Ghana trước vấn nạn ô nhiễm rác điện tử

Thứ Tư, 23/12/2020, 11:00
Cũng như phần lớn những ngành công nghiệp khác, công nghiệp điện tử ngày càng phát triển thì rác thải mỗi lúc một nhiều hơn. Để đổ bỏ, các "ông lớn" thường chọn những quốc gia nghèo đói, chậm phát triển làm bãi rác với cái tên rất hiền lành: Hàng đã qua sử dụng!

Và Ghana ở châu Phi là một trong những bãi rác "đã qua sử dụng" với vô vàn những thứ giết người từ từ…

1. Ngày làm việc của chàng thanh niên 28 tuổi Abdullah Boubacar bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng tại bãi rác công nghiệp Agbogbloshie nằm ở ngoại ô thủ đô Accra, Ghana, nơi mà lúc nào cũng có những cuộn khói màu trắng đục, nặng nề bốc lên không trung cùng cái mùi axit tạo ra bởi những bó dây điện, những cụm linh kiện cao su bị đốt bỏ.

Abdullah Boubacar nói: "Hồi còn bé ở thị trấn Tamale, tôi rất ham thích bóng đá và đã từng mơ ước trở thành cầu thủ nhưng bây giờ thì hết rồi. Tôi bị loét dạ dày, viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Da tôi thỉnh thoảng lại rộ lên từng đợt ngứa ngáy, chưa kể đôi lúc tôi còn cảm thấy buồn nôn…".

Những ngôi nhà tồi tàn nằm cạnh bãi rác điện tử là nơi kiếm sống của hàng chục nghìn người nghèo ở Agbogbloshie.

Abdullah Boubacar chỉ là 1 trong số 10.000 người Ghana chọn bãi rác Agbogbloshie làm nơi kiếm sống. Nằm bên bờ đầm Korle cùng với khu ổ chuột Old Fadama, đây là nơi cư ngụ của khoảng 80.000 cư dân. Họ là những người nghèo nhất trong số 1,7 triệu người ở thủ đô Accra, phần lớn đến từ phía bắc Ghana và các quốc gia lân cận như Niger, Mali và Bờ Biển Ngà.

Dưới sự chỉ huy của các "đầu nậu", họ làm việc tại các "bãi rác kỹ thuật số" - kể cả trẻ con 12, 13 tuổi - phân loại sản phẩm để lấy tiền công mà người nhiều nhất cũng chỉ khoảng 250USD/ tháng. Những sản phẩm đã phân loại được "đầu nậu" bán cho những cơ sở tái chế, trong đó nhiều thứ sau khi lắp ráp theo kiểu "đầu gà đít vịt", chẳng hạn như máy giặt, tivi, bếp từ, máy vi tính, máy đun nước nóng…, nó lại được bán cho những người Ghana ít tiền.

Ngày nối tiếp ngày, dòng người len lỏi qua những quả đồi hình thành bởi hàng trăm nghìn cái vỏ nhựa tháo ra từ những đồ điện tử hư hỏng. Cũng trong những quả đồi ấy là cả tấn dây điện, màn hình tivi, máy tính thế hệ cũ, khung nhôm, mạch bán dẫn… Mogadouou, làm nghề tách dây điện để lấy đồng cho biết dụng cụ của anh chỉ là một lưỡi dao nhỏ.

Sau khi rạch đứt sợi dây điện theo chiều dọc, anh lột nó ra, lấy hết lõi đồng còn lớp vỏ nhựa thì chất thành đống rồi đốt. Bỏng da, các thương tích tạo nên bởi những vật sắc cạnh, nhiễm trùng, các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da là điều thường thấy ở đây, nơi được mệnh danh là "một trong những điểm đến lớn nhất thế giới của rác thải điện tử", chưa kể chất dioxin trong rác điện tử có thể gây ung thư và làm hỏng hệ thống miễn dịch của cơ thể gấp 220 lần.

Phần lớn những loại rác điện tử nêu trên được gửi bất hợp pháp từ phương Tây trong những container dán nhãn "hàng đã qua sử dụng". Nó là kết quả của nhu cầu ngày càng tăng khi người tiêu dùng loại bỏ những thiết bị đã lỗi thời để đổi lấy những thứ mới hơn, tối tân hơn.

Theo một báo cáo do Liên Hợp Quốc công bố hồi đầu năm nay, có khoảng 50 triệu tấn rác điện tử bị vứt bỏ mỗi năm và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 nhưng chỉ 20% được cho là tái chế một cách thích hợp. Phần còn lại "kết thúc ở bãi rác hoặc xử lý bởi những lao động phi chính thức trong những điều kiện tồi tệ".

Và cũng như Abdullah Boubacar, Abdrahaman Daouda, 34 tuổi, từ Niger đến bãi rác Agbogbloshie, Ghana, hai năm trước. Anh nói: "Thất nghiệp quá tồi tệ, cha tôi luôn than phiền vì tôi không có việc làm. Bởi vậy tôi phải đến đây…".

