FBI phát triển công nghệ nhận diện gương mặt chống tội phạm

Thứ Bảy, 07/05/2016, 09:25
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, vào năm 2008 Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ký hợp đồng trị giá đến 1 tỷ USD với nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin để phát triển đơn vị gọi là Nhận dạng thế hệ mới (NGI) bên trong Trung tâm Công nghệ sinh trắc học (BTC).

Vài năm sau đó, chương trình bắt đầu bước vào giai đoạn thử nghiệm và chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2014. Ngày nay, kho “hình ảnh gương mặt” số của FBI đã tăng vọt đến khoảng 548 triệu hình ảnh và được coi là cơ sở dữ liệu chân dung lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Kho hình ảnh số của FBI bao gồm: ảnh căn cước bọn tội phạm, những phần tử cực đoan bạo lực ở nước ngoài, biển số kiểm soát ôtô và kể cả ảnh căn cước của những người Mỹ chưa bao giờ phạm tội. An ninh được thắt chặt tại trụ sở BTC ở thành phố Clarksburg thuộc bang Tây Virginia miền Đông nước Mỹ. Để vào được bên trong, khách mời phải trải qua đợt kiểm tra nhân thân gắt gao của FBI.

Nhân viên làm việc trong Trung tâm công nghệ sinh trắc học ở Clarksburg.

Năm 1996, nhiều ngày trước khi một tòa án bang Pennsylvania tuyên án tù vì tội quấy nhiễu 3 trẻ em, Lynn Cozart bất ngờ biến mất tăm. Trong suốt nhiều năm trời, các nhà điều tra cố gắng truy tìm tung tích Cozart nhưng tất cả đều vô vọng.

Năm 2015, cảnh sát bang Pennsylvania gửi ảnh căn cước đến NGI. Trong suốt hơn một thập niên chạy trốn công lý, Lynn Cozart đã thay đổi tên họ nhưng gương mặt của hắn không thể che giấu ai được.

FBI phát hiện tấm ảnh do cảnh sát Pennsylvania cung cấp trùng khớp với ảnh trên giấy phép lái xe của một người mang tên David Stone sống ở Muskogee bang Oklahoma và làm việc tại siêu thị Wal-Mart địa phương. Đơn vị đặc nhiệm chống tội phạm đặc biệt của FBI nhanh chóng vào cuộc và bắt giữ Lynn Cozart. Chuyên gia phân tích FBI Doug Sprouse cho biết đây là vụ bắt giữ điển hình chứng minh hiệu quả của công nghệ nhận diện gương mặt kết hợp với các phương pháp sinh trắc học khác.

Tuy nhiên, FBI không phải là cơ quan duy nhất sở hữu kho dữ liệu sinh trắc học quý giá phục vụ điều tra tội phạm. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lưu trữ khoảng 6 triệu bức ảnh của các chiến binh cực đoan hải ngoại trên các ổ cứng đặt trong căn phòng rộng lớn cỡ sân bóng đá.

Khi người dân đăng ký thi lấy giấy phép lái xe với Cục Quản lý xe có động cơ (DMV), ảnh của họ cũng được gửi đến NGI để đối chiếu với dữ liệu tội phạm và lưu trữ. Ban đầu, FBI triển khai chương trình sinh trắc học của cơ quan đến 2 bang Michigan và Arkansas và kể từ đó có thêm 16 bang khác lần lượt gia nhập. Doug Sprouse hy vọng sẽ có thêm nhiều bang khác ở Mỹ đăng ký gia nhập chương trình vào cuối năm 2016 giúp NGI sở hữu thêm hàng triệu bức ảnh khác.

Giới chức FBI tuyên bố dữ liệu của NGI chỉ nhằm chống tội phạm, song việc sử dụng các bức ảnh từ DMV đặc biệt gây lo ngại cho các tổ chức nhân quyền. Ví dụ, 2 tổ chức nhân quyền nổi tiếng nhất của Mỹ - Tổ chức Ranh giới điện tử (EFF) và Trung tâm thông tin quyền riêng tư Điện tử (EPIC) – đã nộp đơn kiện NGI lên tòa án về hành vi thu thập ảnh cá nhân.

Jeramie Scott.

Jeramie Scott, luật sư làm việc cho EPIC, lo ngại chương trình thu thập dữ liệu sinh trắc học của FBI có thể nhanh chóng dẫn đến việc vi phạm quyền riêng tư công dân trên diện rộng. Scott đưa ra ví dụ ở San Diego, một số cảnh sát luôn mang theo thiết bị di động cho phép họ quét gương mặt tài xế bất cứ lúc nào bất chấp đối tượng có bị bắt giữ hay không. Ngoài ra, mối lo ngại lớn của Scott là chuyện gì sẽ xảy đến nếu như phần mềm nhận diện gương mặt của NGI cho ra kết quả sai.

Năm 2013, Scott lập hồ sơ kiện FBI để có được tài liệu nội bộ cơ quan này về phần mềm. Sau khi thắng kiện và có trong tay những tài liệu cần thiết, Scott phát hiện NGI chấp nhận giới hạn sai lầm của phần mềm đến mức 20%. Trong khi đó, giới chức FBI trấn an rằng chương trình nhận diện gương mặt chắc chắn sẽ không dẫn đến những vụ bắt giữ sai lầm, bởi vì không ai bị tống vào tù chỉ vì đơn thuần dựa vào kết quả do phần mềm cung cấp.

Hamid Khan.

Sau vụ tranh cãi ồn ào giữa FBI và Công ty công nghệ Apple về vấn đề giải mã điện thoại iPhone của một phần tử khủng bố, giới quan sát nhân quyền và quyền riêng tư phát đi cảnh báo những chương trình thu thập dữ liệu sinh trắc học giống như NGI đang vi phạm các quyền công dân một cách trắng trợn. Họ đồng thanh cho rằng chương trình sinh trắc học của FBI là sự mở rộng của một loạt công nghệ gián điệp quân sự hiện đại - từ những chiếc máy bay không người lái (drone) cho đến thiết bị nghe lén điện thoại di động StingRay.

Hamid Khan, nhà hoạt động về quyền riêng tư ở Los Angeles và người thành lập tổ chức Stop LAPD Spying, khẳng định: “Những gì chúng ta đang nhìn thấy là những chiến thuật chống khủng bố và chống nổi loạn đang được hệ thống thành luật như thế nào. Về cơ bản, tất cả chúng ta đều là nghi phạm”.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.