Đột phá pháp y về sợi vải giúp phá án chính xác

Thứ Ba, 01/09/2020, 21:41
Các nhà nghiên cứu Anh vừa có một phát hiện đột phá trong lĩnh vực pháp y, giúp giải thích tại sao sợi vải quần áo của người vô tội lại xuất hiện tại hiện trường tội ác. Phát hiện trên được đăng trên tạp chí Khoa học Pháp y Quốc tế.

Mỗi lần bạn mặc áo khoác, ôm ai đó hay ngồi lên ghế sofa, bạn sẽ để lại những sợi vải tí hon bay ra từ quần áo mình. Sợi vải trên quần áo của người khác cũng sẽ dính lên quần áo bạn. Các nhà khoa học pháp y có thể sử dụng quá trình di chuyển này của sợi vải để giải quyết các vụ án.

Sợi vải là một trong những loại bằng chứng quan trọng nhất trong khoa học pháp y. Bằng chứng này đóng vai trò mấu chốt trong giải quyết một số tội ác khét tiếng nhất nước Anh, ví dụ như vụ sát hại Joanna Yeates, vụ giết người hàng loạt ở Ipswich, vụ giết người ở Soham, vụ giết người ở Coastal Path…

Tuy nhiên, việc thiết lập các mối liên kết với sợi vải quần áo chỉ là một nửa công việc mà các nhà khoa học pháp y phải thực hiện khi nghiên cứu các vụ án hình sự. Điều quan trọng hơn là tìm hiểu xem các sợi vải đã xuất hiện tại hiện trường vụ án như thế nào.

Trong một số trường hợp, sợi vải có thể bay từ quần áo người này sang quần áo người khác mà hai người không hề tiếp xúc.

Tới nay, các nhà khoa học phần lớn giả định rằng sợi vải chỉ di chuyển khi hai bề mặt tiếp xúc với nhau. Ví dụ, khi mặt trước của chiếc áo khoác bạn mặc chạm vào áo sơ mi người mà bạn ôm, hoặc khi mặt sau chiếc quần bạn đang mặc chạm vào bề mặt ghế sofa bạn ngồi lên. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy mọi chuyện không chỉ đơn giản thế.

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một cách mới mà sợi vải có thể di chuyển: bay trong không khí mà không cần tiếp xúc bề mặt, tức là khi các sợi vải di chuyển từ quần áo này sang quần áo khác mà không cần tiếp xúc. Ví dụ trường hợp hai người cùng ở trong phòng nhưng không chạm vào nhau. Có thể sợi vải từ quần áo người A bay trong không khí, bám vào quần áo người B và ngược lại.

Từ góc độ điều tra, điều này có nghĩa là trong một số điều kiện, sợi vải tìm thấy trên một người nào đó có thể bám vào một cách thụ động chứ không phải là do người đó trực tiếp liên quan tới tội ác.

Trong thí nghiệm, các nhà khoa học Anh sử dụng các loại quần áo thường ngày như áo khoác, áo dài tay, áo lông cừu và họ nhuộm huỳnh quang để giúp theo dõi quá trình sợi vải bay trong không khí từ quần áo người này sang quần áo người khác.

Một người tham gia nghiên cứu mặc áo nhuộm huỳnh quang đứng trong góc thang máy và một người khác mặc áo đen không nhuộm huỳnh quang đứng ở góc vuông đối diện. Cả hai người đứng trong thang máy 10 phút và không chạm vào nhau. Trong thời gian 10 phút đó, thang máy hoạt động như bình thường, có người vào, người ra liên tục.

Sau thí nghiệm, chiếc áo màu đen của người tham gia được chụp ảnh bằng kỹ thuật hình ảnh cực tím để xác định số sợi vải đã bám vào. Kết quả cho thấy các sợi vải đã bay từ quần áo người này sang quần áo người khác mà không cần tiếp xúc. Hơn nữa, số lượng sợi vải bay sang lại tương đối lớn.

Thông thường, trong một vụ án hình sự, chỉ tìm được vài sợi vải là đã rất quan trọng. Vì thế, thực tế có tới 66 sợi vải từ quần áo người này bay trong không khí và bám sang quần áo người khác chỉ trong một thí nghiệm là con số cao hơn rất nhiều so với dự đoán.

Tất nhiên, không phải mọi loại quần áo trong thí nghiệm đều có nhiều sợi vải bay như vậy. Loại vải may quần áo và khả năng phát tán sợi của loại vải đó chính là điều quan trọng trong quá trình sợi vải di chuyển không cần tiếp xúc. Nếu quần áo làm bằng sợi bông hoặc polyester thì sợi vải dễ phát tán hơn. Nếu quần áo làm bằng acrylic và len thì số sợi phát tán ít hơn. Ngoài ra, kiểu quần áo mà một người mặc, hoạt động của người đó cũng như môi trường xung quanh (ví dụ như quá trình đóng mở thang máy) cũng ảnh hưởng tới quá trình sợi vải phát tán.

Khi bằng chứng pháp y được trình trước tòa, nhà khoa học pháp y chịu trách nhiệm đánh giá tầm quan trọng của bằng chứng. Nghiên cứu mới nói trên có thể đặc biệt quan trọng với các vụ án mà các điều tra viên phát hiện ra một số lượng nhỏ sợi vải và xảy ra tình huống sợi vải di chuyển mà không có sự tiếp xúc. 

Ví dụ, khi hai người đứng trong thang máy và một người cáo buộc người kia tấn công mình, nếu hàng trăm sợi vải từ quần áo nạn nhân xuất hiện trên quần áo nghi phạm, thì nhiều khả năng cao không thể nào toàn bộ số sợi vải đó lại di chuyển mà không có tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu chỉ có vài sợi vải thì nhiều khả năng xảy ra trường hợp sợi vải bay trong không khí mà không cần tiếp xúc.

Do đó, kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng để làm cơ sở trong đánh giá các sợi vải tìm được tại hiện trường vụ án và cũng sẽ hỗ trợ tăng sức mạnh và giá trị của bằng chứng pháp y được trình trước tòa.

Nghiên cứu này có thể giải oan cho một số nghi phạm mà sợi vải trên quần áo vô tình xuất hiện trên quần áo nạn nhân cho dù chưa hề tiếp xúc. Nhà nghiên cứu pháp y Anh, Giáo sư Ruth Morgan tại Đại học London (UCL) đã từng nhấn mạnh tới những nguy hiểm khi bằng chứng bị suy diễn sai và việc các dấu vết của người vô tội có thể dễ dàng xuất hiện tại hiện trường vụ án. Nghiên cứu của trường UCL cho thấy 22% bằng chứng tội phạm tại Tòa Phúc thẩm Anh năm 2018 có thể bị diễn giải sai.

Đức Huy
.
.