Cố gắng đừng mang thai vì… virus Zika

Thứ Sáu, 01/01/2016, 15:00
Giới chức y tế Brazil đang phát đi cảnh báo lạ lùng đối với phụ nữ nước này: Cố gắng đừng mang thai! Thực ra, đó là thông điệp dành cho những người mẹ tương lai, đặc biệt ở khu vực đông bắc Brazil, sau khi một virus lây truyền qua muỗi - gọi là Zika- có nguy cơ gây ra chứng "teo não" (microcephaly) nơi trẻ sơ sinh.


Đây là dạng rối loạn thần kinh có thể gây tác động xấu đến sự phát triển của não bộ và giác quan vận động của phôi thai.

Từ khi Zika xuất hiện vào đầu năm 2015, hàng ngàn người Brazil đã bị lây nhiễm virus. Zika mặc dù không thật sự nguy hiểm và chỉ gây khó chịu cho người bị nhiễm với những triệu chứng nhức đầu, sốt nhẹ và phát ban trong vài ngày. Tuy nhiên, Zika lại tác động đến quá trình phát triển của phôi thai khi người mẹ từng bị nhiễm virus vào thời kỳ đầu mang thai. Bác sĩ Angela Rocha, Khoa Lây nhiễm Bệnh viện Oswaldo Cruz, nói với Hãng tin CNN: "Chúng tôi khuyên các gia đình nên tạm thời có kế hoạch ngưng mang thai".

Một em bé chào đời với chứng teo não ở bang Pernambuco, Brazil.

Hơn 2.400 trường hợp "teo não" được ghi nhận trong năm 2015 tại 20 bang của Brazil, so với chỉ 147 ca năm 2014. Các bác sĩ đang điều tra 29 vụ trẻ sơ sinh tử vong. Các chuyên gia y tế đặc biệt quan tâm đến mối liên quan giữa Zika và chứng teo não bởi vì virus được tìm thấy trong vài nhau thai của trẻ chào đời với chứng bệnh này. Ngày 28-11 vừa qua, Bộ Y tế Brazil thông báo: khi mổ xác một bệnh nhi mắc chứng teo não, các bác sĩ bất ngờ phát hiện virus Zika.

Trong tình hình virus Zika bùng phát lây lan hiện nay ở Brazil, 6 bang buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chỉ riêng ở bang Pernambuco miền Bắc Brazil đã có hơn 900 trường hợp nhiễm Zika.  Khi những ca teo não bắt đầu gia tăng bất ngờ vào tháng 11-2015, giới chức y tế mới chú ý chứng bệnh này có liên quan đến sự xuất hiện virus Zika. Chẳng bao lâu sau đó, họ phát hiện những bà mẹ có biểu hiện triệu chứng nhiễm Zika ở đầu thai kỳ. Không chỉ xuất hiện rầm rộ ở miền Bắc Brazil mà hiện nay, nhiều trường hợp "teo não" được phát hiện thêm ở Rio de Janeiro, Sao Paulo và lan dần đến miền Nam.

Nhân viên y tế thu thập các mẫu ấu trùng muỗi từ vũng nước đọng tại nhà dân ở Rio de Janeiro.

Bà mẹ Patricia Compassi ở bang Sao Paulo đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và đồng cảm trên mạng xã hội sau khi xuất hiện trên truyền hình Brazil hồi tháng 11 để nói chuyện về trường hợp bé trai Lorenzo chào đời với chứng "teo não". "Ban đầu siêu âm không thấy gì bất thường cả". Thế nhưng một hôm thức dậy cô thấy với những nốt ban xuất hiện trên khắp mặt kèm theo đau nhức ở các khớp xương - những triệu chứng mà bác sĩ chẩn đoán là do dị ứng thực phẩm nhưng thật ra đó là Zika. Vào cuối thai kỳ, các bác sĩ xác định thai nhi của Compassi bị teo não.

Virus được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1947 nơi những con khỉ trong khu rừng có tên gọi Zika của Uganda và được xác định hiện diện nơi con người trong những năm 60. Zika lây lan đến Nam Thái Bình Dương và nhiều vùng châu Á, và mới đây nhất là ở Mỹ Latinh. Cho đến nay, đã có vài đợt bùng phát lớn dịch nhiễm Zika được ghi nhận. Lần bùng phát dịch Zika đầu tiên xảy ra vào năm 2007 tại Yap Islands của đảo quốc Micronesia phía tây Thái Bình Dương, lây nhiễm cho khoảng 3/4 dân số.

Một trường hợp sốt phát ban sau khi nhiễm Zika.

Tuy nhiên, lúc đó người ta không ghi nhận bất cứ trường hợp trẻ sơ sinh nào mắc chứng teo não trong và sau trận dịch. Trận dịch lớn Zika thứ 2 xảy ra năm 2013 ở vùng lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp, với 28.000 trong số 270.000 cư dân bị nhiễm. Và giới chức y khoa cũng không ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh nào bị chứng teo não. Một số bác sĩ Brazil tin rằng, du khách từ châu Á và khu vực Thái Bình Dương đã mang theo virus Zika đến quốc gia này trong mùa World Cup 2014!

Virus được tin là lây truyền cho người qua trung gian Aedes aegypti - giống muỗi truyền bệnh sốt vàng da, sốt phát ban  cũng như sốt xuất huyết ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Mỹ, giống muỗi nguy hiểm này chỉ được tìm thấy rất ít ở các bang Texas, Florida và Hawaii. Zika khó phát hiện và cũng có những trường hợp người bị nhiễm không thể hiện bất cứ triệu chứng gì.

Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Y tế Liên Mỹ đều phát đi cảnh báo về mối liên quan giữa trận dịch Zika ở Brazil và những quốc gia khác ở Mỹ Latinh. Hiện nay, chính quyền  Brazil đang có những nỗ lực cần thiết chống lại muỗi Aedes aegypti đồng thời khuyến cáo người dân - nhất là phụ nữ mang thai - nên tích cực xịt thuốc diệt côn trùng và ở yên trong nhà.

Ở Rio de Janeiro, thành phố đăng cai tổ chức sự kiện Thế vận hội năm 2016, giới chức chính quyền đã ra lệnh cho nhân viên y tế đến hơn 9 triệu hộ gia đình để xử lý triệt để những vũng nước tù đọng tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi, đồng thời giám sát chặt chẽ số phụ nữ đang mang thai nghi ngờ nhiễm virus Zika. Dù sao, trong tình hình hiện nay các chuyên gia cho biết phải mất đến nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm mới có thể xác định rõ ràng mối liên quan giữa Zika và chứng teo não nơi trẻ sơ sinh.

An An (tổng hợp)
.
.