Giải mã những vụ dùng thuốc mê gây án

Thứ Tư, 26/09/2018, 20:43
Cuối tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội xảy ra vụ việc một nữ sinh viên thuê trọ tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bị đối tượng xấu dùng thuốc kích dục gây mê thực hiện hành vi hiếp dâm. Nguy cơ tội phạm sử dụng các loại thuốc gây mê để gây án là có thật khi hiện nay, những thứ thuốc độc này được bán tràn lan trên mạng nhưng hầu như không được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ...

Từ thuốc kích dục gây mê...

Gã trai đồi bại mới bị Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố bị can về tội “Hiếp dâm” có tên Nguyễn Văn Tâm (27 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Gã làm nghề thợ sửa chữa điện lạnh tự do tại Hà Nội. Tâm đã có vợ con ở quê và người vợ mới sinh con nhỏ. Qua quan hệ bên nhà vợ, Tâm biết chị Trần Thị M., là chị họ của vợ đang học đại học tại Hà Nội và thuê trọ tại quận Bắc Từ Liêm.

Sau khi biết địa chỉ nơi chị M. đang ở trọ, Tâm đã tìm đến thăm hỏi với danh nghĩa em họ. Thấy chị M. xinh xắn, trẻ trung, trong đầu gã em họ nảy sinh lòng tà dâm. Lấy cớ đi làm gần khu vực chị M. ở, gã năng qua lại, bữa thì “xin cốc nước”, bữa thì “xin bát cơm”, thực chất để dò la sinh hoạt của chị M. Vài lần buông lời tán tỉnh nhưng thấy chị M. không đáp lại, Tâm nảy ý đồ đen tối là hiếp dâm chị họ vợ.

Để thực hiện âm mưu này, đầu tháng 8-2018, gã lên mạng xã hội tìm hiểu về các loại thuốc kích dục dành cho phụ nữ. Qua mạng Zalo, Tâm thấy một tài khoản có rao bán rất nhiều loại thuốc kích dục, trong đó quảng cáo tính năng, tác dụng, cách sử dụng của từng loại. Sau khi tìm hiểu, Tâm quyết định đặt mua một lọ nước hoa kích dục gây mê cho nữ có giá 250.000 đồng. Khoảng vài ngày sau khi đặt hàng thì Tâm nhận được lọ nước hoa do shipper chuyển đến. Gã luôn mang lọ nước hoa theo người, chờ cơ hội sử dụng với chị M.

Đối tượng Nguyễn Văn Tâm và hiện trường vụ án dùng thuốc kích dục gây mê để hiếp dâm.

Cơ hội đến với gã vào trưa ngày 27-8. Khi ghé qua phòng trọ của chị M. chơi, gã thấy chị ở một mình, những người cùng trọ đi vắng hết. Lấy lý do “xin chị bữa ăn trưa” để chị M. phải cho gã vào trong phòng. Tâm lén lấy lọ nước hoa kích dục ra, bôi lên tóc mình rồi chọn hướng gió ngồi nói chuyện sao cho chị M. hít phải nước hoa.

Khoảng 5 phút sau, chị M. thấy người choáng váng, kêu đau đầu, mệt và theo phản xạ, chị lên giường nằm. Thấy chị M nằm bất tỉnh trên giường, Tâm thử lay gọi nhưng chị không có phản ứng. Biết chị M. đã ngấm thuốc mê, gã em họ liền thực hiện ý đồ xấu xa.

Bệnh hoạn hơn, lợi dụng lúc chị M. mê man không biết gì, gã còn lấy điện thoại quay, chụp ảnh chỗ kín của nạn nhân, sau đó bỏ đi. Trơ tráo và bỉ ổi, gã còn nhắn tin cho chị M. thông báo đã hiếp dâm và bảo chị đi mua thuốc tránh thai uống. Sau khi tỉnh lại, biết mình bị gã em họ xâm hại tình dục trong tình trạng hôn mê, chị M. đã tới Cơ quan công an trình báo.

Ngày 28-8, sau khi thu thập các tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Tâm về hành vi hiếp dâm. Để làm rõ loại thuốc gây mê mà Tâm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định độc chất trong máu đối với nạn nhân Trần Thị M.

Trước đó, năm 2012, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ án một nữ sinh viên bị các đối tượng xấu dùng thuốc kích dục để “hại đời”. Đối tượng chủ mưu là Trần Quang Chiến (SN 1968, phó giám đốc một công ty sản xuất tấm lợp) dùng tiền để nhờ Nguyễn Thị Quy (SN 1986, nguyên kiện tướng vật tự do) tìm giúp những cô gái nhà lành để ông ta thỏa mãn thú tính bệnh hoạn.

Tham tiền, Nguyễn Thị Quy đã  lôi em họ là Nguyễn Văn Tuân (SN 1993, sinh viên Đại học TDTT) cùng tham gia, đi tìm những cô gái nhẹ dạ đưa tới nhà “đại gia” Nguyễn Quang Chiến. Tuân và Quy đã tìm được Nguyễn Thị N. (20 tuổi, sinh viên), lấy cớ rủ đến nhà liên hoan để “dâng” cho Chiến.

