Đằng sau dự án đưa người lên sao Hỏa của Elon Musk

Thứ Tư, 07/07/2021, 09:33
Trong hơn 10 năm trở lại đây, cái tên Elon Musk đã trở nên quen thuộc hơn với công chúng. Nhiều người biết đến vị tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi này là chủ của các công ty công nghệ cao như Tập đoàn vũ trụ Space-X và Tập đoàn xe hơi điện Tesla.

Ông cũng nổi tiếng nhờ vào tham vọng đưa con người di cư lên sao Hỏa của mình. Musk tin rằng con người đã có khả năng thay đổi môi trường khắc nghiệt hành tinh Đỏ và biến nó trở thành một "thuộc địa" của Trái đất. 

Vị tỷ phú nói về tham vọng này ở mọi nơi, cho dù là trên Twitter hay tại các diễn đàn nghiên cứu khoa học. Liệu giấc mơ của Elon Musk có khả năng thành hiện thực?

Một dự án khả thi?

Vấn đề đầu tiên mà dự án thuộc địa hóa sao Hỏa đối mặt là các loại phóng xạ từ Mặt trời. Bởi vì sao Hỏa nằm cách xa mặt trời hơn trái đất nên nhiệt độ trên bề mặt hành tinh rất thấp, chỉ ở ngưỡng trung bình -63 °C. 

Ngược lại, các luồng gió mặt trời liên tục "bắn phá" hành tinh Đỏ do không bị từ trường ngăn cản như trái đất. Phóng xạ từ gió Mặt trời không những độc hại đối với con người mà còn khiến áp suất bầu khí quyển trên sao Hỏa rất thấp. Áp suất khí quyển thấp lại khiến nhiệt độ sôi của nước giảm, vậy nên nước trên sao Hỏa chỉ tồn tại dưới dạng băng hay khí.

Trường từ của trái đất có tác dụng bảo vệ bầu khí quyển của chúng ta. Trường từ này được sinh ra từ tâm Trái đất có nhiều kim loại, khoáng chất bị nung nóng đến tan chảy. Vì một số lý do khác nhau mà nhiệt độ tâm sao Hỏa thấp hơn của Trái đất, vậy nên trường từ của hành tinh này rất yếu. 

Giải quyết được vấn đề này là "chìa khoá" cho việc đưa con người lên sao Hỏa. Elon Musk tin rằng phương án tối ưu hiện nay là sử dụng bom hạt nhân. Trích một dòng tweet của vị tỷ phú: "Tôi muốn sử dụng một chuỗi những vụ nổ hạt nhân quy mô nhỏ nối tiếp nhau để "kích hoạt" hoạt động địa chất trong lòng sao Hỏa, làm cho nó nóng lên đến mức có thể sinh ra từ trường mạnh hơn!".

Về lý thuyết, kế hoạch này không quá "viễn tưởng" như nhiều người nghĩ. Vào những năm 1950, 1960 Mỹ và Liên Xô (cũ) đều tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân. 

Sức công phá của những quả bom mạnh đến mức gây ra động đất ở những nơi cách điểm thử nghiệm vài trăm km. Nếu con người có thể đào những cái giếng sâu vài chục km rồi để thả bom hạt nhân thì hoàn toàn có khả năng gây ra những chấn động địa lý khiến cho lòng sao Hỏa nóng lên. 

Hoạt động này còn có một điểm lợi nữa là có thể giúp làm tan băng ở hai đầu cực sao Hỏa, tạo ra những hồ nước lớn và quan trọng hơn là một bầu khí quyển từ các loại khí CO2, N2O đang được lưu giữ bên trong tảng băng.

Một phòng thí nghiệm ở miền Tây Trung Quốc nhằm mô phỏng những điều kiện tự nhiên trên sao Hỏa.

Một số nhà khoa học phản đối kế hoạch sử dụng bom hạt nhân đã chỉ ra rằng toàn bộ số vũ khí hạt nhân mà con người hiện có vẫn chưa đủ số lượng theo tính toán. Thứ hai, không một đất nước nào sẽ cho phép các công ty tư nhân sở hữu hay sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Thứ  ba, sử dụng vụ nổ hạt nhân có thể gây ra những xáo động địa chất -khí tượng lớn trên bề mặt sao Hỏa mà không con người hay máy móc nào sống sót qua được. Thứ tư, bên trong những tảng băng trên hành tinh đỏ không có đủ khí để tạo thành một bầu khí quyển đạt yêu cầu.

