Điều chưa biết đằng sau một kỳ tích

Thứ Sáu, 22/03/2019, 14:40
Sau sự kiện Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức tiến hành cùng lúc 6 ca phẫu thuật lấy - ghép tạng (trong đó có 1 quả thận được đưa vào TP Hồ Chí Minh ghép cho một bệnh nhi bị suy thận) vào cuối năm 2018, khiến người dân cả nước khâm phục và thêm tin tưởng vào kỹ thuật y học đỉnh cao của Việt Nam, thì mới đây, ngày 9-3-2019, BV Hữu nghị Việt Đức lại tiến hành một ca ghép gan có thể coi là “kỳ tích” của ngoại khoa Việt Nam.

Đó là BV đã tiến hành chia gan của một người cho chết não để ghép cho hai bệnh nhân. Việc chia gan để ghép thế giới đã làm, nhưng ở Việt Nam, đây là ca chia gan từ người cho chết não đầu tiên để cứu sống hai người mắc bệnh gan hiểm nghèo…

Thành công ngoạn mục từ yếu tố bất ngờ

Từng nhiều lần bước vào Trung tâm ghép tạng của BV Hữu nghị Việt Đức, nhưng hôm nay (18-3), chúng tôi bước vào đây với một tâm trạng thật náo nức, hồi hộp vì chúng tôi được các bác sĩ cho phép vào thăm một trong hai bệnh nhân đã hồi phục từ ca ghép gan “lịch sử” vào ngày 9-3. Bệnh nhân đã có thể đi lại, giao tiếp nhẹ nhàng.

Lúc chúng tôi vào thăm thì anh đang nằm trên giường để các bác sĩ chăm sóc y tế. Vợ anh cứ nắm chặt tay chúng tôi xúc động không nói nên lời. Chị bảo, cách đây một tháng, gia đình chị đã tuyệt vọng biết chừng nào trước bệnh tình của chồng chị. Nhưng nhờ sự may mắn và đặc biệt, nhờ các bác sĩ BV Việt Đức, chồng chị đã được cứu sống.

Chị hạnh phúc bao nhiêu thì hai đứa con của chị cũng hạnh phúc bấy nhiêu. Cả gia đình nội ngoại của chị đều hân hoan. Với những ai đã từng trải qua giây phút cái chết cận kề như chồng chị, nay được các bác sĩ cứu sống, họ và người thân của họ sẽ cảm nhận sâu sắc và càng trân trọng sự hồi sinh quý giá này.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đang thực hiện ca ghép phổi đầu tiên.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, người được coi là có “đôi tay vàng” trong ghép gan, cho chúng tôi biết, mặc dù BV Việt Đức đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng và coi đây là một kỹ thuật thường quy, nhưng ca ghép gan ngày 9-3 với ông là một “ca ghép tạng đặc biệt và cực kỳ khó khăn”.

Ông cho biết, trên thế giới, họ đã thực hiện chia gan để ghép, nhưng lúc đó, bệnh nhân cho dù đã chết não thì tim, gan của họ vẫn “sống”, vẫn có thể hồi sức tế bào, các bác sĩ có thể chia gan trong bụng bệnh nhân rồi ghép (chia gan trong bụng bệnh nhân có ưu điểm là thời gian thiếu máu nóng rất ít, ca ghép ít rủi ro hơn).

Nhưng ca ghép này “đặc biệt” vì khi các bác sĩ chuẩn bị chia gan của người cho chết não, thì người bệnh này bị rối loạn đông máu, bụng bệnh nhân trướng căng lên, tình thế đó không cho phép các bác sĩ chia gan trong bụng người cho chết não được.

“Đây là tình huống bất ngờ, nhưng do các phẫu thuật viên đã được học kỹ thuật ghép tạng một cách bài bản ở nước ngoài, nên chúng tôi quyết định sẽ lấy gan nhanh chóng đưa ra ngoài, sau đó ngâm gan trong dung dịch 3 – 4 độ C, rồi mới chia gan. Chia gan ở ngoài cơ thể bệnh nhân có rủi ro là thời gian thiếu máu nóng dài hơn nhiều. Do đó,  ca ghép được thực hiện từ 7 giờ 30 sáng đến 23 giờ đêm, có lẽ cũng là ca ghép gan dài nhất tại BV Việt Đức cho đến nay”.

Hai phần gan của người cho chết não được ghép cho một bệnh nhân nam bị xơ gan nặng (như phần trên chúng tôi đã đề cập) và một bệnh nhi 8 tuổi bị suy gan – hôn mê gan (bệnh nhi này còn bị rối loạn chuyển hóa đồng (wilson), teo đường mật bẩm sinh, một sự kết hợp giữa hai bệnh lý hiếm gặp và cần ghép gan cấp cứu). Đến nay, bệnh nhân nam đã hồi phục. Bệnh nhi 8 tuổi chức năng gan đã tương đối đảm bảo, nhưng vẫn phải điều trị phổi tích cực.

