Hacker tấn công mạng máy tính hãng phim Sony

Thứ Sáu, 19/12/2014, 21:05
Hãng phim Sony Pictures Entertainment - studio sản xuất hai bộ phim truyền hình "The Amazing Spider-Man" và "The Blacklist" - đã khôi phục lại được các hệ thống máy tính của mình sau vụ tấn công chiếm quyền điều khiển của một nhóm tự xưng là GOP (Guardians of Peace - Những người gìn giữ hòa bình) diễn ra hôm 24/11 và đánh cắp 5 bộ phim trong đó gồm 4 phim chưa được công chiếu.

Ngoài ra, hacker còn đánh cắp dữ liệu về các báo cáo giao dịch, bảng lương và thẻ tín dụng của hơn 6.000 nhân viên của công ty. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã vào cuộc điều tra đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ đề phòng mối đe dọa tương tự.

Hôm 24/11, nhân viên Hãng phim Sony Pictures Entertainment không khỏi bất ngờ vì hệ thống máy tính ngưng hoạt động đồng thời trên màn hình xuất hiện hình ảnh xương sọ người màu đỏ cùng với dòng chữ "Hacked by GOP" (bị hack bởi GOP). Sau vụ tấn công, các bộ phim chưa được công chiếu của Sony bị phát tán trên Internet - trong đó bao gồm phim nhạc kịch "Annie" và "Mr. Turnet" dự kiến sẽ phát hành vào ngày 19/12 tới, cùng với phim "Write Love on Her Arms" sẽ phát hành vào tháng 3/2015.

Màn hình xuất hiện hình ảnh xương sọ người màu đỏ cùng với dòng chữ "Hacked by #GOP" (bị hack bởi GOP).

Hai bộ phim khác nói về Thế chiến II "Fury" (với sự tham gia của ngôi sao Brad Pitt) và "Still Alice". Để khắc phục hậu quả, Sony phải thuê đội chuyên gia Madiant của Công ty an ninh mạng FireEye. Một số chuyên gia an ninh cho rằng, CHDCND Triều Tiên có trách nhiệm trong vụ này do Hãng phim Sony chuẩn bị công chiếu bộ phim hài "The Interview" (Cuộc phỏng vấn) vào ngày 25-12 sắp tới trong đó xoay quanh câu chuyện Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tuyển mộ 2 nhà báo truyền hình nổi tiếng (do Seth Rogen và James Franco thủ vai) phỏng vấn nhà lãnh đạo Kim Jong- un của nước này đồng thời thực hiện âm mưu ám sát!

Tháng 6/2014, Cơ quan Thông tấn Trung ương CHDCND Triều Tiên (KCNA) đưa tin, người phát ngôn của chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố bộ phim "The Interview" là "hành động khủng bố và gây chiến rõ ràng" và đe dọa sẽ có "những biện pháp trả đũa mạnh mẽ và tàn khốc" nếu chính quyền Mỹ "bảo trợ cho bộ phim". Tuy nhiên, người phát ngôn cho Sony Pictures Entertainment từ chối bình luận về sự dính líu của CHDCND Triều Tiên trong vụ tấn công, mà chỉ phát biểu: "Vụ đánh cắp nội dung phim của Sony là hành động tội phạm, và chúng tôi đang làm việc với cơ quan hành pháp để xử lý vụ việc".

Hai phóng viên trong bộ phim "The Interview" - James Franco (trái) và Seth Rogen.

Đây không phải là lần đầu tiên Sony bị hacker tấn công. Tháng 8/2014, mạng PlayStation của Sony cũng bị đánh sập bởi một nhóm hacker sử dụng kỹ thuật phổ biến gọi là từ chối dịch vụ (DDoS). Năm 2011, mạng game của Sony cũng là mục tiêu tấn công chiếm quyền điều khiển máy tính và đánh cắp dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng đăng nhập PlayStation Network, Qriocity và Sony Online. Theo các chuyên gia, nhóm hacker sử dụng các công cụ tương tự trong vụ tấn công mang tên gọi chiến dịch "Dark Seoul" làm tê liệt mạng máy tính của 3 ngân hàng lớn và 2 đài truyền hình của Hàn Quốc vào tháng 3/2013.

Mặc dù những cuộc tấn công này được phát hiện từ các địa chỉ máy tính ở Trung Quốc, song các chuyên gia vẫn cho rằng có sự dính líu của CHDCND Triều Tiên do việc chính quyền Bình Nhưỡng muốn trả đũa việc Seoul tham gia tập trận chung với Mỹ đồng thời ủng hộ lệnh trừng phạt chống miền Bắc. Phản ứng trước vụ Hãng phim Sony bị tấn công, FBI đưa ra lời cảnh báo: "Việc nhắm mục tiêu vào các mạng máy tính cá nhân và chính quyền vẫn đang là mối đe dọa nghiêm trọng. FBI vẫn tiếp tục xác định, theo dõi và đánh bại các cá nhân cũng như các nhóm người đặt ra mối đe dọa cho không gian mạng". FBI cũng cảnh báo các công ty tư nhân nên thận trọng với loại mã độc hủy diệt của bọn hacker có thể làm cho dữ liệu chứa trong ổ cứng không thể truy cập được và công việc phục hồi ổ cứng sẽ vô cùng khó khăn cũng như tốn tiền. Hiện tại, Sony khuyến cáo đội ngũ nhân viên của mình không sử dụng bất kỳ thiết bị số nào để kết nối với mạng nội bộ.

Hôm 1/12, nhóm hacker tiết lộ họ đã đưa lên trang web Pastebin dữ liệu nội bộ trị giá đến "hàng chục terabyte" của Sony - trong đó bao gồm mật khẩu, số an sinh xã hội, tiền lương và báo cáo của nhân viên hãng phim. Pastebin là mạng được các nhóm hacker như Anonymous sử dụng để đăng tải các chiến tích. Mới đây, một nhà ngoại giao giấu tên ở New York phát biểu với Đài VOA (Voice of Ameriaca) rằng những thông tin cáo buộc CHDCND Triều Tiên liên quan đến cuộc tấn công hệ thống mạng Sony Pictures Entertainment là không đúng sự thật: "Liên kết CHDCND Triều Tiên với cuộc tấn công Sony là chuyện dàn dựng bịa đặt nhằm vào đất nước này. Nước chúng tôi công khai tuyên bố tuân thủ những chuẩn mực quốc tế cấm hành động tấn công mạng và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ".

Diên San (tổng hợp)
.
.