Cuba sẵn sàng hợp tác với Mỹ chống dịch Ebola: Vì một nền hòa bình thế giới

Thứ Tư, 05/11/2014, 12:05

Đó là lời khẳng định của cựu Chủ tịch Cuba - Fidel Castro trong bài xã luận chủ đề "La hora del deber" (tạm dịch: "Thời điểm của trách nhiệm") đăng trên tờ Granma - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba (PCC) số ra ngày 18/10. Theo ông, việc hợp tác với Mỹ sẽ ngăn ngừa sự lây lan của Ebola và bảo vệ không chỉ các công dân Cuba mà là công dân của toàn bộ khu vực Mỹ Latinh.

Cựu Chủ tịch Fidel khẳng định, Cuba sẽ không chậm trễ dù chỉ một phút trước lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống lại đại dịch Ebola đang tàn phá khu vực Tây Phi. Chính phủ Cuba đã ban hành biên bản hướng dẫn để huy động khẩn cấp và tăng cường nhân viên y tế để phục vụ tại nhiều khu vực ở Tây Phi.

Thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ nhân viên y tế là mối lo lớn nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cuộc chiến chống đại dịch Ebola, và để đáp lại lời kêu gọi của WHO, ngày 13/9, Cuba đã cử 165 bác sĩ, y tá đến Sierra Leone để giúp nước này đối phó với dịch bệnh Ebola, đồng thời một kế hoạch khác sớm cử thêm 296 người khác đến Liberia và Guinea. Bên cạnh đó, Cuba cũng sẽ cố gắng tổ chức thêm viện trợ cho các quốc gia Tây Phi khác bị ảnh hưởng.

Cựu Chủ tịch Fidel viết: "Những nhân viên y tế, những người bất chấp nguy hiểm, kể cả mạng sống của mình để tới bất cứ ngóc ngách nào của thế giới để cứu người, là minh chứng hùng hồn nhất của tình đoàn kết của con người, đặc biệt hơn là họ làm việc đó không vì bất cứ lợi ích vật chất nào… Một quốc gia trải qua nhiều năm trong cuộc đấu tranh anh hùng có thể hiểu rõ điều này".

Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Pedro Kourí của Cuba, Tiến sĩ Jorge Perez cũng khẳng định: Cuba sẵn sàng cử thêm nhiều bác sĩ nếu có đủ kinh phí và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ.

Theo ông: "Có những quốc gia có nguồn tài nguyên và có thể gửi tiền, nhưng cũng có những nước có thể gửi tài nguyên con người. Không chỉ là bác sĩ, chúng ta cũng cần những y tá và kỹ thuật viên".

Tiến sĩ Bruce Aylward, trợ lý Giám đốc WHO nhìn nhận: "Chúng tôi ghi nhận giá trị thực sự của đề nghị từ Cuba. Nhiều quốc gia đã cung cấp tiền nhưng không một quốc gia nào khác cung cấp một số lượng lớn nhân viên y tế làm những công việc khó khăn nhất trong cuộc khủng hoảng này".

Trước nghĩa cử của Cuba, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải công nhận Cuba như là một trong những "quốc gia có hành động ấn tượng nhằm thúc đẩy quan hệ và đóng góp cho nhân loại".

Kết thúc bài xã luận, cựu Chủ tịch Fidel bày tỏ: "Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, hoàn thành nhiệm vụ này với sự chuẩn bị và hiệu quả ở mức tối đa sẽ bảo vệ được dân tộc chúng ta và các quốc gia anh em ở khu vực Caribe và Mỹ Latinh, ngăn không cho đại dịch Ebola lan rộng".

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nhân viên Mỹ trong nhiệm vụ này, không phải vì việc tìm kiếm hòa bình giữa hai quốc gia được xem là "thù địch" trong nhiều năm qua, mà là, trong mọi trường hợp, vì nền hòa bình của thế giới, một mục tiêu có thể và phải đạt được".

Đoàn 165 bác sĩ và y tá Cuba tại sân bay ở Sierra Leone. (Ảnh: Washingtonpost).

Từ khi nền y học quốc dân tiên tiến của Cuba được phát triển, nước này đã cử 135.000 nhân viên y tế đến mọi ngóc ngách trên thế giới để tham gia vào các sứ mệnh nhân đạo, trong đó, chỉ tính riêng năm 1998, Cuba đã cử 25.000 nhân viên y tế đến 32 quốc gia Mỹ Latinh để góp phần khắc phục hậu quả của hai cơn bão Mitch và George.

Vào năm 2004, cùng với cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã phát động "Sứ mệnh thần kỳ", một chương trình phẫu thuật mắt đã thực hiện 2,8 triệu ca phẫu thuật nhân đạo thành công tại 35 quốc gia. Sự phát triển trong lĩnh vực y tế là một trong những niềm tự hào lớn nhất của Cuba. Họ hiện đang có hơn 5 vạn bác sĩ làm việc tại khoảng 66 quốc gia trên khắp thế giới

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.