Chiếc xe đầu tiên mang danh huyền thoại Mỹ

Thứ Tư, 19/12/2018, 06:55
Cỗ xe đua Shelby Daytona Cobra Coupe đã ghi tên mình vào huyền thoại và được ví như Á thần Hercules khi là chiếc xe Mỹ đầu tiên đánh bại tên “Đại khổng lồ” Ferrari của người Italia đang chiếm ngự đỉnh Olympus đường đua tốc độ thế giới. Nhưng sau vinh quang đó, vị “anh hùng” đã biến mất một cách đầy bí ẩn...

Soán ngôi đường đua

Ngày 4-7-1965 tại Reims (Pháp), lịch sử mới trên đường đua ôtô Giải FIA GT đã được viết nên bởi chiếc xe “không tên tuổi” mang thương hiệu Made in USA - Shelby Daytona Cobra Coupe khi đánh bại đương kim vô địch Ferrari. Chiến thắng này đã làm tan chảy hàng triệu trái tim của khán giả và quăng xuống vực hàng nghìn tay cá độ chuyên nghiệp vì đã trót “trao thân gửi phận” vào chiếc xe của nhà thiết kế người Italia Enzo Ferrari.

Thời đó, đường đua ôtô thể thao là sân chơi độc quyền và trình diễn của các hãng xe nổi tiếng của châu Âu như: Ferrari, Corvette, Lola, Porsche và Alfa gắn với tên tuổi các quốc gia có nền công nghiệp xe hơi phát triển mạnh mẽ như Italia, Anh, Đức và Pháp. Trong đó, Hãng xe Italia - Ferrari được mệnh danh là kẻ độc chiếm “vòng nguyệt quế”- thống soái đường đua của Liên đoàn Ôtô quốc tế (FIA). Chính vì vậy, khi Shelby Daytona Cobra Coupe viết nên huyền thoại, tên tuổi của chiếc xe đã được sánh ngang với sự nổi tiếng của Tượng Nữ thần Tự do.

Shelby Daytona Cobra Coupe được trình làng lần đầu vào năm 1964 tại cuộc đua Daytona Continental 2.000km vào cuối tháng 2 và đây là lý do cái tên Daytona được đặt cho chiếc xe này. Chiếc xe thể hiện sự hứa hẹn khi dẫn đầu trong cuộc đua, nhưng đã phải dừng lại vì gặp sự cố hỏa hoạn lúc tiếp nhiên liệu.

Cùng năm đó, Daytona tiếp tục thi đấu ấn tượng khi giành chiến thắng tại giải đua xe “24 Hours of Le Mans”, một trong hai đường đua lớn nhất tại Le Mans, Pháp. Tuy nhiên, trong đường đua FIA GT 1964, dù vượt xa nhiều siêu xe nhưng chiếc xe Mỹ vẫn chưa thể vượt qua tượng đài Ferrari hùng mạnh.

Chiếc xe Daytona nguyên bản trong cuộc đua FIA GT đầu tiên năm 1964 tại Sebring, Mỹ.

Và chỉ đến năm 1965, đội xe Daytona mới trở thành tâm điểm của giới truyền thông khi xếp đầu bảng trong các đội đua - vị trí đầu tiên mà một đội xe đua Mỹ từng giành được - và giành 9 chiến thắng trong số 12 giải đua tham gia, trong đó có các đường đua lâu đời và nổi tiếng như FIA GT, 24 Hours of Le Mans, Italian Grand Prix tại Monza (Italia) và cuộc đua 1.000 km tại Nurburgring Nordschleife (Đức).

Khát vọng Mỹ

“Tôi có một khát khao đó là sản xuất ra chiếc xe đua chính hiệu Made in USA đánh bại gã khổng lồ Ferrari”, Carroll Shelby chia sẻ trong cuốn tự truyện viết năm 1967.

Carroll Shelby đến với môn thể thao đua xe ôtô vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Thành công liên tiếp ở các giải đua xe tại Mỹ của một tay đua nghiệp dư đã giúp Shelby nhận được lời mời lái xe cho các đội đua của hãng sản xuất xe Aston Martin và Maserati vào giữa những năm cuối thập niên 1950.

