Cho đi là còn mãi

Thứ Hai, 21/09/2020, 14:09
Sự sống chỉ còn thoi thóp khi trái tim - nơi duy trì sinh mệnh - gần như hỏng hoàn toàn, những bệnh nhân mà chúng tôi gặp tại Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức) trải qua ca đại phẫu kéo dài nhiều giờ, họ đã sống lại với một trái tim đập trong lồng ngực từ người hiến tặng.

Chỉ trong 16 ngày, tại Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 4 ca ghép tim, đặc biệt có 2 ca ghép trong hai ngày liên tiếp, đây là một kỷ lục chưa từng có. Và càng “thần tốc” hơn khi lần đầu tiên trong 13 ngày (từ 30-8 đến 12-9), Bệnh viện đã ghép thành công 23 tạng, gồm 3 ca tim, 4 ca gan và 16 thận, trong đó có 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não, sức khỏe của các bệnh nhân được ghép tạng đều tiến triển tốt.

Ca ghép tim thực hiện vào trưa 16-9 tại bệnh viện Việt Đức.

Sự sống trở lại sau chuỗi ngày tuyệt vọng

Bước vào phòng điều trị tích cực của 3 bệnh nhân vừa được ghép tim tại Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi khá bất ngờ khi các bệnh nhân đều có thể trò chuyện với phóng viên chỉ 4-5 ngày sau đại phẫu thuật. Tuy nói chuyện còn chút khó khăn, song bệnh nhân N.Q.T, 33 tuổi, ở Thanh Hóa không giấu được niềm vui khi tính mạng đã được cứu sống. Anh T có tiền sử suy tim giai đoạn cuối trên nền bệnh cơ tim giãn.

Trong 5 năm qua, anh điều trị bệnh cơ tim giãn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đã nhiều lần xuất hiện loạn nhịp nguy hiểm phải sốc điện, nguy cơ tử vong rất cao. Sức khỏe anh ngày một suy yếu và đã nằm một chỗ từ hơn một năm nay. Các bác sĩ cho biết, anh chỉ có một cơ hội sống duy nhất là ghép tim. Cách đây vài tháng, anh chuyển từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sang Bệnh viện Việt Đức chờ ghép tạng. Chờ mãi mà chưa có tim để thay...

Ngày 10-9, có một trường hợp chấn thương sọ não nặng, đã có biểu hiện chết não và gia đình mong muốn được hiến đa tạng (tim, gan, 2 thận). Người hiến là nam thanh niên còn trẻ và các chức năng tim còn rất tốt, các chỉ số sinh học phù hợp với anh T. Cơ hội “ngàn năm có một” nhưng buồn thay, gia đình anh lại không đủ kinh phí để ghép. Nhớ lại thời điểm tuyệt vọng đó, anh T. khó khăn nói: “Tôi tưởng mình không còn cơ hội sống nữa”.

Nhưng may mắn đã mỉm cười với anh khi chính các thầy thuốc của Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực đã phối hợp với Phòng Công tác xã hội, với cơ quan truyền thông vận động bạn đọc, nhà tài trợ giúp anh T. có kinh phí thực hiện ca ghép tạng. Khi hay tin này, anh và gia đình đã mừng rơi nước mắt. Ca ghép tim được quyết định thực hiện “thần tốc” ngay sau đó.

 Ngày 11-9, sau 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công. “Tỉnh lại, thấy trái tim đập trong lồng ngực, tôi biết mình sống rồi”, anh T chia sẻ. Nằm trên giường bệnh, ánh mắt của anh T lấp lánh ánh sáng của niềm hy vọng vào tương lai. Trong ánh mắt ấy, tôi còn đọc thấy niềm xúc động, sự biết ơn không nói hết thành lời.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cùng ê-kíp thực hiện phẫu thuật ghép tim.

Nằm ngay cạnh anh T là bệnh nhân N.Đ.D, 52 tuổi, cũng ở Thanh Hóa, ghép tim vào ngày 12-9. Tuy mới qua 4 ngày, song khi trò chuyện với chúng tôi, ông D rất tỉnh táo, chia sẻ về cảm xúc vui mừng và hạnh phúc được tái sinh lần hai. Ông cho biết, sau ghép 2 tiếng ông tỉnh lại, điều đầu tiên mà ông nghĩ tới đây không phải là mơ mà là sự thật, mình đã sống. Ông D. được rút ống thở trước đó, đã có thể ngồi được dậy.

