Chuyến đi huyền thoại đến Nam Cực

Thứ Tư, 11/11/2020, 07:24
Mặc dù không phải là người đầu tiên đặt chân đến Nam Cực nhưng chuyến thám hiểm của Ernest Shackleton và 28 thành viên thủy thủ đoàn trên con tàu Endurance vẫn được xem là chuyến hải hành huyền thoại nhất mọi thời đại. Họ đã phải nằm lại gần 2 năm trên lớp băng vĩnh cửu với những điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt…


1. Ngày 5/12/1914, tàu HMS Endurance nhổ neo khởi hành tại cảng South Georgia - là lãnh thổ hải ngoại của nước Anh ở nam Đại Tây Dương với 29 thành viên thủy thủ đoàn (trong đó có 1 người trốn đi theo), do Ernest Shackleton là thuyền trưởng. Ngoài lương thực, thuốc men, tàu Endurance còn có 69 con chó kéo xe cùng 1 con mèo. Mục tiêu của Shackleton là xây dựng một trạm dừng chân trên bờ biển Weddell rồi sau đó tiến về vịnh Vahsel. Từ đây, một nhóm 6 người do Shackleton dẫn đầu sẽ đi bộ xuyên qua Nam Cực.

Hỗ trợ cho chuyến đi huyền thoại của thuyền trưởng Shackleton còn có tàu Aurora, do Aeneas Mackintosh là thuyền trưởng. Chiếc Aurora sẽ đến McMurdo Sound, nằm đối diện ở phía bên kia Nam Cực để thiết lập những kho tiếp liệu thực phẩm, kéo dài từ Great Ice Barrier đến Beardmore Glacier. Những kho này sẽ cho phép nhóm của Shackleton hoàn thành cuộc hành trình 2.900 km.

Hai ngày sau khi rời cảng South Georgia, tàu Endurance bị một tảng băng trôi rất lớn chắn đường. Khoảng 3 tuần lễ tiếp theo, nó chậm chạp phá vỡ lớp băng để tiến về phía nam nhưng đến ngày 18-1-1915, những cơn gió mạnh thổi từ hướng bắc đã khiến lớp băng vốn đã tách ra bởi tàu Endurance thì nay ép lại với nhau khiến tàu Endurance không còn đường tiến cũng như chẳng có đường lùi. Thomas Orde-Lees, thành viên trên tàu Endurance mô tả: "Endurance lúc ấy như một hạt hạnh nhân bị ép giữa thỏi sô cô la đông cứng…".

Thế rồi suốt 10 tháng, tàu Endurance nằm bất động giữa biển băng trắng xóa. Dưới sức ép của băng, thân tàu từng đợt rung lên bần bật. Thủy thủ Frank Worsley nói: "Những dấu hiệu tan vỡ của tàu Endurance cho thấy chúng tôi không thể sống với nó dù nó là chỗ ẩn náu tốt nhất trước những cơn bão tuyết. Không ai đoán được nó sẽ còn đứng vững trong bao lâu. Vài tháng, vài tuần hay vài ngày?".

Thủy thủ đoàn tàu Endurance lúc gặp tảng băng trôi, 2 ngày kể từ khi khởi hành

Thời gian lặng lẽ trôi qua, sau những bữa ăn mà khẩu phần càng lúc càng ít đi, thủy thủ đoàn chỉ biết ngồi lì trong những ca bin, hoặc ngủ hoặc đánh bài tiêu khiển. Đôi khi vào những lúc trời im gió lặng, họ tổ chức săn hải cẩu, thậm chí là cả gấu trắng để có thêm thịt. Khi ấy thuyền trưởng Shackleton hy vọng rằng tảng băng nơi tàu Endurance mắc kẹt sẽ trôi lên hướng bắc và đến một lúc nào đó, nó sẽ va chạm với khối băng vĩnh cửu ở Nam Cực, tàu Endurance sẽ được giải phóng.