Kể từ đó tiếng tăm của Shelby ngày một lan xa khi cùng với chiếc Austin - Healey 100S, ông lập được 16 kỷ lục tốc độ của Mỹ và quốc tế tại Bonneville Salt Flats. Nhưng điểm nhấn nổi bật trong sự nghiệp lái xe đua của ông là vào năm 1959 - vô địch giải đua Le Mans - ngay trước khi treo găng vì lý do sức khỏe.

Tuy rời đường đua, nhưng Shelby chưa bao giờ ngừng dõi mắt theo các cuộc đua. Ông mở một trường học lái xe hiệu suất cao và Công ty Shelby - American để thực hiện những hoài bão của mình - sản xuất ra những cỗ xe thần tốc trên đường đua thế giới.

Bắt đầu từ chiếc AC Cobra (thường được biết đến ở Mỹ là Shelby Cobra), một mẫu xe đua thể thao thành công được sản xuất bởi AC Motors của Anh, nhưng đã được cải tiến theo yêu cầu của Shelby bằng cách lắp động cơ Ford V8 thay cho động cơ tiêu chuẩn AC 6 của mẫu xe thể thao Ace. Nhưng AC Cobra vẫn chỉ là một chiếc xe nhập khẩu, không phải thuần chủng Mỹ, nên dù có chiến thắng trên đường đua thì các hãng xe hơi ở xứ Cờ Hoa vẫn không được vinh danh.

Vì thế, vào đầu năm 1963, Shelby đã bắt tay vào việc vẽ nên những phác thảo đầu tiên cho hoài bão của mình, dựa trên cỗ xe đua mà ông phát triển trước đó, chiếc AC Cobra Roadster, để sản xuất ra một siêu xe chinh phục các đường đua quốc tế, điều mà các hãng xe non trẻ của Mỹ bấy giờ chưa thực hiện được.

Cuốn tự truyện năm 1967 của Shelby từng viết: “Nhu cầu cấp thiết nhất của chúng tôi (và Pete Brock đã chỉ ra điều này một thời gian trước), là cần một bộ động cơ hợp lý hơn nhiều so với ACster nguyên bản mà chúng tôi vẫn đang sử dụng trên những xe Cobra Roadster. Chúng tôi phải làm được điều này để cạnh tranh với những chiếc Ferraris GTO”.

Công việc sản xuất chiếc Daytona đầu tiên bắt đầu vào tháng 10-1963. Pete Brock đã thiết kế thân xe, trong khi tài xế Ken Miles làm chắc hơn khung xe và sắp đặt lại các bộ phận khác nhau nhằm tạo ra một chiếc xe có thể đạt được tốc độ cần thiết 180mph (tương đương 290 km/h) để chạy đua với xe Ferrari.

Những chiếc Daytona lần lượt ra đời từ đầu năm 1964 đến 1965, sử dụng động cơ V8 cid 289 của Ford, chạy với công suất 385 mã lực được cung cấp bởi bốn bộ chế hòa khí hai nòng Weber.

Theo hồi ức của Shelby trong cuốn tự truyện, rõ ràng, những tính toán khí động học của Brock đã thành công. Thử nghiệm tại Riverside vào ngày 1-2-1964, chiếc xe mơ ước đã thêm được 15 mph (24 km/h) về tốc độ tối đa so với chiếc Cobra Roadster và tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn 25%. “Ngay cả những phanh chạy cũng êm hơn”, ông ấy viết.

Và đây chính là mấu chốt dẫn đến thành công vang dội của những chiếc Daytona và nhờ vậy, Shelby đã mang về một giải thưởng vào năm 1965 mà chưa một nhà sản xuất ôtô Mỹ nào giành được - Giải vô địch các nhà sản xuất quốc tế FIA cho những chiếc xe Grand Touring (GT).

“Tiếng gầm cuối của sư tử”

Câu chuyện này nói về chiếc xe mà Shelby chế tạo tại một cửa hiệu của Shelby American ở Venice, California mang số khung gầm CSX2287 - là nguyên mẫu được sản xuất duy nhất tại Mỹ. Năm chiếc khác được tạo khung và lắp ráp tại Modena, Italia. Và cũng chỉ có 6 chiếc Daytona này ra đời trong khoảng năm 1964 -1965, bởi ngay sau khi hoàn thành mẫu Daytona, tay đua - nhà thiết kế nổi tiếng Carroll Shelby chính thức bắt tay vào dự án chế tạo xe Ford GT40.