Sau khi bị các đối tượng ép uống bia, N. thấy người nóng bừng, sau đó mệt và buồn ngủ, không kiểm soát nổi bản thân và đã bị Trần Quang Chiến thực hiện hành vi bỉ ổi. Khi tỉnh lại, N. tìm cách thoát ra ngoài và tới Cơ quan công an trình báo. Các đối tượng Chiến, Quy và Tuân đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử về tội “Hiếp dâm”. 

...đến các loại thuốc mê nguy hiểm

Theo chuyên gia gây mê phân tích, trong thành phần nước hoa kích dục có 2 chất: Pheromone và Alkylnitrites. Chất Pheromone là một hoóc môn xã hội được xem như một hệ thống thông tin sinh học của cơ thể được chiết xuất, có nguồn gốc với các nội tiết tố sinh dục nam và nữ. Còn chất Alkylnitrites, khi hít phải sẽ dẫn đến hiện tượng nhức đầu; nếu quá liều sẽ gây khó thở, loạn nhịp tim, suy tim mạch, nhiễm độc cho gan, thận, kích thích niêm mạc phổi và da, có thể gây tím tái, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, Alkylnitrites còn gây dãn mạch, hạ huyết áp ngắn, chóng mặt, bừng nóng mặt, tim đập nhanh. Các triệu chứng này có thể xuất hiện trong ít giây và biến mất trong vài phút tùy liều lượng sử dụng. Tuy nhiên, Alkylnitrites dễ bị phân hủy và thải trừ nhanh khỏi cơ thể nên sau đó người hít phải sẽ tỉnh lại. Chính vì hiện tượng gây nóng bừng mặt nên người ta nghĩ đến tác dụng “kích dục”. 

Các sản phẩm thuốc kích dục hầu như không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên rất nguy hiểm cho người sử dụng vì liều lượng, tá dược, cách sử dụng... hoàn toàn chỉ theo hướng dẫn của người bán hoặc truyền miệng. Do được ngụy trang dưới các dạng hàng tiêu dùng khá phổ biến (như nước hoa, kẹo singum) nên nạn nhân rất dễ mắc bẫy kẻ xấu, nhất là đối với các bạn nữ bị rơi vào bẫy kẻ săn tình.

Nếu như trước đây, các loại thuốc kích dục được bán lén lút tại một số khu vực theo sự kháo nhau của dân chơi thì nay được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook và trên mạng Internet. Đáng chú ý, ngoài loại nước hoa kích dục có tác dụng khiến nạn nhân mê man, có rất nhiều loại thuốc mê cũng được rao bán giống như các sản phẩm tiêu dùng khác.

Các loại thuốc gây mê rao bán tràn lan trên mạng là nguy cơ tiếp tay cho tội phạm.

Chỉ nhập cụm từ “thuốc mê giá rẻ”, hay “thuốc kích dục giá rẻ”, lập tức trong vòng mấy giây sẽ cho hàng nghìn kết quả, trong đó nổi bật là những trang bán hàng online có quảng cáo bán thuốc mê, thuốc kích dục các loại, từ dạng viên uống, dạng nước đến dạng xịt... có giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/lọ.

Một bác sĩ chuyên khoa gây mê cho biết, trong y học, có 2 loại thuốc mê được sử dụng là thuốc mê theo đường hô hấp và thuốc mê đường tĩnh mạch. Những loại thuốc mê sử dụng trong phẫu thuật được quản lý chặt chẽ theo quy định của ngành y tế, rất khó để lọt ra ngoài. Thế nhưng, trên thị trường tự do và đặc biệt trên mạng Internet, các loại thuốc gây mê lại được các đối tượng rao bán và hầu như không kiểm soát được.

Trên các trang bán hàng này không ghi địa chỉ người bán mà chỉ có số điện thoại liên hệ. Người mua có thể chat hoặc gọi điện thoại cho người bán, thỏa thuận phương thức chuyển tiền và giao hàng. Mặc dù người bán đều lưu ý “chỉ sử dụng thuốc vào mục đích chữa bệnh chính đang được pháp luật công nhận, nghiêm cấm sử dụng thuốc vào mục đích phạm tội gây hại cho người khác” nhưng thử hỏi với hình thức giao dịch chỉ trên điện thoại và trên mạng, giữa người mua và người bán không biết mặt nhau thì những “khuyến cáo” này liệu có giá trị gì?

Vào một trang bán hàng có tên “shop thuốc ngủ - thuốc mê” của người bán hàng là “Mr Dũng, số điện thoại 097834...”, một loại thuốc mê dạng xịt khí có tên Forane được quảng cáo: “Có tác dụng gây mê cực mạnh, chỉ cần ngửi phải hơi thuốc là sau vài giây bạn sẽ rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh ngay lập tức mà chẳng biết chuyện gì nữa, phải 2-3 tiếng sau khi thuốc hết tác dụng mới có thể tỉnh lại”.