Ông D được phát hiện cơ tim giãn từ năm 2006. Từ năm 2013 đến nay, ông được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối, gần đây sức khỏe suy yếu, mệt hơn, vào viện điều trị nội trú nhiều đợt, được đưa vào danh sách chờ ghép của Bệnh viện Việt Đức. Ngày 12-9, 15 giờ sau ca ghép tim ngày 11-9, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực phẫu thuật ghép tim cho ông D từ người chết não hiến đa tạng (tim, gan, 2 thận) là nam thanh niên hơn 30 tuổi, bị tai nạn giao thông. Ca ghép diễn ra thuận lợi, đạt kết quả tốt.

Nằm tại giường bệnh trong cùng là cậu bé 11 tuổi, ở Thái Bình, được ghép tim vào ngày 30-8. Chức năng tim của cháu bé đã tiến triển rất tốt, tỉnh táo, nói chuyện trôi chảy. Cậu bé mắc cơ tim giãn, nằm chờ ghép đã 3 tháng nay, buộc phải chỉ định ghép thì mới cứu được tính mạng. Rất may mắn, cậu bé đã chờ được người cho tim có chỉ số sinh học phù hợp.

Nơi sửa chữa... trái tim!

Trưa 16-9, trước giờ bước vào ca ghép tim thứ tư trong vòng 16 ngày (từ ngày 30-8), tranh thủ chút thời gian ít ỏi, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức đã dành thời gian tiếp phóng viên. Ông chia sẻ, ngày 30-8, Trung tâm ghép tim cho cháu bé 11 tuổi ở Thái Bình; ngày 11 và 12-9 tiếp tục ghép tim cho 2 bệnh nhân nam ở Thanh Hóa và tới hôm nay (16-9), tiếp tục ca ghép tim thứ 4. Đây có thể coi là kỷ lục vì trong thời gian ngắn thực hiện 4 ca ghép tim.

Hơn thế nữa, lần đầu tiên trong 13 ngày (từ 30-8 đến 12-9), Bệnh viện đã ghép thành công 23 tạng. Với điều kiện về y tế, cơ sở vật chất như hiện nay, việc ghép thành công 23 tạng trong thời gian “thần tốc” như trên có thể coi là điều kỳ tích.

Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực chia sẻ thêm rằng, ông rất vui khi 23 ca ghép tạng (gồm 3 ca tim, 4 ca gan và 16 thận, trong đó có 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não), đến nay các bệnh nhân đều ổn định, diễn biến thuận lợi theo sau hậu phẫu. Riêng 3 ca ghép tim đều rất tốt, người bệnh có thể tự ngồi dậy, ăn uống, đi lại nhẹ, giao tiếp...

Chia sẻ về 3 ca ghép tim “thần tốc”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, quá trình vận hành có những khó khăn. Chẳng hạn như bệnh nhân N.Q.T ở Thanh Hóa bị bệnh lâu năm nên tim đã rất to, hơn gấp đôi người bình thường, trong khi quả tim hiến lại có kích thước bình thường, nên lúc đưa quả tim vào hơi khó.

“Chúng tôi phải dùng một số kỹ thuật để tạo hình, nối dài thêm cuống tim thì mới vừa. Do đã thực hiện nhiều ca ghép tim nên với kỹ thuật này đối với chúng tôi không khó”, PGS Ước nói. Ngược lại với bệnh nhân T là ca ghép của bé trai 11 tuổi ở Thái Bình. Khoang chứa tim của cháu nhỏ nhưng tim ghép lại của người lớn nên các bác sĩ phải điều chỉnh lại kích thước cho phù hợp.

Hay, có những tình huống các bác sĩ phải “cân não” giữa ghép hay không ghép như trường hợp anh N.Q.T, ở Thanh Hóa. Bệnh nhân này khao khát được sống bởi anh có 2 con nhỏ, là trụ cột của gia đình. Nhưng, sau thời gian chờ đợi, đến khi có tim phù hợp thì gia đình lại không đủ kinh phí. “Chúng tôi đã phải “cân não” giữa ghép hay không ghép. Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã bàn với gia đình, phối hợp với Phòng Công tác xã hội, qua báo chí vận động tài trợ, kêu gọi ủng hộ.

Để kịp “thời gian vàng” cứu người bệnh, ngay hôm sau chúng tôi tiến hành ghép tim cho bệnh nhân dù kinh phí chỉ có đủ một nửa”, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực kể lại.

Chia sẻ về ca ghép tim thứ 4, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, người bệnh có tiền sử mắc bệnh tim di truyền giai đoạn cuối (bố bệnh nhân mất vì bệnh tim, con bệnh nhân cũng mắc bệnh tim). Đây là bệnh nhân khá may mắn vì người bệnh sống ở miền Nam, có nguyện vọng được ghép tim tại Bệnh viện Việt Đức nên gia đình đã đưa ông ra Hà Nội. Bệnh nhân mới nhập viện được 2 ngày thì có ca bệnh chết não hiến đa tạng, trong đó có tim phù hợp với chỉ số sinh học của bệnh nhân. Người hiến khỏe mạnh, còn trẻ, chức năng tim rất tốt, người nhận tuy lớn tuổi nhưng vẫn trong khả năng chỉ định ghép. Đây là ca ghép tim thứ 34 của Bệnh viện Việt Đức.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước.