Hình ảnh lá gan được chia đôi để ghép cho 2 người bệnh.

“Trong bối cảnh nguồn tạng rất khan hiếm, thì ca chia gan để ghép này mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh, một lá gan có thể ghép cho hai người”, BS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi, quyết định “chia lá gan” ở ngoài, các bác sĩ có tính đến sự rủi ro nhiều hay không? PGS Nguyễn Tiến Quyết cho hay: “Chúng tôi luôn tính đến rủi ro, nhưng không có cách nào khác vì người chết não thì đã chết rồi, còn hai bệnh nhân kia không ghép họ cũng chết. Ghép thì họ còn có cơ hội sống. Và sự thật là họ đã sống. Qua ca ghép này, một lần nữa chứng minh tay nghề và trình độ ghép tạng của bác sĩ BV Việt Đức không thua kém một nước nào trên thế giới”.

PGS Quyết nêu ví dụ, trên thế giới ghép gan từ người cho chết não hết 10 tiếng thì BV Việt Đức ghép chỉ hết 9 tiếng; thế giới ghép gan từ người cho sống mất 12 tiếng, thì Việt Đức ghép hết 10 – 11 tiếng. Tuy nhiên, kinh nghiệm xử lí của bác sĩ của chúng ta còn thua thế giới, phải học hỏi nhiều, vì có trung tâm ngoại khoa trên thế giới, 1 năm họ ghép được 2.000 – 3.000 ca, nên họ nhiều kinh nghiệm hơn ta là đương nhiên.

Còn nhiều rào cản

Trở lại lịch sử ghép tạng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có BV Việt Đức, để thấy những tiến bộ vượt bậc trong quá trình không ngừng học hỏi và khát vọng làm chủ kỹ thuật ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam. Trên thế giới năm 1953 đã tiến hành ghép thận, năm 1964  bắt đầu ghép gan. Nhưng phải 4 năm sau,  năm 1967, thế giới mới ghép gan thành công bởi T.E.Starzl tại USA.

Năm 1954, ghép tim bắt đầu được thực hiện ở Nam Phi. Từ đó đến nay trên thế giới có rất nhiều nước nghiên cứu về ghép tạng, vì ghép tạng là đỉnh cao của ngoại khoa, nhiều giáo sư trên thế giới đã được giải thưởng Nobel về ghép tạng.

Ở Việt Nam, năm 1965, GS.VS Tôn Thất Tùng đã ghép tạng thực nghiệm tại BV Việt Đức thành công, nhưng tiếc là do điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất hồi ấy quá nghèo nàn nên không ghép được. Tuy nhiên, tầm nhìn xa và cái tài của GS Tôn Thất Tùng là từ những năm 1970, ông đã cho học trò đi học về ghép tạng tại nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, năm 1992 bắt đầu thực hiện ca ghép thận đầu tiên do một GS người Đài Loan ghép. Năm 2004, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện thành công tại BV 103, do một Giáo sư người Nhật thực hiện.

Các bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhi sau ghép gan.

Hiện Việt Nam có 18 cơ sở ghép thận, 6 cơ sở ghép gan và 4 cơ sở ghép tim. Tổng số tạng được ghép trên toàn quốc là 3.500 quả thận, hơn 100 cái gan và 40 quả tim. Riêng ở BV Việt Đức, việc nghiên cứu ghép tạng được thực hiện từ rất sớm, các bác sĩ được đi học bài bản nên có nền tảng về kỹ thuật ngoại khoa. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho hay, riêng BV Việt Đức đã ghép được hơn 700 quả thận, 62 cái gan và hơn 30 quả tim.

Trong số 62 ca ghép gan thành công ở BV Việt Đức có gần 20 cái gan được ghép từ người cho sống, và 40 cái gan được ghép từ người cho chết não. Nói cách khác, BV Việt Đức đã chủ động trong hầu hết các kỹ thuật ghép gan: Ghép toàn bộ từ người cho chết não, ghép gan bán phần từ người cho sống, giảm thể tích gan từ người cho chết não để ghép. Trong số 62 ca ghép gan của BV Việt Đức thì tỉ lệ ghép thành công ở người cho sống đến nay là 100%; ghép từ người cho chết não là 98%.

Đặc biệt hơn, không chỉ ghép gan, tất cả những ca ghép tạng này đều do bác sĩ của BV tự ghép, không có sự hỗ trợ của bác sĩ nước ngoài. Ghép tạng ở BV Việt Đức hiện đã trở thành thường quy nên nếu có một người chết não cho tạng thì ngay lập tức, BV có thể triển khai được ghép gan, ghép tim và ghép thận đồng thời.

Tại hội thảo quốc tế về tổ chức điều phối ghép tạng do Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức ngày 18-3, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho biết, mỗi năm, ngành ghép tạng Việt Nam lại xác lập thêm được nhiều thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm thế giới.