Đặc biệt, loại thuốc mê này được hướng dẫn cách sử dụng rất chi tiết như xịt trực tiếp, tẩm thuốc vào khăn cho lên mũi... Còn nếu sử dụng thuốc cho người khác thì “nên đứng xa với khoảng cách an toàn từ 1m, cầm chai thuốc thẳng cánh tay hướng về phía người đó xịt từ 3-4 lần; nên nín thở hoặc mang khẩu trang...”.

Ở một shop thuốc online khác có tên “muathuoc18...” rao bán một loại thuốc mê hết sức nguy hiểm - “thuốc thôi miên Scopolamine - hơi thở của quỷ” được quảng cáo là có xuất xứ từ Colombia. Thuốc không mùi, không màu, không vị. Khi hít phải thuốc này, người ta sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái vô nhận thức, mất trí nhớ tạm thời, đưa con người ta vào trạng thái bị thôi miên không ý thức được gì nữa giống như trẻ em vậy. Khi tỉnh lại, người ta không tài nào nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra...

Thuốc cho tác dụng gây thôi miên cực nhanh, chỉ sau 1-2 phút dùng sẽ rơi vào trạng thái thôi miên ngay lập tức và tỉnh lại sau 1 tiếng. Không chỉ quảng cáo kỹ công dụng của loại thuốc “thôi miên” này, người bán còn hướng dẫn kỹ cách sử dụng như pha vào đồ uống hoặc đồ ăn với tỷ lệ 5-10 giọt thuốc/100ml, xịt trực tiếp hoặc tẩm thuốc vào chiếc khăn để ngửi...

Ẩn họa khôn lường

Trong y học, việc sử dụng thuốc mê trong phẫu thuật phải dựa trên thể trạng, cân nặng của bệnh nhân. Tuy nhiên, khi thuốc mê rơi vào tay kẻ xấu, việc sử dụng quá liều lượng nhằm đầu độc nạn nhân có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Điển hình như đầu năm 2017, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ “nữ quái gây mê” Phạm Thị Kim Loan (46 tuổi, ở quận Thủ Đức), đối tượng chuyên hạ độc các tài xế bằng thuốc mê để cướp tài sản.

Theo đó, người đàn bà này chuyên đi “săn” các lái xe taxi, xe ôm rồi lấy cớ mời bia, mời nước uống để lén bỏ thuốc mê đầu độc họ. Đêm 25, rạng sáng 26-3-2017, Loan mang theo thuốc mê trong người rồi đi tìm tài xế taxi gây án. Nạn nhân là ông H (50 tuổi, lái xe taxi) được Loan thuê đón từ Gò Vấp chở đi Thủ Đức.

Trên đường đi, người đàn bà này dùng chiêu trò gạ gẫm để lái xe dừng lại cho cô ta mua bia và bò khô. Khi xe dừng lại ở một hẻm vắng, “nữ quái” đã cho thuốc mê vào bia để chuốc tài xế khiến nạn nhân mê man, bất tỉnh. Loan cướp điện thoại, tiền của tài xế rồi tẩu thoát. Tài xế taxi này mặc dù được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Cũng theo phân tích của chuyên gia gây mê, trong các vụ án cướp tài sản như trên, đối tượng thường dùng thuốc ngủ liều cao pha vào nước uống để đầu độc nạn nhân. Ngoài ra, cũng có thông tin về việc đối tượng xấu dùng thuốc mê để “thôi miên”, cướp tài sản. Nạn nhân khi tỉnh lại thường trong trạng thái nhức đầu, hoảng loạn, không nhớ chuyện gì đã xảy ra.

Chuyên gia gây mê cho biết, đối với các loại thuốc mê dạng khí, sau khi hít phải, thuốc sẽ đi qua các mao mạch trong mũi rồi đi thẳng lên não khiến nạn nhân mất kiểm soát tri giác tạm thời, buồn ngủ, tạo ảo giác. Đối với thuốc mê dạng khí, trong phẫu thuật sau khi dùng thuốc khoảng 10-15 phút là bệnh nhân tỉnh.

Do đó, trong các vụ án nghi bị “đánh thuốc mê”, nếu đối tượng sử dụng thuốc mê dạng khí thì việc xét nghiệm máu của nạn nhân để tìm độc chất gặp khó khăn bởi thời gian đào thải nhanh, chưa kể khi nạn nhân tỉnh táo để trình báo Cơ quan công an cho đến lúc được lấy mẫu máu xét nghiệm đã trải qua nhiều giờ đồng hồ, khi đó thuốc mê đã đào thải hết.

Những thông tin đối tượng xấu sử dụng thuốc mê “thôi miên” cướp tài sản lan tràn trên mạng xã hội mà chưa có kiểm chứng khiến người dân hoang mang. Tuy nhiên, thực tế các loại thuốc độc này được rao bán tràn lan trên mạng đã dẫn đến nguy cơ tiếp tay cho tội phạm sử dụng gây án là có thật, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Duy Trần
.
.