Dường như Elon Musk cũng hiểu được điều này. Trong vài năm gần đây, vị tỷ phú đã chuyển sang một kế hoạch khác trong đó có việc, công ty của ông sẽ xây những nhà kính khổng lồ hình bán cầu. 

Bên trong nhà kính được bảo vệ khỏi khí hậu sao Hỏa khắc nghiệt, con người sẽ có thể điều chỉnh những yếu tố như ánh sáng, độ ẩm,… từ đó tự tổ chức làm nông nghiệp trên hành tinh Đỏ. Musk khẳng định rằng, một thành phố trong nhà kính như thế sẽ cần một  triệu cá nhân sống và lao động cùng nhau để nuôi sống tất cả mọi người.

Kế hoạch này có phần khả thi hơn với việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng nó vẫn đối mặt với một loạt khó khăn. Chúng ta sẽ chọn loại vật liệu nào đủ bền để xây dựng nhà kính? 

Ngay chỉ những trận bão cát dữ dội trên sao Hỏa cũng đủ sức ăn mòn thép trong cái chớp mắt. Hoặc là, làm thế nào để con người trồng được lương thực trên sao Hỏa? Trên sao Hỏa phải đào qua một lớp cát khá dày thì mới đến lớp đất thịt, vậy nhưng trong đất thịt chứa rất nhiều muối kim loại độc hại với cây cối.

Nói đi nói lại, cả hai dự án đều vấp phải hai vấn đề hiện nay không có hướng giải quyết. Thứ nhất là thời gian. Cho dù chúng ta có bắt đầu thử nghiệm trên sao Hỏa vào ngày mai đi nữa, loài người cũng sẽ mất đến vài trăm, nếu không muốn nói là nghìn năm để tạo được một môi trường phù hợp.  

Chính vị tỷ phú cũng thừa nhận sự thật này. Trong một dòng tweet vào ngày 18-11-2020, ông viết: "Chúng ta sẽ không thể nhìn thấy thành quả của quá trình thuộc địa hoá sao Hỏa trong đời mình, mà phải để lại việc đó cho các thế hệ sau!".

Vấn đề thứ hai là vốn. Một mình Elon Musk không thể có đủ vốn để biến tham vọng của mình thành hiện thực, vậy nên ông sẽ cần thu hút nhà đầu tư. Vậy nhưng liệu có nhà đầu tư tỉnh táo nào sẽ rót vốn vào một dự án có quá nhiều rủi ro mà lợi nhuận thu được không rõ ràng? 

Đặc biệt là trong bối cảnh một loạt những cuộc thử nghiệm phóng tên lửa thế hệ mới của công ty SpaceX gần đây đều gặp thất bại ngay ở giàn phóng. Không ai thực sự có lòng tin vào tính thực tế hay hiệu quả từ tham vọng của Elon Musk.

Elon Musk trong một diễn thuyết trước sinh viên đại học.

Âm mưu thực sự

Không ít người khi tìm hiểu về kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa của  Elon Musk đã tự đặt câu hỏi: Elon Musk đang có tính toán gì? Ông là một người có cả đầu óc kinh doanh lẫn kiến thức khoa học nên chắc hẳn hiểu được sự bất khả thi của kế hoạch. Tại sao lại phải tốn quá nhiều thời gian vào một việc như vậy?

Câu trả lời khá là rõ ràng đối với những chuyên gia quan hệ công chúng: Musk đang tìm cách thu hút sự chú ý của công chúng. Những thành quả của SpaceX và Tesla đạt được gần đây đều đáng khen ngợi, nhưng đây là những thành quả kỹ thuật, người bình thường không mấy hiểu hay quan tâm. 

Ngược lại báo chí luôn sẵn sàng đưa tin về các dự án có phần "điên cuồng" như đưa con người lên sao Hỏa, mà người đọc cũng sẵn sàng đọc những mẩu tin này. Điều mà Musk muốn là những cái tên như "SpaceX" xuất hiện với tầng suất dày đặc.

Hiện nay những hợp đồng chính của SpaceX xoay quanh việc đưa vệ tinh lên không gian và trung chuyển vật liệu, hàng hoá lên trạm vũ trụ ISS. Họ hy vọng trong vòng năm năm tới sẽ đưa vào sử dụng một thế hệ tên lửa mới có thể tái sử dụng và chở được 150 tấn hàng hoặc 100 người. 

Tham vọng của Elon Musk là mở rộng hoạt động kinh doanh của SpaceX sang lĩnh vực du lịch vũ trụ. Mà muốn làm du lịch thì điều quan trọng nhất là danh tiếng. Đây rất có thể là lý do mà Elon sử dụng dự án đưa người lên sao Hỏa để "bơm" thương hiệu SpaceX lên.

