Có nên tin vào nước đá “tinh khiết”, nước đá “sạch”?

Thứ Ba, 20/01/2015, 16:45
Ngoại trừ nước đá dùng trong bảo quản thực phẩm được chế tạo bằng cách lấy thẳng từ nước giếng, nước máy - thậm chí là nước giếng khoan ngay trong… nghĩa địa không qua xử lý rồi đưa vào làm lạnh cho đông đặc lại, còn thì những loại nước đá dùng trong ăn uống ở các nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, quán ăn, quán giải khát vẫn được nhiều cơ sở sản xuất quảng cáo là "nước đá tinh khiết", "nước đá sạch".

1. Có thể nói, nước đá giờ đây đã là một loại vật chất không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, từ thành thị cho đến những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Ngoại trừ nước đá dùng trong bảo quản thực phẩm được chế tạo bằng cách lấy thẳng từ nước giếng, nước máy - thậm chí là nước giếng khoan ngay trong… nghĩa địa không qua xử lý rồi đưa vào làm lạnh cho đông đặc lại, còn thì những loại nước đá dùng trong ăn uống ở các nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, quán ăn, quán giải khát vẫn được nhiều cơ sở sản xuất quảng cáo là "nước đá tinh khiết", "nước đá sạch".

Thế nhưng nó thật sự hoàn toàn "tinh khiết", hoàn toàn "sạch" không? Tại TP HCM, hiện có hơn 190 cơ sở sản xuất nước đá cây và nước đá viên. Tính đến cuối năm 2014, các đoàn liên ngành đã kiểm tra và phát hiện trên 80 cơ sở - chiếm 43% - vi phạm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm  (ATVSTP) TP HCM, kết quả kiểm tra của Chi cục ATVSTP thành phố và các đoàn kiểm tra ATVSTP ở các quận, huyện cho thấy chỉ có 79 cơ sở sản xuất nước đá sử dụng nước máy, còn dùng nước giếng là 114 cơ sở.

Liều lĩnh hơn, Doanh nghiệp sản xuất thương mại Long Vũ ở quận 12 đã làm giả Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP để sản xuất nước đá rồi cung cấp cho nhiều nhà hàng, quán ăn, quán giải khát với số lượng khoảng 10 tấn/ngày, kéo dài trong nhiều năm liền. Sự việc chỉ bị phát hiện khi một số doanh nghiệp kinh doanh ăn uống đến Chi cục ATVSTP TP HCM xin cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Để chứng minh nguồn gốc nước đá, họ đã nộp phiếu kiểm nghiệm nước đá của Doanh nghiệp Long Vũ. Sau khi phát hiện giấy chứng nhận và phiếu kiểm nghiệm này là giả mạo, Chi cục ATVSTP TP HCM đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 để làm rõ.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra còn cho thấy 83 cơ sở sản xuất nước đá - chiếm 48% - không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP hoặc giấy chứng nhận đã hết hạn đồng thời khâu vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ cũng không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Nhiều cơ sở chưa thực hiện công bố tiêu chuẩn sản phẩm hoặc công bố sản phẩm hợp quy mà cụ thể tại Cơ sở sản xuất nước đá viên K.K. ở quận 12, phần lớn các khuôn nước đá bằng thiếc đã gỉ sét, máy móc cũng vậy. Công nhân nhiều người ở trần, vừa làm vừa hút thuốc lá. Nước đá sản xuất ra, đóng bao không kịp nên đổ thành đống xuống sàn nhà trong lúc công nhân liên tục đi qua đi lại.

Tại Cơ sở sản xuất nước đá cây H.T. ở huyện Hóc Môn, nước để sản xuất nước đá là nước giếng. Theo quy định, nước giếng phải được lọc kỹ qua bể lọc và bể chứa than hoạt tính rồi chiếu tia cực tím trước khi đưa vào sản xuất vì nước giếng thường nhiễm thạch tín, phèn, sắt, vi khuẩn và các chất hữu cơ nhưng hệ thống lọc của cơ sở này lại rất đơn giản, nhà xưởng chắp vá, tạm bợ. Các khuôn đá làm bằng thiếc đều gỉ sét, nhiều chỗ bị mục.

Nước đá thành phẩm chất đống dưới đất, nhiều cây đá nhìn thấy ruột có màu ố vàng - do lọc không hết chất phèn trong nước hoặc do cặn bẩn. Những cây nước đá ấy sau khi giao cho các đại lý, họ sẽ chặt thành từng cục nhỏ rồi giao lại cho quán ăn, nhà hàng.

Tại  một cơ sở sản xuất nước đá trên đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, toàn bộ quy trình từ lấy nước, lọc nước, làm lạnh, bảo quản rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ đều rất mất vệ sinh. Trần nhà cơ sở lợp bằng tôn gỉ sét, đầy mạng nhện, xung quanh chỉ che chắn sơ sài. Đa số những khuôn làm đá đều đã gỉ sét.

Ai dám gọi đây là "nước đá sạch", "nước đá tinh khiết"?