Shelby từng chia sẻ rằng, phương châm của ông là dừng sản xuất ngay khi chiếc xe đạt thành tựu đề ra, vì như thế sự nổi tiếng, quý hiếm và giá trị của chiếc xe mới đạt được tối đa.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh, giành chức vô địch thế giới năm 1965, những chiếc Daytona gần như đã được nghỉ hưu dù vẫn còn rất tốt. Điều này đã được chứng minh khi vào ngày 6-11-1965, chiếc Daytona CSX2287 - không được chạy đua trong nhiều tháng - đã có cơ hội đến với Bonneville Salt Flats (bang Utah, Mỹ) và viết tiếp lịch sử.

Trong vòng 4 ngày, với sự hò reo của người hâm mộ, chiếc xe Daytona CSX2287 đã thiết lập 23 kỷ lục tốc độ quốc gia và quốc tế, đạt tốc độ tối đa 300km/h - Đây cũng là “tiếng gầm cuối của một con sư tử”. Với lịch sử như vậy, chiếc Daytona CSX2287 là đặc biệt nhất trong 6 chiếc.

Daytona trên đường đua FIA GT 1965.

Không chỉ đạt tốc độ đỉnh cao, với nhiều người, chiếc Daytona còn đẹp hoàn hảo với hai sọc màu trắng – tượng trưng cho đường đua Le Mans- chạy theo chiều dài của chiếc xe sơn màu xanh Coban, một thiết kế đã trở thành biểu tượng gắn liền với những chiếc Cobra do Shelby thiết kế và các mẫu xe hơi Ford mà Shelby tham gia.

Carroll Shelby năm 1966 đã bán chiếc xe nguyên mẫu Daytona cho huyền thoại đua xe ôtô Jim Russell, người sáng lập Công ty xe hơi đồ chơi Russkits, với giá 4.500 USD. Kể từ đó, số phận kỳ lạ của cỗ xe đua huyền thoại bắt đầu.

Vì lý do này hay lý do khác, chiếc xe lại được đổi chủ và thuộc về nhà sản xuất âm nhạc trẻ nổi tiếng và có phần lập dị Phil Spector. Vào thời điểm này, ống xả phía sau và thảm nội thất đã được thêm vào chiếc xe để làm cho Daytona trông giống như một chiếc xe đường phố hơn.

Như để thể hiện sự khoa trương, Spector viết nguệch ngoạc những kỷ lục của chiếc xe bằng sơn lên cửa xe và bắt đầu lái xe vòng quanh Los Angeles. Nhưng nhanh như chớp, chiếc xe khiến Spector phải chịu nhiều vé phạt tốc độ đến mức luật sư của ông cuối cùng phải đề nghị thân chủ hãy rời xa chiếc xe.

Thêm vào đó, chiếc xe có hiện tượng nóng máy chỉ sau một vài dặm di chuyển, mà được ví như là “sự giận dữ” của một tay đua thuần chủng. Spector đã muốn khắc phục những vấn đề này, nhưng chi phí quá cao. Đây cũng là lúc vệ sĩ George Brand đề nghị mua lại chiếc xe với giá 1.000 USD để ông làm quà tặng cho con gái của mình, Donna O'Hara.

Chính xác vì sao O'Hara đã làm điều không thể tưởng tượng - giấu cỗ xe tuyệt đẹp trong một đơn vị lưu trữ ở California và trả tiền thuê trông giữ xe hàng tháng trong 30 năm - thì không một ai biết. Nhưng, việc chiếc xe bỗng bặt tích khiến nhiều người tưởng “báu vật” đã bị phá hủy vào những năm của thập niên 1970.

Dù vậy, trong những năm đó, vẫn có một số người biết tới và tìm đến OHara nhưng cô luôn từ chối bất cứ ai tự giới thiệu họ quan tâm đến chiếc xe. Kể cả với Carroll Shelby – “cha đẻ của Daytona”, OHara còn không mở cửa tiếp ông.

