Cuộc chạy đua chế vaccine chống virus Corona

Thứ Hai, 10/02/2020, 16:32
Các nhà sản xuất thuốc đang chạy đua để có được vaccine phòng chống virus Corona trong năm nay. Đây quả là một mục tiêu đầy tham vọng khi xét đến số lượng thử nghiệm và các thử nghiệm an toàn mà vaccine phải vượt qua trước khi được sử dụng cho công chúng.

Từ vaccine trữ đông

Một loại vaccine có thể dùng phòng chống chủng mới của virus Corona năm 2019 (2019 - nCoV) đang được lưu trữ trong tủ lạnh của một phòng thí nghiệm tại Houston, bang Texas (Mỹ). Vaccine này lần đầu tiên được phát triển cho một chủng virus Corona khác vào năm 2012 nhưng các nhà nghiên cứu nghĩ rằng nó có thể có hiệu quả tương tự vào năm 2020.

Thống kê từ các cơ quan quản lý dược phẩm ở Mỹ cho hay, có khoảng 10 công ty dược phẩm đang nghiên cứu phương pháp điều trị nCoV hoặc các dự án nghiên cứu vaccine trong đó có Johnson & Johnson và Inovio Enterprises. Mỗi loại vaccine sẽ yêu cầu một số giai đoạn thử nghiệm và thử nghiệm lâm sàng, có khả năng kéo dài thời gian phát triển trong ít nhất 1 năm. Vào thời điểm đó, nCoV có thể đã lây bệnh và giết chết hàng ngàn người.

“Kịch bản ác mộng đó có thể xảy ra”, bác sĩ Peter Hotez thừa nhận và cho hay bản thân ông cũng đã hợp tác với TS Maria Elena Bottazzi đã tạo ra một loại vaccine chống lại virus gây bệnh SARS hồi năm 2003 làm khoảng 800 người thiệt mạng và hơn 8.000 người mắc bệnh. Năm 2012, hai người còn giành thêm tài trợ của Mỹ cho dự án phát triển loại vaccine này và sau đó họ đã thử nghiệm trên động vật và sản xuất đủ vaccine để bắt đầu thử nghiệm độc tính và thử nghiệm trên người vào năm 2016.

Nhưng sau đó, khoản tài trợ của họ đã bị cạn kiệt và cuộc nghiên cứu bị tạm ngưng. Bác sĩ Peter Hotez tiết lộ rằng ông đã nhìn thấy trình tự bộ gen của nCoV mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đăng trên kho lưu trữ quốc tế về dữ liệu sinh hóa hồi tháng trước và nhận ra cả hai loại virus này có cấu trúc di truyền giống nhau.

Điều chế vaccine chống virus Corona.

Đến cuộc đua bằng sáng chế

Trong khi đó, Tân Hoa Xã đưa tin rằng Bệnh viện Đông Thượng Hải thuộc Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải đã phê chuẩn dự án phát triển vaccine chống nCoV. Theo đó, vaccine  này do Bệnh viện Đông Thượng Hải và Công ty Công nghệ sinh học Stemirna Therapeutics ở Thượng Hải phát triển và được sản xuất trong không quá 20 ngày.

Tại Australia, các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty tại Melbourne khẳng định nuôi cấy thành công virus Corona mới trong phòng thí nghiệm, mở ra bước ngoặt trong công cuộc chống lại dịch bệnh viêm phổi cấp này.

Còn ở Mỹ, hồi cuối tháng 1, Phó Giám đốc Barney Graham của Trung tâm Nghiên cứu vaccine thuộc Viện Quốc gia Mỹ về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm (NIAID) đã bắt đầu phân tích chuỗi di truyền với các đồng sự. 2 ngày sau, ông thảo luận các phát hiện của mình với các nhà nghiên cứu của hãng điều chế vaccine Moderna ở bang Massachusetts và chỉ mất 1 ngày để ký kết việc hợp tác nghiên cứu. Công ty Dược Inovio ở bang Philadelphia cũng bắt đầu nghiên cứu vaccine với sự hỗ trợ của CEPI.

Cả Moderna và Inovio đều tự tin có đủ vaccine để bắt tay vào giai đoạn thử nghiệm trên động vật trong vòng một tháng tới. Nhóm thứ ba được nhận quỹ tài trợ của CEPI là các nhà nghiên cứu của Đại học Queensland (Australia). Chuyên gia ở đây kỳ vọng có thể điều chế vaccine sẵn sàng cho công đoạn thử nghiệm trên người trong vòng 16 tuần nữa.

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đối tác để phát triển một loại vaccine và quá trình này sẽ mất 3 tháng để bắt đầu thử nghiệm, thêm 3 tháng để thu thập dữ liệu trước khi bước sang giai đoạn hai. Doanh nghiệp công nghệ sinh học Moderna Therapeutics hiện đang chịu trách nhiệm triển khai dự án này. NIH đã gửi các thiết kế của mình về cách thức hoạt động của vaccine cho Moderna Therapeutics để phát triển.

Giám đốc phụ trách nghiên cứu khoa học Paul Stofells của Johnson & Johnson thì xác nhận công ty này cũng đang phát triển một loại vaccine chống virus Corona mới. Đây chính là công nghệ mà công ty đã ứng dụng để phát triển vaccine đối với virus Ebola, vốn đang được sử dụng tại Congo và Rwanda.

Tuy nhiên, gây tranh cãi nhiều nhất có lẽ là việc sử dụng Remdesivir để chống lại 2019 - nCoV. Các nghiên cứu đã được tiến hành bên ngoài cơ thể người và phát hiện ra rằng hợp chất Remdesivir của Gilead và thuốc chống sốt rét chloroquine không có bằng sáng chế đều có hiệu quả rất cao trong việc kiểm soát nhiễm virus Corona, Viện Vũ Hán và Viện Dược và Độc chất Bắc Kinh cho biết trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu tế bào.

“Vì các hợp chất này đã được sử dụng riêng cho bệnh nhân ở người có hồ sơ theo dõi an toàn và cho thấy có hiệu quả đối với các bệnh khác nhau. Chúng tôi đề nghị nên đánh giá chúng ở những bệnh nhân mắc bệnh nCoV”, các nhà nghiên cứu đã viết.

Quyết định ứng dụng Remdesivir vào các thử nghiệm lâm sàng được Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), Ủy ban Y tế quốc gia và Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc thông qua ngày 5-2. Trước đây remdesivir là loại thuốc cho thấy khả năng chống virus tốt đối với các loại virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) trong các thí nghiệm trên tế bào và động vật trước đây.

Người phát ngôn của Công ty Foster City, có trụ sở tại California (Mỹ) cho biết họ đã phát minh ra Remdesivir và đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho hợp chất này và việc sử dụng nó chống lại virus Corona trên toàn cầu, kể cả ở Trung Quốc, vào năm 2016. Trong khi đơn cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc vẫn đang chờ xử lý. Điều này dẫn tới việc nghi vấn ai mới là người thực sự nắm quyền sở hữu của loại remdesivir này.

Đại diện của Gilead cho biết họ đã được thông báo về việc Trung Quốc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, tuy nhiên, nhấn mạnh rằng trọng tâm lúc này là nhanh chóng xác định tiềm năng của Remdesivir trong điều trị virus Corona và đẩy nhanh quá trình sản xuất trên toàn cầu.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.