Thế nhưng cuối cùng, ngày 27/10/1915, một luồng gió cực mạnh quét qua lớp băng, nâng đuôi tàu lên, xé toạc bánh lái và mạn tàu bên phải. Những mảnh băng vỡ tràn vào bên trong tàu rồi tan thành nước. Đứng trước 28 thành viên thủy thủ đoàn, thuyền trưởng Shackleton tuyên bố: "Tàu sắp chìm. Đã đến lúc chúng ta phải đi".

Rất nhanh chóng, thủy thủ đoàn thu dọn tất cả những gì cần phải mang theo. Ngoài lương thực, lều bạt, quần áo và 3 chiếc thuyền cứu sinh, họ bắn chết những con chó đã có dấu hiệu suy kiệt rồi dựng trại trên mặt băng, cách Endurance khoảng 500m.

Ngày 29/11/1915, tàu Endurance co giật trước những luồng gió hung hãn rồi biến mất dưới lớp băng. Alexander Macklin, bác sĩ của tàu viết trong nhật ký: "Thuyền trưởng Shackleton không hề biểu lộ sự tuyệt vọng, dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ nhất. Anh ấy bảo chúng tôi rằng thủy thủ đoàn sẽ phải trú ẩn cho qua mùa đông. Đến mùa xuân, khi băng tan, chúng tôi sẽ có cơ hội…".

2. Hai tháng sau khi dựng trại trên băng với hy vọng nó sẽ trôi về phía đảo Paulet, cách đó khoảng 402 km, nơi tàu Aurora đã thiết lập những kho thực phẩm, thủy thủ đoàn nhận thấy từ từ và đều đặn, tảng băng càng lúc càng lệch hướng. Vẫn không thất vọng, thuyền trưởng Shackleton quyết định dời trại sang một tảng băng khác. Ông đặt tên cho trại này là "Trại kiên nhẫn". Trong nhật ký hải hành, Shackleton viết: "Không có sự lựa chọn nào cả. Tất cả những gì chúng ta cần làm là kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi các điều kiện trở nên thuận lợi hơn…".

Phá băng để mở đường cho tàu Endurance

Ngày 17/3, tảng băng trôi nơi họ dựng trại chỉ còn cách đảo Paulet 97 km nhưng khốn thay, nó bị ngăn cách bởi một núi băng không thể vượt qua. Đến ngày 9/4, tảng băng bất ngờ vỡ làm hai nên Shackleton ra lệnh cho thủy thủ đoàn xuống thuyền cứu sinh. Sau 6 ngày gian khổ trên biển, chiến đấu với dòng nước lạnh buốt, những người đàn ông kiệt sức trên 3 thuyền cứu sinh đặt chân lên đảo Voi, cách chỗ tàu Endurance chìm 557 km. Đây là lần đầu tiên sau 497 ngày kể từ lúc khởi hành ở cảng South Georgia, họ đứng trên mặt đất.

Worsley, người chịu trách nhiệm điều khiển 1 trong 3 thuyền cứu sinh kể lại: "Khi chỉ còn cách đảo Voi 50km, tất cả chúng tôi đều kiệt sức vì sóng và vì lạnh. Riêng tôi, tôi đã không ngủ trong suốt 80 tiếng đồng hồ…".  Frank Wild, phó thuyền trưởng tàu Endurance nói tiếp: "Ít nhất một nửa thủy thủ đoàn bị bệnh kiết lỵ vì thức ăn chỉ toàn bột mì, bột ngô, đậu răng ngựa, thịt bò sấy và thịt hải cẩu. Tuy nhiên tất cả đều kiên quyết không từ bỏ mục tiêu. Nhiều người tuy ngủ gục nhưng tay vẫn nắm chắc sợi dây buồm".

Đặt chân lên đảo Voi, thủy thủ đoàn đều hiểu rằng một con tàu nào đó tình cờ gặp họ là điều rất hiếm, thậm chí không thể xảy ra. Vì thế, sau 9 ngày nghỉ ngơi dưỡng sức và chuẩn bị, thuyền trưởng Shackleton, thủy thủ Worsley cùng 4 người khác lên đường trên 1 thuyền cứu sinh để tìm kiếm sự giúp đỡ từ một trạm săn cá voi ở Stromness, cách đó hơn 1.500km.

