường mẫu taxi trên không.

Tháng 6-2017, Cơ quan Giao thông và Đường xá (RTA) của Dubai đã chính thức ký với công ty khởi nghiệp Đức Volocopter hợp đồng thử nghiệm mẫu taxi tự hành trên không vào khoảng cuối năm nay.

Nguyên mẫu taxi bay của Volocopter.

Volocopter nhận được 30 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư, trong đó bao gồm nhà chế tạo động cơ Đức Daimler, để phát triển loại phương tiện 18 cánh quạt có khả năng chở 2 hành khách. Video quảng cáo của Volocopter cho thấy phương tiện taxi trên không có thể đạt đến vận tốc 100km/giờ và thời gian bay tối đa vào khoảng 30 phút, trong khi đó 9 bộ pin độc lập bảo đảm an toàn bay liên tục.

Đại diện Volocopter cam kết với khách hàng rằng "các bạn sẽ không cần đòi hỏi" sự hiện diện của chiếc dù khẩn cấp trên phương tiện. Ngoài ra, RTA của Dubai cũng đang hợp tác với công ty chế tạo máy bay không người lái (drone) Trung Quốc Ehang thử nghiệm loại phương tiện được mô tả là "taxi tự động trên không" chở duy nhất một hành khách tên gọi là Ehang 184.

Thành phố lớn nhất UAE đang đối mặt với cuộc cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ khác. Trước đó vào tháng 2-2017, tập đoàn taxi công nghệ khổng lồ Uber đề xuất dự án mang tên "Elevate" được Mark Moor mô tả là "tương lai giao thông thành thị trên không theo yêu cầu". 

Hệ thống kiểm soát taxi bay của Ehang.

Mark Moor trải qua 32 năm làm việc cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) trước khi trở thành Giám đốc công nghệ của Uber. Nhà chế tạo máy bay Pháp Airbus cũng đang có kế hoạch nghiên cứu nguyên mẫu "taxi trên không" chở được từ 4 đến 6 hành khách gọi là Vahana đồng thời dự kiến bắt đầu đưa vào thử nghiệm vào khoảng cuối năm 2017 để chuẩn bị sẵn sàng phục vụ hành khách năm 2020.

Cuộc cạnh tranh phương tiện chở khách trên không cho thấy hoạt động giao thông trên mặt đất đang bị tắc nghẽn một cách nghiêm trọng trong những thành phố lớn trên thế giới. Ví dụ như tại thành phố đông dân Sao Paolo của Brazil, nạn kẹt xe kéo dài trung bình 180km vào những buổi chiều thứ 6 trong tuần - thậm chí đôi khi kẹt xe kéo dài đến mức khó tin: 295km!

Trong khi đó, những thành phố rộng lớn đông dân trên thế giới vẫn tiếp tục phát triển. Bộ 3 công ty Ehang, Volocopter và Airbus đang cố gắng nghiên cứu phát triển loại động cơ điện phản lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường xanh đồng thời vận hành êm ái hơn. Công nghệ cánh quạt nằm ngang vốn được ưa chuộng cho phép cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng rất phù hợp với không gian thành thị chật chội.

Thêm vào đó, các loại vật liệu composite - như là sợi carbon - cho phép sản xuất những vật thể cực nhẹ. Theo đánh giá của Mark Moor, giá sử dụng phương tiện - với 3 hay 4 hành khách trong một khoang - cũng sẽ "tương tự như những chiếc taxi UberX hiện nay".

Phương tiện drone của Ehang hiện nay bay được trong khoảng thời gian 23 phút. Nhưng, Cơ quan Quản lý Hàng không liên bang Mỹ (FAA) quy định phương tiện bay phải có bình chứa nhiên liệu dự phòng cho phép bay được thêm 20 phút. Do đó, Janina Frankel-Yoeli - Phó chủ tịch Công ty phát triển phương tiện bay cho môi trường thành thị Urban Aeronautics của Israel - coi quy định đó "thực sự là vấn đề".

Mặc dù vậy, Mark Moor vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng công nghệ pin chắc chắn sẽ được cải thiện rất nhiều vào năm 2023. Ông cũng tự tin tuyên bố Uber có kế hoạch sẵn sàng đưa ra thị trường 50 chiếc taxi trên không đầu tiên của công ty. Theo Moor, nỗ lực đầu tư mạnh vào ôtô điện trên thế giới đang cải thiện đáng kể tốc độ nạp điện cho pin. Đối với Moor thì "chúng ta không cần phải thực hiện hành trình quá dài cắt ngang thành phố" mà yêu cầu quan trọng là công nghệ nạp điện tốc hành cho pin.

Tim Robinson, chủ bút Tạp chí hàng không Aerospace của Hội Hàng không Hoàng gia Anh (RaeS), đề xuất một giải pháp khác - đó là chiếc taxi bay được chia làm 2 khoang với hệ thống pin được bố trí trong một khoang riêng lẻ có thể tháo rời để thay thế ngay giữa chuyến bay. Một thách thức khác phải cân nhắc đến là cơ cấu điều hành vùng trời để tránh va chạm trên không. Nghĩa là, các thành phố lớn trên thế giới phải quy định hành lang bay riêng cho máy bay trực thăng và taxi bay.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.