Chuyện ở ngân hàng không bao giờ… cho vay

Thứ Tư, 25/01/2017, 09:10
Cái ngân hàng đặc biệt ấy là Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Đây là ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng duy nhất ở Việt Nam hiện nay đang hàng ngày thu thập, tích lũy nguồn tế bào gốc để phục vụ việc điều trị các bệnh hiểm nghèo. Sau hơn 2 năm hoạt động, đã có hơn 2.700 mẫu tế bào gốc được lưu trữ và 14 bệnh nhân được cứu sống…

1. 10 giờ sáng ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong khi ở phòng khám, các bác sĩ tất bật với việc tiếp bệnh nhân thì trong một căn phòng trên tầng 5 rộng chừng 20m2, được cách ly tới 3 lớp cửa, bên trong có 4 cái cabin và đủ thứ máy móc, hai kỹ thuật viên Trần Anh Tuấn và Phan Thị Ngọc Mai trong bộ quần áo nilon khử trùng kín mít, cũng đang bận rộn với việc chiết tách tế bào gốc từ hai túi máu cuống rốn mới được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về lúc 7 giờ sáng. Đã hơn hai năm nay, đó là công việc hàng ngày của họ.

GS.TS Nguyễn Anh Trí chúc mừng bệnh nhân đầu tiên được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Nghe tôi hỏi có thể vào bên trong chụp ảnh được không, kỹ sư công nghệ Trần Văn Đạt, bảo rằng đó là điều không thể, bởi đây là phòng sạch tuyệt đối, đến mức không có cả một… hạt bụi, vì vậy từ khi hoạt động đến giờ, chỉ có các kỹ thuật viên mới được vào căn phòng này; còn khách tham quan thì xin mời chụp ảnh qua… ô cửa kính. Hóa ra để vào được phòng sạch, hai kỹ thuật viên phải qua hai lần tẩy trùng. Trước khi vào, họ sẽ phải thay hết quần áo đang mặc trên người, thay bằng bộ quần áo đặc chủng. Sau khi đi qua lớp cửa đầu tiên, lại phải một lần soi tia cực tím nữa, khoác thêm một lần quần áo nilon, đi găng tay, bao chân, đeo khẩu trang chuyên dụng rồi mới được vào trong phòng.

Chỉ vào hai cái hộp gắn trên tường ngay bên cạnh cửa ra vào phòng sạch có chữ "cửa lấy đồ ra" và "cửa chuyển đồ vào", Đạt giải thích các mẫu máu khi được chuyển vào phòng cũng phải đưa qua hai cái cửa chuyên dụng này chứ không được trực tiếp mang vào.

Chỉ vào hai cái cabin còn trống ở trong phòng sạch, kỹ sư Đạt bảo rằng do hôm nay chỉ lấy được hai mẫu nên chỉ có hai kỹ thuật viên làm việc, có những ngày nhiều khi lấy được 4, thậm chí 8 mẫu thì một ca làm việc phải có 4 người và chia hai ca, vì trong một ca một kỹ thuật viên chỉ được làm một mẫu.

Có vào đây mới thấy việc tách tế bào gốc từ máu dây rốn là cả một quá trình khép kín và kỹ lưỡng. Để lưu giữ tế bào gốc từ máu dây rốn, điều kiện bắt buộc là người mẹ không mắc các bệnh truyền nhiễm, tiểu đường, huyết áp, ung thư, bệnh về miễn dịch; khi sinh con không sốt, không bị nhiễm trùng.

Khi sản phụ sinh con, các nữ hộ sinh sẽ thực hiện quy trình thu thập máu dây rốn trước ổ rau, giúp chủ động về số lượng mẫu và thời gian thu thập; đồng thời nhờ lượng mẫu thu được nhiều có thể chọn lọc các mẫu chất lượng tốt nhất, nhiều tế bào gốc nhất để xử lý, lưu trữ và bảo quản.

Lượng máu lấy tối thiểu phải được 80ml, bởi có như vậy mới đủ để tách lấy tế bào gốc. Vì thế không phải bà mẹ nào khi sinh con cũng đủ điều kiện lấy máu dây rốn để lưu trữ tế bào gốc. Máu sau khi lấy sẽ được đựng trong túi chuyên dụng cùng chất chống đông đưa đến Ngân hàng tế bào gốc để tách lấy tế bào gốc. Khi đưa vào phòng sạch, túi máu này ban đầu được để tự lắng. Khi lắng, máu sẽ tự chia thành 3 phần, phần trên cùng là huyết tương, phần giữa là tế bào gốc, phần dưới đáy là hồng cầu tách phần tế bào gốc. Sau khi tách bỏ huyết tương và hồng cầu, phần tế bào gốc sẽ tiếp tục được đưa vào máy li tâm để chắt lọc được tối đa lượng tế bào gốc tốt nhất.