2. Nơi sản xuất là vậy, còn các đại lý và nhà hàng, quán ăn, quán cà phê thì sao? Tại một đại lý bán nước đá trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, những cây nước đá được xếp đống trên vỉa hè, dưới chỉ lót một lớp bao "xác rắn" rất mỏng. Chừng vài mươi phút, lại có một chiếc xe ba gác hoặc xe gắn máy đến chở đi. Đá nằm lăn lóc trong thùng xe hoặc cho vào bao "xác rắn" buộc sau yên xe máy. Trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, người bán cà phê vô tư thò tay vào thùng "mốp", lấy đá bỏ vô ly, còn người uống thì cũng… vô tư không kém!

Quán nhậu S.B trên đường số 7, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, bia, khăn, được ướp lạnh trong một xô đá và cũng chính những viên đá ấy, lại được nhân viên phục vụ gắp bỏ vào ly cho thực khách. Chưa kể khi khách kêu thêm đá, nhân viên phục vụ gắp những viên đá đã tan một phần ra khỏi ly bia của khách, cho đá mới vào rồi những viên đá đã tan ấy, lại được cho vào ly bia của một khách khác nếu ly bia của họ vẫn còn khá đầy vì cho đá mới vào sẽ làm trào bia ra!

Trong số 107 mẫu nước đá mà các đoàn kiểm tra ATVSTP thu thập để xét nghiệm, có 12 mẫu - gồm 9 mẫu đá viên, 3 mẫu đá cây nhiễm các loại vi khuẩn như Coliforms, E. coli, Feacal Streptoccoc và Pseudomonas aeruginosa. Tuy nhiên, rất nhiều người quan niệm rằng hễ nước đông thành nước đá thì vi khuẩn chết hết vì… lạnh nên họ thờ ơ với những nguy hiểm do vi khuẩn có trong nước đá gây nên.

E. coli chẳng hạn, nó  sống trong ruột người và động vật. Hiện tượng đi tiêu bừa bãi - nhất là ở nhiều vùng nông thôn hoặc bờ tường, góc phố ở thành thị đã khiến phân chứa vi khuẩn thấm xuống các dòng nước ngầm. Khi khoan nước ngầm để lấy nước làm nước đá mà không qua xử lý, vi khuẩn sẽ có trong nước đá.

Hầu hết các giống E. coli đều vô hại hoặc chỉ gây ra hiện tượng tiêu chảy tương đối ngắn. Nhưng một vài chủng như E. coli O157: H7 có thể gây tiêu chảy ra máu do tổn thương niêm mạc ruột non và suy thận (gọi là hội chứng tan huyết urê huyết).

Một hoặc hai ngày sau khi uống nước đá có E. coli O157 H7, người bệnh đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy liên tục rồi tiêu ra máu. Ở trẻ em, người già, người bị suy giảm miễn dịch, nó gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Nhưng nguy hiểm hơn cả là vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa - hay còn gọi là trực khuẩn gây mủ xanh. Nó sống trong đất, trong nước, trên da người. Nó không chỉ phát triển trong môi trường bình thường mà còn có thể sống trong môi trường ít oxy  - chẳng hạn như nước đá.

Khi xâm nhập cơ thể người, Pseudomonas aeruginosa gây viêm nhiễm nhiều bộ phận như phổi, đường tiết niệu, thận, bàng quang, tai giữa, màng não, màng bụng và đặc biệt là gây nhiễm trùng máu, tỉ lệ tử vong thường cao do nó kháng thuốc kháng sinh rất mạnh. 

3. Có thể nói, hầu như hiện nay nhiều người tiêu dùng chưa phân biệt được sự khác nhau giữa đá viên và đá cây. Theo quy định, nguồn nước sản xuất đá tinh khiết phải được lấy từ độ sâu 90m, được xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Các bộ phận như khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá tinh khiết đều bằng inox, không bị gỉ sét. Chu trình sản xuất nước đá khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp của tay chân con người. Đá sản xuất ra phải được đựng trong bao bì kín, hợp vệ sinh. Còn đá cây do không thực hiện theo quy trình này nên chỉ được dùng để ướp lạnh thực phẩm.

Thế nhưng, rất nhiều nhà hàng, quán nhậu, quán giải khát đã chặt đá cây thành những khối nhỏ, dài chừng 10cm để "phục vụ" khách hàng bia bọt, trà đá, nước ngọt, hoặc xay nhỏ để trộn vào các món chè, sinh tố. Và mặc dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nên mua nước đá tại những nơi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, được công bố hợp quy, có xét nghiệm định kỳ về nguồn nước giếng và sản phẩm nước đá theo quy định nhưng với hơn 190 cơ sở sản xuất nước đá cây và nước đá viên mà trong đó, 83 cơ sở - chiếm 48% - không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP hoặc giấy chứng nhận đã hết hạn thì ngay cả các đại lý nước đá cũng rơi vào mê hồn trận chứ nói chi đến người tiêu dùng.

Vì vậy, bên cạnh số tiền phạt hơn 65 triệu đồng qua những đợt kiểm tra, cũng như các cơ sở sản xuất chưa khắc phục những sai sót, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có những đợt kiểm tra dài hơi hơn, mạnh tay hơn - nhất là khi tết âm lịch cổ truyền đã gần kề…

Cao Trí
.
.