Đội ngũ y bác sĩ tự nguyện và các nạn nhân bị acid hủy hoại

Thứ Sáu, 24/06/2016, 12:25
Làm thế nào để trả lại cuộc sống cho những người mang gương mặt dị dạng vì bị tấn công bằng acid? Đó là tâm huyết và những gì mà đội ngũ y bác sĩ Anh đã thực hiện ở Ấn Độ. Đội ngũ y bác sĩ tự nguyện này là một bộ phận của tổ chức từ thiện Anh Interplast UK bao gồm các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, y tá, một chuyên gia vật lý trị liệu và một dược sĩ.

Họ tự chi trả cho mỗi chuyến bay cũng như mọi khoản sinh hoạt phí. Ở Ấn Độ, họ dựng lều trong một bệnh viện địa phương và chuẩn bị cho những ca phẫu thuật giúp cải thiện cuộc sống cho những nạn nhân đã bị acid hủy hoại tàn nhẫn.

Đội ngũ y bác sĩ tự nguyện này của Anh từng thực hiện hơn 100 ca phẫu thuật ở thủ đô Delhi của Ấn Độ trong thời gian chưa đến 2 tuần. Họ chứng kiến nhiều trẻ em bị hở hàm ếch và nạn nhân của những vụ bỏng do tai nạn hay bị thiêu, bị phỏng, song khoảng một phần tư trong số những bệnh nhân của họ là những phụ nữ có gương mặt dị dạng do bị tấn công bằng acid.

Mọi người đều đồng ý rằng những vụ tấn công bằng acid hiện nay hết sức phổ biến ở Ấn Độ, phần đông nạn nhân là phụ nữ, còn hung thủ là nam giới. Động cơ phạm tội thường là trả thù hay ghen tuông, nhưng vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức từ chính quyền về loại tội ác man rợ này.

Bác sĩ phẫu thuật tạo hình Charles Viva đã tiến hành nhiều ca can thiệp tại các quốc gia đang phát triển trong hơn 4 thập niên qua. Bác sĩ cho biết chính sự can đảm của các nạn nhân đã khiến ông xúc động. Như trường hợp của Anupama, cô đã vượt hơn 1.000km từ quê nhà ở bang Bihar của Ấn Độ để gặp bác sĩ Viva. Anupama luôn gìn giữ bên mình "kho tàng đẹp trong quá khứ" - đó là bộ sưu tập những hình ảnh chụp trước cô khi bị hung thủ tấn công bằng acid.

Anupama 3 tháng trước khi bị tấn công bằng acid .

Một bức ảnh chụp cô gái xinh xắn và đầy vẻ tự tin ngồi trên mép giường, trong bộ sari truyền thống màu vàng và đỏ. Gương mặt cô gái mang vẻ kiêu hãnh trước ống kính. Anupama tâm sự: "Vụ tấn công xảy ra 3 tháng sau khi bức ảnh này được chụp".

Lúc thảm kịch xảy ra, Anupama chỉ mới 14 tuổi. Anupama và cô em bị 2 gã trai và một cô gái dụ dỗ vào căn nhà của họ để quấy rối tình dục. Gia đình láng giềng đã giận dữ sau khi bị người cha của hai chị em Anupama lớn tiếng chửi bới.

Vài đêm sau, những người trong gia đình láng giềng này bất ngờ tìm đến nhà của gia đình Anupama và tạt acid vào người hai chị em Anupama khi họ đang ngủ. Cô em gái may mắn chỉ bị những vết bỏng nhẹ, còn Anupama thì ngược lại. Phần dưới gương mặt Anupama bị bỏng sâu và cho đến nay những vết sẹo chằng chịt vẫn còn hằn rõ từ cổ xuống dưới ngực.

Anupama chuẩn bị bước vào phòng mổ.

Những nạn nhân của acid được chính quyền hỗ trợ điều trị miễn phí, nhưng những ca phẫu thuật trong bệnh viện công thường không đạt yêu cầu. Anupama đã trải qua nhiều ca phẫu thuật, tất cả chỉ là những ca can thiệp sơ sài. Anupama kể lại điều đáng buồn là bác sĩ phẫu thuật "đề nghị" cô đến bệnh viện tư của ông ta để được "chăm sóc tốt hơn". Gia đình của Anupama quá nghèo nên không thể gánh vác nổi chi phí cho ca phẫu thuật ở bệnh viện tư nhân.

Khi Charles Viva và đội chuyên gia của ông đến Ấn Độ, họ đã thực hiện những ca phẫu thuật tạo hình chất lượng cao và miễn phí cho tất cả các nạn nhân của acid. Trong một ca phẫu thuật nhanh đến mức ngạc nhiên, Anupama được tạo hình vùng miệng giúp cô ăn uống trở lại như người bình thường. Vài giờ sau phẫu thuật, Anupama đã có thể uống tách trà và ăn bánh ngọt một cách dễ dàng mà không bị vương vãi ra ngoài như trước kia.

