Cô gái xứ Nẫu thành danh trên đất Mỹ

Thứ Sáu, 23/10/2015, 12:00
Sinh ra sau khi đất nước thống nhất được gần một năm, trong một gia đình trung nông ở làng Cát - tên gọi thời xưa của vùng đất thép anh hùng Hòa Hiệp, nằm ven biển phía nam Phú Yên, cô gái Lê Nhất Tú đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách để vươn lên trong học tập, nghiên cứu khoa học và thành danh từ học vị Tiến sĩ ở xứ Hàn đến học hàm Phó giáo sư (Assistant Professor) ở Mỹ và hiện đang làm việc tại Viện Ung thư MD Anderson, Trường đại học Texas - một trung tâm ung thư danh tiếng hàng đầu thế giới.

Nữ sinh vượt khó học giỏi

Trong câu chuyện với phóng viên Chuyên đề ANTG tại nhà riêng ở khu phố Phú Hòa, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, ông Lê Văn Hòa, 67 tuổi  -  thân sinh của PGS.TS Lê Nhất Tú bồi hồi nhớ lại: "Vợ chồng tôi sinh bốn người con trong gia cảnh khó khăn, đời sống kinh tế chỉ trông chờ mùa vụ thu hoạch mấy sào ruộng lúa và những đồng tiền góp nhặt được từ nghề thú y. Tú là con gái đầu lòng được ra nội thành Tuy Hòa học tập từ năm đầu của bậc trung học sơ sở. Đáp lại tình yêu thương của cha mẹ, điều đáng mừng là bốn đứa con của tôi đều chăm chỉ học tập, riêng Tú trong suốt 12 năm học phổ thông luôn là học sinh ngoan hiền, học giỏi cả Văn lẫn Toán và tiếng Nga, trong đó có 3 năm là học sinh chuyên Văn Trường PTTH chuyên Lương Văn Chánh".

Liên lạc sang Texas - Mỹ qua skype và email,  PGS.TS Lê Nhất Tú chia sẻ: "Từ thời niên thiếu, ước mơ duy nhất của tôi là được làm luật sư, nhưng ba mẹ lại định hướng và mong muốn tôi theo nghề y hoặc sư phạm. Không muốn làm trái ước muốn của ba mẹ, nhưng tôi không đậu Đại học Y, mà lại trúng tuyển chuyên ngành Vi sinh - Sinh học phân tử Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM. Những năm tháng đó, tôi vừa đến lớp vừa phải tất bật tìm việc làm để kiếm tiền bù đắp một phần chi phí sinh hoạt và học tập. Lắm lúc tôi mệt mỏi tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng đêm nằm vắt tay lên trán suy tưởng đến cuộc mưu sinh tần tảo của cha mẹ ở quê nhà với ước vọng cho các con bước đến bậc đại học, tôi tự nhủ mình phải tiếp tục vượt khó vươn lên".

PGS.TS Lê Nhất Tú trong phòng thí nghiệm.

Nhận bằng cử nhân chuyên ngành Vi sinh - Sinh học phân tử năm 1997, Lê Nhất Tú tiếp tục theo học thạc sĩ. Thời gian đó, chị lần lượt làm việc tại Viện Nghiên cứu Bệnh viện Nhiệt Đới và Công ty Mỹ phẩm DeBon. Tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2001, Tú làm việc cho Công ty TNHH Dược phẩm ICA Biotechnological Pharmaceuticals ở Bình Dương, trực tiếp kết hợp với một số bệnh viện tham gia các nghiên cứu lâm sàng. Ngọn lửa đam mê và khát vọng khoa học đã thắp sáng niềm tin và nghị lực để Tú tập trung nghiên cứu về vai trò của Heat-shock protein ClpL trong quá trình điều hòa sự tiếp xúc, thâm nhập vào tế bào chủ và gây nhiễm của vi khuẩn Streptococcus pneumonia.

Niềm vui đến với Tú vào giữa năm 2004 như một duyên may. Chị nhớ lại: "Lúc đó tôi nhận thức rằng cần phải tiếp tục học nữa để thay đổi và thử thách. Sau khi tôi bày tỏ nguyện vọng của mình với người thầy trong công việc là TS Nguyễn Minh Đức - Trường đại học Y Dược TP HCM được một thời gian ngắn, tình cờ từ Hàn Quốc, GS.TS Dongkwon Rhee liên lạc với TS Đức, báo tin cần tuyển một nghiên cứu sinh. Biết được thông tin này, tôi chớp lấy cơ hội đó và đã được GS.TS Rhee chấp nhận tài trợ học bổng toàn phần để học tiến sĩ tại Trường đại học Y Dược Sungkunkwan sau cuộc phỏng vấn trực tiếp tại TP HCM”. Một tháng sau cuộc phỏng vấn đó, Thạc sĩ Lê Nhất Tú bay sang Hàn Quốc khởi đầu hành trình mới trên con đường nghiên cứu khoa học của mình.