Mong thêm những kỷ lục mới về ghép tạng

Để thực hiện được kỷ lục ghép tạng “thần tốc” như trên, Bệnh viện Việt Đức cho biết, đó là sự vận động tích cực của đơn vị điều phối Trung tâm Ghép tạng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 ngày (từ ngày 28-8 đến ngày 8-9) đơn vị tư vấn và điều phối Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức vận động thành công được 4 gia đình hiến tạng gồm: 3 tim, 4 gan, 8 thận, 20 mạch máu 20, 2 van tim và 2 giác mạc. Đây có thể coi là sự tăng đột biến.

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, ông rất cảm ơn các bộ phận vận động người hiến tạng, đặc biệt là đã tổ chức vận động hiến tạng ở các đơn vị, địa phương mang lại hiệu quả. Trong 3 năm gần đây, số gia đình đồng ý hiến tạng sau chết não tăng rõ rệt, chủ yếu đều từ Bệnh viện Việt Đức.

“Chúng tôi vui vì điều đó. Với số lượng người hiến tặng, đòi hỏi y, bác sĩ chúng tôi phải tìm người nhận tạng phù hợp. Đồng thời tìm giải pháp tài chính, tăng số lượng người nhận đủ khả năng ghép trong xã hội và cần tăng năng lực ghép cho nhiều bệnh viện khác, vì không phải lúc nào một bệnh viện cũng đáp ứng việc có nguồn người muốn ghép phù hợp”, PGS Ước nói.

Hơn 10 năm qua, các giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả từ đi tìm nguồn người cho, nguồn người nhận, trang thiết bị kỹ thuật để có thể triển khai từng bước trong kỹ thuật ghép tạng: Từ ghép thận, tim, gan đến phổi.

3 bệnh nhân ghép tim đang hồi phục sức khỏe.

“Với thành quả như bây giờ không chỉ cá nhân tôi, mà các y, bác sĩ đều vui, phấn khởi. Vui không phải vì thành tích đạt được bao nhiêu mà các kỹ thuật ghép đã đi được vào thường quy, việc ghép tạng có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, 24 giờ hằng ngày đều có thể triển khai ghép. Điều này chứng tỏ bệnh viện đã đạt ngưỡng thực hiện kỹ thuật khó, việc mà 10 -15 năm trước chưa dám nghĩ đến”, chuyên gia chia sẻ.

Ông cũng cho biết, thực hiện cùng lúc nhiều ca ghép tạng, khi làm số lượng lớn sẽ có sức ép nhất định nhưng khi đã có sự chuẩn bị kỹ càng, khi ghép tạng trở thành thường quy trong bệnh viện thì cái khó chỉ là ở khâu tổ chức. “Tất cả các khâu này trong thời gian vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã làm rất tốt, từ sàng lọc ghép tim, gan. Rất tiếc là ghép phổi chúng tôi chưa triển khai trong đợt vừa rồi vì chưa tìm được trường hợp cho phù hợp”, PGS Ước chia sẻ.

Một ca ghép đa tạng, Bệnh viện Việt Đức huy động từ 300-400 người (nếu có ghép phổi), còn không có ghép phổi thì cũng có từ 200-300 người tham gia. Công tác chuẩn bị ghép trung bình từ 1-3 ngày, tuy nhiên cũng có ca đòi hỏi gấp gáp chỉ chuẩn bị trong vòng 12 tiếng. Trường hợp nặng được điều trị nội khoa, Bệnh viện đều có sự chuẩn bị từ trước đó, chỉ đợi có nguồn hiến là tiến hành. Thậm chí có những ca chờ ghép phải chạy ECMO, chạy bóng đối sung - các phương tiện hồi sức đặc biệt, để dù có ¼ hy vọng cũng vẫn cố gắng kéo dài thời gian cứu bệnh nhân.

“Cách đây hơn một tuần chúng tôi cũng mất đi một bệnh nhân chờ ghép tạng. Bệnh nhân bị nhiễm trùng máu không thể làm phẫu thuật mà cần điều trị nội khoa trước và không may mắn tử vong trong quá trình chờ này”, PGS Ước nói. 

Những trái tim cho đi, là hồi sinh cuộc sống mới.

Trần Hằng
.
.