Các thành viên tận dụng những ngày nghỉ của họ để du lịch vòng quanh thế giới và tiến hành những ca phẫu thuật tạo hình miễn phí cho một số người nghèo nhất trên thế giới. Như chuyên gia gây mê Ghalib Muaddam khi gia nhập công việc từ thiện của Interplast UK, ông không hề cảm thấy hành động của mình là sự hy sinh: "Nhiều người trong chúng ta thường tìm cách thay đổi cuộc sống riêng cho tốt hơn trong những kỳ nghỉ phép. Nhưng với tôi đó là dịp để giúp thay đổi cuộc sống của những người khác".

Cuộc sống của những phụ nữ bị acid tàn phá không thực sự kết thúc như nhiều người tưởng mà vẫn có những số phận biết vươn lên và được xã hội ủng hộ. Trong một chiến dịch mang tên "Face of Courage" (Gương mặt của sự can đảm), thương hiệu thời trang Viva N Diva của Ấn Độ ký hợp đồng với Laxmi Saa - nạn nhân của acid và là nhà hoạt động nổi tiếng chống lại tội ác này - để quảng bá cho bộ sưu tập thiết kế thời trang mới dành cho phụ nữ.

Lúc 15 tuổi, Laxmi Saa bị một gã trai 32 tuổi tạt acid chỉ vì cô dám từ chối lời cầu hôn của hắn. Saa nhớ lại vụ tấn công kinh hoàng: "Ban đầu tôi cảm thấy lạnh buốt, rồi sau đó nó chuyển thành nóng rát dữ dội. Thứ acid lỏng đã làm tan chảy da tôi". Sau tai nạn này, Laxmi Saa trở thành nhà hoạt động đấu tranh tích cực nhất ở Ấn Độ chống lại nạn buôn bán tràn lan acid không được kiểm soát cũng như kêu gọi chính quyền có hình phạt nặng hơn đối với những kẻ sử dụng acid làm vũ khí tấn công.

Laxmi Saa đại diện cho chiến dịch "Face of Courage" của Viva N Diva.

Laxmi Saa phát biểu với Hãng tin Anh BBC: "Cơ hội đại diện cho một thương hiệu quần áo là nền tảng cho tôi nêu trường hợp của bản thân giúp cho những phụ nữ giống như tôi có được sự tự tin và can đảm bất chấp bề ngoài của mình. Đây cũng là nền tảng cho phép tôi gửi thông điệp mạnh mẽ đến bọn tội phạm".

Theo đánh giá từ Acid Survivors Trust International (ASTI), ở Ấn Độ mỗi năm có khoảng 1.000 vụ tấn công bằng acid xảy ra, song cũng còn nhiều vụ không được báo cáo với chính quyền. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho rằng con số thật sự cao hơn gấp nhiều lần. ASTI được thành lập năm 2002 ở Anh và xứ Wales đặt trụ sở chính tại London, là tổ chức duy nhất trên thế giới hoạt động ở cấp độ quốc tế nhằm chấm dứt bạo lực acid và gây bỏng.

ASTI giúp cung cấp những chuyên gia y tế, gây quỹ ủng hộ những nạn nhân sống sót sau khi bị tấn công bằng acid và giúp các chính quyền thay đổi luật. Mặc dù vậy, chính quyền Ấn Độ vẫn không có bất cứ luật đặc biệt nào để truy tố những kẻ tấn công bằng acid. Tuy nhiên vào năm 2013, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã thụ lý đơn kiện từ Laxmi Saa và ra lệnh cho chính quyền các bang có chính sách giám sát chặt chẽ việc mua bán acid trong địa phương của mình.

Rupesh Jhawar, người đồng sáng lập Công ty thời trang Viva N Diva, cho biết công ty có ý tưởng mời Laxmi Saa làm hình ảnh đại diện cho thương hiệu sau khi nhìn thấy một cuốn lịch năm in hình của những nạn nhân của acid và muốn giúp cho họ có việc làm cũng như cơ hội để sống với bề ngoài bị mất mát của mình.

Laxmi Saa ký hợp đồng làm người mẫu cho Viva N Diva và tuyên bố lý do họ chọn cô gái nạn nhân của acid bởi vì muốn thay đổi quan điểm về thời trang và vẻ đẹp với thông điệp rằng cái đẹp của phụ nữ không nằm ở thể xác bên ngoài. Laxmi Saa cũng muốn mở rộng hơn nữa những cuộc đối thoại về đề tài này.

Laxmi Saa khẳng định: "Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không chỉ là nạn nhân của tội ác mà còn là nạn nhân của xã hội. Chúng ta bị đối xử cứ như chúng ta là đồ thừa thãi và chẳng tốt đẹp cho điều gì cả".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.