Thành danh trên đất Mỹ

Điểm lại hành trình học tập ở Hàn Quốc, Lê Nhất Tú chia sẻ bằng một… nỗi buồn: "Sang xứ sở Kim chi, tôi kết hôn với một người Việt. Đến năm 2007, tôi mang thai tháng thứ 7 khi đang học năm thứ 3 chương trình đào tạo tiến sĩ. Vì đã dành quá nhiều thời gian và công sức nghiên cứu khoa học, nên tôi phải vào bệnh viện mổ cấp cứu do vỡ ối trong khi đang làm thí nghiệm. Nghe tin, mẹ tôi vội vã bay sang Hàn Quốc để chăm sóc con gái và đứa cháu ngoại còn nằm trong lồng kính. Tuy nhiên, sang Hàn Quốc mới được một tuần, mẹ tôi bị xuất huyết não, liệt nửa người, phải trải qua đại phẫu. Lặng nhìn bệnh trạng của mẹ lúc đó, tôi đau xót vô cùng. Sau khi đưa mẹ về lại quê nhà để tiếp tục chăm sóc và điều trị bệnh, tôi luôn day dứt lo âu. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của ba tôi cùng người thân và bạn bè, tôi đã trở lại Hàn Quốc để tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2008. Hơn 5 năm sau, mẹ tôi đã mãi mãi ra đi, nhưng mỗi khi ngẫm lại giai đoạn khó khăn đó, tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ không mệt mỏi của những du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đã luôn luôn động viên, hỗ trợ gia đình tôi…".

PGS.TS Lê Nhất Tú cùng các đồng nghiệp.

Con đường học tập tiếp tục mở ra phía trước khi niềm đam mê nghiên cứu thôi thúc Lê Nhất Tú đến Rochester, New York tham gia đào tạo sau tiến sĩ tại Trường đại học Rochester. Tú tâm sự: "6 tháng trước khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ ở Hàn Quốc, GS.TS Rhee đã khuyên tôi: "Hãy tìm cơ hội sang Mỹ để tiếp tục nghiên cứu khoa học, thầy tin em sẽ thành công". Lời khuyên đó đã giúp cho tôi đặt chân lên đất Mỹ bằng niềm tin ở chính mình".

Với 14 công trình nghiên cứu đã được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có "Công trình nghiên cứu về vai trò của p90RSK trong quá trình thúc đẩy rối loạn chức năng và chết theo chương trình của tế bào tim, thông qua quá trình tấn công bộ đôi ERK5-CHIP, gây ảnh hưởng hoạt tính enzyme của CHIP" đã được trình bày tại Hội nghị Tim mạch thế giới tổ chức ở Mỹ năm 2011, Lê Nhất Tú được công nhận là 1 trong 5 nhà nghiên cứu trẻ.

Trong 3 năm (2010-2012), Tú là một trong những ứng viên được Hội Tim mạch Mỹ cấp kinh phí nghiên cứu về bệnh tim mạch dành cho chương trình đào tạo sau tiến sĩ. Tiếp đó, trong chương trình cho sự phát triển của nhà nghiên cứu trẻ, thêm một lần nữa Tú được Hội Tim mạch Mỹ cấp kinh phí nghiên cứu 4 năm (2012-2016). Niềm vinh dự lớn lao đến với Lê Nhất Tú vào năm 2012 khi chị chính thức trở thành Phó giáo sư  (PGS) ở tuổi 38. Lê Nhất Tú  cho biết: "Sau thạc sĩ, ở Mỹ có các cấp bậc thứ tự từ Tiến sĩ (PhD: Doctor of Phylosophy), sau tiến sĩ (Postdoctoral associate), Assistant Professor, Associate Professor và Professor. Theo đó, ở Việt Nam vị trí Assistant Professor được xếp vào học hàm PGS".