Một nguyên nhân khác cũng không kém phần khả thi là Musk đang tìm cách "chữa cháy" cho bản thân. Vào năm 2018, trong khi đang làm khách của chương trình phát thanh nổi tiếng của DJ Joe Rogan, vị tỷ phú đã hút cần sa trước hàng trăm nghìn khán giả đang lắng nghe. 

Đúng là ở một số bang tại nước Mỹ có cho phép công dân sử dụng cần sa, nhưng với phần đông xã hội, đây vẫn là một hành vi thiếu lịch sự nơi công cộng. Ngay sau khi chương trình được phát sóng, giá trị cổ phiếu Tesla đã hạ 10% chỉ trong một ngày.

Đây chỉ là vụ việc đầu tiên trong một loạt những chuỗi sự cố quan hệ công chúng nối tiếp nhau. Trong khi một đội bóng đá thiếu niên bị kẹt trong hang tại Thái Lan thì Musk lại cãi nhau trên Twitter với các thợ lặn giải cứu. 

Tại buổi công bố mẫu xe tải Cybertruck của Tesla, vị tỷ phú tự hào khoe khoang rằng kính của xe có thể chặn được đạn. Chưa đầy năm phút sau, cửa kính suýt nữa vỡ vụn khi bị nhà thiết kế Franz von Holzhausen ném một quả bi sắt.

Sau khi Elon Musk hút cần sa trên chương trình phát thanh, cổ phiếu Tesla ngay lập tức tụt điểm.

Đối với Elon Musk, danh tiếng gần như là tất cả. Bất kỳ ai từng nghiêm túc xem xét qua những công ty, dự án từng được ông đảm nhận cũng sẽ nhận ra thành công mà Musk đạt được phần nhiều nhờ vào khả năng thu hút nhà đầu tư ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. 

Ngân hàng điện tử X.com, dự án lớn đầu tiên của Musk, rơi vào tình trạng "sống vật vờ" chỉ sau chưa đầy một năm đi vào hoạt động. Chỉ có nhờ tài thuyết phục nhà đầu tư của Musk mà tỷ phú Peter Thiel mới đồng ý mua lại X.com để sát nhập vào công ty Confinity, trở thành tập đoàn dịch vụ thanh toán online PayPal.

Bởi vì những vụ scandal quan hệ công chúng nói trên mà uy tín của Elon Musk suy giảm nghiêm trọng. Không ít nhà đầu tư vì thế đã rút cổ phần khỏi SpaceX và Tesla giữa lúc hai công ty này đang trong giai đoạn thiết kế sản phẩm mới, nhu cầu về vốn vô cùng lớn. 

Musk cần nhanh chóng "xây dựng" lại thương hiệu cho bản thân, và cách ông ta chọn là tự biến mình thành một nhà phát minh có tầm nhìn xa trông rộng vươn ra đến cả sao Hỏa.

Trong khi chờ những nỗ lực của mình đem lại kết quả, Elon Musk đang sử dụng danh tiếng để "gây sóng" trên thị trường tài chính. Trong thời gian gần đây Musk thường xuyên ca ngợi tiền ảo trên trang Twitter của mình. 

Bản thân Tesla cũng công bố rằng, công ty đã mua số Bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD và trong thời gian tới sẽ cho phép khách hàng mua xe chi trả bằng đồng tiền ảo này. Chưa đầy một ngày sau thông báo này mà giá trị của Bitcoin đã lên đến 62.000 USD, còn kéo theo cả các đồng tiền ảo khác tăng theo.

Cách đây ba tuần khi Elon Musk được mời dẫn chương trình Saturday Night Live (một chương trình giống như "Gặp nhau cuối tuần"), ông đã thẳng thừng tuyên bố trước hàng triệu khán giả cả nước rằng: "Tiền ảo là một trò lừa đảo!". 

Ngay sau đó Tesla cũng rút lại thông báo chấp nhận tiền ảo trong thanh toán. Hai sự kiện này đã kéo tụt giá của Bitcoin và những đồng tiền ảo khác xuống. 

Nhận định chung của các chuyên gia là, Musk đã thao túng thị trường tiền ảo để kiếm lời rồi sau đó rút đi trước khi "đánh sụp" thị trường. Ước tính lợi nhuận mà Tesla thu được từ phi vụ này không dưới 500 triệu USD.

Lê Công Hội (tổng hợp)
.
.