Những băn khoăn xung quanh đề xuất bổ sung “quyền được chết”

Thứ Bảy, 16/05/2015, 15:45
Ngay sau khi có thông tin Vụ Pháp chế Bộ Y tế đề xuất Bộ Y tế đưa quyền an tử vào góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đã có nhiều ý kiến băn khoăn, không đồng tình vì cho rằng vào thời điểm này đề xuất đó không phù hợp với phong tục, văn hóa người Việt và sẽ khó áp dụng vào thực tế…

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho rằng, thực tế luật pháp đã quy định mọi công dân đều có quyền được khai sinh và khai tử, vì thế quyền được chết cũng là chính đáng. Hiện đã có một số quốc gia cho phép thực hiện quyền này như Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ và Thụy Sĩ...

Theo ông Quang, với bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên đủ tỉnh táo, năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình thì họ có quyền lựa chọn cho mình quyền được chết. Lúc này họ có thể viết chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Còn với những trường hợp sống thực vật thì gia đình sẽ là người tiếp tục hay kết thúc cuộc sống của người bệnh.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam. Tưởng là giải pháp tốt cho họ, nhưng hậu quả của nó sẽ không lường hết được như phát sinh khiếu kiện giữa các con của người chết, giữa con của người chết với cơ quan y tế.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

“Vấn đề đặt ra là ai có thẩm quyền quyết định việc này? Đến một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng còn phải được sự kiểm duyệt của Chủ tịch nước trước khi họ bị thi hành án tử hình, thì việc này khó mà thực hiện được, nếu có được thực hiện thì không thể kiểm soát được. Vì vậy không nên đưa vào luật quyền được chết”.

Việc áp dụng quyền quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa là vấn đề rất phức tạp và rất dễ bị lạm dụng vì những mục đích khác nhau.

Luật sư Thơm cũng băn khoăn trong thực tế những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo có thực sự mong muốn được chết hay không? Đây có phải là ý chí hay nguyện vọng của họ hay không hay chỉ là do lúc túng quẫn, chán chường mới có suy nghĩ tiêu cực như vậy? Căn cứ nào để chứng minh rằng đó là ý chí, nguyện vọng thực sự của họ là muốn được chết? Họ có thực sự tỉnh táo, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi đưa ra quyết định đó hay không? Hôm nay họ có suy nghĩ tiêu cực như vậy nhưng ngày mai họ thay đổi thì như thế nào? Đã có cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật giám định tâm thần của họ hoàn toàn minh mẫn, đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi quyết định hay chưa?

“Mặt khác, họ bị bệnh hiểm nghèo mà không thể cứu chữa được thì cơ quan chuyên môn nào sẽ phải giám định sức khỏe theo quy định của pháp luật để kết luận họ không thể sống được trong thời gian bao lâu nữa. Nếu khi người bệnh mong muốn được chết thì người nhà không đồng ý thì sẽ phải quyết định ra sao để tránh việc khiếu nại, kiện tụng sau này của những người thân. Người thân có thể là bố, mẹ, vợ, con, anh, chị em,.. Nếu một trong những người thân thuộc hàng thừa kế mà không đồng ý thì có thể giải quyết được không. Có thể nói hệ lụy của việc áp dụng quyền được chết là rất lớn. Nếu chúng ta không xây dựng một cơ chế pháp lý đồng bộ thì việc thực thi áp dụng quyền được chết là rất khó thực hiện trên thực tế và gây ra những hậu quả pháp lý sau khi người đó chết”.

Là một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hồi sức cấp cứu, ghép tạng, lọc máu, thay huyết tương và điều trị các bệnh nhược cơ; được đào tạo sau đại học tại nhiều nước tiên tiến như Hà Lan, Mỹ, Pháp, Áo; là người trực tiếp tham gia xây dựng Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nhưng GS.TS, Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Tất Cường, Phó chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Vinmec, cũng cho rằng dù một số nước như Hà Lan đã có luật quyền được chết từ lâu, nhưng với phong tục, tập quán của người Việt Nam, nhất là quan niệm từ cổ chí kim “còn nước còn tát” thì sẽ rất khó thực hiện.

GS.TS, Bác sĩ Đỗ Tất Cường.

“Thực tế một số người bị bệnh ung thư đau đớn quá thì đồng ý nhưng những người hôn mê kéo dài 1 năm, 2 năm mà không có cơ hội sống thì ai quyết định việc ấy. Rồi có trường hợp người bệnh hoàn toàn sống bằng máy: thở bằng máy, chạy thận nhân tạo, tim cũng phải dùng máy kéo dài 5 - 7 tháng, thậm chí cả năm thì ai quyết định cho họ?”.

GS Đỗ Tất Cường kể rằng mấy chục năm làm bác sĩ điều trị, ông đã gặp hàng ngàn trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, bị ung thư di căn khắp nơi, rất đau đớn, thậm chí ăn cũng phải qua ống xông, nhưng gia đình vẫn cố chăm sóc để không ân hận. Có bệnh nhân hôn mê 5 năm; 5 năm sống thực vật, không biết gì cả, nhưng gia đình vẫn chăm sóc chứ không ai dám quyết cho chết.

“Không có ai đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân là muốn chết, bởi bệnh nhân có quyền, nhưng gia đình không đồng ý. Có thể bố mẹ có quyền, nhưng vợ, chồng, con cái không đồng ý thì làm sao mà cho chết, vì tâm lý của người Việt Nam là “còn nước còn tát”; phong tục của người Việt Nam là thế, nếu chúng ta đưa vào luật thì sẽ lại không đi vào cuộc sống. Nếu bảo tiêm thuốc cho chết thì ai sẽ là người tiêm? Bác sĩ, nhân viên y tế hay chính là người nhà sẽ được huấn luyện để chọc ven? Ngoài con cái, còn ông chú bà bác, họ hàng, rồi còn hàng xóm nữa chứ, người ta bảo con nhà ấy muốn cho bố mẹ chết để chia tài sản. Cái tiếng ấy theo cả đời luôn.