Với ước muốn "Phát triển các liệu pháp mới để giúp được đông đảo người bệnh" bằng tất cả niềm đam mê, khát vọng cống hiến cho nền khoa học y học, từ giữa năm ngoái, PGS.TS Lê Nhất Tú chuyển sang môi trường làm việc mới ở Viện Ung thư MD Anderson - trung tâm ung thư hàng đầu của Mỹ để tham gia nghiên cứu về ung thư và các biến chứng sau điều trị ung thư.
PGS.TS Lê Nhất Tú (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng nghiệp.

Đề cập đến quyết định của mình khi bước vào thế giới y sinh học và nghiên cứu ung thư, PGS.TS Lê Nhất Tú từng chia sẻ: "Ung thư là một căn bệnh rất phức tạp. Càng nghiên cứu sâu về căn bệnh này, tôi càng thấy rõ bản chất đa dạng và tiến hóa không ngừng của tế bào ung thư. Tôi luôn mong được đóng góp một phần công sức, trí tuệ nhỏ bé của mình trong cuộc khám phá các cơ chế phát sinh ung thư và phát triển các liệu pháp mới để điều trị, ngăn ngừa ung thư hiệu quả, đặc biệt là biến chứng tim mạch sau điều trị ung thư. Hiện nay, với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, bệnh nhân có thể điều trị khỏi bệnh ung thư, đau đớn thay, họ lại đối diện với những biến chứng về tim mạch, di chứng sau khi điều trị ung thư. Đây là một vấn đề mà nhóm nghiên cứu chúng tôi đặc biệt quan tâm".

Theo cảm nhận của GS.TS người Nhật, Keigi Fujiwara -  một cộng sự ở Viện Ung thư MD Anderson: "PGS.TS Lê Nhất Tú là một trong nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới cống hiến đời mình cho nghiên cứu tìm ra phương pháp điều trị ung thư. Trong một thời gian ngắn, Tú đã khẳng định mình là một chuyên gia trong lĩnh vực này và tiếp tục triển khai mở rộng hướng nghiên cứu cơ chế gây biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ung thư. Đây là một lĩnh vực mới trong nghiên cứu ung thư. Tại Viện Ung thư MD Anderson hiện nay, Tú đang dẫn đầu một nhóm các nhà nghiên cứu trẻ, chuyên tâm nghiên cứu các cơ chế có thể gây viêm ở bệnh nhân ung thư.

Lê Nhất Tú là một người thân thiện và tốt bụng, nhỏ nhẹ nhưng quyết đoán. Chị đã kiến tạo một nền tảng vững chắc cho cuộc sống, gia đình và công việc của mình. Điều kỳ diệu là Tú đã xây dựng điều đó bằng nụ cười và sự hài hước. Với tính cách ấy, Tú có nhiều người bạn bên mình, những người dù chỉ quen và làm việc với chị trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng để lại mối quan hệ gắn bó thân thiết lâu dài. Điều đáng khâm phục ở chị là sự chu toàn nhiệm vụ của một nhà khoa học giỏi và là người mẹ, người vợ, người bạn tốt của chúng tôi".

Khi được hỏi về gia đình, PGS.TS Lê Nhất Tú cho biết: "Tôi là một người rất may mắn khi được ba mẹ và các em tạo điều kiện tốt nhất cho tôi. Gia đình lớn đã hy sinh tất cả vì tôi, còn gia đình nhỏ tôi bây giờ đã có một người bạn đời luôn thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ mọi mặt trong cuộc sống".

Trải nghiệm nhiều khó khăn và thử thách từ thời niên thiếu cho đến những năm tháng theo học đại học ở TP HCM, rồi du học ở Hàn Quốc, Mỹ, Lê Nhất Tú đã sớm thành danh trên đất Mỹ. Thế nhưng cô gái Phú Yên xứ Nẫu vẫn luôn khiêm tốn, khi tâm sự: "Tôi không dám nghĩ rằng mình đã thành công, mà chỉ là một người may mắn nhận được sự hỗ trợ của nhiều người để có được những bước đi đầu tiên trong hành trình khoa học với nhiều dặm dài phía trước. Tôi mong muốn dành hết cuộc đời mình cho nghiên cứu khoa học và sẽ là một nhà khoa học có những cống hiến hữu ích cho bệnh nhân. Là người Việt, tôi luôn mong mỏi đến một ngày nào đó sẽ có cơ hội trở về Việt Nam để vận dụng kiến thức đã học tập, nghiên cứu ở Mỹ để đóng góp một phần công sức vào nền khoa học của nước nhà".

* Ảnh do nhân vật cung cấp.
Phan Thế Hữu Toàn
.
.