EU thử nghiệm cảnh sát ảo iBorderCtrl

Thứ Sáu, 09/11/2018, 16:18
Hệ thống “bảo vệ biên giới kỹ thuật số” sẽ thẩm vấn du khách tại một số khu vực biên giới thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực nhằm tăng cường an ninh tại các vùng giao cắt giữa các quốc gia. Được gọi là iBorderCtrl, hệ thống “cảnh sát ảo” được tích hợp thiết bị phát hiện nói dối sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm tra nhân dạng du khách cũng như những gì đựng trong va li của họ.

Hệ thống là một phần trong thử nghiệm kéo dài 6 tháng do Cảnh sát Quốc gia Hungary (ORF) tiến hành tại 4 điểm qua biên giới khác nhau ở Hungary, Latvia và Hy Lạp. Đối tượng thử nghiệm với hệ thống iBorderCtrl là du khách đến từ các quốc gia không thuộc EU. Nếu thành công, công nghệ có thể được triển khai đến các biên giới trên khắp các quốc gia thành viên EU.

Điều phối viên dự án George Boultadakis làm việc cho công ty phần mềm European Dynamics ở Luxembourg cho biết: “Chúng tôi sử dụng các công nghệ được chứng minh hiệu quả nhằm hỗ trợ đặc vụ an ninh tăng tính chính xác và hiệu quả khi thực thi nhiệm vụ tại các điểm kiểm tra biên giới. Hệ thống iBorderCtrl sẽ thu thập dữ liệu sinh trắc học và dấu ấn sinh học của sự lừa dối”.

Nhân viên “bảo vệ biên giới kỹ thuật số” sẽ thẩm vấn du khách khi họ đi qua trạm kiểm soát. Hệ thống hoạt động thông qua máy tính xách tay hoặc điện thoại của du khách, sử dụng camera của thiết bị để ghi hình gương mặt họ khi đưa ra câu trả lời.

Sau đó, hệ thống sử dụng phần mềm AI để quét video đối với loạt 38 “vi cử chỉ” nhằm đánh giá xem du khách có đang nói dối hay không. Các câu hỏi bao gồm: “Có gì trong vali của bạn?” và “Nếu bạn mở vali cho tôi thấy những gì bên trong, điều đó sẽ xác nhận câu trả lời của bạn là đúng hay không?”.

Những người vượt qua bài kiểm tra gắt gao với công nghệ AI sẽ nhận được mã QR được sử dụng tiếp theo để scan xác nhận trước khi băng qua biên giới. Nếu một du khách không vượt qua bài kiểm tra, AI sẽ báo cáo bằng một giai điệu căng thẳng liên tục và đối tượng đáng ngờ sẽ được chuyển đến đặc vụ biên giới.

“Bảo vệ biên giới kỹ thuật số” sẽ thẩm vấn du khách tại một số khu vực biên giới thuộc Liên minh châu Âu.

Trong thử nghiệm thí điểm sắp tới, iBorderCtrl sẽ kiểm tra du khách thực sự, song điều đó sẽ không ảnh hưởng đến khả năng đi lại của họ. Du khách sẽ được đề nghị tham gia cuộc thử nghiệm sau khi vượt qua một trong bốn lần kiểm tra. Phiên bản đầu tiên của hệ thống đã được thử nghiệm đối với 30 tình nguyện viên tại một đường biên giới mô phỏng.

Kết quả cuối cùng cho thấy một nửa số du khách được đánh giá là nói dối, trong khi một nửa còn lại nói sự thật. Qua thử nghiệm, công nghệ AI đã chứng tỏ khả năng đoán chính xác với tỷ lệ 76%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ chính xác của AI trong thế giới thực có thể thấp hơn. Maja Pantic, giáo sư Khoa Vi tính toán hành vi và cảm xúc Đại học Hoàng gia London (Anh), nhận định với tạp chí New Scientist: “Nếu bạn yêu cầu mọi người nói dối, họ sẽ làm điều đó một cách khác biệt đồng thời cũng thể hiện những dấu hiệu hành vi rất khác biệt nếu họ thực sự nói dối dù biết rằng có thể bị ngồi tù hoặc đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu bị bắt giữ. Đây là một vấn đề được biết đến trong tâm lý học”.

Keeley Crockett, nữ tiến sĩ Đại học Manchester Metropolitan (Anh) và thành viên nhóm dự án iBorderCtrl, hy vọng công nghệ “cảnh sát ảo” trong tương lai có thể mang lại tỷ lệ chính xác lên tới 85%. Nhưng, theo Ủy ban châu Âu (EC), với hơn 700 triệu người đi qua các biên giới EU mỗi năm, tỷ lệ thành công trong phát hiện những du khách nói dối sẽ không hoàn toàn đáp ứng mối kỳ vọng của nhóm nghiên cứu dự án iBorderCtrl nếu như vào một ngày nào đó hệ thống được triển rộng khắp EU.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.