Trong 16 ngày, họ phải chiến đấu với những luồng gió dữ dội và những con sóng quái dị, cao từ 5 đến 8m. Trong nhật ký hải hành, thuyền trưởng Shackleton viết: "Con thuyền bé tí với cánh buồm nhỏ bị gió thổi tung lên rồi rớt xuống dưới bầu trời chỉ một màu xám xịt. Chúng tôi bị quăng quật từ bên này sang bên kia. Ai nấy đều chằng dây vào cột buồm rồi buộc ngang bụng vì nếu bị sóng đánh văng xuống biển, cơ hội sống sót hầu như không thể".

Ngày thứ 17, gió dịu đi và chiếc thuyền cứu sinh vào đến gần bờ nhưng điều này vẫn chưa phải là đã kết thúc. Các luồng gió mạnh bất chợt nổi lên đẩy thuyền về phía bờ đất đối diện trạm săn cá voi. Và thế là Shackleton, Worsley cùng 4 thủy thủ quyết định đi bộ. Sau 36 tiếng trên một hành trình chưa hề có bước chân người, trèo lên những sườn núi, trượt xuống sông băng, ngày 20/5 họ loạng choạng bước vào căn nhà của trạm săn cá voi Stromness.

Nhớ lại chuyện này, Thoralf Sorlle, quản lý trạm săn cá voi kể: "Không ai có thể hình dung được sự xuất hiện đột ngột của những người khách lạ. Họ không đến từ biển. Họ đến từ những núi băng vĩnh cửu. Râu, tóc họ xơ xác, bạc màu. Mặt họ tím đen vì lạnh, da họ nhăn nheo sau 2 năm căng thẳng và thiếu thốn. Khi tôi hỏi các anh là ai thì người đàn ông râu dài nhất trả lời một cách khó nhọc: Tôi là Shackleton, rồi quay đi và khóc".

Thời điểm ấy, trạm Stromness vẫn chưa có mạng lưới điện báo không dây nên phải đến tháng 6/1916, khi một tàu săn cá voi Anh quốc quay lại để lấy thêm lương thực thì cuộc giải cứu những người còn lại trên đảo Voi mới được tiến hành. Với tàu Aurora - là chiếc tàu hộ tống tàu Endurance trên đường đến Nam Cực thì do hết than đá chạy động cơ hơi nước, nó buộc phải quay lại quần đảo Falkland, Argentina để lấy thêm nhiên liệu, lương thực. Một tàu cứu hộ của Chính phủ Uruguay khi còn cách đảo Voi 180km thì bị kẹt trong lớp băng.

3. Sáng 16/8/1916, Frank Wild, người chỉ huy nhóm thủy thủ còn lại trên đảo Voi đột ngột tuyên bố: "Hãy thu dọn hành lý, chúng ta có thể về nhà hôm nay". Tất cả mọi người đều phì cười trước lời nói của Frank Wild vì cho rằng ông đã mất trí. Orde-Lees viết trong nhật ký hải hành: "Chẳng còn ích lợi gì khi tự lừa dối bản thân" nhưng không ai biết rằng dù vẫn đang kiệt sức, nhưng thuyền trưởng Shackleton đã theo một tàu đánh cá voi đến Chile. Tại đây, ông thuê tàu Yelcho đi đảo Voi.

Trưa 30/8, những thủy thủ trên đảo Voi vừa ăn xong bữa trưa với xương hải cẩu hầm thì một người bất ngờ phát hiện một chấm đen ở đường chân trời. Đã 128 ngày kể từ khi thuyền trưởng Shackleton cùng 5 người khác lên thuyền cứu sinh đến trạm săn cá voi Stromness, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy một thứ khác hẳn với màu băng tuyết trắng xóa. Sau 4 tiếng, chấm đen hiện rõ hình dạng của một con tàu. Thủy thủ reo hò, nhảy múa, đập phá lán trại và đốt hết những gì có thể đốt được. 20 tháng kể từ lúc lên tàu Endurance đi Nam Cực, tất cả 29 người trên tàu đều trở về an toàn.

