Công nghệ tình báo hiện đại giúp kiểm soát chương trình hạt nhân Iran

Thứ Hai, 13/07/2015, 07:30
Những người luôn hoài nghi cho rằng Tehran sẽ tiếp tục lừa dối thế giới về chương trình chế tạo một quả bom hạt nhân đã có những công cụ tình báo giám sát cực kỳ hiện đại nhằm dò tìm và phát hiện các chứng cứ trong chương trình hạt nhân của Iran.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) hiện đang sử dụng hơn 100 công cụ khác nhau cho các chiến dịch giám sát hằng ngày và đánh giá sự chân thật trong chương trình hạt nhân của Iran - theo Andreas Persbo, Giám đốc Điều hành (CEO) Công ty Cố vấn đánh giá Hiệp ước quốc tế Vertic trụ sở tại London (Anh). Các công nghệ do thám và giám sát hiện đại bậc nhất hiện nay trên thế giới tỏ ra vô cùng hữu ích.

Chuyên gia an ninh IAEA Thomas Shea cho biết, một công cụ do thám mà họ đang sử dụng là công nghệ vệ tinh phân giải cao cho phép ghi hình cực nét về mọi địa điểm, thậm chí tại những nơi hoang vu nhất, trên khắp lãnh thổ Iran. Các vệ tinh - như là WorldView-3 của Công ty DigitalGlobe sử dụng kỹ thuật chụp ảnh hồng ngoại quang phổ (phân tích quang phổ để xác định vật chất) - được IAEA triển khai để dò tìm lò phản ứng bí mật của Iran.

Các vệ tinh quang điện cũng hoàn toàn hữu ích cho chiến dịch do thám Iran - đây là một trong nhiều phương pháp giúp Mỹ tìm thấy một cơ sở hạt nhân ngầm bí mật của Iran vào năm 2009.

Trụ sở IAEA ở Vienna.

Một công cụ gián điệp khác không mấy xa lạ là lấy mẫu môi trường và sau đó tiến hành phân tích xác định những hạt cực nhỏ để tìm kiếm các cơ sở hạt nhân ẩn giấu hay phát hiện sự thật bên trong một cơ sở đã công khai với thế giới. Daryl Kimball, CEO Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA) của Mỹ, cho biết công nghệ lấy mẫu môi trường giúp IAEA "dò tìm được các hoạt động liên quan đến hạt nhân mà không cần phải xâm nhập trực tiếp vào các khu vực".

Ngoài ra, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden, còn đề cập đến chương trình tình báo tín hiệu và đo đạc (MASINT). Cụ thể là, MASINT được triển khai để thu thập dữ liệu địa chấn, âm thanh, điện từ, hình ảnh đa quang phổ cũng như các dữ liệu khác nhằm tìm kiếm những dấu hiệu bộc lộ hiện tượng được coi là rất khó dò thấy. Với MASINT, ngay cả lượng chất thải sinh ra cũng được giám sát.

Trước đây, phương Tây đã gặp thất bại trước CHDCND Triều Tiên sau khi quốc gia này ký kết một hiệp ước hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vào năm 1994. Năm 2002, Triều Tiên cho di dời mọi trang thiết bị giám sát của IAEA ra khỏi các cơ sở hạt nhân của nước này, rồi sau đó trục xuất đội thanh tra quốc tế. Năm sau, Triều Tiên tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân! Nhưng hàng loạt những công nghệ hiện đại ngày nay cho phép IAEA và phương Tây có nhiều lựa chọn để không bị chính quyền Tehran lừa dối một cách dễ dàng như trường hợp Triều Tiên ngày xưa. Công nghệ tình báo điện tử hiện nay có thể cung cấp những đánh giá trong thời gian thực về các cấp độ làm giàu uranium bên trong những cơ sở hạt nhân của Tehran đến trụ sở IAEA tại thành phố Vienna (Áo).

Vệ tinh WorldView-3 của DigitalGlobe.

Ví dụ, những dấu niêm phong bằng sợi quang tinh vi được cố định trên một thiết bị không được phép sử dụng sẽ nhanh chóng báo động đến IAEA nếu chúng bị phá vỡ. Ngoài ra, IAEA cũng có trong tay vũ khí tình báo gọi là "Hệ thống Giám sát Thế hệ tiếp theo" (NGSS) được kết nối với Vienna thông qua Internet, gửi liên tục những hình ảnh mã hóa cho thấy (ví dụ như) có các cá nhân nào xâm phạm những thiết bị ly tâm không được phép tiếp cận hay không. Một quan chức Bộ năng lượng Mỹ nói rằng: "NGSS lưu trữ dữ liệu và tự động truyền dữ liệu đến một máy tính ở nơi khác để được phân tích".

Không chỉ có một mình IAEA gồng gánh trách  nhiệm giám sát chương trình hạt nhân. Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, CIA đã chuyển giao thông tin tình báo cho IAEA về việc Triều Tiên vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) - Triều Tiên ban đầu đồng ý phê chuẩn NPT nhưng sau đó rút khỏi hiệp ước chính thức vào ngày 10/1/2003. Một hành động nguy hiểm khiến IAEA bắt đầu quan tâm đến các công nghệ tình báo giám sát để thu thập bằng chứng về chương trình vũ khí hạt nhân bí mật.

Dĩ nhiên, các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây lẫn Israel đều tích cực hỗ trợ IAEA trong nỗ lực này. Quân đội Mỹ cũng sử dụng công nghệ để dò tìm những cấu trúc ngầm của Iran từ trên không. Trung tâm Phân tích các cơ sở ngầm (UFAC) của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Lầu Năm Góc sử dụng thiết bị công nghệ cao "nhìn xuyên thấu" những vật thể rắn và lập bản đồ cấu trúc ẩn sâu bên dưới lòng đất. Mỹ và Israel cũng được cho là hợp tác nhiều năm trong chương trình gián điệp mạng - lúc đó có tên gọi là "Olympic Games" - để giám sát (và không loại trừ khả năng phá hoại) chương trình hạt nhân Iran.

Có lẽ liên minh tình báo Mỹ - Israel đã không sử dụng virus máy tính Stuxnet để phá hoại các thiết bị ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran nếu như Tehran tuân thủ những thỏa thuận với phương Tây. Tuy nhiên, theo nhận định của Michael Hayden, cho dù công nghệ giám sát - đánh giá có hiện đại đến đâu vẫn không thể thay thế những đoàn thanh tra tại chỗ, vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.