Tôi theo kỹ sư Đạt sang căn phòng đối diện với phòng sạch, cửa được khóa bằng khóa từ, đây là nơi đang lưu trữ hơn 2.700 mẫu tế bào gốc mà ngân hàng đã thu thập được trong hơn 2 năm qua. Căn phòng này luôn bật điều hòa 24/24h và duy trì ở nhiệt độ 23ºC. Trong căn phòng ấy ngoài 2 bình inox nhìn như bồn chứa nước loại 500l, còn có 7 bình nhỏ và có đồng hồ theo dõi nhiệt độ luôn ở mức -196ºC. 

Kỹ sư Đạt cho biết đây là các bình chuyên dụng chứa khí nitơ lỏng để lưu trữ tế bào gốc. Sau khi tách, mỗi mẫu tế bào gốc sẽ được đóng gói vào túi nilon đặc chủng, dán mã vạch; rồi lại được đóng tiếp vào một hộp inox, dán mã vạch một lần nữa rồi đưa vào hệ thống hạ lạnh theo chương trình trước khi lưu trong các bình chứa nitơ lỏng này. Mỗi thùng bé sẽ chứa được 250 mẫu, riêng hai thùng lớn chứa được tới 1.000 mẫu. 

Để đảm bảo các bình chứa luôn đủ nitơ lỏng, các kỹ thuật viên phải theo dõi hàng ngày; việc bổ sung nitơ lỏng được thực hiện qua hệ thống bán tự động được điều khiển bằng phần mềm máy tính. Toàn bộ quy trình từ khi tách cho tới khi đưa vào bình lưu trữ phải làm liên tục trong 5 giờ.

2. Nhưng để có được Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn hiện đại như hôm nay, các bác sĩ, kỹ thuật viên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã chuẩn bị suốt gần 10 năm.

Từ năm 2006, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp cận, triển khai ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị các bệnh: bệnh bạch cầu cấp, bệnh bạch cầu mạn, bệnh suy tủy xương, bệnh tan máu bẩm sinh, hội chứng rối loạn sinh tủy... đạt kết quả tốt.

Nhưng, khi đã làm chủ được kỹ thuật ghép thì một khó khăn mới lại xuất hiện, đó là thiếu nguồn tế bào gốc. Thực tế, không phải cứ bố, mẹ hoặc anh chị em ruột là có thể cho được tế bào gốc vì thông thường giữa nguồn tế bào của người cho và người nhận phải phù hợp ít nhất là 4-6 chỉ số mới có thể ghép được.

Các kỹ thuật viên thực hiện việc tách tế bào gốc từ máu dây rốn trong phòng sạch.

Thực tế có những trường hợp dù là người cùng dòng họ, thậm chí anh em ruột nhưng khi xét nghiệm HLA chỉ có 2 hoặc 3 chỉ số phù hợp nên không thể ghép được. Để phòng bệnh, khoảng 5 năm gần đây, những gia đình khá giả đã ký hợp đồng dịch vụ với bệnh viện lưu giữ tế bào gốc ngay từ khi sinh con ra bằng cách lấy tế bào gốc từ máu dây rốn. Chi phí dịch vụ này là khoảng 25 triệu đồng/mẫu trong năm đầu tiên; những năm sau chi phí lưu trữ là 2,5 triệu đồng/mẫu và việc lưu trữ này kéo dài trong 18 năm.

TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Ngân hàng tế bào gốc, cho biết dù chi phí để lưu trữ khá cao nhưng thực tế chưa chắc chắn trong cuộc đời cháu bé đó đã cần đến tế bào gốc của chính mình; còn việc tế bào gốc đó cũng chưa chắc đã dùng được để điều trị cho những người khác trong gia đình bởi không phù hợp về các chỉ số y học. Chính vì thế vừa lãng phí mà cũng rất ít có tác dụng.

Năm 2013, TS.BS Trần Ngọc Quế và một nhóm bác sĩ, kỹ thuật viên của Viện sang học tại Nhật Bản nâng cao về công nghệ cấy ghép tế bào gốc. Trong cuộc họp đầu tiên với lãnh đạo Viện để báo cáo kết quả học tập, khi nghe TS.BS Trần Ngọc Quế báo cáo việc ở Nhật đã ghép tế bào gốc máu dây rốn cho cả người lớn, Viện trưởng Nguyễn Anh Trí lập tức yêu cầu báo cáo kỹ nội dung này.

Ngay sau đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí trực tiếp dẫn đầu một đoàn cán bộ của Viện sang Nhật làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp Nhật Bản và tập trung 2 nội dung: tổ chức hệ thống tế bào gốc ở Nhật Bản và cách xử lý, bảo quản, sử dụng các mẫu máu dây rốn để ghép cho các bệnh nhân. Trở về sau chuyến đi Nhật này, ngoài việc nắm bắt thêm được những kỹ thuật mới nhất về chiết tách, bảo quản tế bào gốc từ máu dây rốn, GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã quyết định làm việc chưa có tiền lệ, đó là xây dựng Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Cái khác biệt lớn nhất của Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng chính là nguồn tế bào gốc được lấy từ những bà mẹ tình nguyện hiến tặng khi sinh con; sau khi tách, tế bào gốc lưu trữ tại ngân hàng tế bào gốc của Viện và sẽ được sử dụng cho tất cả mọi người khi có yêu cầu. Khi bệnh nhân có chỉ định phải điều trị bằng ghép tế bào gốc, thay vì phải tìm người cho thì bác sĩ đối chiếu HLA cả bệnh nhân với các mẫu tế bào gốc đang được lưu trữ trong ngân hàng để chọn mẫu tế bào gốc có các chỉ số phù hợp. Còn với cháu bé đã hiến máu dây rốn vì một lý do nào đó cần sử dụng tế bào gốc thì Viện sẽ sẵn sàng cung cấp tế bào gốc cho cháu với chi phí thực tế.

