Doanh nhân bị bắt giữ vì cung cấp điện thoại bảo mật cho tội phạm

Thứ Năm, 22/03/2018, 15:13
Vincent Ramos, đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty Phantom Secure đặt trụ sở tại Vancouver (Canada), vừa mới bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ tại California hôm 8-3-2018.

Theo báo cáo từ FBI, 10.000 trong số 20.000 smartphone BlackBerry tùy biến “siêu mã hóa”của công ty Phantom Secure được cung cấp cho bọn tội phạm ma túy ở Australia. Ngoài ra, Phantom Secure còn tùy biến cả điện thoại Samsung.

Vincent Ramos, 41 tuổi, bị bắt giữ sau một cuộc điều tra toàn cầu của Cảnh sát liên bang Australia (AFP). Đội ngũ kỹ thuật viên Phantom Secure thay đổi phần cứng lẫn phần mềm gốc của điện thoại BlackBerry để cài đặt phần mềm mã hóa mới cũng như một chương trình email an toàn.

Đặc vụ FBI Nicholas Cheviron viết trong đơn kiện Vincent Ramos gửi đến Tòa án Quận South California: “Theo các nguồn tin từ giới chức hành pháp ở Australia, Canada và Mỹ; các mẫu điện thoại BlackBerry tùy biến do Phantom Secure phát triển được sử dụng bởi thành viên cao cấp của nhiều tổ chức tội phạm xuyên quốc gia để liên lạc với nhau và tiến hành hàng loạt hoạt động phi pháp”.

Phantom Secure được cho là tính giá khoảng từ 2.000 đến 3.000 USD cho các khách hàng đăng ký thuê bao 6 tháng sử dụng dịch vụ bảo mật của công ty được quảng cáo là “được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn giới chức hành pháp giám sát và chặn bắt tín hiệu giao tiếp”.

Toàn bộ email của điện thoại được chuyển qua hệ thống máy chủ mã hóa ở Panama và Hồng Công – 2 quốc gia mà Phantom Secure tuyên bố trong các tài liệu tiếp thị là “không sẵn sàng hợp tác” với lực lượng hành pháp. Một trùm buôn lậu ma túy xuyên quốc gia của cartel nổi tiếng Sinaloa ở Mexico – được mô tả trong hồ sơ tòa án là “Nhân chứng Hợp tác Số 1 (CW-1)” – khai báo với giới chức chính quyền Mỹ rằng các thành viên cartel này sử dụng điện thoại tùy biến của Phantom Secure.

Thanh tra cảnh sát AFP Neil Gaughan.

Đặc vụ Nicholas Cheviron viết trong đơn kiện: “Theo lời khai từ CW-1, trong vài năm qua cartel Sinaloa vận chuyển hàng trăm kg cocaine mỗi tháng từ Mexico vào Mỹ và từ đây chuyển tiếp đến Canada và Australia. CW-1 sử dụng điện thoại của Phantom Secure để liên lạc và hoàn thành mỗi cuộc giao dịch mua bán ma túy”.

Tháng 8-2015, CW-1 và cộng sự của hắn ở Australia phối hợp hành động vận chuyển chuyến hàng 10kg cocaine đi từ Mỹ đến Australia và sau đó số hàng phi pháp khổng lồ này bị Cảnh sát Biên giới Australia bắt giữ. Năm 2016, lực lượng AFP tịch thu một điện thoại của Phantom Secure từ một người Australia bị bắt giữ vì tội buôn lậu ma túy. Vicent Ramos hiện đang đối mặt với các tội danh như âm mưu kiếm tiền phi pháp, âm mưu trợ giúp và tiếp tay tội phạm phân phối ma túy.

Tháng 2-2018, Bộ trưởng Di trú Australia Peter Dutton lên tiếng chỉ trích công nghệ mã hóa chính là “chướng ngại khủng khiếp” trong những chiến dịch điều tra khủng bố. Theo bộ trưởng, hơn 90% mục tiêu khủng bố sử dụng công nghệ mã hóa để liên lạc với nhau. Peter Dutton phát biểu: “Nỗ lực giải mã mất rất nhiều thời gian và công sức trong khi các mối đe dọa có thể xảy ra trong thời gian vài ngày hay thậm chí vài giờ”.

Điện thoại BlackBerry tùy biến siêu an toàn của Phantom Secure.

Michael Pezzullo, người đứng đầu bộ phận xuất nhập cảnh trong Bộ Di trú Australia, tuyên bố giải pháp giải mã thiết bị số của chính quyền nước này sẽ không “hủy hoại công nghệ mã hóa hợp pháp” bởi vì các chi tiết trong cuộc điều tra không bị tiết lộ nhưng “thách thức to lớn cho các chính quyền và nghị viện trên toàn thế giới là làm thế nào để bảo đảm công nghệ mã hóa được sử dụng vào các mục đích hợp pháp”.

Để tùy biến điện thoại BlackBerry trở nên “siêu an toàn”, Phantom Secure loại bỏ máy ảnh, hệ thống định vị toàn cầu GPS, trình duyệt Internet cũng như dịch vụ nhắn tin thông thường. Sau đó, công ty tiến hành cài đặt phần mềm gọi là Pretty Good Privacy (PGP) có tính năng mã hóa và tin nhắn được gửi qua hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài. Nếu chiếc điện thoại bị cảnh sát tịch thu, toàn bộ dữ liệu giao tiếp sẽ được xóa từ xa bởi Phantom Secure.

Phantom Secure được thành lập năm 2008 và bán điện thoại tùy biến tại Mexico, Cuba, Venezuela cũng như nhiều quốc gia khác. Đặc vụ AFP và cảnh sát Canada tiến hành đột kích 25 tòa nhà và văn phòng của Phantom Secure tại nhiều tỉnh thành ở Australia cũng như 2 quốc gia khác; thu giữ nhiều điện thoại, máy tính, máy chủ cũng như tiền mặt, và cả ma túy.

Phantom Secure thu về lợi nhuận hàng năm khoảng 80 triệu USD kể từ năm 2008. Lực lượng hành pháp ở Mỹ, Australia, Canada, Hồng Công và Thái Lan đều tham gia hợp tác trong chiến dịch điều tra bắt giữ Vincent Ramos.

Vince Hurley, nhà tội phạm học Đại học Macquarie ở Sydney (Australia), cho rằng bọn tội phạm ở nước này có thể nhanh chóng chuyển sang dùng các thiết bị mã hóa khác sau khi mạng Phantom Secure bị đóng cửa. Trong khi đó, thanh tra cảnh sát AFP Neil Gaughan tuyên bố cơ quan đang tiếp tục điều tra các thiết bị mã hóa khác.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.