FBI tiêu tốn hàng trăm triệu USD cho công nghệ gián điệp bí mật

Thứ Ba, 05/07/2016, 22:00
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tiêu tốn "hàng trăm triệu USD" trong những chương trình phát triển công nghệ gián điệp bí mật sử dụng trong những cuộc điều tra trong nước và liên quan đến an ninh quốc gia, song giới chức FBI không tiết lộ con số chính xác.


Trợ lý phó giám đốc FBI James Burrell tiết lộ về ngân sách bí mật dành cho Đơn vị Chiến dịch Công nghệ (OTD), bộ phận tập trung nghiên cứu phát triển mọi thiết bị tiên tiến nhất phục vụ điều tra cho FBI - từ robot cho đến công nghệ giám sát và máy scanner sinh trắc học cũng như công nghệ mã hóa.

FBI sử dụng công nghệ nhận diện hình xăm để chống tội phạm.

Tháng 12-2015, tờ Washington Post đưa tin về ngân sách dành cho OTD vào khoảng từ 600 đến 800 triệu USD, song lúc đó giới chức FBI không phản ứng gì về thông tin tài chính này. Theo Burrell, OTD có nhiệm vụ tìm kiếm và phát triển công nghệ "đặc biệt sử dụng trong những cuộc điều tra" do đó ngân sách dành cho bộ phận này cũng phải "phù hợp với tình huống".

Trong khi đó, FBI thường không muốn tiết lộ tại các phiên tòa xét xử về công nghệ giám sát an ninh được sử dụng để thu thập bằng chứng trong những cuộc điều tra tội phạm - ví dụ như thiết bị gây tranh cãi Stingrays mô phỏng tháp phát sóng điện thoại di động để lần theo dấu vết đối tượng trong một khu vực địa lý. FBI còn cố gắng phát triển những khả năng công nghệ đắt tiền khác để xâm nhập các thiết bị từ xa.

FBI còn đòi hỏi hơn 100 triệu USD cho OTD và đơn vị an ninh mạng vào năm 2007 - từ đó đẩy số tiền tổng cộng lên đến gần 1 tỷ USD nếu như con số của tờ Washington Post đưa ra là chính xác.

Steven Aftergood, Giám đốc Dự án Bí mật của chính quyền nằm dưới sự điều hành của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), nhận định: "Trong số tất cả những loại bí mật chính quyền, bí mật về ngân sách được coi là khó mà giấu giếm được". Aftergood cũng nhấn mạnh rằng, việc công bố ngân sách được Hiến pháp yêu cầu. Trong khi đó, các cơ quan chính quyền thường không muốn để lộ hay tiết lộ ngân sách nhằm giữ cho một số chương trình bí mật của họ không bị phát hiện.

Hoạt động của OTD bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý của dư luận từ sau vụ nổ súng ở San Bernadino tháng 12- 2015 giết chết 14 người và làm bị thương hơn 17 người. Khai thác thông tin mã hóa cũng là vấn đề quốc gia sau cuộc chiến pháp lý giữa FBI và Công ty công nghệ Apple liên quan đến chiếc iPhone của hung thủ gây ra cuộc thảm sát ở San Bernadino.

FBI tiêu tốn rất nhiều tiền để phát triển công nghệ nhận diện hình ảnh.

James Baker, luật sư hàng đầu của FBI, thừa nhận các khả năng kỹ thuật của FBI điều tra là "có giới hạn" song "bằng cách nào đó chúng tốt hơn và gia tăng thêm từng ngày". OTD sở hữu cơ sở dữ liệu sinh trắc học khổng lồ bao gồm: hình ảnh gương mặt, các mẫu ADN, giọng nói, vân tay, tròng mắt, lòng bàn tay, vết sẹo, hình xăm và những đặc điểm cơ thể khác.

Khi công nghệ nhận dạng hình ảnh phát triển, nó được sử dụng trong những cuộc điều tra tội phạm. FBI đang tạo ra công nghệ nhận diện hình xăm dùng để xác định những nghi can nguy hiểm. Theo cuộc điều tra từ Tổ chức Ranh giới Điện tử (EFF) đặt trụ sở tại San Francisco bang California, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) làm việc cho chương trình "công nghệ nhận diện hình xăm tự động" của FBI từ năm 2014.

Từ đó, chương trình đã thu thập được 15.000 hình ảnh hình xăm từ những đối tượng bị bắt giữ và giam giữ trong nhà tù và con số sẽ được mở rộng đến hơn 100.000 hình ảnh. Thuật toán được sử dụng trong hệ thống nhận diện này để xác định hình xăm và loại mực xăm. Công nghệ nhận diện hình xăm và đánh giá (Tatt-E) còn được NIST cải thiện để có thể so sánh giữa các hình xăm liên quan đến tư tưởng chính trị, niềm tin tôn giáo hay những hình xăm liên quan đến băng nhóm tội phạm.

Trong khi đó ở Anh, các lực lượng cảnh sát đã sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh trong nhiều trường hợp khác nhau, bao gồm một vụ bắt giữ người trong một cuộc điều tra án mạng. Cảnh sát Anh cũng cho biết việc tìm kiếm gương mặt trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia (PND) dẫn đến việc bắt giữ một hung thủ giết người. Những cuộc thử nghiệm công nghệ nhận diện gương mặt được cảnh sát Anh khởi động năm 2014 và khi đó cảnh sát Leicestershire bắt đầu sử dụng hệ thống gọi là NeoFace.

Tuy nhiên, NeoFace đã gây tranh cãi  khi cảnh sát Anh sử dụng nó tại festival nhạc rock ở Công viên Donington thuộc quận Leicestershire. Cảnh sát London cũng sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt;  song giới chức cơ quan tuyên bố đội ngũ "chuyên gia siêu nhận diện" của họ có ích hơn nhiều bởi vì họ không bao giờ quên một gương mặt và có thể phát hiện đối tượng từ cơ sở dữ liệu hình ảnh khổng lồ.

Diên San (tổng hợp)
.
.