Để có "vốn" tế bào gốc máu dây rốn cung cấp cho ngân hàng, ngày 25-4-2014, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương GS.TS. Nguyễn Anh Trí và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh đã ký kết hợp đồng hợp tác thu thập máu dây rốn cộng đồng. 

Với việc hợp tác này, các sản phụ khi đến sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ được các bác sĩ của Bệnh viện tư vấn về lợi ích của việc tặng tế bào gốc từ máu dây rốn. Khi đồng ý tham gia, các sản phụ sẽ được làm các xét nghiệm cần thiết để xác định đủ tiêu chuẩn lấy tế bào gốc, sau đó bệnh viện sẽ lập hồ sơ chi tiết. Khi sản phụ sinh con, các nữ hộ sinh sẽ thực hiện quy trình thu thập máu dây rốn; sau đó bàn giao cho kỹ thuật viên của Viện.

3. Trong câu chuyện với tôi, GS.TS Nguyễn Anh Trí bảo rằng điều ông tâm đắc nhất với Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng là ý nghĩa nhân văn rất lớn của mô hình này; máu dây rốn từ một loại rác thải y tế nay lại trở thành phương thuốc để chữa bệnh hiểm nghèo.

Sau hơn 2 năm hoạt động, Ngân hàng đã lưu trữ được hơn 2.700 mẫu tế bào gốc đã được làm xét nghiệm HLA độ phân giải cao; sẵn sàng cung cấp cho ghép, đáp ứng được cơ bản nhu cầu tìm kiếm tế bào gốc đạt tỉ lệ tới 98,6%. Điều đặc biệt là nếu trước đây ở Việt Nam, tế bào gốc từ máu dây rốn chủ yếu chỉ đủ để ghép cho bệnh nhân nhi thì bây giờ các mẫu tế bào gốc lưu trữ trong ngân hàng này đều có đủ lượng để ghép cho người trưởng thành cân nặng tới 70kg.

Trong số những bệnh nhân may mắn thoát khỏi án tử bệnh tật có chị Hoàng Thị Thùy Linh. Năm 2014, mới 28 tuổi, chị Linh bị mắc bệnh Lơ-xê-mi cấp thể M5a (ung thư máu) nên phương pháp điều trị tối ưu nhất với người bệnh là thực hiện ghép tế bào gốc đồng loại. Khi đó, em trai của bệnh nhân đã đề nghị hiến tế bào gốc cho chị gái, nhưng giữa hai chị em lại không phù hợp về HLA.

Điều may mắn cho Linh là khi đó Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đã lưu trữ được gần 500 mẫu. Vì vậy, Ngân hàng Tế bào gốc đã tiến hành đọ chéo kết quả HLA (độ hòa hợp giữa người cho và người nhận) của bệnh nhân với các mẫu tế bào gốc được lưu trữ trong Ngân hàng, kết quả đã tìm được 3 mẫu phù hợp. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã quyết định tiến hành ghép tế bào gốc và miễn phí hoàn toàn chi phí của mẫu tế bào gốc máu dây rốn cho Linh.

Ngày 30-12-2014, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiến hành ghép tế bào gốc cho Linh. Đây là ca đầu tiên ghép tế bào gốc lấy từ Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn. Trước khi tiến hành ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn không cùng huyết thống đầu tiên, Viện đã chuẩn bị sẵn sàng trước những khó khăn có thể xảy ra như bệnh nhân ung thư máu thuộc nhóm tiên lượng xấu… Tuy nhiên, tất cả những phương án đề phòng đã không xảy ra. Sau 3 tháng ghép, bệnh nhân đã trở lại với các hoạt động bình thường.

Cho đến nay, đã có tất cả 14 bệnh nhân được ghép thành công từ nguồn tế bào gốc của ngân hàng với chi phí chỉ bằng 30 - 50% các bệnh viện nước ngoài, thành công này đã khẳng định các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được những công nghệ tiên tiến nhất thế giới trong lĩnh vực điều trị bệnh nan y bằng tế bào gốc.

Theo TS. Trần Ngọc Quế, ngân hàng sẽ thu thập và lưu trữ thường xuyên được 5.000 mẫu tế bào gốc. Với lượng "vốn" như vậy thì sẽ đáp ứng được tất cả nhu cầu điều trị.

Ghi chép của Nguyễn Thiêm
.
.