Theo Daouda, trung bình mỗi ngày anh kiếm được khoảng  40 cedis (đơn vị tiền tệ Ghana, tương đương 7,50 USD) từ việc thu gom kim loại vụn, vì "những thứ bán được giá hơn thì đã có người giành lấy rồi". Chỗ ở của Daouda là một cái lán che bằng những tấm nylon, chung với 6 người Niger khác. Ước mơ lớn nhất của anh là đến một ngày nào đó, anh kiếm đủ tiền thế chân để thuê một chiếc taxi.

2. Theo một thống kê chưa đầy đủ, Ghana nhập khẩu khoảng 150.000 tấn hàng điện tử đã qua sử dụng mỗi năm nhưng con số thật có thể cao hơn nhiều bởi lẽ các "ông lớn" trong ngành phế liệu điện tử thường bán với giá rẻ hơn so với giá phế liệu phải được tái chế đúng cách, nhất là những loại có chứa hóa chất độc hại.

Những phế liệu này giúp Abdullah Boubacar kiếm được 8 USD.

Và mặc dù Công ước Basel, Liên Hợp Quốc có hiệu lực từ năm 1989 đã cấm các quốc gia phát triển đổ rác thải điện tử trái phép ở các nước kém phát triển nhưng nào có hề gì. Với danh nghĩa "hàng đã qua sử dụng" - nghĩa là không phải rác thải - các "ông lớn" vẫn điềm nhiên tuồn hàng nghìn, thập chí hàng chục nghìn container đến "những nơi cần đến" với sự tiếp tay của một số nhân viên hải quan sở tại. Nếu chẳng may bị phát hiện, biện pháp duy nhất chỉ là phạt tiền rồi buộc phải tái xuất nhưng hầu như chuyện tái xuất là chuyện hiếm khi xảy ra.

Sau vài tháng hoặc vài năm, những container phế liệu điện tử nằm lưu kho ở cảng được phép "thanh lý" và người mua chẳng ai khác hơn là những người đã đứng ra nhập, hoặc các chân rết của họ. Điều này có thể nhìn thấy tại cảng Tema, khoảng 32km về phía đông bãi rác Agbogbloshie khi những chiếc cần cẩu khổng lồ bốc từng container từ những chiếc tàu rồi chất lên xe đầu kéo. Mất gần 1 tiếng, đoàn xe đầu kéo về đến bãi rác, nơi có hàng nghìn con người đang đợi sẵn.

Obuasi, một thợ lựa rác nói: "Dưới sự phân công của các "đầu nậu", chúng tôi chia thành nhiều nhóm. Nhóm thu hồi các vật dụng bằng nhựa, nhóm thu hồi màn hình máy tính, tivi, nhóm lấy dây điện cùng các kim loại khác. Đến cuối ngày, "đầu nậu" cân đong đo đếm sản phẩm rồi trả tiền…". Bà Kwahu cho biết thêm: "Tôi không dám nói với gia đình tôi ở Bờ Biển Ngà là tôi sang Ghana để nhặt rác vì đó là công việc độc hại và bẩn thỉu. Nhưng biết thế nào được, không làm thì không có tiền".

Những linh kiện, thiết bị lấy ra từ rác thải điện tử sẽ đi về đâu? Để tìm câu trả lời, cần phải rời Agbogbloshie rồi mất 10 phút taxi đến Bugi Computers, một cơ sở nhỏ chuyên sửa chữa và tân trang thiết bị điện tử thuộc sở hữu của Nzema, cư dân trong vùng. Tại đây, trong căn phòng chỉ khoảng 12 mét vuông, chất đầy những chiếc máy tính xách tay cùng những linh kiện mua ở bãi rác. Steve Edison, thợ sửa máy tính tự học, làm công cho Nzema đang cắm cúi sửa một chiếc máy tính của khách hàng.

Steve nói khi vẫn hàn một bảng mạch: "Nếu thứ gì đó bị hỏng, tôi sẽ chọn lựa đồ thay thế trong đống linh kiện kia. Cần gì cũng có, mà toàn là đồ của những hãng danh tiếng như Compaq, IBM, Acer, Toshiba, Macintosh…". Theo Nezma, cửa hàng của ông trung bình nhận sửa khoảng 10 máy tính xách tay mỗi ngày, và bán được 2 đến 3 chiếc lắp ráp từ những phế liệu.

Ông nói: "Nó chạy rất tốt. Cho đến nay hầu như tôi chưa hề gặp phải sự than phiền nào. Gọi là phế liệu chứ thật ra nó chính là những máy tính còn nguyên vẹn, đã cũ, hoặc chỉ hư hỏng vặt nhưng người dân ở những nước giàu không muốn sử dụng nữa. Họ thích những cái mới hơn, nhiều tính năng hơn…".