Đúng là thực tế có người có nhu cầu nhưng nếu áp dụng đề xuất vào cuộc sống sẽ phát sinh vướng mắc. Ngay tại bệnh viện của chúng tôi hiện có hai trường hợp. Một trường hợp đã hôn mê 11 tháng rồi, chỉ rút máy thở ra là chết nhưng người nhà vẫn giữ dù hàng ngày phải chi phí rất tốn kém. Một trường hợp khác là người Mỹ cũng đã nằm hơn 3 tháng rồi. Hơn 3 tháng trước, ông này bị ngừng tim ở nhà, đưa đến Bệnh viện tim cấp cứu, sau đó chuyển sang bệnh viện chúng tôi và nằm cho tới bây giờ trong tình trạng không biết gì, phải thở máy, chạy thận nhân tạo.

Ông này có vợ nhưng đã ly dị, con thì dưới 18 tuổi nên cũng không quyết định được. Chỉ có ông anh là người có thể quyết định thì ông từ Mỹ sang ngó ông em một cái rồi đi mất. Gia đình họ mới nộp viện phí được 10.000 USD, trong khi thực tế bệnh viện đã phải chi khoảng 800 triệu đồng rồi. Dù không có người thân, bệnh viện vẫn phải chăm sóc đầy đủ. Mới đây, chúng tôi đã phải gửi công văn tới Bộ Y tế và Đại sứ quán tìm hướng giải quyết cho bệnh nhân này”.

Theo GS.TS  Đỗ Tất Cường, đề xuất quyền được chết phải được đưa ra bàn soạn cụ thể, lấy ý kiến của toàn xã hội, ngoài ý kiến của người làm luật, cần có ý kiến của người làm ngành y; phải bàn cho thấu đáo, chi tiết. Ví dụ như thế nào là ung thư giai đoạn cuối? Phải dùng thuốc giảm đau đến mức nào. Đến mức người ta phải dùng đến 10 - 20 ống, mà vẫn không chịu được nữa, nó di căn khắp nơi rồi, trong 1 tháng hay 15 ngày mà không thể dùng các biện pháp y học để can thiệp được, những ca đó thì có thể áp dụng vì đau đớn quá, không chịu được; thuốc giảm đau dùng rất tốn tiền mà vẫn đau...  Nếu không, dù đưa vào luật nhưng sẽ không ra được văn bản dưới luật vì thực tế đời sống luôn phát sinh những tình huống phức tạp mà người làm luật không lường hết được. 

Nhìn nhận từ góc độ một nhà xã hội học, PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) nêu quan điểm đây là ý tưởng không phải là mới nữa nhưng lại luôn luôn mới vì cho đến nay số quốc gia đồng tình và cho phép cơ chế đó không nhiều, khởi đầu là Hà Lan, Úc, và một số quốc gia văn minh ở Bắc Âu. Nhưng với Việt Nam, thời điểm này có thể là chưa phù hợp với nền tảng xã hội, văn hóa, pháp luật.

PGS-TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình.

Theo TS Trịnh Hòa Bình, mô hình bệnh tật của người Việt Nam hiện nay gồm cả bệnh tật của xã hội kém phát triển như chết vì thuốc trừ sâu, chết vì suy dinh dưỡng, nhưng cũng có cả bệnh tật của xã hội phát triển như ung thư, nhồi máu cơ tim, bệnh huyết học và truyền máu, bệnh liên quan đến sự thoái hóa của các chức năng. Mô hình bệnh tật rất đa dạng thì phải có cách ứng xử với sự đa dạng, phong phú đó.

Khi mắc những căn bệnh đó dù về cơ bản là chết rồi nhưng chúng ta cứ muốn kéo sự sống hữu cơ của họ là làm đau khổ cho họ và tốn kém cho người thân, gia đình. Đề xuất này phản ánh ước nguyện của những người vì lý do này hay lý do khác nếu kéo dài sự sống thì tăng sự đau khổ, khó khăn, tăng gánh nặng cho gia đình. Những người như vậy chắc chắn không sống được vì bệnh tình vô phương cứu chữa. Nếu chiến đấu chống lại bệnh tật thì kéo dài sự sống thực vật thì bây giờ người ta đưa ra cơ chế quyền được chết của người bệnh, người bệnh tuyệt vọng.

“Việc ngành y tế đưa ra đề xuất này để đi tới việc thực thi mô hình này là sự tiến bộ. Nhưng sự tiến bộ này thời điểm này không phù hợp với văn hóa phương Đông của chúng ta. Văn hóa phương Đông là kiên trì chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ, người thân cho đến khi không cứu được nữa chứ không bao giờ người ta rút ống thở ra khỏi cơ thể người bệnh cho dù người bệnh đó chỉ kéo dài sự sống thực vật, không còn biết cảm giác vui buồn, thậm chí cảm giác đau đớn cũng không biết nữa. Nhưng cái này để vượt qua được điều đó là cả một câu chuyện dài.

Vì vậy nếu đưa quy định quyền được chết vào luật thì phải đi kèm những giải pháp quản lý sao cho chặt chẽ, đến nơi đến chốn và có tính chuyên nghiệp cao nhất. Nếu không kiểm soát được thì quyền được chết sẽ bị lạm dụng, hoặc người thân của bệnh nhân sẽ lợi dụng cơ hội đó để chia tài sản”.

Nguyễn Thiêm
.
.