Nhưng ở đâu và ở thời điểm nào thì cũng có ngoại lệ. Trong số những người hâm mộ cỗ xe Daytona huyền thoại, có một người say mê đến độ kiên trì theo đuổi dù OHara lạnh lùng không tiếp. Với sự giúp đỡ của Luật sư Martin Eyears, bác sĩ giải phẫu thần kinh về hưu Frederick Simeone và cũng là một nhà sưu tập xe hơi cổ cuối cùng đã thuyết phục được Donna O'Hara bán xe cho mình, với số tiền không được tiết lộ, nhưng ước khoảng 4 triệu USD.

“Đó là sự kiên trì và đúng thời điểm, tại một địa điểm đúng và vào thời gian thích hợp để đưa ra một đề nghị rất thực tế”, Simeone vui mừng khi mua được chiếc xe quý giá có một không hai và dự định sẽ bổ sung vào Bộ sưu tập ôtô có tới 65 cỗ xe đua cổ điển khác tại quê hương Philadelphia.

Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi một điều không may và rắc rối xảy ra vào năm 2000. OHara đã tự thiêu trước khi vụ giao dịch diễn ra. “Tôi ghét phải nói về điều này. Lẽ ra sẽ thật tốt nếu cô ấy (OHara) bán xe và tặng số tiền này cho mẹ của mình trước khi tự kết liễu đời mình...”, Simeone tiếc nuối.

Việc OHara tự sát đã gây ra một trận chiến pháp lý xung quanh chiếc xe kéo dài nhiều tháng giữa mẹ của OHara và người được coi chủ đơn vị lưu trữ chiếc xe. Ngay cả Phil Spector, thông qua luật sư nổi tiếng Robert Shapiro, cũng tuyên bố quyền sở hữu chiếc xe khi nói rằng ông chưa bao giờ thực sự bán chiếc xe cho vệ sĩ của mình, mà chỉ đưa nó cho ông ta để giữ gìn an toàn.

Ngoài ra, vụ kiện còn khiến bác sĩ Simeone suýt mất đi cơ hội sở hữu được chiếc xe quý hiếm, bởi khi thông tin về chiếc xe được công khai, có quá nhiều người muốn mua nó và yêu cầu thẩm phán đưa chiếc xe ra sàn đấu giá công khai.

Cuối cùng, công lý đã chiến thắng. Thẩm phán đã kết luận mẹ của OHara có quyền sở hữu chiếc xe và bà đã bán nó cho ông Simeone, chủ sở hữu Bảo tàng Ôtô Simeone ở Philadelphia.

Huyền thoại hiện đại

Còn tới giờ, thật khó có thể ước tính giá trị của chiếc xe Daytora CSX2287. Năm chiếc Daytona khác, những chiếc được sản xuất tại Italia, đều nằm trong tay những chủ sở hữu tư nhân, trong đó một chiếc được bán đấu giá vào năm 2009 với giá 7,5 triệu USD.

Có người cho rằng CSX2287 sẽ bán được giá cao hơn, vì đây là nguyên mẫu đầu tiên và là chiếc Daytona cuối cùng tham gia các cuộc đua. Đặc biệt hơn, không giống như những chiếc khác, CSX2287 vẫn giữ được nguyên các thiết bị ban đầu mà không có bộ phận thay thế hay sơn lại.

Tuy nhiên, huyền thoại mà chiếc Daytona nguyên mẫu viết nên thời hiện đại không nằm ở giá trị vật chất mà ở giá trị lịch sử. CSX2287 là chiếc xe đầu tiên trong bảy chiếc xe duy nhất được đưa vào Sổ đăng ký xe lịch sử Quốc gia Mỹ, khiến cỗ xe được đặt ngang với các biểu tượng của Mỹ như Tượng Nữ thần Tự do và Tàu con thoi.

Chiếc Daytona duy nhất sản xuất tại Mỹ cũng được xướng tên trong hạng mục Xe của năm vào năm 2014 tại Giải thưởng Ôtô cổ điển quốc tế, một giải thưởng danh giá được ví như “giải Oscar của xe hơi cổ”. Đây cũng là chiếc xe Mỹ đầu tiên được đề cử cho giải thưởng này.

Mark Gessler, Chủ tịch Hiệp hội Xe hơi cổ Hoa Kỳ nói rằng: “Chiếc xe được tạo nên trong một điều kiện hết sức đơn sơ - tại một tầng của cửa hàng và được thiết kế trên một tờ giấy gói thực phẩm, nhưng nó vẫn giành chiến thắng ở đẳng cấp quốc tế”.

Thùy Dương
.
.