Dùng DNA đưa động vật tuyệt chủng trở lại

Thứ Sáu, 23/09/2016, 11:30
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã gặp gỡ và thảo luận về việc đưa loài chim Great Auk (Anca lớn) ở trên đảo Franes, một trong số rất ít các nhóm đảo ở ngoài khơi bờ biển phía đông bắc nước Anh trở lại với thời đại này.

Great Auk là một loài chim biển không biết bay, thuộc chi Pinguinus, cao 75 - 80cm (30 - 33 inch) và nặng khoảng 5kg. Có kích cỡ như một con chim cánh cụt cỡ trung, chúng sống ngoài biển khơi và chỉ lên bờ để sinh sản trên một vài hòn đảo.  Khi mùa hè đến, bộ lông của loài chim Great Auk này sẽ lộ ra hai mảng trắng trên mỗi mắt. Còn mùa đông, mảng trắng này sẽ biến mất thay vào đó là một dải màu trắng kéo dài giữa hai mắt.

Great Auk (Anca lớn).

Đôi cánh chỉ dài 15cm (5.9 inch) khiến chúng không thể bay. Chính vì đặc điểm này mà chúng dễ gặp nguy hiểm bởi việc săn bắt và khai thác triệt để phục vụ công nghiệp khi mà những nỗ lực nhằm chỉnh đốn việc săn bắn ngay từ đầu thế kỷ 16 đã không đem lại kết quả.

Tuy vậy, giống chim miền biển này lại là một tay bơi lội cừ khôi, một đặc điểm tiêu biểu góp phần trong việc săn bắt. Con mồi ưa thích của chúng là cá như cá mòi dầu Đại Tây Dương, cá ốt vảy nhỏ và các loài giáp xác. Mặc dù nhanh nhẹn dưới nước nhưng chúng khá vụng về trên mặt đất.

Great Auk xuất hiện dọc bờ biển trong mùa sinh sản.

Loài chim này đứng đầu về tính thủy chung, chúng kết đôi trọn đời với một con khác giới duy nhất. Trước thế kỷ thứ 16, số lượng loài này vô cùng dồi dào đến nỗi nhiều thuộc địa nơi chúng làm tổ chứa hàng trăm hàng ngàn con chim lấp kín bờ biển trong mùa sinh sản kéo dài một tháng. Loài vật này sẽ đẻ trứng trên một hòn đá trần trụi. Cả con đực và con cái cùng ấp trứng khoảng 6 tuần trước khi chim con nở. Chúng rời khỏi tổ sau hai đến ba tuần dù vẫn được cha mẹ chăm sóc.

Cho đến lần tuyệt chủng cuối cùng vào giữa thế kỷ thứ 19, loài chim Great Auk này đã băng qua Đại Tây Dương từ Bắc Âu đến Iceland, Canada và miền đông Hoa Kỳ. Theo Trung tâm John James Audubon tại Mill Grove, những con chim cuối cùng xuất hiện trên hòn đảo nhỏ thuộc Stac an Armin, Stb Kilda, Scotland vào tháng 7 -1844, đã bị bắt và giết chết bởi ba người đàn ông từ St Kilda. 

Họ bắt được một "con chim cánh cụt" và nhận thấy đôi cánh nhỏ và đốm trắng lớn trên đầu của nó. Họ trói lại và giam giữ suốt ba ngày cho đến khi cơn bão lớn nổi lên bởi họ tin rằng loài chim biển này hiện thân của phù thủy và là nguyên nhân kéo đến cơn bão, sau đấy họ đánh chúng đến chết bằng một cây gậy. Đây là giống chim Anh duy nhất bị tuyệt chủng trong thời đại lịch sử.

Tuy vậy, Revive & Restore - một viện nghiên cứu tại Hoa Kỳ, đã đưa loài chim này vào danh sách những động vật được tin rằng có thể đưa trở lại và họ quyết tâm theo đuổi dự án này đến cùng.

Có một số lượng mẫu vật Great Auk ở bảo tàng để có thể nghiên cứu - 71 bộ da, 24 bộ xương và 75 quả trứng, thậm chí một số cơ quan nội tạng được bảo quản và các bộ phận khác được hóa thạch cổ đại. Đây là một phần nằm trong kế hoạch lớn hơn với tên gọi "Hóa giải tuyệt chủng", nổi tiếng nhất với kế hoạch đưa trở lại loài voi ma mút.

Razorbill (chim cánh cộc mỏ xoắn).

Matt Ridley, một nhà văn khoa học, người chủ trì cuộc họp mới đây nơi kế hoạch được thảo luận, đã nói với Telegraph rằng: "Thực tế thì Great Auk là loài chim châu Âu duy nhất có khả năng sinh sản bị tuyệt chủng trong 500 năm qua. Đó là một trong số rất ít những loài chim không bay được ở Bắc bán cầu nên rõ ràng là một phần quan trọng trong hệ sinh thái ở phía bắc Đại Tây Dương. Và thật tuyệt khi tin rằng chúng ta có thể đưa nó trở lại."

Các gen quan trọng - hay những đặc tính riêng biệt của loài chim này - sẽ được chỉnh sửa thành các tế bào của thân nhân sống gần nhất của chúng, loài Razorbill (chim cánh cộc mỏ xoắn) hay Alca Torda (hải âu cổ rụt). Tại buổi họp, Tom Gilbert - một nhà khảo cổ học và chuyên gia DNA từ Đại học Copenhagen báo cáo trình tự sơ bộ của ông và xác nhận hệ gen loài Great Auk và Razorbill hoàn toàn tương đồng về mặt di truyền học.

Các nhà khoa học muốn trích DNA của loài Great Auk từ những hóa thạch hoặc cơ quan nội tạng đang được bảo quản, sau đó dùng dữ liệu số để  xâu chuỗi toàn bộ mã di truyền của con vật, hoặc hệ gen. Phôi thai được thụ tinh sau đấy sẽ được cấy vào một con chim đủ lớn để chứa một quả trứng của loài chim Great Auk, và đó có thể là một con ngỗng.

Diễm Anh (theo Daily Mail)
.
.