Mặc dù Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân. Hầu như ngày nào tại các bệnh viện cũng có hàng chục bệnh nhân chết não nhưng số trường hợp hiến tạng còn ít. Trong khi đó việc kết nối thông tin giữa các trung tâm ghép tạng chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay, hiện các trung tâm ghép tạng của Việt Nam việc kết nối thông tin chưa hiện đại. Ở các nước phát triển như Mỹ, phần mềm kết nối của họ giúp tra cứu, kết nối thông tin nhanh. Chúng ta cần tiến tới hiện đại như thế để có thể điều phối ghép tạng được nhanh hơn và có hiệu quả hơn, tiến tới kết nối với các trung tâm ghép tạng lớn trong khu vực.

Tại hội thảo, bác sĩ David K. Klassen, Giám đốc Mạng lưới chia sẻ các cơ quan nội tạng (UNOS) của Mỹ cho biết, hiện ngành ghép tạng của Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn tạng để ghép. Tuy nhiên, Mỹ là một trong những nước tiến nhanh nhất thế giới trong hoạt động hiến, ghép tạng. Một trong những lý do nằm ở nhận thức của đội ngũ các nhà lãnh đạo cấp cao, đòi hỏi sự hoàn thiện khung pháp lý tương ứng.

Sau 10 ngày ghép gan, bệnh nhân người lớn đã bình phục.

Còn tại Nhật Bản, nhờ sự hoạt động hiệu quả của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia Nhật Bản mà ngành ghép tạng của Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Mô hình quản lý và điều phối của Nhật Bản được Tổ chức Y tế thế giới coi là mô hình chuẩn để các quốc gia trên thế giới áp dụng. Còn tại Pháp và các nước châu Âu, nhờ hoạt động hiệu quả của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia Pháp và mạng lưới toàn châu Âu mà gần như mọi mô, tạng của người hiến đều được sử dụng ghép hết sức hiệu quả cho các bệnh nhân suy tạng trong nước Pháp và toàn châu Âu.

Chia sẻ về khó khăn trong ghép tạng, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đồng tình khi xác nhận khó khăn lớn nhất không phải là kỹ thuật mà là nguồn tạng và kinh phí, cơ sở vật chất. “Tôi lấy ví dụ, 1 Trung tâm ngoại khoa hàng đầu như BV Việt Đức phải có 2 con dao cắt gan, nhưng hiện mới có 1 con dao cusa (khoảng 2 tỷ). Một bệnh nhân muốn ghép gan phải có 1,5 tỉ đồng, muốn ghép tim phải có 1 tỉ đồng và ghép thận tốn ít nhất thì người bệnh cũng cần tới 200 triệu đồng. Chi phí ghép tạng bảo hiểm không chi trả, và với nhiều người bệnh thì số tiền đó quả là “khổng lồ”.

Thêm nữa, hiện nhu cầu ghép tạng là rất lớn, mọi người cũng đã hiểu về ghép tạng, nhiều người đã được giác ngộ, muốn cho tạng, nhưng họ vẫn gặp rào cản về yếu tố xã hội, hoặc phong tục. Do đó có trường hợp, anh chết não nhưng không cho em tạng, dù người em nếu được ghép thì sẽ có cơ hội sống rất lớn. Cuối cùng cả hai anh em đều chết, rất đáng thương”, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và rào cản trong ghép tạng, nhưng việc Việt Nam thực hiện được cả những ca ghép tạng xuyên Việt, hay ca ghép “chia gan” từ người cho chết não đã thắp lên hy vọng cho nhiều người bệnh hiểm nghèo đang có nhu cầu ghép tạng. Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia,  tại Việt Nam, Luật hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người ban hành từ năm 2006, tuy ra đời muộn so với các nước phát triển nhưng ngành y cũng đã theo kịp tiến trình ghép tạng.

Hiện cả nước đã có gần 20.000 người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời, tăng hàng trăm lần so với 5 năm trước. Đây là những tín hiệu rất tích cực và nhân văn cho thấy người dân và cộng đồng đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa cao đẹp của nghĩa cử hiến tạng, “một con người ra đi, nhiều cuộc đời ở lại”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, hiện đã nảy sinh một số bất cập trong hệ thống chính sách pháp luật về hiến mô tạng, trong đó có quy định người dưới 18 tuổi không được hiến mô tạng, hay chưa có quy định về ghép tạng được bảo hiểm y tế thanh toán, chưa có quy định về sự tham gia của các quỹ hỗ trợ nhân đạo cho bệnh nhân ghép tạng…

Chính vì vậy, đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đề xuất, Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện hiến tạng như đăng ký hiến tạng sau chết não không giới hạn độ tuổi và phải được bố mẹ cùng đồng ý… Trung tâm cũng đề xuất thành lập các trung tâm điều phối vùng, xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho bảo hiểm y tế thanh toán, đề xuất mức hỗ trợ của bảo hiểm y tế từ 50% trở lên…

Thu Phương – Trần Hằng
.
.