Tương tự như vậy, tại khu chợ trời ở thủ đô Accra, những dãy cửa hàng nằm liền kề nhau, bán máy giặt, lò nướng, bếp từ, tivi, tủ lạnh…, tất cả đều là hàng tái chế từ nhiều nguồn nên chẳng có gì lạ khi một chiếc tivi vỏ ngoài nhãn hiệu Daytona nhưng màn hình bên trong lại là của General Electric! Krobo, chủ một cửa hàng máy giặt cho biết ông sẵn sàng bảo hành 6 tháng cho người mua vì sản phẩm của ông được "lắp ráp từ những linh kiện tốt nhất". Ông nói: "Với người nghèo ở đây, bỏ ra 80USD để không phải giặt quần áo bằng tay là hạnh phúc lắm rồi…".

Công việc kinh doanh của Nezma cũng như Krobo không phải là duy nhất ở Agbogbloshie. Có hàng nghìn cơ sở lắp ráp, sửa chữa và tân trang tương tự trên khắp đất nước Ghana, phục vụ cho những người tiêu dùng không đủ tiền mua máy mới. Nghiên cứu chi tiết nhất về vấn đề thiết bị điện tử đã qua sử dụng thực hiện năm 2009 bởi Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc cho thấy Ghana đã nhập khẩu 215.000 tấn "thiết bị điện và điện tử" trong năm này.

10% trong số đó là thiết bị mới nhưng lỗi thời, 55% là hàng đã qua sử dụng, 20% cần sửa chữa và 15% - tức khoảng 22.575 tấn được đưa ra bãi rác để tháo lấy linh kiện nhưng con số này chưa bằng 1% trong tổng số 2,37 triệu tấn rác thải điện tử do nước Mỹ tạo ra năm 2009, cũng như 41,8 triệu tấn rác thải điện tử trên toàn cầu vào năm 2015. Riêng nước Anh, một cuộc điều tra năm 2011 của Đài BBC cho thấy hơn 100.000 tấn rác thải điện tử được đưa ra khỏi quốc gia này mỗi năm và điểm đến của 77% trong số đó là Ghana và Nigeria.

3. Nói một cách công bằng, các hoạt động xử lý rác thải điện tử ở Ghana duy trì sinh kế cho ít nhất 200.000 người trên toàn quốc, mang lại 105 đến 268 triệu USD mỗi năm nhưng theo ông Stephan Sicars, giám đốc môi trường tại Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc, vấn đề rác thải điện tử có thể trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng đến rất nhiều cộng đồng dân cư nếu không được giải quyết.

Với đôi tay trần, họ bới móc rác thải để tìm những thứ bán được.

Ông nói: "Người nghèo phải kiếm sống bằng cách đánh đổi. Họ làm ra tiền nhưng mạng sống của họ bị ảnh hưởng bởi những bệnh ngoài da và tồi tệ nhất là những bệnh về đường hô hấp bởi lượng ô nhiễm các hóa chất độc hại ở đây quá cao, nhất là các vật chất dạng hạt".

Và không chỉ ô nhiễm không khí, nguy cơ sức khỏe còn đến từ các chuỗi thức ăn. Khu vực Agbogbloshie là nơi có chợ thực phẩm lớn nhất Accra, trong lúc từng đàn gia súc gầy còm được thả rông, kiếm ăn trên bãi rác. Một báo cáo gần đây của nhóm môi trường Ipen và Mạng lưới hành động Basel cho thấy Agbogbloshie chứa một số hóa chất độc hại nhất trên trái đất. Các khảo sát của Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu cũng chứng minh rằng trứng của những con gà nuôi ở bãi rác Agbogbloshie có hàm lượng dioxin vượt gấp hàng chục lần cho phép.

Cuối cùng thì chính phủ Ghana cũng đã ra tay. Năm 2016, Quốc hội nước này thông qua Đạo luật quản lý và kiểm soát chất thải điện tử nguy hại, nội dung yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký với Cơ quan bảo vệ môi trường Ghana, nộp thuế sinh thái cho những lô hàng rác thải nhằm hỗ trợ việc thực thi khung pháp lý về quản lý chất thải điện tử.

Bên cạnh đó, được sự tài trợ bởi Cộng đồng chung châu Âu, dự án "E-MAGIN Ghana" bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2018 với mục đích cải thiện việc quản lý chất thải điện tử ở Ghana để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường bằng cách hợp thức hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong việc thu gom, tháo dỡ và tái chế thiết bị điện tử, ban hành cơ chế thu gom rác thải điện tử, phổ biến các phương pháp tốt nhất để quản lý rác thải điện tử thông qua đào tạo nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức về rủi ro cùng các vấn đề liên quan giữa tất cả các bên tham gia, gồm người thu gom, nhà tái chế, nhà phân phối, nhà bán buôn, bán lẻ, nhân viên xử lý và cộng đồng địa phương, hỗ trợ chính quyền bằng các nghiên cứu, đối thoại chính sách…

Tuy nhiên, khi sự thèm muốn những loại hàng điện tử tối tân của người tiêu dùng trên thế giới không ngừng tăng lên thì biện pháp ngăn chặn việc đổ rác thải điện tử bất hợp pháp cùng những tác động tàn phá mà nó gây ra với những vùng như Agbogbloshie vẫn sẽ là bài toán nan giải…

Vũ Cao (Theo World Politics - Electronic Waste in Ghana)
.
.