Kéo thuyền cứu sinh lên mặt băng dựng trại (ảnh nhỏ là thuyền trưởng Shackleton)

Năm 1920, thuyền trưởng Ernest Shackleton khởi động lại cuộc hành trình đến Nam Cực. Ông vẫn muốn mình là người đầu tiên đi bộ xuyên qua lục địa này. Một số thủy thủ trên tàu Endurance xưa kia, nay một lần nữa lại tiếp tục đồng hành cùng Shackleton mặc dù họ vẫn chưa được trả lương cho chuyến đi lần trước.

Được sự tài trợ của bạn học cũ là John Quiller Rowett, Shackleton mua tàu Foca1 của Na Uy rồi đổi tên thành Quest. Ngày 24/9/1921, Shackleton rời nước Anh cùng thủy thủ đoàn 30 người. Khi chiếc Quest đến Rio de Janeiro, Brazil, Shackleton bị một cơn đau thắt ngực nhưng ông từ chối kiểm tra y tế. Chiếc Quest tiếp tục đi về phía nam và ngày 4/1/1922, nó đến South Georgia, nơi 7 năm trước Shackleton cũng xuất phát từ đó đi Nam Cực.

1 giờ sáng ngày 5/1/1922, Shackleton mời Alexander Macklin, bác sĩ của đoàn thám hiểm đến cabin của mình rồi than thở về những cơn đau lưng và những khó chịu khác. Theo lời kể của Macklin, sau khi thăm khám, ông nói với Shackleton rằng: "Anh đã làm mọi thứ quá với sức khỏe của mình. Anh nên cố gắng để có một cuộc sống bình thường hơn". Shackleton trả lời: "Bác sĩ muốn tôi từ bỏ phải không? Nhưng tôi phải từ bỏ điều gì?". Macklin đáp: "Rượu!".

2 giờ 50 sáng, trái tim của Shackleton ngừng đập vĩnh viễn. Khám nghiệm tử thi, bác sĩ Macklin kết luận Shackleton chết vì nhồi máu cơ tim cấp do xơ vữa động mạch. Và trong khi tàu Quest đang trên đường đưa thi thể của Shackleton về Anh thì thuyền trưởng Leonard Hussey nhận được điện tín của bà Emily, vợ của Shackleton, đề nghị chôn cất chồng bà ở South Georgia: "Tôi tin rằng anh ấy muốn ở lại một mình trên đảo, nơi hoàn toàn xa cách nền văn minh, bao quanh bởi vùng biển băng giá và bão tố, nơi ghi dấu chuyến đi vĩ đại nhất…". 

Ngày 5/3/1922, Shackleton được chôn tại  Grytviken, South Georgia. Di chúc của Shackleton công bố tại London vào ngày 12/5/1922. Lúc ấy, người ta mới biết vị thuyền trưởng huyền thoại nợ nần chồng chất. Tài sản mà ông để lại cho vợ chỉ gồm những vật dụng nhỏ, trị giá 5.562 bảng Anh (tương đương 30.590 bảng hiện nay) cùng 15 huân, huy chương, trong đó có 5 huy chương hiệp sĩ do Anh, Italia, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy trao tặng.

Năm 1995, khi đến thăm mộ Shackleton, bác sĩ Macklin viết: "Một lần nữa, trước mắt tôi là những khuôn mặt cũ, những giọng nói cũ. Bạn bè tôi bây giờ nằm rải rác ở nhiều nơi. Tôi chỉ biết nhìn về phía bắc một lần cuối cùng, nơi chúng tôi chưa bao giờ đến được…".

Vũ Cao (Theo Endurance: Shackleton's Incredible Voyage)
.
.